Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cách nào "gỡ khó" cho đấu giá đất?

Thanh Sơn| 13/04/2023 15:09

(HNMO) - Đấu giá quyền sử dụng đất là nguồn thu chính của nhiều địa phương ngoại thành để đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, công tác đấu giá đất tại nhiều huyện của Hà Nội đang gặp khó khăn. Nguyên nhân chính là do thị trường bất động sản “đóng băng” và một số quy định pháp lý chưa thống nhất… Vậy, đâu là giải pháp tháo gỡ khó khăn cho công tác đấu giá đất?

Hạ tầng một khu đấu giá tại huyện Phú Xuyên đã hoàn thành, nhưng chưa có người đấu giá.

Thị trường trầm lắng

Trong quý I-2023, công tác đấu giá quyền sử dụng đất (đấu giá đất) tại nhiều quận, huyện, thị xã của Hà Nội đều trong tình trạng trầm lắng. Điển hình, tại huyện Quốc Oai, theo kế hoạch trong quý I-2023 tổ chức đấu 3 phiên, dự kiến thu 189 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa đấu được phiên nào. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2022, chỉ 4 phiên đấu giá đất thành công, huyện Quốc Oai đã thu về hơn 550 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu thành phố và huyện giao.

Tại xã Phương Đình (huyện Đan Phượng), trong tháng 3-2023 tổ chức đấu giá 20 thửa đất, nhưng chỉ có 1 thửa đấu giá thành công, 19 thửa đất còn lại bị “ế”. Tương tự, tại các xã Chuyên Mỹ, Tri Trung, Phú Túc (huyện Phú Xuyên) tổ chức đấu giá 73 thửa đất, dự kiến thu về 100 tỷ đồng, nhưng chỉ có 9 thửa đất có hồ sơ tham gia đấu giá, với số tiền trúng đấu giá 14,12 tỷ đồng.

Đáng lo hơn, tại Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội, trong giai đoạn 2021-2023, theo kế hoạch có 33 dự án được đưa ra đấu giá, dự kiến thu hơn 2.400 tỷ đồng. Nhưng đến hết quý I-2023, đơn vị này mới tổ chức đấu được 2 dự án, thu gần 600 tỷ đồng, đạt 20% kế hoạch…

Lý giải về thực trạng này, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quốc Oai Nguyễn Trung Thành cho biết, nguyên nhân chính là do nền kinh tế suy thoái, thị trường bất động sản “đóng băng”, các ngân hàng siết chặt cho vay đầu tư vào bất động sản. Ngoài ra, một số chính sách mới, như: Dự án đấu giá phải thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư, các khu đấu giá phải dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, dự án đấu giá phải thu hồi 100% diện tích mới được triển khai… đã ảnh hưởng đến tiến độ đấu giá đất tại các địa phương thời gian qua.

Nhìn nhận dưới góc độ của nhà kinh doanh bất động sản, ông Nguyễn Lương Năm (quận Hà Đông) cho rằng, một số khu đấu giá ở các huyện có giá khởi điểm cao hơn nhiều giá trị thực, đầu tư vào thời điểm này khách hàng sẽ lỗ, nên không mặn mà. Thêm vào đó, mức đặt cọc mỗi lô đất đấu giá tăng từ 5% lên 20%, tương đương 500-900 triệu đồng/lô cũng khiến nhiều nhà đầu tư dè chừng.

Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Trần Thanh Hoài thông tin, khó khăn trong giải phóng mặt bằng đã làm chậm tiến độ thực hiện các dự án đấu giá quyền sử dụng đất. Đặc biệt, vào thời điểm hiện nay, nhiều người dân chờ chính sách mới của Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua để hy vọng được tăng tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng, nên chưa đồng ý với phương án bồi thường hiện tại… “Đây thực sự là áp lực lớn đối với các huyện trong thực hiện chỉ tiêu thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất”, ông Trần Thanh Hoài khẳng định.

Điểm đấu giá X1, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm (huyện Mê Linh) đang chờ khách hàng.

Sớm tháo gỡ khó khăn về quy trình, thủ tục

Để tháo gỡ khó khăn cho công tác đấu giá đất năm 2023, một số địa phương đề xuất thành phố kiến nghị với trung ương xem xét điều chỉnh một số chính sách.

Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quốc Oai Nguyễn Trung Thành cho biết, để hoàn thành 14 phiên đấu giá đất năm 2023 và thu về 325 tỷ đồng, huyện đề xuất thành phố cho địa phương thu hồi đất theo từng giai đoạn để triển khai đấu giá theo từng phần và không áp dụng chính sách dành 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong các khu đấu giá để đồng bộ về cơ sở hạ tầng và tạo sự hấp dẫn các nhà đầu tư.

Còn Trưởng phòng Quản lý phát triển quỹ đất (Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội) Lê Hoàng Phúc Vinh thông tin, UBND thành phố Hà Nội đã báo cáo Chính phủ tháo gỡ khó khăn vướng mắc về sự chồng chéo giữa các quy định của pháp luật trong đấu giá đất. Cụ thể, tại Điểm a, Khoản 1 và Khoản 2, Điều 29 Luật Đầu tư 2020 đưa ra quy định, các dự án đấu giá phải thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư (trước đây không cần). Do đó, các đơn vị, địa phương lại phải lập hồ sơ gửi các sở, ngành để thực hiện công tác chấp thuận chủ trương đầu tư, nên tiến độ đấu giá bị ảnh hưởng nghiêm trọng...

Trong khi đó, huyện Mê Linh, Sóc Sơn, Đan Phượng đề xuất thành phố hỗ trợ vốn vay để thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng khu đất đấu giá…

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành chức năng để kiểm tra, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn về quy trình, thủ tục, hồ sơ đấu giá đất cho các đơn vị, địa phương... Đồng thời, đơn vị sẽ tham mưu thành phố có báo cáo kiến nghị các bộ, ngành điều chỉnh một số chính sách cho phù hợp, như cho phép Hà Nội áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất để xác định giá khởi điểm đấu giá, mà không phải thuê đơn vị tư vấn thực hiện.

Với sự vào cuộc của các sở, ngành, công tác đấu giá đất năm 2023 trên địa bàn Hà Nội nhiều khả năng đạt được chỉ tiêu đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách nào "gỡ khó" cho đấu giá đất?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.