(HNMO) - Nhiều sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam như mật ong, thịt gà chế biến, các sản phẩm từ sữa ... đã được xuất khẩu sang một số quốc gia trên thế giới, mang về cho đất nước hơn 1 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu khắt khe về chất lượng của các thị trường nhập khẩu nổi tiếng "kỹ tính" như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản..., thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, rất nhiều "điểm nghẽn" cần được tháo gỡ.
Nhiều tiềm năng, nhiều thách thức
Thời gian gần đây, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm chăn nuôi Việt Nam đến với thị trường quốc tế.
Phó Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết: Sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu của Việt Nam gồm mật ong, các sản phẩm từ mật ong; sữa, các sản phẩm từ sữa; thịt gà chế biến; thịt lợn và trứng... Riêng với mật ong và các sản phẩm từ ong, đã có 44 doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu sang 20 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Ả Rập Xê-út..., trong đó Mỹ là thị trường lớn nhất. Trong 5 tháng đầu năm 2021, nước ta đã xuất khẩu 11.000 tấn mật ong, trị giá hơn 15 triệu USD, vào thị trường các nước.
Cùng với mặt hàng mật ong, thời gian qua, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 7.000 tấn thịt gà chế biến, trị giá 32 triệu USD. Hiện ngành Nông nghiệp đang đàm phán với Bộ Nông nghiệp Nhật Bản về các yêu cầu thú y đối với thịt lợn và sản phẩm thịt lợn của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.
Tuy nhiên, theo Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Xuân Dương, tiêu chuẩn khó nhất đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam là sản phẩm chăn nuôi phải xuất phát từ vùng/cơ sở an toàn dịch bệnh, trong khi số doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu này quá ít. Đến nay, Việt Nam mới có 32 vùng an toàn dịch bệnh (31 vùng cấp huyện và 1 vùng cấp tỉnh), 138 cơ sở an toàn dịch bệnh cấp xã và 1.662 cơ sở an toàn dịch bệnh cấp trang trại.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến thông tin thêm: Thời điểm hiện tại, nhu cầu tiêu dùng của các nước nhập khẩu giảm mạnh, cùng với đó là những khó khăn trong vận chuyển do ảnh hưởng của dịch Covid-19... Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam so với thời gian trước.
Chất lượng - "chìa khóa" tạo sức cạnh tranh
Để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Trọng cho biết, thời gian tới các địa phương đẩy mạnh việc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, hữu cơ, để tạo ra sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Cục Chăn nuôi sẽ phối hợp với các đối tác quốc tế nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu.
Cũng về vấn đề này, theo Phó Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long, Cục sẽ thúc đẩy đàm phán thỏa thuận thú y với các nước để mở rộng thị trường; đồng thời rà soát những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu để kịp thời tháo gỡ. Cùng với đó là tiếp tục rà soát những khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh; ban hành các bộ tiêu chí kỹ thuật cụ thể đối với từng thành phần của chuỗi sản xuất, vùng an toàn dịch bệnh để các đơn vị làm căn cứ kiểm tra, đánh giá và chứng nhận...
Về phía doanh nghiệp, ông Đào Mạnh Lương - Tổng Giám đốc Tập đoàn Mavin đề xuất, các bộ ngành tham mưu Chính phủ có chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành chăn nuôi như: Xây dựng các khu giết mổ hiện đại, nhà máy chế biến ứng dụng công nghệ cao để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu, tem nhãn sản phẩm hàng hóa.
Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước về cơ chế, chính sách liên quan đến công tác quy hoạch, phát triển chăn nuôi theo vùng sản xuất gắn với chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hình ảnh sản phẩm của Việt Nam, từ đó gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Theo Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn Trần Công Thắng, cùng với việc hỗ trợ các hợp tác xã liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong các chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, các tỉnh, thành phố cần đầu tư vào hệ thống phân phối; đồng thời chủ động áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và các tiêu chuẩn hữu cơ để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.