Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giao lưu trực tuyến ''Lan tỏa nhiệt huyết vì cộng đồng''

Nhóm PV HNMO| 14/10/2022 13:54

(HNMO) - 14h ngày 14-10, thiết thực kỷ niệm 30 năm phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” của Thủ đô (1992-2022), Báo Hànộimới phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến “Lan tỏa nhiệt huyết vì cộng đồng”. Đây là diễn đàn để những gương người tốt, việc tốt giao lưu, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, từ đó lan tỏa rộng rãi đến cộng đồng xã hội những giá trị sống tích cực, nhân văn.

15:55 14/10/2022

Những gương người tốt, việc tốt luôn nhận được sự quan tâm, trân trọng rất lớn của cộng đồng

Sau gần 2 tiếng đồng hồ, chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Lan tỏa nhiệt huyết vì cộng đồng” đã thu hút nhiều ý kiến hỏi, đáp, chia sẻ từ các khách mời và hàng chục nghìn lượt truy cập vào website của Báo Hànộimới điện tử theo dõi. Điều đó đã phần nào cho thấy, những tấm gương người tốt, việc tốt luôn nhận được sự quan tâm, trân trọng rất lớn của cộng đồng.

Ban tổ chức trao hoa tặng các gương điển hình "Người tốt, việc tốt" tham gia giao lưu.

Phát biểu bế mạc cuộc giao lưu, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Hànộimới Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh: Tại buổi giao lưu hôm nay, thông qua hệ thống trực tuyến Báo Hànộimới điện tử, Ban tổ chức đã nhận được hàng chục câu hỏi của bạn đọc gửi về. Tuy nhiên, vì thời gian có hạn, chúng tôi chưa thể giải đáp được hết các câu hỏi ngay trong ngày hôm nay. Báo Hànộimới sẽ tiếp tục nhận và chuyển các câu hỏi đến các khách mời để trả lời bạn đọc.

Trong khuôn khổ chương trình giao lưu, các khách mời đã đưa ra nhiều chia sẻ thiết thực, nhiều giải pháp hay để cuộc sống ngày càng tiến bộ, văn minh. Chương trình còn có sự góp mặt của hàng chục cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội. Các cơ quan này sẽ cùng Báo Hànộimới tuyên truyền về ý nghĩa của những việc làm tốt đẹp để việc tốt tiếp tục sinh ra việc tốt, cái xấu bị đẩy lùi, từ đó làm nền tảng xây dựng một đất nước Việt Nam giàu đẹp, văn minh đúng như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Nhân dịp này, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Hànộimới Nguyễn Thành Lợi đã gửi lời cảm ơn các đồng chí lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành của thành phố, đặc biệt là lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội và 5 khách mời đã có mặt tham dự buổi giao lưu và trả lời các câu hỏi trực tuyến của bạn đọc. Tin rằng, qua những chia sẻ tại buổi giao lưu, các hành động tốt sẽ ngày càng lan tỏa, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng đẹp hơn, phát triển hơn.

15:40 14/10/2022

Lan tỏa các phong trào, hành động đẹp, có ý nghĩa cho cộng đồng

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Báo Hànộimới là tuyên truyền về các tấm gương người tốt, việc tốt ở Thủ đô. Tại cuộc giao lưu, ông Đỗ Thế Dũng, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Xây dựng Đảng - Nội chính, Báo Hànộimới đã thông tin tới các khách mời và độc giả về kế hoạch tuyên truyền về các gương điển hình tiên tiến của Báo Hànộimới trong năm 2023.

Ông Đỗ Thế Dũng, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Xây dựng Đảng - Nội chính, Báo Hànộimới.

Ông Đỗ Thế Dũng: Tuyên truyền về các tấm gương người tốt, việc tốt ở Thủ đô là nhiệm vụ xuyên suốt được cả 4 ấn phẩm của Báo Hànộimới đẩy mạnh thực hiện trong nhiều năm gần đây. Từ những bài viết có tính phát hiện của Báo, nhiều tập thể, cá nhân đã được UBND thành phố Hà Nội và các cấp, ngành khen thưởng, động viên. Hiện chúng tôi đang duy trì tốt 2 chuyên mục “Vì Thủ đô giàu đẹp văn minh”, “Phóng sự” trên Báo Hànộimới hằng ngày, trong đó tập trung phản ánh về các tấm gương người tốt, việc tốt ở cơ sở, địa phương. Hai chuyên mục này huy động tất cả các ban chuyên môn cùng tham gia thực hiện.

