(HNMO) - Bắt đầu từ 9h00 sáng nay (22/9), các chuyên gia của Bộ Khoa học và Công nghệ cùng lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội sẽ giao lưu trực tuyến, trả lời độc giả các vấn đề liên quan đến Chợ Công nghệ và thiết bị Quốc tế Việt Nam 2015 (Techmart Quốc tế Việt Nam 2015) sẽ diễn ra từ ngày 1-4/10/2015 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế (Hà Nội).
11:25 22/09/2015
Sau hơn 2 giờ giao lưu, các chuyên gia đã trả lời được gần 50 trên tổng số hơn 90 câu hỏi từ bạn đọc gửi về. Những câu hỏi chưa được giải đáp, chúng tôi sẽ tổng hợp lại và đăng tải trong các thông tin tiếp theo.Bà Mai Thị Kim Thoa, Phó TBT Báo Hànộimới phát biểu kết thúc giao lưu. |
11:25 22/09/2015
Qua các lần tham gia tổ chức trước đây, ông có nhận xét gì về kết quả của các DN đã đạt được khi tham gia Techmart, thưa ông?11:16 22/09/2015
Được biết, Sở KH&CN Hà Nội cũng đã tham gia, phối hợp tổ chức nhiều kỳ Techmart, xin ông cho biết những hoạt động của Sở sau kết thúc mỗi kỳ Techmart?
Ông Đinh Văn Hưng: Bên cạnh việc tổ chức họp bàn rút kinh nghiệm để tổ chức các kỳ Techmart sau được tốt, hiệu quả hơn, Sở KHCN thương tập trung vào một số hoạt động sau:
Một là, phối hợp vơi Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia duy trì Techmart Online để phục vụ nhu cầu của các tổ chức, cá nhân chưa có điều kiện đến chợ hoặc tìm hiểu về thiết bị, công nghệ, nhà cung cấp khi có nhu cầu.
Hai là, tổng hợp và theo dõi kết quả triển khai các biên bản ghi nhớ, các hợp đồng đã được ký kết tại Techmart; kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp các bên thuận lợi, nhanh chóng trong việc thực hiện hợp đồng.
Ba là, hỗ trợ doanh nghiệp lập hồ sơ để được hưởng các chính sách ưu đãi sau khi thực hiện đổi mới công nghệ.
11:14 22/09/2015
Việt Nam đang trong quá trình phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay, bản thân các doanh nghiệp cần có những giải pháp cụ thể nào để “đón” xu thế hội nhập đó. Vậy ông có chia sẻ, mong muốn gì qua Techmart Quốc tế 2015?
Ông Nguyễn Bình Phương: Việc hội nhập sâu rộng là thách thức vô cùng to lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khoa học công nghệ. Hiện nay, trình độ khoa học công nghệ của Việt Nam so với thế giới còn khá khiêm tốn. Nếu doanh nghiệp không sẵn sàng đổi mới và thay đổi để phù hợp với xu thế, việc tụt hậu và “bị loại khỏi cuộc chơi” là điều không thể tránh khỏi. Nhưng nếu biết tận dụng cơ hội, doanh nghiệp sẽ vươn lên nhanh chóng và có những bước đột phá phát triển.
Qua Techmart Quốc tế 2015, tôi mong muốn cơ hội phát triển công nghệ, nghiên cứu và sáng chế, cũng như trình độ khoa học kỹ thuật mới sẽ được lan tỏa tới các doanh nghiệp. Qua đó, doanh nghiệp có thể ứng dụng và phát huy đúng tiềm năng của những công nghệ này.
Đây cũng là dịp để cá nhân, doanh nghiệp, các nhà khoa học gặp gỡ, giới thiệu và trình bày những nghiên cứu tiềm ẩn của mình mà trước đây họ chưa ứng dụng hoặc ứng dụng còn hạn chế, để những sản phẩm này được đưa ra và khai thác hiệu quả hơn.
