Kinh tế

Giao lưu trực tuyến về bán hàng livestream qua sàn thương mại điện tử

Nhóm phóng viên 27/06/2024 12:35

14h chiều nay 27-6, Báo Hànộimới phối hợp Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội, tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Bán hàng trực tuyến (livestream) qua sàn thương mại điện tử - Giải pháp giúp doanh nghiệp Việt vượt khó”.

  • 14' trướcBảo đảm người tiêu dùng có được sản phẩm tốt nhất, rẻ nhất theo cách thức tiện ích nhất

    Phát biểu kết luận giao lưu trực tuyến, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh, sau 2,5 giờ diễn ra, chủ đề về bán hàng trực tuyến qua sàn thương mại điện tử đã thể hiện được sức nóng, nhận được sự quan tâm của độc giả Báo Hànộimới.

    nmduc.jpg
    Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức phát biểu kết thúc giao lưu trực tuyến. Ảnh: Viết Thành

    Qua phát biểu đề dẫn cũng như các nội dung được trao đổi tại tọạ đàm thấy có nhiều vấn đề cần quan tâm. Dưới góc độ quản lý nhà nước, các cơ quan, đơn vị cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến các quy định bán hàng, quản lý hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử để làm sao bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

    Thứ hai, các cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách tốt hơn, thực chất hơn trong hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử như các sàn giao dịch, hỗ trợ doanh nghiệp về kỹ năng bán hàng; triển khai các dịch vụ trước, trong và sau bán hàng.

    Thứ ba, đẩy mạnh truyền thông để người tiêu dùng nhận biết, nâng cao kỹ năng trong tham gia mua bán hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, tránh rủi ro trong giao dịch.

    dai-bieu-chup-anh.jpg
    Các đại biểu chụp ảnh chung kết thúc buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: Viết Thành

    Cuối cùng, để tạo môi trường kinh doanh hàng hóa nói chung và trên nền tảng thương mại điện tử nói riêng, từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng, hiệp hội doanh nghiệp… cần chung tay để ngày càng hoàn thiện các nền tảng, môi trường pháp lý đạt mục đích cuối cùng là phát triển môi trường kinh doanh, thúc đẩy nền tảng sản xuất trong nước, bảo đảm người tiêu dùng có được sản phẩm tốt nhất, rẻ nhất theo cách thức tiện ích nhất.

  • 20' trướcTháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp các thủ tục về vốn, thị trường, thuế, hải quan...

    Bạn đọc Nguyễn Bình An (phường Tứ Liên, quận Tây Hồ) hỏi: Là đơn vị trực tiếp triển khai thực hiện Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”, Sở Công Thương đã giúp người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn các thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao.

    Sắp tới, Sở Công Thương sẽ tham mưu gì cho Ban chỉ đạo thành phố nhằm đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” trong bối cảnh thị trường đang có những bước phát triển thần tốc, đặc biệt là về mặt công nghệ như hiện nay?

    Ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội:

    Để thúc đẩy hàng Việt và giúp doanh nghiệp đến gần hơn với người tiêu dùng, thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam đến đông đảo người tiêu dùng, nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm xã hội của cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

    Tuyên truyền đến các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất ý thức trong việc sản xuất sản phẩm an toàn, chất lượng, giá cả phù hợp, thường xuyên thay đổi mẫu mã theo nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng…

    Tiếp tục triển khai các hoạt động giao thương, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất kinh doanh trên địa bàn thông qua tổ chức các chương trình, hoạt động giao thương, hội chợ, triển lãm, tôn vinh sản phẩm Việt… Từ đó các đơn vị tham gia quảng bá thương hiệu sản phẩm, kết nối, hợp tác với các kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm trong nước, hỗ trợ xuất khẩu thông qua hệ thống phân phối nước ngoài (Aeon, Lotte, Central Group…).

    daibieu1.jpg
    Quang cảnh giao lưu trực tuyến. Ảnh: Viết Thành

    Sở Công Thương cũng tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia các hội nghị giao thương trực tuyến với tham tán thương mại và các tổ chức quốc tế; phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức hiệu quả nội dung hoạt động liên kết vùng, hỗ trợ quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm mùa vụ của các địa phương, phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với các địa điểm kinh doanh, du lịch làng nghề, du lịch nông thôn…

    Thành phố đã giao Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành chức năng hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Chợ nhà mình, Portmart…); tổ chức các hội nghị đối thoại, giao ban tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp các thủ tục về vốn, thị trường, thuế, hải quan... các thủ tục hành chính liên quan tới: Quy hoạch, xây dựng, đất đai, tài nguyên môi trường, y tế…

    Về phía doanh nghiệp, cần chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh từ nguồn nguyên liệu sản xuất, hướng tới đa dạng mẫu mã, chủng loại sản phẩm phục vụ nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng từng thời điểm, sản phẩm sản xuất ra đảm bảo an toàn, đủ các giấy tờ, chứng nhận sản phẩm theo quy định, công tác truyền thông sản phẩm được chú trọng, phát triển hoạt động thương mại điện tử…

  • 25' trướcHà Nội sắp có trung tâm livestream gần 10 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng


    Bạn đọc Trần Quang Hà (quận Hà Đông) gửi câu hỏi đến ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội: Với sứ mệnh là "cánh tay nối dài" để đưa sản phẩm từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, xin ông cho biết thời gian tới, Hiệp hội sẽ có những hoạt động gì giúp doanh nghiệp tiếp cận phương thức quảng bá, bán hàng mới?

    hoi-doanh-nghiep.jpg
    Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

    Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội:

    Theo tôi, trước tiên là cần đúng luật. Cá nhân bán hàng livestream hoặc thương mại điện tử, chuyển đổi mô hình kinh doanh thành hộ kinh doanh, thành công ty cổ phần thì điều đầu tiên cần làm là phải đúng luật. Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội có trung tâm tư vấn pháp luật và sẵn sàng hỗ trợ.

