(HNM) - Năm 2020, trong khi phim chiếu rạp trầm lắng và sụt giảm doanh thu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thì ngược lại, phim truyền hình lại khởi sắc, mang đến những cảm xúc mới, đẹp cho người xem. Nhiều bộ phim đi vào lòng người một cách tự nhiên, thân thuộc, khiến phim chiếu trên “giờ vàng” của sóng truyền hình được đông đảo khán giả háo hức chờ mong.
Để lại ấn tượng sâu đậm trong thời gian qua phải kể đến những phim như “Về nhà đi con”, “Những ngày không quên”, “Nhà trọ Balanha”, “Sinh tử”... Dù phần lớn vẫn là dàn diễn viên quen thuộc, nội dung xoay quanh cuộc sống thường ngày, nhưng các bộ phim đều đáp ứng được nhu cầu khán giả, tạo được hiệu ứng tốt và có tác dụng truyền thông lan tỏa lớn. Tiếp nối mạch phim này, ngay trong những ngày đầu năm 2021, bộ phim “Yêu hơn cả bầu trời” cũng chiếm được cảm tình của khán giả bởi sự chỉn chu trong mỗi thước phim và đề tài mới lạ... Cũng trong dòng chảy này, nhiều nhà sản xuất đã và đang bắt tay vào những dự án mới để cho lên sóng những bộ phim dự báo là sẽ tiếp tục “ăn khách”, chiếm được sóng của nhiều kênh truyền hình trong năm 2021.
Phim truyền hình “lên ngôi” trong thời gian qua ngoài lý do dịch Covid-19 khiến nhiều loại hình giải trí bị hạn chế, thì còn phải kể đến yếu tố căn bản là các tác phẩm được nâng chất lượng về mọi mặt. Trong đó, ngoài sự đa dạng về thể tài, các tình tiết của phim đã thực sự bám sát và đi sâu vào đời sống, giúp người xem thấy bóng dáng mình trong đó, như chiếc gương phản chiếu chuyện thường ngày ở mọi ngõ ngách cuộc sống... Vì thế, phim ngày càng có sức cuốn hút, hấp dẫn khán giả.
Trong điều kiện dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, phim truyền hình là kênh giải trí an toàn, hiệu quả. Do đó, đây sẽ là dư địa để các nhà đài, nhà sản xuất khai thác, khẳng định thương hiệu của dòng phim này, qua đó giữ đà khởi sắc và tìm hướng phát triển lâu dài.
Có thể nói, một trong những điều quan trọng nhất để phim truyền hình cuốn hút khán giả chính là nội dung, kịch bản. Vì thế, khâu quyết định là phải luôn luôn đề cao tính sáng tạo, tránh đi vào lối mòn. Nói cách khác, phải có kịch bản hay, hấp dẫn, đề tài là những vấn đề thời sự, mang hơi thở cuộc sống. Bởi chỉ có sự gần gũi, giản dị và phản ánh chân thực đời thường mới chạm được đến trái tim khán giả, có được sự đồng cảm của người xem. Kịch bản phải tạo tình huống để khán giả “sống”, “tư duy” cùng diễn biến phim; nhà biên kịch phải nói trúng những điều khán giả đang cần xem, đang muốn nói thì tác phẩm mới được người xem ngóng chờ.
Với sự bùng nổ của các loại hình giải trí, sự tương tác không biên giới như hiện nay, người xem có nhiều điều kiện tiếp cận với công nghệ điện ảnh hiện đại trên thế giới. Do đó, đồng thời với việc xây dựng kịch bản hay, phim truyền hình cần được đầu tư tương xứng về công nghệ cùng những cảnh quay công phu, đặc sắc. Đặc biệt, đội ngũ diễn viên cần bổ sung nhiều gương mặt mới và phải thật sự tâm huyết, chuyên nghiệp, hóa thân vào nhân vật...
Để tiếp tục có những bộ phim chất lượng cao, điều cần lưu ý trước mắt với các đoàn làm phim là luôn đặt yếu tố an toàn trước dịch Covid-19 khi ghi hình. Về lâu dài, cần không ngừng đổi mới, tiếp cận công nghệ sản xuất phim truyền hình hiện đại, để bộ phim lắng đọng, mang đến những thông điệp đánh thức, nuôi dưỡng cảm xúc người xem. Điều này đòi hỏi cả ê kíp sản xuất phim phải làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp, đặt khán giả vào vị trí trung tâm. Khi đó, phim truyền hình sẽ tiếp tục giữ đà khởi sắc trong mọi thời điểm chứ không chỉ trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.