Trong năm 2023, Báo Hànộimới, Ban Xây dựng Đảng - Nội chính sẽ tham mưu giúp Đảng ủy, Ban Biên tập xây dựng kế hoạch, tiếp tục thông tin kịp thời các chủ trương, chính sách, các sự kiện nổi bật về công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Phản ánh các phong trào thi đua yêu nước, việc thực hiện chính sách về thi đua, khen thưởng; trong đó chú trọng đến việc đổi mới công tác thi đua, khen thưởng ở cấp quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn và các đơn vị trực thuộc ngành trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Báo cũng tập trung tuyên truyền các nội dung liên quan đến việc các đơn vị, cá nhân tích cực thực hiện hiệu quả việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.

- Tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong công tác phòng, chống dịch bệnh, cải cách hành chính, dân vận chính quyền; đồng thời giới thiệu các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong các phong trào thi đua, các cá nhân có hành động đẹp, có sáng kiến, sáng tạo mang lại hiệu quả thực tiễn, có ý nghĩa cho cộng đồng.

- Đưa tin, bài, ảnh phản ánh hoạt động khen thưởng của các cấp, các ngành.

- Đưa tin, bài phản ánh kết quả thi đua chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023) và các ngày lễ lớn của đất nước.

Cùng với đó là duy trì tốt 2 chuyên mục “Vì Thủ đô giàu đẹp văn minh”, “Phóng sự” trên Báo Hànộimới hằng ngày.

Chúng tôi rất mong nhận được sự cộng tác của bạn đọc để có thể phát hiện những điển hình người tốt, việc tốt ở cơ sở, từ đó có thể giới thiệu tới Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố trình các cấp có hình thức vinh danh xứng đáng.

15:38 14/10/2022

Gắn phong trào Người tốt, việc tốt với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Khi nói về Hà Nội với những đặc trưng riêng có của Thủ đô ngàn năm văn hiến, mọi người hay nhắc tới sự văn minh, thanh lịch của Thủ đô và phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” chỉ duy nhất có tại Thủ đô Hà Nội. Theo Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng thành phố Nguyễn Công Bằng, những nhân vật tham gia buổi giao lưu hôm nay cũng là những gương tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội trong việc thực hiện phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp. 

Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng thành phố Nguyễn Công Bằng phát biểu tại buổi giao lưu.

Về phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”, sau 30 năm triển khai, đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô đón nhận và hưởng ứng. Qua đó, đã phát huy những giá trị văn hóa của Thủ đô. Ông Nguyễn Công Bằng tin tưởng, phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” không chỉ dừng lại ở việc mà các khách mời tham gia giao lưu đã làm, đã thực hiện, mà những nhiệt huyết này sẽ còn tiếp tục được lan tỏa tới cộng đồng. Đây cũng là mục tiêu mà phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” mong muốn lan tỏa tới cộng đồng. 

Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng thành phố Nguyễn Công Bằng cho biết, sau khi tổng kết 30 năm thực hiện phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”, Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố sẽ tiếp tục tham mưu thành phố để phong trào trở thành một biểu trưng độc đáo của Hà Nội, gắn liền với việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Qua những tấm gương, bài viết về “Người tốt, việc tốt” của Thủ đô sẽ tạo sự lan tỏa sâu rộng, giúp mỗi cá nhân, tổ chức phát huy được tình cảm, trách nhiệm của mình đối với Thủ đô. Đồng thời, với tinh thần “lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu”, mỗi tấm gương “Người tốt, việc tốt” sẽ gửi đi những thông điệp để lôi cuốn nhiều người cùng tham gia làm việc tốt, từ đó nhân rộng thêm những điển hình, những tấm gương người tốt, việc tốt trên nhiều lĩnh vực. 

Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước cũng sẽ có trách nhiệm tôn vinh nhằm bảo vệ và phát huy thêm những gương người tốt, việc tốt, từ đó xây dựng Thủ đô ta ngày càng đẹp hơn, văn minh.

15:31 14/10/2022

Niềm đam mê của tôi chính là làm thiện nguyện

Bạn đọc Nguyễn Văn Thân (huyện Thường Tín) hỏi: Tôi rất cảm phục chàng trai trẻ Ngô Đức Thìn; đúng là tuổi trẻ đất Danh hương vừa có tài, lại vừa có tấm lòng nhân ái tuyệt vời. Anh có thể chia sẻ ý tưởng thành lập Câu lạc bộ Tình nguyện xanh Thường Tín xuất phát từ đâu, có ý nghĩa gì với cộng đồng hiện nay? “Vạn sự khởi đầu nan”, những khó khăn của câu lạc bộ trong những ngày đầu hoạt động là gì?

Anh Ngô Đức Thìn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tình nguyện xanh Thường Tín.