    Tiếp đến là nguồn gốc sản phẩm phải rõ ràng, bảo đảm chất lượng. Hiệp hội sẽ kết nối cho doanh nghiệp, tổ chức để có nguồn nguyên liệu, giải pháp hợp lý.

    Thứ ba là phổ biến, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm về bán hàng livestream cho cá nhân, tổ chức. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp giải pháp cụ thể.

    Chúng tôi mong muốn khi doanh nghiệp đưa sản phẩm lên nền tảng trực tuyến cần đúng thị trường, đúng khách hàng, đúng chất lượng giá cả và giá trị sản phẩm.

    Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội đã phối hợp với doanh nghiệp trong tháng 7 tới sẽ khánh thành trung tâm livestream hiện đại trị giá gần 10 tỷ đồng để bán hàng hộ doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể đưa sản phẩm, giá cả tới và trung tâm sẽ bán hàng hộ.

    Tôi cho rằng, bán hàng trực tuyến nhanh và thuận lợi song bất cập hiện nay là làm sao để kiểm soát chất lượng sản phẩm, dịch vụ sau bán hàng... Tôi mong muốn doanh nghiệp có phương án chủ động giải quyết các bất cập, đồng thời phải kết hợp bán hàng thương mại điện tử với bán hàng theo cách thức truyền thống.

    Tuy nhiên, theo tôi, giải pháp căn cơ nhất vẫn là con người. Tôi mong muốn doanh nghiệp nâng cao năng lực, tay nghề chuyên môn, kỹ thuật, đạo đức để có sản phẩm chất lượng phục vụ người tiêu dùng.

  • 32' trướcHỗ trợ tiêu thụ thành công nhiều mặt hàng nông sản

    Ông Bùi Tiến Chính (buichinh@gmail.com) hỏi: Được biết, từ ngày 31-3-2024, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã đổi tên thương hiệu sàn thương mại Postmart thành Buudien.vn. Sàn đã hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam ra sao?

    san-thuong-mai-dien-tu.jpg
    Bà Hoàng Thị Huyền, đại diện Sàn thương mại điện tử Buudien.vn. Ảnh: Viết Thành

    Bà Hoàng Thị Huyền, đại diện Sàn thương mại điện tử Buudien.vn:

    Ra mắt ngày 31-3-2024, Buudien.vn đặt mục tiêu năm 2024 là cập nhật 100% sản phẩm OCOP, đưa tối thiểu 5.000 sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam lên sàn.

    Bưu điện Việt Nam hiện có 13.000 điểm dịch vụ, tương ứng 13.000 điểm bán lẻ tại 63 tỉnh, thành phố. Đây cũng chính là 13.000 điểm đang giúp các hộ sản xuất nông nghiệp tiêu thụ hàng hóa. Ngoài truyền thông nội bộ của Bưu điện Việt Nam, tại các điểm bán lẻ tổ chức livestream đa nền tảng trên TikTok, mạng xã hội.

    3 năm qua, các chương trình của Bưu điện Việt Nam thực hiện đã hỗ trợ tiêu thụ nhiều sản phẩm nông sản số lượng lớn thành công như vải Bắc Giang, mận Sơn La. Thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai thí điểm tiêu thụ quả na và có thể là bưởi, để hỗ trợ bà con tiếp cận sàn thương mại điện tử, tiêu thụ nông sản.

  • 42' trướcDoanh nghiệp cần có sự khác biệt để hút khách

    Tiếp nối các giải pháp được đưa ra tại tọa đàm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và mở rộng thị trường, ông Phạm Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội chia sẻ: Sự bùng nổ trong việc bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, hình thức mua sắm trực tuyến đã phần nào thay thế hình thức mua sắm trực tiếp và đem lại nguồn doanh thu đáng kể trong thời gian ngắn cho doanh nghiệp và tiểu thương.

    mttq1.jpg
    Ông Phạm Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

    Tuy nhiên, muốn thành công trong kinh doanh online hay bán hàng qua livestream, các doanh nghiệp cần có sự khác biệt để thu hút khách. Người kinh doanh phải có kế hoạch dài hơi, từ sản phẩm chất lượng đến dịch vụ tốt để tích lũy uy tín nhà bán hàng, xây dựng được lượng khách hàng trung thành; đầu tư xây dựng các kênh bán hàng, thiết bị công nghệ, hệ thống quản trị phần mềm, đội ngũ bán hàng và xây dựng hình ảnh, video… một cách bài bản.

