Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giữ sức hấp dẫn của điểm đến

Hà An| 07/04/2019 06:32

(HNM) - Phải khẳng định, du lịch với những danh hiệu bình chọn quốc tế gần đây đã đem lại niềm tự hào cho người Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Đặc biệt trong năm 2018, dù thứ bậc, tên gọi, nhà bình chọn có khác biệt, nhưng điểm chung trong các danh hiệu mà Hà Nội đạt được đều nằm gọn trong mấy chữ “điểm đến hấp dẫn”!


Không cần bàn nhiều đến khái niệm cũng như vai trò của “điểm đến hấp dẫn” trong du lịch - một thông điệp không chỉ có ý nghĩa như một “tài sản vô hình quan trọng” mà thực sự là nguồn năng lượng mang lại tài sản hữu hình. Minh chứng rõ nhất là lượng khách năm 2018 tăng 10,4%, trong đó khách du lịch quốc tế tăng mạnh với hơn 21% so với năm trước. Tổng thu tăng theo với mức 14,2% so với năm 2017. Từ 6 triệu lượt khách quốc tế năm 2018, Hà Nội có các điều kiện có thể nâng con số này lên 8 triệu lượt vào năm 2020 mang theo những kỳ vọng lớn lao hơn mà “ngành công nghiệp không khói” sẽ mang lại cho thành phố.

Những yếu tố đem lại kết quả này đã được chỉ rõ như môi trường chính trị, văn hóa xã hội thuận lợi; chính sách quảng bá tốt; những chuyển động thực chất của ngành Du lịch…

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, danh hiệu “điểm đến tốt nhất” không phải là bất biến. Các bảng xếp hạng đặt ra là để thử thách các vị trí. Có nhiều yếu tố tác động đến tính bền vững của danh hiệu này, trong đó phải kể đến vòng đời phát triển du lịch của điểm đến. Làm sao đi qua các giai đoạn có tính quy luật của điểm đến trong du lịch: Phát triển bùng nổ, phát triển, bão hòa để tiến tới phục hồi với năng lực quản lý tốt, tránh quá tải, phát triển thiếu bền vững. Giai đoạn từ bùng nổ đến bão hòa có thể hàng chục năm nhưng cũng có thể rất nhanh do nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan như công nghệ, điều kiện hạ tầng lưu trú, vận chuyển khách…

Du lịch Hà Nội thực sự cần trông đợi vào dư địa để có thể duy trì sức hấp dẫn của mình. Trong đó, có việc tìm và phát triển các sản phẩm tiềm năng mà giới nghề gọi là sản phẩm “ngôi sao”, với sự đầu tư đúng mức, đáng kể. Du lịch làng nghề chẳng hạn, là một dạng sản phẩm tiềm năng. Khảo sát của giới chuyên gia gần đây về phát triển thành phố sáng tạo ở Hà Nội cũng đã chỉ ra điều này. Trong đó, nên chú ý tới sự mở rộng tới các làng nghề vùng ngoại thành hiện còn khá lặng lẽ… Ngoài ra, sự hình thành những khu giải trí tổng hợp phù hợp với quy hoạch thành phố để phục vụ, tạo nguồn thu lớn đối với một phân khúc du khách tiềm năng chi tiêu cao cũng là cần thiết.

Yếu tố khác quyết định vị thế cạnh tranh của điểm đến Hà Nội cũng cần tiếp tục đầu tư là quảng bá có trọng điểm, ví như với kênh truyền hình CNN…

Hà Nội đã làm tốt bước đầu vấn đề thu hút, việc giữ chân du khách phụ thuộc phần lớn vào những doanh nghiệp, những cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động du lịch và cả mỗi người dân. Một khảo cứu mới được công bố gần đây về Đà Lạt cho thấy, mấy chục năm trước thành phố này từng được mở hai đường bay thẳng trong khu vực tới đây để tạo cú đột phá về du lịch. Song chính những lá thư phản hồi của khách nước ngoài về sự thiếu chuyên nghiệp trong các cơ sở lưu trú đã khiến mộng thúc đẩy du lịch quốc tế ở xứ mờ sương này phá sản. Rõ ràng, hoạt động du lịch không có cách nào khác là phải không ngừng tiến tới chuyên nghiệp ở tất cả các khâu, các yếu tố… Trong đó, ngành Du lịch thành phố rất cần tiếp tục tạo ra môi trường du lịch thân thiện, an toàn - một thế mạnh lớn của điểm đến Hà Nội - Thủ đô văn hiến, Thành phố Vì hòa bình.

Có thể nói, từ những bài học, những bước đi và thành công trong thực tế, du lịch Thủ đô nói riêng cũng như du lịch Việt Nam đang đứng trước những cơ hội vàng để giữ sự bền vững cho danh hiệu điểm đến hấp dẫn của mình. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giữ sức hấp dẫn của điểm đến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.