Anh Ngô Đức Thìn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tình nguyện xanh Thường Tín: Cơ duyên thành lập Câu lạc bộ này xuất phát từ năm lớp 10 khi nhận thấy trong lớp có nhiều bạn có hoàn cảnh khó khăn, có bạn mồ côi cả cha, lẫn mẹ; đã thôi thúc tôi phải làm gì đó để giúp đỡ các bạn bớt khó khăn. Xuất phát từ suy nghĩ ấy, tôi đã kêu gọi các bạn trong lớp bớt 1 suất ăn sáng để ủng hộ các bạn. Sang năm lớp 11, tôi chia sẻ việc này với các bạn trong nhóm chơi, từ đó nhen nhóm ý tưởng thành lập một nhóm tình nguyện trong trường để lan toả những việc tốt, giúp đỡ được nhiều người hơn, cả ở bên ngoài trường mình.

Ngày 1-7-2017, tôi và các bạn đã thành lập Câu lạc bộ tình nguyện xanh Thường Tín. Khi bắt đầu thành lập câu lạc bộ, bản thân tôi mới là học sinh lớp 11, còn rất trẻ, nhiều bỡ ngỡ, không có kinh nghiệm. Nhưng nhờ sự hỗ trợ của bạn bè, người thân, bản thân vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, nên mới có kết quả như ngày nay.

Bạn đọc Đỗ Huy Viên (quận Long Biên) hỏi: Anh đã cùng Câu lạc bộ của mình thực hiện các diễn đàn “Thanh niên làm theo lời Bác”, “Thanh niên sống đẹp, sống có ích”... Anh có thể chia sẻ quan điểm, suy nghĩ của mình trong mối quan hệ giữa bản thân, gia đình và hoạt động thiện nguyện của mình?

Anh Ngô Đức Thìn: Quan điểm của tôi rất đơn giản, trước khi làm tốt công việc thiện nguyện cho xã hội thì bản thân mình, gia đình mình phải tốt trước đã. Do đó, khi bắt đầu với Câu lạc bộ, thì bản thân tôi luôn cố gắng, nỗ lực để trở thành người học trò tốt, người con ngoan, biết yêu thương bố mẹ, anh chị em trong gia đình mình.

Bạn đọc Ngô Thụy Miên (quận Hà Đông) hỏi: Trong khi rất nhiều bạn trẻ cùng độ tuổi bị sa lầy vào những thú vui không lành mạnh, xuất phát từ đâu, anh lại có những việc làm ý nghĩa như trên? Anh có thể chia sẻ về niềm đam mê của mình?

Anh Ngô Đức Thìn: Bản thân tôi từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã có nhận thức rất rõ về những mặt trái của xã hội; luôn có sự cảnh giác, đề phòng và tránh xa những tệ nạn này. Hoạt động thiện nguyện chính là niềm đam mê của tôi. Ngoài ra, khi ở nhà, niềm vui của tôi là làm việc nhà, chăm sóc cây cối, chăm sóc gia đình...

15:29 14/10/2022

Nhiều việc đã nghỉ nhưng riêng công tác nhân đạo thì tôi không nghỉ!

Bạn đọc Trần Kim Chung(quận Nam Từ Liêm): Xin ông có thể chia sẻ lý do tại sao gia đình mình lại tích cực tham gia vào công tác hiến máu, cứu người như vậy?

Ông Lê Đình Duật, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân: Tôi là người lính, đến năm 1991, được nghỉ chế độ, về sinh sống tại quận Thanh Xuân đến giờ. Khi về địa phương, tôi được Đảng bộ, nhân dân tín nhiệm nên đã tham gia công tác phường, quận suốt 26 năm, công tác nhân đạo 17 năm. Đến nay, nhiều việc đã nghỉ nhưng riêng công tác nhân đạo thì tôi không nghỉ. 

Ông Lê Đình Duật (giữa) giao lưu với độc giả.

Trong chiến tranh, chúng tôi gặp nhiều đồng đội, đồng chí hy sinh vì không có máu truyền, nhiều đồng bào bị thương, vì không có máu tiếp nên không qua khỏi... Sau này, khi hòa bình, tôi cũng gặp nhiều đồng chí, đồng đội bị bệnh về máu, ung thư, chất độc da cam… thật sự rất đau lòng. Đó là cơ duyên khiến tôi quyết định làm công tác vận động hiến máu nhân đạo, bởi tôi biết rằng, trong thời chiến hay thời bình thì máu luôn vô cùng quý giá trong việc cứu người.