    Để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh phương thức bán hàng livestream, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận và mở rộng thị trường, Ban chỉ đạo Cuộc vận động thành phố chỉ đạo các sở, ngành chức năng phối hợp sàn thương mại điện tử có trụ sở, đại lý tại Việt Nam như Facebook, TikTok, Shopee.. tổ chức chương trình tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân tại các địa phương nâng cao kỹ năng bán hàng trực tuyến; tăng cường nghiên cứu, triển khai các phương thức xúc tiến thương mại mới trên môi trường số; hướng tới hỗ trợ đào tạo, tập huấn các doanh nghiệp, hợp tác xã còn nhiều khó khăn trong tiếp cận với bán hàng thông qua sàn thương mại điện tử, bán hàng livestream.

    Qua đó giúp các tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ thông tin, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường…

  • 45' trướcỨng dụng công nghệ AI để livestream bán hàng

    Độc giả Phạm Văn Thành (quận Hoàng Mai) gửi câu hỏi đến ông Lê Tự Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội: Với chức năng phối hợp với các cơ quan liên quan để tham mưu, đề xuất UBND thành phố Hà Nội ban hành các chính sách thu hút về đầu tư, thương mại và du lịch, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử cùng phương thức livestream bán hàng đang trở nên phổ biến, đơn vị đã tham gia thế nào vào quá trình thúc đẩy việc quảng bá hàng Việt, đưa hàng Việt về nông thôn, các khu công nghiệp, khu chế xuất, cũng như các hoạt động hỗ trợ hàng Việt vào các kênh phân phối hiện đại một cách quy mô, bài bản?

    trung-tam-xuc-tien.jpg
    Ông Lê Tự Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội

    Ông Lê Tự Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội:

    Là cơ quan được UBND thành phố Hà Nội giao trách nhiệm thực hiện công tác tổng hợp, tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch của Thủ đô, thời gian qua, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, tham gia nhiều hội chợ, triển lãm tại Hà Nội và các địa phương trên cả nước; đồng thời phối hợp với một số sở, ngành, hiệp hội hỗ trợ doanh nghiệp để tiếp cận được khách hàng tốt nhất như phối hợp với siêu thị lớn, tổ chức chương trình ở các tỉnh để đồng hành cùng doanh nghiệp, không chỉ ở địa bàn Hà Nội mà còn ở một số tỉnh.

    Cuối năm 2023, doanh nghiệp, Đoàn thanh niên đã hỗ trợ tiểu thương ở chợ Bến Thành (thành phố Hồ Chí Minh) thử nghiệm livestream bán hàng. Có 1 doanh nghiệp trong nước đã hỗ trợ dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) thay con người livestream bán hàng trong 18 tiếng. Phiên này đã có 900 đơn hàng, trong đó 600 đơn hàng thành công, đạt doanh thu 190 triệu đồng

    Đây là hướng để chúng tôi cùng các hiệp hội và cơ quan chức năng trên địa bàn Hà Nội tham khảo để phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp, đồng hành tốt nhất trong thời gian tới khi xu thế livestream ngày càng phát triển.

  • 50' trướcHà Nội đang xây dựng đề án để quản lý tốt hơn phương thức bán hàng livestream


    Bạn đọc: Lê Nguyễn Hoàng Phương (phường Hoàng Cầu, quận Đống Đa) hỏi: Mặc dù hình thức livestream đang tiếp cận các doanh nghiệp lớn, song có một thực tế là hình thức này vốn gắn liền với những cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ trên mạng, hay các nhãn hàng tập trung vào sản phẩm phân khúc thấp nhằm kích thích nhu cầu mua sắm tức thời của người tiêu dùng. Điều đó đặt ra tâm lý nghi ngại, thiếu lòng tin của khách hàng với chất lượng sản phẩm.

    Xin mời đại diện Sở Công Thương đưa ra nhận định của mình về điều này?

    ong-hiep-2.jpg
    Ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

    Ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội:
    Hiện nay, với sự phát triển của mạng lưới thiết bị di động được kết nối toàn cầu, việc bán hàng livestream trên các thiết bị công nghệ đã trở thành một hình thức kinh doanh online không thể thiếu đối với các doanh nghiệp. Mua sắm qua livestream đang chiếm tới 62% các loại hình livestream hiện nay.

    Tuy tăng trưởng nhanh và liên tục nhưng thương mại điện tử của Việt Nam nói chung, trên địa bàn Hà Nội vẫn tồn tại không ít hạn chế, livestream cũng tồn tại nhiều thách thức trong việc chiếm được lòng tin của người dùng.

    Khi theo dõi và mua hàng bằng hình thức livestream, khách hàng không được trực tiếp cầm sản phẩm, không được trải nghiệm sản phẩm như những mô hình mua sắm truyền thống. Do đó, có thể phát sinh các trường hợp bán hàng không đúng với cam kết, xảy ra trường hợp bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Người tiêu dùng mất lòng tin đối với hình thức mua bán qua mạng xã hội. Điều này gây ra khó khăn đối với các đơn vị bán hàng uy tín.

    Trước thực trạng đó, Sở Công Thương đang phối hợp với Cục Thuế Hà Nội xây dựng đề án quản lý hình thức bán hàng livestream nhằm quản lý các đối tượng bán hàng, đồng thời xác định địa chỉ người bán hàng, có đăng ký kinh doanh hay không…, vừa bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp đối với quyền lợi của người tiêu dùng.