Các nhà quản lý cũng đóng vai trò rất quan trọng. Họ là người tổ chức toàn bộ hoạt động công nghệ, và có được chính sách xuyên suốt trong toàn bộ quá trình. Họ chính là những người giúp đỡ và thúc đẩy sự phát triển của nền công nghệ quốc gia.
Tôi mong muốn Techmart sẽ trở thành một sự kiện có ý nghĩa ngày càng lớn được toàn xã hội mong đợi.
11:05 22/09/2015
Việc doanh nghiệp tham gia thị trường KH&CN hiện là một trong những nội dung quan trọng nhằm phát triển thị trường công nghệ. Bộ có kế hoạch gì để giúp đỡ các doanh nghiệp, thưa ông?
Ông Lê Xuân Định, Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học-Công nghệ Quốc gia:
Hiện nay, các doanh nghiệp được truy cập tìm kiếm công nghệ hoặc đưa nhu cầu công nghệ trực tuyến miễn phí tại website www.techmartvietnam.vn của Cục Thông tin KH&CN Quốc gia. Bản thân các doanh nghiệp có sản phẩm công nghệ nội sinh lần này cũng được miễn phí gian hàng khi tham dự Techmart 2015.
Gần đây, Bộ KH&CN đã thành lập một đơn vị chuyên trách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia phát triển thị trường KH&CN, đó là Cục Thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Triển khai Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 2075/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013, theo tôi được biết, trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung hoàn thiện môi trường pháp lý cho doanh nghiệp tham gia giao dịch công nghệ như hoàn thiện quy phạm pháp luật về SHTT, đánh giá, định giá tài sản trí tuệ, cơ chế chuyển nhượng, góp vốn bằng sở hữu trí tuệ; thúc đẩy hoạt động dịch vụ thị trường KH&CN, đổi mới quy trình, thủ tục đăng ký và thành lập của các tổ chức dịch vụ KH&CN.
Đồng thời, Bộ sẽ đầu tư xây dựng các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng với hệ thống dịch vụ KH&CN, tổ chức trung gian đồng bộ đi kèm; hỗ trợ thành lập công ty đánh giá, định giá công nghệ, chuyển giao công nghệ; hình thành một số tổ chức công ích tư vấn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bộ cũng sẽ tập trung triển khai chương trình cấp chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có sản phẩm ứng dụng công nghệ cao. Với các chứng nhận này, doanh nghiệp sẽ nhận được hàng loạt các ưu đãi về thuế, được hỗ trợ phát triển, ứng dụng KH&CN.
10:58 22/09/2015
Một độc giả gửi câu hỏi cho bà Vũ Thị Thu Hà: Là đại diện nhà khoa học, PGS. TS Vũ Thị Thu Hà có thể chia sẻ kinh nghiệm trong lựa chọn đối tác để chuyển giao công nghệ thành công?10:57 22/09/2015
Theo ông, làm thế nào để khai thác hiệu quả những lợi ích mà mô hình Techmart đem lại?
Ông Đinh Văn Hưng: Có thể nói, các kỳ Techmart đều đem lại những hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy mạnh việc tạo lập và phát triển thị trường công nghệ, tăng cường gắn kết giữa nghiên cứu, đào tạo với sản xuất - kinh doanh, xúc tiến thương mại hóa sản phẩm KHCN, hỗ trợ đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động và chất lượng hàng hóa, dịch vụ, tôn vinh năng lực và sức sáng tạo của đội ngũ KHCN đất nước.
Để nâng cao hiệu quả của Techmart, theo tôi có nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào một số giải pháp sau:
Thứ nhất, bên cạnh việc định kỳ tổ chức các Techmart, cần đẩy nhanh việc xây dựng, hình thành các sàn giao dịch công nghệ thường xuyên. Hiện nay, TP Hà Nội đã đầu tư xây dựng dự án trung tâm giao dịch công nghệ thường xuyên tại quận Tây Hồ với tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng.
