(HNM) - Với bề dày truyền thống, số di tích tại Thủ đô hiện đã xấp xỉ 6.000, chiếm một phần ba số di tích quốc gia của cả nước. Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế “Thủ đô di sản”.
Từ cuối năm 2016, TP Hà Nội đã ban hành Quy chế Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn và triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị những di tích này. Sau một thời gian thực hiện, Quy chế đã góp phần khắc phục những bất cập về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, nhất là về việc sử dụng nguồn công đức, chế độ cho người quản lý, quy trình thẩm định, thiết kế, phê duyệt dự án tu bổ di tích…
Đặc biệt, tổng kinh phí xã hội hóa cho bảo tồn, tôn tạo di tích trên địa bàn thành phố từ năm 2012-2017 ước thực hiện hơn 1.200 tỷ đồng. Song, thực chất công tác xã hội hóa chỉ tập trung vào một số di tích trọng điểm, việc định hướng huy động xã hội hóa chưa được quan tâm triển khai nên còn gặp nhiều khó khăn. Giải pháp trong vấn đề này đã được đề cập tại kế hoạch “Triển khai giải pháp khắc phục hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực theo kết quả kiểm điểm công tác năm 2017 của tập thể Ban Cán sự đảng UBND thành phố và chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội”. Trong đó, đáng chú ý là UBND TP Hà Nội đề nghị các ban, ngành liên quan tập trung tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho việc trùng tu di tích - vấn đề khó nhất hiện nay.
Thực tế cho thấy, trong quá trình trùng tu, tôn tạo di tích, tại các địa phương vẫn xảy ra tình trạng tự ý xây dựng hạng mục phụ trợ, không theo quy hoạch tổng thể, dẫn đến việc các công trình sắp xếp lộn xộn, không theo kiến trúc truyền thống. Bởi vậy, điều đầu tiên cần làm là phải nâng cao ý thức trách nhiệm cho cán bộ, những người tham gia quản lý di tích; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa tới cơ sở và người trực tiếp trông coi di tích.
Để giải bài toán nguồn lực, các địa phương cần đẩy mạnh xã hội hóa bằng việc chủ động tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia; ngăn chặn tình trạng tự ý tu bổ. Việc huy động vốn, triển khai tu bổ, tôn tạo di tích cần thực hiện công khai, minh bạch theo nguyên tắc khoa học với sự giám sát của cộng đồng.
Đặc biệt, cần thống nhất mô hình quản lý đối với các di tích quốc gia đặc biệt do thành phố quản lý. Bởi hiện Hà Nội có 11 di tích nằm trong diện này, nhưng mỗi di tích lại được quản lý bởi một mô hình khác nhau, có di tích trực thuộc UBND thành phố, có di tích giao cho Sở Văn hóa và Thể thao, có di tích quốc gia đặc biệt thuộc thẩm quyền quản lý của cấp xã (trường hợp tu bổ đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đợt năm 2017 bộc lộ sai phạm là điển hình), dẫn đến công tác điều hành chung trong nhiều trường hợp còn khó khăn.
Ngoài ra, do số lượng di tích xuống cấp rất lớn, từng di tích cụ thể lại mang giá trị khác nhau, do vậy việc xây dựng thành các nhóm ưu tiên cho hoạt động tu bổ cũng là cần thiết.
Mỗi di sản của Hà Nội đòi hỏi một cách làm uyển chuyển và sáng tạo, không có một giải pháp nào có thể áp dụng được cho tất cả các địa danh, tất cả các di sản. Mục tiêu chung nhất của việc bảo tồn di sản là làm sao giữ được giá trị của di sản, giá trị tinh thần và đưa giá trị đó thành giá trị vật chất, phục vụ cuộc sống hiện đại. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, bảo tồn di sản là nguồn đầu tư tốt nhất cho tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.