  • 52' trướcHà Nội kiểm tra xử lý 245 vụ việc, phạt tiền gần 3,3 tỷ đồng trong 6 tháng

    Ông Trần Quang Mạnh (quận Long Biên) hỏi: Mạng xã hội là xuyên biên giới nên các hành vi vi phạm đã vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Mặc dù, chế tài đã có song việc xử lý đối với những cá nhân livestream bán hàng giả, hàng nhái trên mạng xã hội không đơn giản, do hàng hóa kinh doanh online chủ yếu là mỹ phẩm, quần áo, giày dép, thực phẩm khô… và nhà ở của người bán cũng là nơi chứa hàng nên việc kiểm tra gặp nhiều trở ngại. Họ sử dụng các đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh, các ứng dụng vận chuyển hoặc tham gia các nhóm trên mạng để tìm người vận chuyển.

    Vậy, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã triển khai những giải pháp gì để xử lý tình trạng trên?

    quan-ly-thi-truong.jpg
    Ông Dương Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

    Ông Dương Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội: Để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trên sàn thương mại điện tử cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị có liên quan.

    Hằng năm, Cục đã thường xuyên chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường căn cứ chức năng, nhiệm vụ, địa bàn được giao, triển khai và thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản, nắm vững tình hình các cơ sở sản xuất, kinh doanh, diễn biến của thị trường. Trong đó, tập trung kiểm tra, kiểm soát các nhóm, mặt hàng cấm, hàng lậu, hàng giả mạo, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng.

    Giám sát, nắm bắt thông tin, truy tìm đường dây, ổ nhóm, kho bãi tập kết hàng hóa, để chào hàng, bán online, livestream qua mạng xã hội (Facebook, TikTok, YouTube…); các đầu mối vận chuyển hàng hóa qua các bưu cục, điểm trung chuyển hàng hóa, để xác định nguồn gốc cung cấp, chào bán.

    Các phòng, đội quản lý thị trường chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý như: Sở Công Thương; Cục Thương mại điện tử và kinh tế số; Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (A05); Công an thành phố, quận, huyện, thị xã… để kiểm tra, kiểm soát có hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức sử dụng thương mại điện tử, công nghệ cao nhằm kinh doanh, chào bán hàng vi phạm.

    Chúng tôi cũng nắm tình hình, đánh giá được biến động thị trường để có biện pháp kiểm tra, giám sát, đấu tranh, xử lý có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm trong kinh doanh thương mại điện tử, đặc biệt là các sàn giao dịch thương mại điện tử như: Lazada, Shopee, Tiki, Sendo, các trang mạng xã hội như: Facebook, TikTok, Zalo, YouTube…

    Quản lý thị trường cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý trong tháng cao điểm về kích cầu mua sắm hàng hóa, hoạt động xúc tiến thương mại như ngày Black Friday, Online Friday, Cyber Monday…

    Gần đây, nhằm ngăn chặn các hình thức vận chuyển, giao dịch chuyển phát nhanh hàng hóa có dấu hiệu vi phạm, chúng tôi đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Chi nhánh Bưu chính Viettel Hà Nội - Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel.

    Ngoài ra, chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền, vận động. Thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát, Cục Quản lý thị trường kết hợp vận động, thông tin tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn, giải đáp pháp luật, giúp các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức từng bước nâng cao trách nhiệm, có ý thức trong việc chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử.

    Tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, báo, đài trung ương và địa phương về các vụ việc điển hình nhằm răn đe, phòng ngừa các đối tượng vi phạm và cảnh báo đến người dân những thủ đoạn, hành vi của đối tượng vi phạm.

    Kết quả, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 245 vụ việc có vi phạm thương mại điện tử, tổng số tiền phạt hành chính gần 3,3 tỷ đồng. Cùng với đó, đã kiểm tra, xử lý 259 vụ việc liên quan đến thương mại điện tử (từ dấu hiệu vi phạm về thương mại điện tử phát hiện các hành vi vi phạm khác) với số tiền phạt hành chính hơn 4,5 đồng; giá trị tang vật vi phạm hơn 2,9 tỷ đồng.

  • 1h trước Nông dân mong muốn học hỏi cách thức bán hàng online

    Chia sẻ tại buổi giao lưu, ông Nguyễn Như Hảo, Giám đốc HTX sản xuất bưởi an toàn Quế Dương (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết: Bưởi Quế Dương là sản phẩm OCOP thứ hai của huyện Hoài Đức. Hiện nay, nhu cầu về bưởi sạch, bưởi hữu cơ của người tiêu dùng ngày càng tăng, song bà con của HTX đang trăn trở trong việc trồng bưởi sạch hữu cơ.

    Vì vậy, chúng tôi rất mong cơ quan chức năng tăng cường hướng dẫn bà con về kỹ thuật trồng bưởi sạch, nhằm mở rộng diện tích trồng đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.

    bac-nong-dan.jpg
    Ông Nguyễn Như Hảo, Giám đốc HTX sản xuất bưởi an toàn Quế Dương (huyện Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ tại buổi giao lưu. Ảnh: Viết Thành

    Về tiêu thụ sản phẩm, HTX đã từng liên hệ với hệ thống siêu thị trong nội thành để đưa sản phẩm vào bán nhưng sức tiêu thụ khá chậm. Về cách thức bán hàng online, đến nay, chúng tôi vẫn chưa thực hiện được.

