(HNM) - Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở (VHCS) là địa điểm sinh hoạt văn hóa, tinh thần không thể thiếu của nhân dân, là điều kiện cần và đủ trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng nông thôn mới.
Theo quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế VHCS được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2010, cả nước phải có 90% tỉnh, thành phố; 80% quận, huyện, thị xã; 80% xã, phường, thị trấn và 70% thôn, làng, ấp, bản có thiết chế VHCS đạt chuẩn quốc gia. Đội ngũ cán bộ làm việc tại hệ thống thiết chế văn hóa cấp tỉnh có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ đại học trở lên phải đạt 90%; cấp huyện là 70%; cấp xã là 30%... Đối chiếu với mục tiêu này thì hệ thống thiết chế VHCS ở nước ta còn thiếu và yếu về nhiều mặt.
Hệ thống thiết chế VHCS ở các địa phương thiếu về lượng, yếu về chất nên chưa thể phục vụ tốt nhất cho người dân. Ảnh: Phương An
Thống kê của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH,TT&DL) cho thấy, cả nước hiện có 71 thiết chế văn hóa cấp tỉnh, nhưng còn tới 8 tỉnh (Phú Thọ, Điện Biên, Cà Mau, Đồng Tháp…) chỉ có bộ máy hoạt động, không có địa điểm "đóng quân". Không những thế, 32% trung tâm văn hóa cấp tỉnh chưa đạt chuẩn diện tích theo quy định (5.000m2). Đội ngũ cán bộ đang làm việc tại thiết chế văn hóa cấp tỉnh cũng chỉ có 60% số người có trình độ đại học trở lên. Thiết chế văn hóa cấp huyện còn bất cập hơn, với tỷ lệ 60,7% số quận, huyện, thị xã có nhà văn hóa (NVH); 49% đội ngũ cán bộ có trình độ đạt chuẩn. Số xã, phường, thị trấn có NVH mới đạt tỷ lệ 42%, với diện tích trung bình là 200m2 (đạt chuẩn là 1.000m2); số cán bộ đạt chuẩn là 16%... NVH thôn, bản thường được xây dựng với diện tích từ 80 đến 100m2, kết hợp với trạm truyền thanh để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân nhưng đến nay cả nước mới có 43% số thôn, làng có NVH. Cá biệt, tỉnh Kiên Giang chỉ có 4/139 xã, 1/909 thôn, làng có NVH; tỉnh Ninh Thuận chỉ có 1/128 thôn, làng có NVH; tỉnh Bến Tre không có NVH thôn, làng… Đó là chưa kể tới nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất không có thiết chế văn hóa cho công nhân sinh hoạt.
Không chỉ thiếu về số lượng, hoạt động của hệ thống thiết chế VHCS còn rất nhiều bất cập. Trung bình mỗi năm, kinh phí dành cho hoạt động của NVH cấp tỉnh là 500 - 900 triệu đồng, cấp huyện là 200 - 300 triệu đồng (gồm cả lương và chi phí hành chính); kinh phí hoạt động của NVH xã, thôn chủ yếu do nhân dân đóng góp… "Nguồn kinh phí eo hẹp, trình độ, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế, nên hệ thống VHCS hầu như mới chỉ thực hiện được nhiệm vụ là điểm sinh hoạt chính trị, qua đó phổ biến chủ trương, đường lối chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước tới các tầng lớp nhân dân, chứ chưa thường xuyên tổ chức được các hoạt động văn hóa sôi nổi, hấp dẫn nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho họ" - ông Vũ Hồng Bàng, Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh Bắc Giang khẳng định.
Tiêu chí khó đạt xây dựng nông thôn mới
Hệ thống thiết chế VHCS vừa là yếu tố cần thiết để xây dựng và giữ vững danh hiệu làng, xã văn hóa, vừa là một trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), vì thế nó có vai trò đặc biệt quan trọng. Trước thực trạng thiếu quỹ đất, thiếu nguồn vốn, thiếu nhân lực để phát triển hệ thống thiết chế VHCS như hiện nay thì phong trào xây dựng NTM ở nhiều địa phương khó có thể đạt được các tiêu chí đề ra.
Trong cuộc giao ban về thiết chế VHCS mới đây, đại diện tỉnh Hải Dương cho biết, xã Đức Xương, huyện Gia Lộc là một trong những địa phương được tỉnh Hải Dương chọn xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015. Xã có ba thôn: An Vệ, An Cư và Thọ Xương thì cả ba thôn đều vướng tiêu chí sáu (NVH, thể thao xã, thôn)… Cũng ở Hải Dương, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang đã hoàn thiện hương ước, quy ước, quy định việc cưới, việc tang văn minh; phong trào văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển tốt nhưng lại không có kinh phí xây dựng khu trung tâm văn hóa, thể thao xã, trong khi xã đã dành diện tích hơn 34 nghìn mét vuông để xây dựng công trình này. Tương tự, Đạo Tú là một trong ba xã điểm của huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) thực hiện lộ trình xây dựng NTM, nhưng đến nay xã còn 8/12 thôn chưa có NVH. Không quá khó khăn về vấn đề kinh phí, nhưng nhiều địa phương được chọn xây dựng NTM ở Hà Nội lại không tìm đâu cho ra hàng nghìn mét vuông đất để xây dựng các công trình văn hóa, thể thao cơ sở…
Thực tế đã chứng minh, hệ thống thiết chế VHCS là công cụ đắc lực, trực tiếp của cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo quần chúng thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các phong trào, các cuộc vận động lớn. Hơn thế, hệ thống thiết chế VHCS với nội dung sinh hoạt phong phú, thiết thực đã tạo điều kiện cho nhân dân phát huy quyền làm chủ, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc. Thiết nghĩ, các cơ quan hữu quan cần xốc lại hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa này để có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.