(HNM) - Giải quyết việc làm, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp là nội dung
Thiếu kỹ năng khởi nghiệp…
Cùng với 11 điểm cầu trong nước, buổi đối thoại còn có 3 điểm cầu ở nước ngoài, đó là tại Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc. Trong số 400 câu hỏi gửi về đã có tới hơn 30% hỏi về vấn đề việc làm cho thanh niên. Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, việc làm là nhu cầu cơ bản của thanh niên, quyết định mức độ phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia. Mỗi năm cả nước có 1,6 triệu việc làm mới, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn cao. Điều trăn trở nhất là nhiều thanh niên tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa có việc làm. Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, nếu không tận dụng tốt lợi thế này, mắc bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ tụt hậu ngày càng xa.
Thanh niên rất cần được cung cấp thông tin về thị trường lao động để có kế hoạch học tập phù hợp với nhu cầu của xã hội. Ảnh: Khánh Nguyên |
Vấn đề định hướng việc làm cho thanh niên thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ trong và ngoài nước tại cuộc đối thoại. Bạn Nguyễn Chí Công (tỉnh Quảng Nam) cho rằng, hiện nay nhiều thanh niên có khát vọng lớn, dám chấp nhận khó khăn, thử thách, thậm chí thất bại để khởi nghiệp, làm giàu chính đáng. Nhưng thực chất, nhiều người vẫn loay hoay về vốn, phương thức, cách làm… Phan Thanh Kiên (tỉnh Thanh Hóa) cùng nhiều thanh niên đặt câu hỏi: Trung ương Đoàn có định hướng gì giải quyết việc làm cho sinh viên?
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khẳng định, hiện nay, tỷ lệ khởi nghiệp trong tổng dân số của Việt Nam chỉ khoảng 2,4%, trong khi tỷ lệ trung bình thế giới là 12%. Nguyên nhân do tâm lý chung của thanh niên hiện nay là tìm cho mình việc làm nào đó sau khi ra trường nên không có ý định và chuẩn bị tâm lý khởi nghiệp. Theo thống kê của Viện Lao động Khoa học xã hội, hiện có khoảng 15 nghìn sinh viên tốt nghiệp không có việc làm và đây là vấn đề xã hội đang rất quan tâm.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cũng nhấn mạnh, tuy thực trạng thiếu việc làm đang diễn biến phức tạp, nhưng gần đây đã có nhiều thanh niên nông thôn tự tìm cho mình mô hình kinh tế để khởi nghiệp, còn các bạn trẻ ở thành phố cũng mạnh dạn vay vốn thành lập doanh nghiệp. Để tạo "đòn bẩy" cho các bạn trên đường lập thân, lập nghiệp, Trung ương Đoàn kiến nghị Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn vào trung tâm nghiên cứu thị trường lao động. Bộ LĐ-TB&XH, cũng như Bộ GD-ĐT hiện đã có những trung tâm này và hằng quý đều có các cuộc họp báo cung cấp nhiều thông tin về thị trường lao động. Đồng thời, Trung ương Đoàn kiến nghị với Bộ GD-ĐT trong quá trình tuyển sinh cần nghiên cứu thị trường lao động và cung cấp thông tin này tới các trường để các trường có kế hoạch tuyển sinh hợp lý, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động. Như vậy, giải quyết việc làm sẽ được thực hiện tốt hơn.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh cũng nhắn nhủ các bạn trẻ: Sinh viên ra trường rất năng động, có kiến thức, có trí tuệ. Do vậy, các bạn cần mạnh dạn khởi nghiệp và ngay cả khi chưa tìm được việc làm ổn định, cần trau dồi kiến thức về ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, bởi vì thị trường trong và ngoài nước rất rộng mở nhưng rào cản ngôn ngữ đang là khó khăn lớn với nhiều thanh niên.
…và thiếu nguồn vốn để lập nghiệp
Nhiều bạn trẻ trong và ngoài nước cũng đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn trong tìm việc làm, khởi nghiệp bởi thực tế vốn vay từ kênh của Đoàn còn hạn chế, thanh niên muốn vay không dễ và ngay cả khi đi vay từ các nguồn ngân hàng chính sách xã hội cũng vướng nhiều thủ tục rườm rà, khó tiếp cận.
Bạn Nguyễn Chí Cảnh (tỉnh Bắc Kạn) cho biết, thanh niên nông thôn có nhu cầu phát triển kinh tế ổn định đời sống rất cao, nhưng chỉ có một số ít được vay. Các bạn trẻ còn nêu vấn đề: Đoàn hỗ trợ thanh niên vay vốn để khởi nghiệp, lập nghiệp, làm giàu nhưng nguồn vốn của Đoàn không nhiều, nên thanh niên có nhu cầu vốn khởi nghiệp không dễ tiếp cận, phải chăng nguồn vốn đó chỉ dành cho những người hoạt động Đoàn?
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cho biết, Trung ương Đoàn được Chính phủ giao quản lý nguồn vốn là Quỹ Hỗ trợ việc làm khoảng 70 tỷ đồng, nhưng chủ yếu tập trung cho các mô hình kinh tế đã được khẳng định, mức cho vay tối đa là 1 tỷ đồng/dự án, lãi suất ưu đãi khoảng 0,55%/tháng. Ngoài ra, thanh niên khởi nghiệp vẫn phải vay từ nguồn các ngân hàng chính sách. "Qua tiếp xúc cử tri, chúng tôi nhận được nhiều thông tin thủ tục cho vay còn khó khăn, nên nhiều thanh niên chưa mặn mà với hướng khởi nghiệp" - “thủ lĩnh” thanh niên thừa nhận. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đưa ra chủ trương phát triển mạnh mẽ chương trình khởi nghiệp quốc gia. Để gỡ khó cho thanh niên và thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, Trung ương Đoàn đang chuẩn bị đề án về việc làm cho thanh niên trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Thực tế, một trong những nguyên nhân tác động không nhỏ là bởi tâm lý chung của thanh niên và các bậc phụ huynh phần nhiều vẫn suy nghĩ phấn đấu học, sau khi ra trường mới đi xin việc. Rõ ràng, bên cạnh gỡ khó về nguồn vốn, thủ tục vay, tăng cường thông tin để thanh niên tiếp cận vốn… chính lớp trẻ cũng cần thay đổi nhận thức về lập thân, lập nghiệp, không nhất thiết chọn con đường học vấn, tránh tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ", giảm sức ép về tỷ lệ thất nghiệp, tăng cơ hội việc làm cho thanh niên…
Cùng với chủ đề việc làm, khởi nghiệp, cuộc đối thoại trực tuyến còn đề cập đến nhiều vấn đề thiết thực như: Giải pháp phát triển tổ chức Đoàn trong doanh nghiệp ngoài nhà nước; nâng cao chất lượng cuộc sống cho thanh niên công nhân tại các khu công nghiệp; điều kiện tham gia các hoạt động của Đoàn; việc Đoàn khai thác các ứng dụng, tiện ích của mạng xã hội để truyền tải thông tin, định hướng giáo dục cho thanh niên và lợi ích của mạng xã hội phát huy vai trò thanh niên tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc… |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.