    Tham dự buổi giao lưu hôm nay, tôi mong muốn học hỏi được cách thức bán hàng online để có thể về áp dụng vào việc bán sản phẩm của HTX và phổ biến tới bà con.

  • 1h trướcNhiều người tiêu dùng mua hàng bằng… cảm xúc!

    Bạn đọc Trần Khánh Linh (quận Hà Đông) hỏi: Nhiều ý kiến đưa ra về con số mà các KOLs và KOC đưa ra 100 tỷ đồng 1 lần livestream. Trong khi nhiều người tiêu dùng phản ánh họ mua phải hàng rởm từ các KOLs, KOC này.

    Giải pháp mà doanh nghiệp bảo vệ mình trước sự bùng nổ của phương thức bán hàng nhiều mặt lợi nhưng cũng đầy rủi ro này?

    thuc-pham-sach.jpg
    Bà Đinh Thị Hải Yến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại chế biến Thực phẩm sạch Từ Tâm. Ảnh: Viết Thành

    Bà Đinh Thị Hải Yến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại chế biến Thực phẩm sạch Từ Tâm:

    Công ty hiện có trên 30 sản phẩm ẩm thực chất lượng hảo hạng, chắt lọc tinh hoa văn hóa ẩm thực Kinh kỳ như: Ruốc tôm, mắm tép chưng thịt, chả ốc, chả cốm, nem rán…

    Các sản phẩm của Công ty đều được kiểm soát theo chuỗi khép kín, tiêu chí chế biến không dùng chất phụ gia; bao bì thân thiện với môi trường. Đặc biệt, quy trình chế biến của chúng tôi được chứng nhận tiêu chuẩn HACCP.

    Sạch Từ Tâm cũng là đơn vị tiên phong duy nhất tại quận Thanh Xuân có 6 sản phẩm được đánh giá chất lượng OCOP 4 sao, 6 sản phẩm chất lượng 3 sao, là thương hiệu trong top 3 được người tiêu dùng Việt Nam bình chọn. Sản phẩm của Công ty hiện đã cung cấp vào hệ thống các siêu thị lớn.

    Sạch Từ Tâm cũng đang triển khai các kênh bán hàng trên sàn thương mại điện tử nhưng gặp một số vướng mắc ở khâu logistics và nhiều rủi ro khác.

    Năm 2018, thành phố có hỗ trợ cho các doanh nghiệp giải pháp hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc và công ty đã ứng dụng công nghệ đó trên sản phẩm với tem truy xuất, có mã số riêng. Người mua sản phẩm đều có thông tin quản lý, tránh rủi ro gặp phải hàng giả, hàng nhái.

    Với các cộng tác viên đăng bài bán hàng, nếu Công ty không kiểm soát được thì họ sẽ làm giả sản phẩm. Người tiêu dùng cũng gặp nhiều khó khăn khi nhận diện được sản phẩm chính hãng vì không ít người mua bằng cảm xúc.

    Các giải pháp chống hàng giả, hàng nhái chúng tôi đang thực hiện cũng chỉ nằm ở phần ngọn. Để xử lý từ phần gốc là phần dành cho các nhà quản lý qua các khâu tiền kiểm, hậu kiểm trên thị trường.

    Theo tôi, các cá nhân, đơn vị khi bán hàng livestream và trên sàn thương mại điện tử phải có pháp nhân, đăng ký để có trách nhiệm với người tiêu dùng, hạn chế rủi ro. Hiện tại, các kênh KOLs, KOC bán hàng trên các nền tảng TikTok, Facebook là cá nhân, nếu có chủ đích lừa sẽ dễ dàng qua mặt khách hàng.

    Do đó, tôi đề xuất, những cá nhân, đơn vị khi tham gia bán hàng livestream phải thông báo cho các cơ quan quản lý thông tin về phiên bán hàng với định danh người bán, hạn chế rủi ro cho khách hàng.

  • 1h trướcMức phạt quá nhẹ so với lợi nhuận thu được

    Bạn đọc Hoàng Minh Huệ (huehoangg2423@gmail.com) hỏi: Thương mại điện tử phát triển bùng nổ đang tạo ra nhiều thách thức cho các lực lượng chức năng. Cục quản lý thị trường Hà Nội cho biết những khó khăn trong việc quản lý chất lượng hàng hóa trên sàn thương mại điện tử?

    Đặc biệt trong bối cảnh thời gian qua, việc một số cá nhân tận dụng các trang mạng xã hội để livestream bán hàng giả, hàng nhái hàng kém chất lượng với số lượng lớn diễn ra khá phổ biến.

    quan-ly-tt.jpg
    Ông Dương Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

    Ông Dương Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội:

    Theo Bộ Tài chính, năm 2022, doanh thu thương mại điện tử đạt 3,1 triệu tỷ đồng, đóng thuế 83 ngàn tỷ đồng; năm 2023 doanh thu 3,5 triệu tỷ đồng, thuế thu được là 97 ngàn tỷ đồng.

    Trên thực tế đối với các sàn thương mại điện tử hàng đầu trên thế giới đều có những vụ khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến chất lượng hàng hóa, quảng cáo hàng hóa sai sự thật, có dấu hiệu lừa đảo người tiêu dùng.