Năm 1994 mới có công tác hiến máu, đến năm 1999, công tác hiến máu nhân đạo mới nhân rộng. Là Phó Chủ tịch Hội chữ thập đỏ lúc ấy, việc vận động, tuyên truyền hiến máu nhân đạo vô cùng khó khăn vì người dân chưa hiểu ý nghĩa, lợi ích của việc hiến máu. Là người lính, cán bộ, đảng viên, tôi chỉ nghĩ rằng, việc càng khó thì mình càng cần cố gắng và phải làm bằng được để nhân dân hiểu.

Với suy nghĩ, “Cán bộ nào phong trào nấy, cán bộ đi trước làng nước theo sau”, tôi đã vận động cả gia đình mình hiến máu trước để làm gương. 5 thành viên gia đình tôi đều là những đảng viên, cán bộ nhà nước nên đều có chung suy nghĩ, những việc khó, việc mà nhiều người chưa dám làm thì mình là cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu. Cả gia đình tôi đã cùng đồng thuận, đồng hành trong việc làm nhân đạo và cùng tham gia hiến máu nhân đạo.

Đến nay, vợ tôi đã hiến máu 13 lần, con gái đầu hiến máu 15 lần, con gái thứ 2 hiến máu đã được 100 lần, con trai út hiến máu 85 lần, con dâu hiến được 3 lần, cháu ngoại 18 tuổi hiến máu 2 lần. Cả gia đình đã đóng góp được 218 đơn vị máu an toàn. 

Thời điểm này, sau 23 năm kiên trì vận động, tôi đã vận động được 1.092 lượt người tham gia hiến máu, thu được 1.007 đơn vị máu, tương đương 360 lít máu, giúp cứu trên 3.000 người.

Năm 2021, khi dịch Covid-19 lên đỉnh điểm, việc đưa người đi hiến máu gặp nhiều khó khăn vì thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, bằng cố gắng, nỗ lực, tôi cũng vận động gia đình hiến được 147 đơn vị máu. 9 tháng đầu năm nay, đã đóng góp 101 đơn vị máu. 

Tôi mong mỏi thế hệ thanh niên hôm nay sống có lý tưởng, sống đẹp, sống tình nghĩa, vì mọi người, cùng chung tay làm cho xã hội đẹp hơn. Đặc biệt, tôi mong muốn thế hệ trẻ luôn nghĩ mình đã làm gì và hãy làm gì cho Tổ quốc hôm nay. Phải làm được gì cho đời - đó mới là cái quan trọng, bởi “ân nghĩa thì đời sẽ trả cho mình khi cần”...

15:13 14/10/2022

Nếu mỗi người cùng chung tay, những nhọc nhằn, khó khăn sẽ vơi bớt

Độc giả Hoàng Văn Nam(quận Hà Đông) hỏi: Vì sao bà lại sẵn sàng “nhường cơm, sẻ áo” cho mọi người khi cuộc sống của chính mình còn không ít gian nan, vất vả?

Bà Phạm Thị Kim Thoa, Phó Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Bà Phạm Thị Kim Thoa, Phó Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội: Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội và đời sống của mỗi người. Bản thân tôi tặng nhiều suất quà cho các bác cựu thanh niên xung phong, trước hết xuất phát từ tấm lòng nhân ái. Các bác ấy gặp nhiều khó khăn hơn tôi, hầu hết đều lớn tuổi. Có bác không lập gia đình, nay đã gần 80 tuổi, hoàn cảnh khó khăn, họ hàng chỉ đỡ được phần nào. Có bác tuy có gia đình, có con, nhưng cả hai vợ chồng trải qua kháng chiến đã bị nhiễm chất độc da cam, con trai bị ảnh hưởng, bệnh tật, hoàn cảnh vô cùng khó khăn... Bản thân tôi khi biết gia cảnh của các bác thì thường xuyên đến thăm các bác, tặng quà, vô cùng xúc động và mong muốn được chia sẻ với họ. 

Còn việc tôi tặng cô trò Trường Mầm non A và B khẩu trang, đơn giản là muốn chia sẻ một chút tình cảm của mình đến với các cô trò nhà trường. Việc chia sẻ, tặng quà các chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn là việc cần làm, bởi người thì chồng mất sớm, người thì con bị bệnh tim hoặc sinh ra đã bị khuyết tật về trí tuệ... Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của mỗi người, nhiều công ty bị ảnh hưởng, nhiều người thất nghiệp, vất vả mưu sinh, nên nếu mỗi người cùng chung tay, những nhọc nhằn, khó khăn sẽ vơi bớt một chút, rồi những hành động tốt ấy sẽ lan tỏa và mang lại hiệu ứng tích cực.

Bạn đọc Phạm Huy (quận Đống Đa) hỏi: Được biết, bà rất tích cực tham gia nhiều hoạt động phong trào của địa phương. Bà có thể giới thiệu với các độc giả về các hoạt động của mình không?

