Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ điểm nghẽn cho nông nghiệp Thủ đô

Bạch Thanh| 15/10/2021 19:26

(HNMO) - Thời gian qua, ngay cả trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, một số lĩnh vực tăng trưởng tương đối nhanh. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với nâng cao giá trị, thúc đẩy tăng trưởng trong tình hình mới, nhiều ý kiến đã chỉ ra các điểm nghẽn cần tháo gỡ để nông nghiệp Thủ đô bứt phá.

Nhận diện khó khăn

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), với hơn 50% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, hơn 12% lao động trên địa bàn thành phố đang làm việc ở lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, hiện nay, lao động chất lượng cao ở khu vực nông thôn, nông nghiệp thiếu, đặc biệt thiếu hụt lao động trẻ được đào tạo.

Minh chứng, ông Bùi Hồng Luyến, Bí thư Đảng ủy xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) chia sẻ, mỗi năm, xã có từ 30 đến 50 học sinh đỗ vào các trường đại học chính quy nhưng sau đó đến hơn 90% lực lượng lao động này sau khi tốt nghiệp đều không trở lại địa phương lập nghiệp. Do vậy, làm nông nghiệp hiện nay ở địa phương chủ yếu là người trung tuổi, làm theo kinh nghiệm và qua các lớp tập huấn kỹ thuật ngắn ngày.

Một điểm nghẽn lớn khác, theo bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, chia sẻ, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang phải cạnh tranh gay gắt với các địa phương trong vùng cả về chủng loại sản phẩm và giá cả, trong khi giá thuê đất nông nghiệp tại Hà Nội đắt hơn nhiều lần so với các tỉnh, thành phố trong vùng dẫn tới việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều.

Ông Đỗ Hoàng Thạch, Tổng Giám đốc An Việt Group thẳng thắn: Hiện nay, tính liên kết của chuỗi sản xuất cung ứng nông sản của Hà Nội còn lỏng lẻo. Các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản mới chỉ chiếm chưa tới 10% tổng lượng nông sản cung ứng trên thị trường... dẫn tới thời gian qua, nhiều nông sản đến kỳ thu hoạch bị tồn ứ cục bộ, khó tiêu thụ.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho hay, ngành Nông nghiệp của Hà Nội cũng như cả nước đang phải đối mặt với khủng hoảng lớn và lâu dài, đó là khủng hoảng về dịch bệnh cả trên người, vật nuôi dẫn tới khủng hoảng về thị trường tiêu thụ nông sản.

 Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, ngành Nông nghiệp và các địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, tạo liên kết chuỗi trong sản xuất.

Tháo gỡ kịp thời

Nhìn nhận những điểm nghẽn trên để ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương kịp thời tháo gỡ cũng như có những quyết sách trúng, đúng.

"Do đó, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đối với Hà Nội cần có những chính sách mạnh hơn các địa phương lân cận như: Đầu tư hạ tầng, công nghệ đồng bộ, hỗ trợ đào tạo lao động chất lượng cao, xây dựng thương hiệu sản phẩm... Đồng thời, Hà Nội tăng cường nguồn lực cho việc xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, trở thành mẫu hình điển hình về phát triển chuỗi liên kết của cả nước", bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh thông tin, ngoài chính sách thu hút lao động trẻ chất lượng cao, triển khai chương trình học tập suốt đời có hiệu quả tại các địa phương để giải bài toán nâng cao nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện đã tìm kiếm doanh nghiệp đầu tư xây dựng Trung tâm Nông nghiệp cao nghệ cao.

Theo đó, trung tâm có quy mô gần 30ha với đầy đủ hạng mục như: Khu nhà điều hành, khu nghiên cứu ứng dụng, thực nghiệm và trình diễn mô hình sản xuất nông nghiệp, khu đào tạo chuyển giao công nghệ, khu giới thiệu sản phẩm xúc tiến thương mại với mức đầu tư lên tới 250 tỷ đồng. 

Ngành Nông nghiệp Hà Nội cần chủ động, nắm bắt và kịp thời tham mưu UBND thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; tăng cường sử dụng giống năng suất và chất lượng cao, ứng dụng cơ giới hóa, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững.

"Hà Nội xây dựng nền nông nghiệp sinh thái bền vững thích ứng biến đổi khí hậu; xây dựng kênh phân phối lưu thông nông sản hiện đại, hoạt động tốt, không bị đứt gãy trong mọi điều kiện, hoàn cảnh", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan gợi mở.

Ở góc độ quản lý, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nhấn mạnh, Hà Nội là loại đô thị đặc biệt, song ngành Nông nghiệp vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng. Toàn thành phố có 30 quận, huyện, thị xã nhưng vẫn còn 17 huyện, 1 thị xã và 6 quận còn sản xuất nông nghiệp. Do đó, trong trung hạn cũng như dài hạn, phát triển ngành Nông nghiệp vẫn là ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. 

Ngành Nông nghiệp sẽ thúc đẩy sự gia tăng về số và chất lượng các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp kiểu mới, trên cơ sở liên kết, hợp tác giữa các hộ, trang trại, doanh nghiệp bằng nhiều hình thức, quy mô khác nhau; tạo cơ hội phát triển các loại hình doanh nghiệp nông nghiệp, cụm liên kết sản xuất công, nông nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; tạo điều kiện thuận lợi về quyền sở hữu, quyền sử dụng đất đai để thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và xây dựng chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm không những trên địa bàn Hà Nội mà còn mang tính liên tỉnh, liên vùng; đồng thời, đẩy mạnh xây dựng và phát triển các nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội, tăng cường các sàn giao dịch nông sản trực tuyến...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gỡ điểm nghẽn cho nông nghiệp Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.