    Tại Việt Nam, bên cạnh sự phát triển tích cực, hiện nay tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng công khai trên nền tảng thương mại điện tử ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa đến xã hội, đến niềm tin của người tiêu dùng.

    Qua tổng kết công tác kiểm tra, xử lý vi phạm những năm qua trong lĩnh vực thương mại điện tử, Cục Quản lý thị trường Hà Nội gặp một số khó khăn, vướng mắc trong việc kiểm soát chất lượng hàng hóa trên sàn thương mại điện tử, như sau:

    Thứ nhất, các đối tượng vi phạm thường lập nhiều tài khoản trên các sàn thương mại điện tử hoặc mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok), bán hàng theo hình thức livestream (trực tiếp).... Các điểm bán hàng này thường không giới thiệu địa chỉ cơ sở kinh doanh, khách mua chốt đơn trực tiếp hoặc thông qua inbox (nhắn tin riêng).

    Ðể tăng niềm tin, họ còn thuê những người nổi tiếng tham gia quảng cáo cho các sản phẩm, hoặc sử dụng nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội để mua lượng theo dõi hoặc bình luận về sản phẩm không đúng bản chất, thậm chí chốt đơn để đánh lừa người tiêu dùng...

    Các trang thương mại điện tử, tài khoản trên sàn thương mại điện tử thường sử dụng các hình ảnh của hàng thật, hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với các cửa hàng, địa chỉ bán hàng chính hãng nhằm lôi kéo người dùng có nhu cầu mua sắm, sử dụng hàng hiệu giá rẻ.

    Sau khi người tiêu dùng đồng ý mua thì tiếp tục sử dụng các công cụ thanh toán trung gian không dùng tiền mặt (chuyển khoản, sử dụng thanh toán QR) hoặc dịch vụ giao nhận, vận chuyển và phát hàng hóa kèm thu tiền để giao hàng cho khách hàng nhưng thực tế hàng hóa bán là hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng.

    Thủ đoạn của các đối tượng này thường sử dụng một địa chỉ để giao dịch nhưng tập kết, tàng trữ hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau hoặc kết hợp vừa làm nơi giao dịch vừa làm nơi ở, cất giấu hàng hóa nên khó khăn cho công tác điều tra, trinh sát, kiểm tra, bắt giữ và xử lý hành vi vi phạm.

    dai-bieu-1.jpg
    Các đại biểu dự giao lưu trực tuyến. Ảnh: Viết Thành

    Thứ hai, khó khăn rất lớn trong việc phát hiện và xử lý tình trạng này là các giao dịch, thanh toán đều là "ảo", không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, không thể kiểm tra được ngay.

    Chưa kể, hầu hết các giao dịch theo hình thức này (nếu là hàng giả, hàng nhái) đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể nên việc xử lý càng trở nên khó khăn. Trên các trang web bán hàng hoặc qua mạng xã hội thường không ghi địa chỉ cụ thể, chỉ có điện thoại để giao dịch. Khi có khách hỏi mua hàng thì sẽ hỏi địa chỉ để giao nhận hàng hóa, thanh toán tại nhà. Người mua gần như không biết người bán là ai, sản phẩm như thế nào. Các đối tượng khi có người lạ gặng hỏi xem hàng thì thường không trả lời.

    Ngoài ra vì là không gian, địa chỉ ảo nên dễ dàng xóa bỏ thông tin, dấu vết, gây cản trở việc thu thập chứng cứ, chứng minh vi phạm...

    Hiện nay, qua nhiều trường hợp phát hiện các đối tượng thường thuê các căn hộ chung cư vừa làm nhà ở, vừa làm điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa. Các khu vực này thường có an ninh, bảo mật cao gây khó khăn cho công tác tiếp cận trinh sát. Khi có sự phối hợp của chính quyền địa phương kiểm tra các điểm này thì các đối tượng thường có biểu hiện chống đối hoặc giải thích hàng hóa tập kết với nhu cầu sử dụng, tặng cho, không phải mục đích kinh doanh, không chấp nhận xử lý.

    Thứ ba, để dễ dàng kinh doanh, người bán hàng trên sàn thương mại điện tử tìm mọi cách để lách qua các bộ lọc kỹ thuật của sàn, cố tình thay đổi tên sản phẩm khi đăng bán để tránh bị kiểm soát. Chẳng hạn khi nhái các thương hiệu nổi tiếng, như: Dior, Chanel, Gucci thì viết thành D.I.O.R, Cha nel, DIO, Gu.ci... Khi cơ quan chức năng phát hiện vi phạm thì các đối tượng lại tiếp tục đổi thành tên khác.

    Thứ tư, mức phạt được đánh giá là quá nhẹ so với lợi nhuận thu được.

    Thực tế là số lượng website thương mại điện tử là vô cùng nhiều và đa dạng gần như không thể nắm bắt được. Một số website, chủ tài khoản bán hàng đã bị xử lý nhiều lần nhưng chưa bị cơ quan quản lý gỡ bỏ tài khoản, thu hồi tên miền, nên vẫn mặc nhiên tiếp tục hoạt động vì lợi nhuận thu được là rất lớn so với khoản tiền bị xử phạt.

    Thứ năm, chính sự dễ dãi, dễ chấp nhận của một số bộ phận người tiêu dùng đã “tiếp tay” cho các đối tượng vi phạm.