Bà Phạm Thị Kim Thoa: Trong giai đoạn dịch Covid-19, trải qua các đợt giãn cách xã hội, cán bộ, nhân dân xã Đông Mỹ chúng tôi đã cùng đồng hành, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn. Có giai đoạn cao điểm, chúng tôi phân công nhau trực chiến, có khi cả tháng chỉ được nghỉ 1 ngày cuối tuần. 

Chúng tôi cùng nhau tham gia rất tích cực nhiều hoạt động chung. Đó là các phong trào phát động, huy động các loại quỹ của xã. Đó là hành trình cùng các cán bộ ở thôn, xóm đi vận động ủng hộ quỹ vì người nghèo, quỹ vì trẻ em, quỹ khuyến học...; là các hoạt động tặng quà cho các em nhỏ, người già có hoàn cảnh khó khăn… Bất cứ hoạt động, kỳ cuộc, phong trào nào, chúng tôi cũng cùng chung tay tham gia, ủng hộ, vận động chị em phụ nữ tham gia. Đội văn nghệ của xã chúng tôi gồm 30 người cũng luôn tích cực tham gia các hoạt động của địa phương. Chúng tôi mong muốn được lan tỏa những điều tích cực trong cuộc sống...

14:55 14/10/2022

Kiên trì vượt qua thử thách của số phận 

Bạn đọc Nguyễn Hoàng Lan (quận Hai Bà Trưng) hỏi: Xin được hỏi bà Thanh Nga, nghị lực nào đã giúp bà có được thành công như ngày hôm nay?

Bà Nguyễn Thanh Nga, Chánh Văn phòng Hội Giao lưu Văn hóa Việt Nam - Nhật Bản, giảng viên Trung tâm tiếng Nhật Núi Trúc: Nếu nói là nghị lực, tôi cho rằng, đó là sự nỗ lực thì đúng hơn. Khi cha mẹ tôi qua đời, tôi lúc đó chỉ là một bé gái 9 tuổi và sau tôi còn có các em 5 tuổi, 4 tuổi và 1 tuổi. Lúc bố mẹ mới mất, 4 chị em chúng tôi sống với bà nội, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. Tôi là chị cả mới 9 tuổi nhưng buộc phải trưởng thành để chăm sóc các em, giúp bà có thời gian chạy chợ, lo cho kinh tế gia đình. Sau 1 năm, do hoàn cảnh bà cháu chúng tôi quá vất vả nên UBND quận Hoàn Kiếm đã vận động và đề nghị bà cho chúng tôi vào sống tại trại trẻ mồ côi. Tôi còn nhớ, mong muốn của bà tôi lúc đó là tìm được một trại trẻ nào gần để bà có thể đi bộ đến thăm cháu. 

Bà Nguyễn Thanh Nga, Chánh Văn phòng Hội Giao lưu Văn hóa Việt Nam - Nhật Bản, giảng viên Trung tâm tiếng Nhật Núi Trúc.

Khi chúng tôi vào trại trẻ Birla, cơ sở vật chất còn rất khó khăn, nhưng chúng tôi được đi học, còn ở với bà thì chúng tôi không có điều kiện đi học. Nỗ lực mà chúng tôi học được bắt nguồn từ chính lời khuyên của các mẹ ở làng Birla. Các mẹ đã khuyến khích chúng tôi phải nỗ lực học tập không ngừng để thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn. Kết quả của nỗ lực không ngừng này chính là việc cả 4 chị em chúng tôi được vào đại học và sau đó, chúng tôi đã tiếp tục nỗ lực để tìm được việc làm. Tuy chúng tôi không còn bố mẹ, nhưng chúng tôi đã nỗ lực vươn lên và kiên trì vượt qua những thử thách của số phận. 

Bạn đọc Nguyễn Hoàng Kiên (quận Hoàng Mai) hỏi:Bà có thể chia sẻ cho chúng tôi điều gì thúc đẩy bà có những việc làm ý nghĩa như vậy?

Bà Nguyễn Thanh Nga: Mặc dù, gia đình tôi không may bố mẹ mất sớm nhưng tôi cũng đã gặp những điều rất may mắn. Trong thời gian học đại học, tôi được một người Nhật giúp đỡ để học tiếng Nhật. Vì vậy, khi đã có vốn tiếng Nhật, tôi đã nỗ lực để dạy lại tiếng Nhật cho các em trong làng trẻ Birla. Ban đầu học tiếng Nhật, nhiều em rất nản, vì tiếng Nhật học rất khó. Nhưng tôi đã lấy chính những kinh nghiệm đã nuôi dạy các em mình để kiên trì trao đổi với các em khác.

