(HNM) - Ngày 10-12, trước cổng Trường Trung học cơ sở Ngô Gia Tự, phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, một xe ô tô đi với tốc độ cao đã đâm hàng loạt xe máy, khiến 4 người bị thương. Cơ quan công an xác định lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn ở mức rất cao. Không riêng trường hợp này, những ngày qua, Công an thành phố Hà Nội liên tiếp phát hiện, xử lý nhiều trường hợp điều khiển phương tiện có nồng độ cồn cao gấp nhiều lần mức vi phạm tối đa quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Còn theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), chỉ tính trong 2 tuần cuối tháng 11-2022, trên toàn quốc, lực lượng Cảnh sát giao thông đã phát hiện, xử lý gần 20.000 lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn. Trung bình mỗi ngày, có hơn 1.400 lái xe bị xử lý, gấp 2,3 lần so với thời gian trước khi triển khai đợt cao điểm ra quân bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Thực tế, tỷ lệ người sử dụng rượu, bia ở Việt Nam khá cao. Đi cùng với đó là nguy cơ gia tăng tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia. Theo thống kê, khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết do tai nạn có liên quan đến rượu, bia. Trong số các nạn nhân nhập viện vì tai nạn giao thông, 36% người lái xe máy, 67% người lái ô tô có nồng độ cồn trong máu. Nghiên cứu cũng chỉ ra, so với lái xe không uống rượu, bia, lái xe có nồng độ cồn trong máu ở mức 0,8mg/ml có rủi ro cao hơn 2,7 lần. Khi nồng độ cồn ở mức 1,5mg/ml, nguy cơ va chạm cao hơn 22 lần, nguy cơ thiệt mạng tăng lên 200 lần. Trong khi đó, 90% thực khách ở Việt Nam vẫn lái xe từ quán bia, rượu về nhà.
Khi thái độ và nhận thức về tác hại của sử dụng rượu, bia khi lái xe chưa đầy đủ thì việc thực thi nghiêm các quy định, trong đó áp dụng kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện, bất kể ô tô hay xe máy, là giải pháp có hiệu quả rất cao, giúp giảm các vụ tai nạn giao thông. Việc triển khai đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, trong đó có kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn với những kết quả bước đầu là minh chứng rõ nhất.
Tuy nhiên, dư luận mong rằng không chỉ trong các đợt cao điểm, việc kiểm tra, xử lý vi phạm này phải được thực hiện thường xuyên. Không chỉ tổ chức chốt cố định, lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, xử lý lưu động tại khu vực có nhiều quán nhậu - nơi dễ phát sinh vi phạm. Cần quy định bắt buộc về kiểm tra ngẫu nhiên nồng độ cồn đối với người lái, bổ sung hình thức xử phạt như buộc học, thi lại bằng lái xe, lao động công ích, thậm chí truy tố hình sự với mức độ vi phạm nghiêm trọng kể cả khi chưa gây hậu quả.
Để nâng cao ý thức “đã sử dụng rượu, bia thì không lái xe”, việc tuyên truyền cũng phải được thực thi sâu rộng, hiệu quả hơn, bằng nhiều hình thức, từ pa nô, khẩu hiệu, in phát tờ rơi đến hệ thống phát thanh cơ sở, thông qua hệ thống thông tin đại chúng. Những vụ việc vi phạm nghiêm trọng phải được xử lý nghiêm khắc và thông tin rộng rãi để cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa vi phạm khác.
Đối với người điều khiển phương tiện, sau khi uống rượu, bia không nên tự lái xe. Làm như vậy là vừa bảo đảm an toàn cho chính mình, vừa bảo đảm an toàn cho xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.