    Vì vậy, người tiêu dùng nên chọn lựa những đơn vị kinh doanh, sàn thương mại uy tín. Nên tìm hiểu kỹ bình luận của những người tiêu dùng đã mua sắm tại các cửa hàng này bình luận thế nào về chất lượng hàng hóa, chính sách hậu mãi, đổi trả hàng hóa, chăm sóc khách hàng…

  • 1h trướcMua hàng mọi lúc, mọi nơi

    Đánh giá về thương mại điện tử tác động đến thói quen mua sắm, anh Thanh Sơn (người tiêu dùng ở thị xã Sơn Tây) chia sẻ: Tôi thấy việc bán hàng livestream ảnh hưởng nhiều đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng, nhất là lớp trẻ. Trước đây, bình thường gia đình tôi cuối tuần mới đi siêu thị 1 lần nhưng hiện nay, khi lướt Shopee, TikTok và xem được những clip quảng cáo sản phẩm tạo hứng thú mua sắm khiến tôi có thể mua sắm ngay lập tức.

    Đồng thời, bán hàng livestream thay đổi thói quen mua sắm của người dân vì tiện lợi. Người tiêu dùng có thể mua hàng mọi lúc, mọi nơi, nhiều khi còn được miễn phí vận chuyển hoặc giảm giá.

    nguoi-tieu-dung.jpg
    Anh Thanh Sơn (người tiêu dùng ở thị xã Sơn Tây) dự giao lưu trực tuyến. Ảnh: Viết Thành

    Đáng chú ý, khi mua sắm qua thương mại điện tử, người tiêu dùng có thể trả hoặc đổi sản phẩm nếu không ưng ý. Nếu mua trực tiếp, khi đổi trả, người bán thường không hài lòng hoặc người mua phải trả thêm tiền.

    Trước khi mua hàng, tôi thường đọc review, đánh giá bình luận của người đã mua trước đó không xa. Nếu sản phẩm được đánh giá 5 sao thì nhiều khả năng sản phẩm đó có chất lượng tốt.

    Để tạo uy tín cho người dùng, đơn vị cung cấp sản phẩm cần kiểm soát chất lượng từ khâu đóng gói đến khâu vận chuyển tới tay người tiêu dùng. Sản phẩm được giao đến tay người tiêu dùng phải đúng như khi giới thiệu khi livestream.

  • 1h trước50 năm bền bỉ bảo vệ thương hiệu khóa Việt Tiệp

    Bạn đọc Trịnh Xuân Hiền (email: hienxinh@gmail.com) hỏi: “Công ty khóa Việt Tiệp có những giải pháp gì để bảo vệ thương hiệu của mình. Với một sản phẩm được nhiều gia đình biết đến như khóa Việt Tiệp, Công ty có kế hoạch livestream bán hàng không?”.

    khoa-viet-tiep.jpg
    Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Khóa Việt Tiệp. Ảnh: Viết Thành

    Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Khóa Việt Tiệp: Công ty được thành lập từ năm 1974, đến tháng 7 này tròn 50 năm thành lập. Để tạo được niềm tin, uy tín với khách hàng suốt 5 thập kỷ qua, ngay từ những ngày đầu thành lập, Ban lãnh đạo doanh nghiệp luôn ý thức việc bảo vệ thương hiệu là nhiệm vụ quan trọng, là vấn đề sống còn.

    Chúng tôi đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, đăng ký độc quyền nhãn hiệu tại Việt Nam và một số nước như: Trung Quốc, Lào, Campuchia và Myanmar; liên tục cải tiến quản lý chất lượng sản phẩm; chất lượng dịch vụ bán hàng; xây dựng mối quan hệ, chăm sóc khách hàng tận tâm; có chiến lược marketing hiệu quả, tạo dựng củng cố, nhận biết thương hiệu mạnh mẽ.

    Năm 2019, Công ty Việt Tiệp cho ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới và thực hiện truyền thông bài bản trên nền tảng mạng xã hội.

    Ngoài ra, Công ty có bộ phận theo dõi, sử dụng thương hiệu đúng cách, ngăn chặn, xử lý việc dùng thương hiệu không đúng.

    Về bán hàng online, từ những năm 2020, Công ty đã đầu tư bán hàng trên nền tảng Shopee và Lazada. Tuy nhiên, mặt hàng kim khí có đặc thù riêng, sau khâu bán hàng còn lắp đặt, bảo hành, bảo trì nên hiệu quả chưa đạt cao. Hiện nay, doanh nghiệp chúng tôi vẫn thuần túy sử dụng kênh bán hàng truyền thống.

    Tuy nhiên, trước xu thế livestream mạnh mẽ như hiện nay, Công ty kiến nghị các sở, ban, ngành, cơ quan thành phố, các cơ quan truyền thông hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các đơn vị bán hàng livestream chuyên nghiệp kết hợp với dịch vụ vận tải logistics nhằm đạt hiệu quả cao.