Bằng minh chứng từ thành công của chính cuộc đời của các chị em tôi, sự thành công của chúng tôi hôm nay đã thuyết phục được các em kiên trì học tiếng Nhật để có thêm một ngoại ngữ mới. Từ đó, sẽ mở ra những cơ hội mới để các em có thêm cơ hội có việc làm cũng như có thêm cơ hội bước ra thế giới.

Độc giả Nguyễn Thị Quỳnh(quận Nam Từ Liêm) hỏi: Bà có thể chia sẻ về những dự định trong tương lai của mình dành cho những trẻ em cũng như những bà mẹ ở Làng trẻ em Birla Hà Nội?

Bà Nguyễn Thị Nga: Tôi thấy sự đóng góp của tôi rất nhỏ bé. Những người mẹ đã nuôi chúng tôi mới là người có công lao to lớn, tuy họ không sinh ra chúng tôi. Thuộc lứa đầu tiên trong làng trẻ Birla Hà Nội, tôi luôn đứng lên kêu gọi những người trưởng thành giúp đỡ các mẹ ở làng trẻ. Tôi thấy rằng, các mẹ hiện đang làm việc ở làng trẻ hoặc ở các cơ sở, tổ chức trại trẻ mồ côi, là những người tuyệt vời, là tấm gương lớn, không phải người sinh thành nhưng đã nuôi dưỡng bao trẻ với mỗi trẻ có tính cách khác nhau. Trên thực tế, ở mỗi gia đình chỉ nuôi 1-2 trẻ đã vất vả lắm rồi, còn ở đây, các mẹ nuôi dưỡng các con với tấm lòng nhẫn nại vô bờ bến.

Tôi may mắn khi được một người mẹ ở làng trẻ chăm sóc, nuôi dạy theo tinh thần đạo Phật. Hiện việc giúp đỡ các em ở làng trẻ mà tôi thực hiện hoàn toàn mang tính cá nhân. Em nào gặp khó khăn, tôi thường gặp riêng để hỗ trợ. 

Sắp tới, tôi dự định tập hợp các em lại để chia sẻ về cuộc sống của tôi cũng như của 25 trẻ lứa đầu của làng trẻ, từ đó mong các em được tiếp thêm động lực trong cuộc sống.

14:35 14/10/2022

Tận tụy với nghề, giàu lòng nhân ái

Buổi giao lưu bắt đầu diễn ra với nhân vật đầu tiên là bà Phạm Thị Hòa, công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội. Với 11 năm công tác, bà Phạm Thị Hòa là người đi đầu trong công việc của tổ, nhanh nhẹn, nhiệt tình và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Quang cảnh buổi giao lưu.

Bạn đọc Phạm Quốc Trung (quận Hoàng Mai) hỏi: Bà có thể chia sẻ về một ngày làm việc bình thường của mình?

Bà Phạm Thị Hòa: Tôi có duyên làm việc tại Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội tháng 5-2011. Mỗi ngày vượt 18 km, từ bên kia sông Đuống, tôi sang địa bàn hai phường Quỳnh Lôi và Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng làm việc đến tận bây giờ. Vinh dự cho tôi hôm nay được đại diện cho gần 2.000 cán bộ, công nhân viên công ty được giao lưu trực tuyến, chia sẻ những khó khăn, vất vả cũng như niềm vui trong công việc của mình. Chúng tôi làm thì nhiều nhưng ít có cơ hội được chia sẻ để mọi người hiểu hơn về công việc của mình.

Bạn đọc Hoàng Anh (anhhoang@gmail.com) hỏi: Công việc của công nhân vệ sinh môi trường đặc biệt vất vả, nhất là với chị em phụ nữ, khi làm việc không có giờ giấc, ngày nghỉ. Thường khi mọi người được nghỉ ngơi, thì lại là lúc công nhân vệ sinh môi trường bận rộn nhất. Vậy bà thu xếp thế nào để vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công ty giao, vừa đảm đương, quán xuyến tốt việc nhà?

Chị Phạm Thị Hòa, công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội.

Bà Phạm Thị Hòa: Thực ra nói tôi “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” là chưa chính xác bởi nếu đã giỏi việc nước thì tôi “đoảng” việc nhà lắm (cười). Tôi may mắn có được gia đình là chỗ dựa, chia sẻ rất nhiều trong công việc. Đặc biệt, mẹ chồng tôi năm nay 85 tuổi là người hỗ trợ việc nhà cho tôi rất nhiều. Tôi có 2 con trai, một cháu học lớp 11 và một cháu học lớp 2. Chồng tôi làm trong quân ngũ, làm công tác vận tải trên tuyến đường ra đảo Trường Sa, thời gian anh ở nhà không nhiều. Để hoàn thành công việc, tôi đặc biệt cảm ơn gia đình nhà chồng, đặc biệt là mẹ chồng đã chia sẻ, giúp đỡ tôi rất nhiều. Vinh dự là trong hai năm 2016 và 2022, gia đình tôi đều được Liên đoàn Lao động thành phố trao danh hiệu “Gia đình Thủ đô tiêu biểu”.      

