Kinh tế

Giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế

Hồng Sơn 02/09/2023 - 07:31

Những yếu tố bên ngoài, nhất là bất lợi, khó khăn do sự đình trệ của kinh tế quốc tế đã khiến nền kinh tế nước ta rơi vào suy giảm, trong đó thành phố Hà Nội cũng không là ngoại lệ. Khắc phục những khó khăn do hoạt động sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, xuất khẩu trên địa bàn giảm sút, thành phố đã triển khai các giải pháp cộng hưởng, phát huy nguồn lực, nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng, quyết tâm giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.

kinh-te.jpg
Sản xuất các sản phẩm từ thủy tinh tại Công ty TNHH HOYA Glass Disk Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long). Ảnh: Nhật Nam

Đối diện với những khó khăn, thách thức

Theo thống kê, trong 8 tháng năm 2023, Hà Nội có 21,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 208,8 nghìn tỷ đồng, tăng 7% về số doanh nghiệp nhưng giảm 6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, có 6,3 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 17%. Các số liệu trên cho thấy, tình hình khởi nghiệp chưa có sự cải thiện đáng kể.

Thực tế, sản xuất công nghiệp của Hà Nội - vốn là một trụ cột của tăng trưởng kinh tế, vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng từ sự suy giảm kinh tế toàn cầu. Các mặt hàng công nghiệp chủ lực giảm do thiếu đơn hàng xuất khẩu, sức tiêu thụ tại thị trường trong nước chậm, chi phí đầu vào tăng cao gây áp lực lên sản xuất. Tính chung 8 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2022 và là mức tăng khá thấp.

Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội trong 8 tháng đạt 10,8 tỷ USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,1 tỷ USD giá trị xuất khẩu, giảm 0,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 4,7 tỷ USD, giảm 9,4%.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh, hiện nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất, thậm chí ngừng hoạt động vì thua lỗ. Bên cạnh đó, do nguồn lực của doanh nghiệp bị cạn kiệt dẫn tới việc các doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng.

Tuy nhiên, kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lại khả quan, trở thành điểm sáng của nền kinh tế Thủ đô. Trong 8 tháng năm 2023, Hà Nội thu hút 2,34 tỷ USD vốn FDI, đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước về lĩnh vực này. Thêm vào đó, trong 8 tháng qua, khách du lịch đến Hà Nội đạt hơn 3 triệu lượt người, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm 2022. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội 8 tháng năm 2023 ước thực hiện 282 nghìn tỷ đồng, bằng 79,9% dự toán pháp lệnh năm và tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu nội địa là 264,3 nghìn tỷ đồng, đạt 81,6% và tăng 24,7%.

Vào cuộc đồng bộ, tạo đà tăng trưởng

Hà Nội phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế năm 2023 cao hơn mức tăng chung của cả nước. Để đạt mục tiêu này, trong bối cảnh kết quả hoạt động kinh tế phục hồi chậm, thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, hợp lực từ các bên, từ nhiều yếu tố.

Điển hình là UBND thành phố Hà Nội đã thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn thành phố. Tổ công tác sẽ chỉ đạo kiểm tra, rà soát các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền; chỉ đạo nghiên cứu, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục về đầu tư dự án, triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp...

Liên quan đến sản xuất công nghiệp, thành phố đặt chỉ tiêu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng khoảng 75%. Thành phố giao Sở Công Thương hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp phát huy các thị trường truyền thống và khai mở thị trường mới, kết nối doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh để đẩy mạnh tiêu thụ trên thị trường nội địa; kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài để tìm kiếm đối tác, đơn hàng; hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, xây dựng mô hình nhà máy thông minh, sản xuất xanh. Thành phố cũng yêu cầu các sở, ngành tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng với thời hạn, mức vay và lãi suất hợp lý; rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan tới hoàn thuế giá trị gia tăng, giảm, gia hạn một số loại thuế, phí, tiền thuê đất đã được cấp có thẩm quyền cho phép...

Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát từng phòng, ban, đơn vị nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả xử lý công việc. Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội Đặng Thị Hương cũng cho biết, đơn vị đã, đang triển khai nhiều chương trình tư vấn, đào tạo nhân lực, cung cấp thông tin... cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn.

Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm đề xuất, Hà Nội cần tập trung đầu tư, sớm hoàn thành các công trình trọng điểm; kích cầu tiêu dùng thông qua hoạt động cho vay tiêu dùng, chương trình khuyến mại; tháo gỡ đầu ra cho doanh nghiệp và các hộ kinh doanh để tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các chuyên gia cũng nhận định, nhiều điều kiện thuận lợi mới, nhất là về hạ tầng, sẽ giúp Hà Nội tận dụng cơ hội, thể hiện tốt hơn vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.