Thứ hai, cơ quan quản lý cần tiếp tục có những chính sách hỗ trợ cho các hoạt động của Techmart, trong đó chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp.
Thứ ba, các đơn vị chủ trì tổ chức cần đẩy mạnh việc khảo sát, tìm hiểu thông tin về nhu cầu và năng lực của các bên. Qua đó, khớp nối để bên cung và bên cầu gặp nhau nhanh và hiệu quả nhất.
10:50 22/09/2015
Viện Hoá học Công nghiệp Việt Nam, nơi bà công tác đã có những chuẩn bị gì để đối mặt với các thách thức khi Việt Nam mở cửa hội nhập kinh tế trong thời gian sắp tới, đặc biệt là khi nước ta trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) ?
Bà Vũ Thị Thu Hà:
Chúng tôi sẽ phát triển đồng thời cả 2 hướng:
Một là, nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng mà sản phẩm là các công trình công bố trên các tạp chí chuyên ngành uy tín trên thế giới nhằm nâng cao năng lực, vị thế của nhà khoa học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Hai là, nghiên cứu ứng dụng hướng tới công nghệ phục vụ sự phát triển bền vững, các công nghệ mà ở đó hàm lượng chất xám chiếm tỷ trọng lớn và các công nghệ có bản quyền.
10:49 22/09/2015
Trong quá trình tham gia, doanh nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ giúp đỡ nào từ phía các cơ quan chức năng, ban tổ chức cũng như những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Bình Phương: Chúng tôi là doanh nghiệp khoa học công nghệ, nên việc tham gia Techmart luôn được ưu tiên. Công ty được tạo điều kiện thuận lợi trong việc đăng ký gian hàng, khách mời, và nhận được sự tư vấn các thủ tục cần thiết cho việc quảng bá thương hiệu. Ban tổ chức cũng giúp đỡ chúng tôi rất nhiệt tình trong việc định hướng tìm khách hàng.
Điều đó giúp chúng tôi không gặp phải khó khăn vướng mắc nào trong quá trình tham gia. Bản thân tôi đánh giá đây chính là cơ hội lớn của tất cả các doanh nghiệp.
10:46 22/09/2015
Xin ông cho biết những hoạt động sau các kỳ Techmart của Ban tổ chức, đặc biệt là các bên đã giao dịch thành công. Ban Tổ chức Techmart có kế hoạch theo dõi, giám sát các bên đã ký kết hợp đồng triển khai thế nào, thưa ông?
Ông Lê Xuân Định, Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học-Công nghệ Quốc gia:
Để những cam kết, hợp đồng đã ký kết tại Techmart đi vào cuộc sống, vẫn còn một khoảng cách. Đấy là các vấn đề mà chúng tôi gọi là “hậu” Techmart, là lúc để các tổ chức trung gian trong thị trường KH&CN tiếp tục hỗ trợ cho cả bên cung và bên cầu đến với nhu cầu, năng lực thực sự của mình.
Với cách tiếp cận như vậy, Ban tổ chức sẽ tiếp tục theo dõi để hỗ trợ tất cả các hợp đồng được ký kết và các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc triển khai các hợp đồng đã được ký kết. Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục tiến hành các điều tra, khảo sát hậu Techmart, chúng tôi sẽ phối hợp cụ thể với các Bộ, ngành và địa phương, đặc biệt quan tâm hỗ trợ các hợp đồng được ký kết ở các kỳ Techmart.
Hiện nay, Bộ KH&CN đang triển khai chương trình cấp chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có sản phẩm ứng dụng công nghệ cao. Với các công nghệ, thiết bị được chuyển giao tại Techmart, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội nâng cao năng lực, đáp ứng các tiêu chuẩn để đạt được các chứng nhận trên. Với các chứng nhận này, doanh nghiệp sẽ nhận được hàng loạt các ưu đãi về thuế, được hỗ trợ phát triển, ứng dụng KH&CN.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.