Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giúp người dân vượt khó

Thiện Mỹ| 07/09/2021 06:10

(HNM) - An sinh xã hội là một chính sách có ý nghĩa quan trọng để phòng, chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả. Thực tế cho thấy, công tác này đã và đang được Hà Nội triển khai một cách khẩn trương, trách nhiệm, nghĩa tình.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21-7-2021 triển khai thi hành. Đồng thời, ngày 13-8-2021, Thường trực HĐND thành phố cũng ban hành Nghị quyết số 15/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, tính đến ngày 5-9, tổng kinh phí hỗ trợ đã chi trả theo các chính sách này là hơn 864 tỷ đồng; trong đó, kinh phí từ ngân sách là trên 678 tỷ đồng, còn lại là nguồn vận động xã hội hóa. Sự hỗ trợ ý nghĩa này đã giúp nhiều doanh nghiệp, người lao động, người yếu thế vượt qua thiếu thốn, khó khăn, yên tâm tin tưởng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của thành phố.

Trong quá trình thực hiện, để không người dân nào bị đói ăn, đứt bữa, cả hệ thống chính trị thành phố đã tập trung triển khai nhanh chóng, kịp thời. Đặc biệt, dù đang trong thời gian tập trung chống dịch hay trong những ngày nghỉ lễ, các phần hỗ trợ vẫn được trao tận tay người thụ hưởng. Cụ thể, chỉ riêng trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, đã có thêm 60.000 lượt người được hỗ trợ. 

Tuy nhiên, qua công tác giám sát của Thường trực HĐND thành phố cho thấy, không ít nơi vẫn lúng túng, do dự, máy móc trong việc xác định đối tượng nên gây khó khăn, phiền hà không đáng có cho người thụ hưởng. Mặt khác, hiện chính sách hỗ trợ vẫn chưa “chạm” đến hết các đối tượng do nảy sinh những vấn đề mới từ thực tiễn... Vì thế, trong thời gian tới, Thường trực HĐND thành phố sẽ tiếp tục xem xét điều chỉnh, đề xuất để chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn nữa cho các đối tượng cần trợ giúp.

Thời gian qua, việc thực hiện tốt chính sách an sinh đã góp phần tạo nên sự đoàn kết, đồng lòng trong công tác phòng, chống dịch. Để công tác này tiếp tục phát huy giá trị thì quá trình triển khai phải đồng bộ, thống nhất, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và phù hợp với thực tiễn địa phương cùng các quy định về phòng, chống dịch.

Đến thời điểm này, số đối tượng nhận được hỗ trợ đã khá lớn. Tuy vậy, các địa phương không nên chủ quan, mà phải tiếp tục rà soát để không bỏ sót người có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời cần hướng dẫn đối tượng hưởng chính sách hoàn thiện kê khai; nhanh chóng xét duyệt, bảo đảm thuận lợi nhất cho người thụ hưởng... Mặt khác, cần tiếp tục tuyên truyền, vận động, kêu gọi các nguồn lực để thêm kinh phí hỗ trợ người khó khăn vì dịch bệnh sẽ còn tác động tiêu cực, lâu dài...

Do việc thực hiện chính sách phải khẩn trương, trên diện rộng, đối tượng lại nhiều nên khó tránh hết mọi sai sót. Vì vậy, việc giám sát của HĐND các cấp là rất cần thiết, nhằm bảo đảm sự công bằng, khách quan, đúng đối tượng thụ hưởng. Cũng qua giám sát, sớm phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập ở cơ sở, từ đó có kiến nghị, đề xuất bổ sung, sửa đổi chính sách sao cho sự hỗ trợ đến với người dân đúng lúc họ cần và phù hợp với đặc thù từng địa phương.

Bảo đảm an sinh, giúp người dân vượt qua khó khăn lúc này vừa thể hiện tính nhân văn sâu sắc vừa cho thấy tinh thần đồng tâm, hiệp lực để góp phần nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giúp người dân vượt khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.