Bạn đọc Tuấn Dương (quận Cầu Giấy) hỏi: “Hằng năm, Tết Nguyên đán là dịp mà các nhân viên công ty vệ sinh môi trường rất vất vả bởi thường xuyên tăng ca nhằm thu gom rác kịp thời để người dân được vui chơi, đón Tết trong không gian xanh, sạch, đẹp. Vậy chị có thể chia sẻ một kỷ niệm sâu sắc nhất khi làm việc trong những ngày đặc biệt như vậy?

Bà Phạm Thị Hòa: Một kỷ niệm nhỏ, nhưng chúng tôi không bao giờ quên, đó là vào Tết năm 2019, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, trời mưa bão lớn. Theo các ông bà cao tuổi tại phường Quỳnh Lôi kể thì 60 năm qua chưa thấy trận mưa nào lớn như vậy. Anh chị em công nhân phải mặc áo mưa từ lúc bắt đầu ca làm việc từ 8h sáng đến 12h đêm. Tranh thủ lúc đã hết ca trực, tôi cùng anh chị em trong tổ, anh chị em công đoàn đã nấu bữa cơm tất niên, đón giao thừa trong tình trạng vẫn mặc quần áo mưa. Làm nghề này, chúng tôi xác định không bao giờ có những bữa cơm tất niên gia đình...

Tháng 4-2022, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức cuộc thi viết về đề tài bảo vệ môi trường, tôi vinh dự được công ty giao nhiệm vụ viết bài dự thi. Xuất phát từ thực tế làm việc tại phường Quỳnh Lôi, tôi đã viết 171 trang giấy. Bài viết của tôi được Chủ tịch UBND thành phố tặng Bằng khen cách đây 2 tuần. Qua bài viết, tôi muốn nói, mỗi người dân Hà Nội hãy là người công dân văn minh vì Hà Nội xanh - sạch - đẹp, hãy đổ rác đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi… Gần 2.000 cán bộ, người lao động công ty rất mong muốn môi trường Hà Nội nói riêng, cũng như từng quận, huyện nói riêng được sạch, đẹp. Để đạt được điều này, không chỉ có công sức của mỗi công nhân vệ sinh môi trường, mà cần phải có sự vào cuộc, đồng lòng của các cấp chính quyền và đặc biệt là sự chia sẻ của người dân Thủ đô.

14:20 14/10/2022

Để cái tốt ngày càng sinh sôi, nảy nở mãi

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Hànộimới cho biết, cách đây 74 năm, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” để động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thi đua kháng chiến kiến quốc. Người từng nói “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.

Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Hànộimới phát biểu khai mạc buổi giao lưu.

Thực hiện Lời kêu gọi của Người, 30 năm qua, Thủ đô Hà Nội đã đẩy mạnh các phong trào thi đua, phong trào “Người tốt, việc tốt”. Và cũng từng ấy năm, Báo Hànộimới đi đầu hưởng ứng phong trào bằng việc mở các chuyên mục: “Người Thủ đô ta”, “Nét đẹp Người Thủ đô”, “Phóng sự”, “Vì Hà Nội Xanh - Sạch - Đẹp”... nhằm phát hiện, cổ vũ, nhân rộng gương người tốt, việc tốt, góp phần tạo hiệu ứng xã hội sâu rộng trong đời sống xã hội.

Hôm nay, Báo Hànộimới và Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Lan tỏa nhiệt huyết vì cộng đồng” với sự tham gia của 5 khách mời là các nhân vật được phản ánh trên các ấn phẩm của Báo Hànộimới.

Thay mặt Báo Hànộimới, đồng chí Nguyễn Thành Lợi trân trọng cảm ơn Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội đã đồng hành cùng Báo tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến quan trọng và ý nghĩa này.

Theo Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Hànộimới, 3 năm qua, trong bối cảnh thế giới và Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng bị dịch Covid-19 hoành hành, trên địa bàn Thủ đô có rất nhiều những con người bình dị sẵn sàng chung tay sát cánh với Đảng, Nhà nước và đội ngũ y, bác sĩ để phòng, chống dịch bệnh.

“Những câu chuyện, những việc làm ý nghĩa được các gương người tốt, việc tốt sẻ chia sẽ giúp quý vị đại biểu và bạn đọc của Báo Hànộimới hiểu rõ hơn chân dung của những người tốt xung quanh chúng ta và ý nghĩa của những việc họ làm. Tôi hy vọng rằng, sau buổi giao lưu này, nhiều giải pháp hay, thiết thực cũng sẽ được đề xuất để chúng ta cùng nhau xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn, nơi cái xấu bị loại bỏ, cái tốt ngày càng sinh sôi, nảy nở mãi...”, đồng chí Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh.

Đại biểu dự giao lưu trực tuyến.

14:08 14/10/2022

5 GƯƠNG NGƯỜI TỐT, VIỆC TỐT THAM GIA GIAO LƯU

Anh Ngô Đức Thìn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ xanh Thường Tín: Dù tuổi đời còn rất trẻ, nhưng anh ý thức rõ trách nhiệm của người đoàn viên thanh niên với quê hương mình. Anh đã kêu gọi các “mạnh thường quân” ủng hộ nhu yếu phẩm, khẩu trang, nước sát khuẩn, tấm chắn giọt bắn với tổng giá trị lên tới 300 triệu đồng để giúp người dân chống dịch. Không những vậy, anh còn cùng câu lạc bộ của mình đi thăm hỏi ít nhất mỗi tháng một lần các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện và trao quà trị giá tối thiểu 1 triệu đồng/suất. Anh cũng trích tiền đi làm thêm từ khi còn là sinh viên năm thứ hai để làm việc thiện. 

Đại gia đình ông Lê Đình Duật và bà Lê Thị Kim Dinh: Bản thân không thể hiến máu cứu người, ông Lê Đình Duật đã vận động chính gia đình mình làm việc ý nghĩa này. Qua hơn 22 năm, gia đình ông Duật đã vận động được 1.092 lượt người tham gia hiến máu tình nguyện, đạt 1.007 đơn vị máu an toàn. Trong đó, 6 thành viên của gia đình đã hiến được 218 đơn vị máu an toàn. 

Bà Nguyễn Thanh Nga, Chánh Văn phòng Hội Giao lưu Văn hóa Việt Nam - Nhật Bản, giảng viên Trung tâm tiếng Nhật Núi Trúc: Cuộc đời bà từng chịu rất nhiều thiệt thòi, mất mát, mất bố và mẹ từ lúc tuổi còn nhỏ, 4 chị em Nga phải vào Làng Trẻ em Birla Hà Nội, song bà Nga đã nghị lực, vượt qua hoàn cảnh khó khăn để có thành công hôm nay. Không quên ơn ngôi nhà tuổi thơ của mình, bà Nga thường xuyên thăm hỏi Làng Trẻ em Birla Hà Nội. 4 chị em cũng thường xuyên quyên góp tiền để giúp đỡ thêm các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở Làng Trẻ em Birla Hà Nội.

Bà Phạm Thị Hòa, công nhân vệ sinh môi trường, tổ môi trường số 6, Chi nhánh Hai Bà Trưng - Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội: Là công nhân vệ sinh môi trường tổ số 6 địa bàn phường Bạch Mai, Quỳnh Lôi, Trương Định, nơi có mật độ dân cư đông đúc, bà luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trong công việc luôn siêng năng, cần cù và nhạy bén nên nhận được sự tin tưởng từ anh chị em trong tổ cũng như trong đơn vị. Từ năm 2019 đến nay, bà được bầu làm tổ trưởng quản lý 3 phường Bạch Mai, Quỳnh Lôi và Trương Định. Với 11 năm công tác, bà luôn là người đi đầu trong công việc của tổ, nhanh nhẹn, nhiệt tình, trách nhiệm và giàu lòng nhân ái.

Bà Phạm Thị Kim Thoa, Phó Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội: Từ cuối năm 2019 đến nay, cơn bão đại dịch viêm đường hô hấp cấp có tên là Covid-19 xảy ra đã làm cho toàn thế giới phải gánh chịu tổn thất nặng nề. Với đồng lương ít ỏi của mình, bà đã trực tiếp trao tặng cô, trò trường Mầm non A 300 chiếc khẩu trang, tặng cô, trò trường Mầm non B: 200 chiếc khẩu trang trị giá 2.000.000 đồng. Ngoài ra, bà còn tặng 3 suất quà cho các bác là hội viên Hội cựu Thanh niên xung phong xã trị giá 500.000 đồng/suất để động viên các bác trong lúc khó khăn vì đại dịch Covid-19; bà còn tặng 2 hội viên của Tổ hội do bà làm Tổ trưởng mỗi suất trị giá 300.000 đồng. Tổng cộng bà đã tặng 4.100.000 đồng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giao lưu trực tuyến ''Lan tỏa nhiệt huyết vì cộng đồng''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.