  • 1h trướcLivestream tạo cuộc đua gay cấn trong thương mại điện tử

    Khẳng định “sức nóng” của ngành công nghiệp livestream bán hàng tại Việt Nam đang tạo nên cuộc đua gay cấn trong thương mại điện tử, ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội chia sẻ:

    Ngoài livestream bán hàng thuần túy, hiện đã xuất hiện cả những cuộc livestream bán hàng kéo dài 2-3 tiếng với các hoạt động âm nhạc, game và các chương trình khuyến mãi độc quyền.

    ong-hiep-1.jpg
    Ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

    Không dừng lại ở một buổi phát trực tiếp đơn thuần, các thương hiệu còn đang kết hợp với những người có ảnh hưởng (KOLs) để đạt được hiệu quả kinh doanh. Ngoài các kênh mạng xã hội phổ biến (như Facebook, YouTube, TikTok …), hình thức livestream trên các nền tảng thương mại điện tử (như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo…) cũng được nhiều thương hiệu áp dụng.

    Thay vì sử dụng các nhà phân phối, giờ đây nhiều doanh nghiệp sản xuất có xu hướng trực tiếp mở cửa hàng online hoặc bắt tay với các KOLs để bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng trên các sàn thương mại điện tử và thông qua bán hàng livestream. Điều này cho phép nhà sản xuất kiểm soát toàn diện quy trình hoạt động như sản xuất, marketing và bán hàng, đồng thời, chi phí trung gian giảm tới mức tối đa giúp biên độ lợi nhuận cao hơn.

    Điển hình có thể kể đến như nền tảng Shopee và Lazada, người dùng có thể tìm thấy các buổi livestream với sự tham gia của những thương hiệu uy tín, cao cấp như Shiseido, Vichy, Kiehl's, L’Oreal, Vinamilk,... với các khuyến mãi sâu, độc quyền dành cho người tiêu dùng. Cùng với đó, mỗi buổi livestream sẽ được dẫn dắt bởi các KOLs và Influencer (người có sức ảnh hưởng).

    dai-bieu.jpg
    Đại biểu dự giao lưu. Ảnh: Viết Thành

    Trong bối cảnh hiện nay, người tiêu dùng đang có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm giá rẻ và độc lạ hơn để thử nghiệm. Điều này mở ra cơ hội cho doanh nghiệp thích ứng và đổi mới, đồng thời thách thức họ phải tạo ra những chiến lược tiếp thị sáng tạo để thu hút sự chú ý của khách hàng.

    Thương mại điện tử cùng với livestream bán hàng được dự báo sẽ là những giải pháp quan trọng cho tăng trưởng doanh thu, tạo ra môi trường mua sắm thuận tiện và gần gũi hơn với khách hàng.

  • 1h trướcRút ngắn hành trình mua hàng, quảng bá sản phẩm

    Độc giả Nguyễn Thị Quỳnh (quận Cầu Giấy): Thưa ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, ông có thể đánh giá về phương thức bán hàng này đối với sự phát triển của doanh nghiệp?

    ong-hiep.jpg
    Ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội phát biểu tại giao lưu.

    Ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Qua theo dõi về công tác quản lý, từ sau đại dịch Covid-19, hoạt động tiêu dùng đã có nhiều thay đổi. Trong bối cảnh phát triển của khoa học công nghệ, giải pháp bán hàng qua sàn thương mại điện tử tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có sự sáng tạo, nhanh nhạy trong việc tiếp cận thị trường, khách hàng qua cách thức hoạt động kinh doanh mới.

    Thương mại điện tử nói chung và hình thức kinh doanh bán hàng livestream đã phát triển mạnh trong thời gian qua. Bình quân mỗi tháng có khoảng 2,5 triệu phiên bán hàng livestream. Các mặt hàng bán qua hình thức này rất đa dạng như thời trang, làm đẹp, văn phòng phẩm…

    Việc bán hàng livestream có nhiều lợi ích như khai thác sức mạnh mạng xã hội, tăng tương tác trực tiếp với khách hàng, rút ngắn hành trình mua hàng, quảng bá sản phẩm... Với phương thức bán hàng thương mại điện tử nói chung và livestream nói riêng, các doanh nghiệp phát triển các loại hình phân phối hiện đại, mở rộng đối tượng khách hàng.

  • 1h trướcCần tăng đầu tư cho các cơ quan truyền thông chính thống của thành phố

    Bạn đọc Trịnh Văn Thành (quận Ba Đình) hỏi: “Cơ chế, chính sách nhằm tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực của doanh nghiệp tư nhân được coi là giải pháp quan trọng để thực hiện tốt Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

    Với sứ mệnh phụng sự vì doanh nghiệp với hơn 10.000 hội viên trong và ngoài nước, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội đánh giá thế nào về công tác hỗ trợ doanh nghiệp của Thủ đô thời gian qua? Các hỗ trợ đã đúng và trúng chưa, cần điều chỉnh gì để phù hợp với yêu cầu mới hiện nay?”.

    hiep-hoi-doanh-nghiep.jpg
    Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội phát biểu tại giao lưu. Ảnh: Viết Thành

    Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội: Có thể khẳng định, các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô qua hoạt động sản xuất, kinh doanh đã thụ hưởng tốt về các chính sách giảm thuế, giảm phí, tạo kích cầu tốt, lưu thông hàng hóa, tránh tồn kho.

    Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" cũng đã hỗ trợ tốt cho các hoạt động truyền thông, bán hàng cho các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp làng nghề, giúp hàng hóa đến gần người tiêu dùng, giúp lợi nhuận của doanh nghiệp gia tăng; quy mô doanh nghiệp lớn về thị trường, không gian bán hàng, khách hàng. Từ những phương án kinh doanh khả thi như vậy, hệ thống tín dụng đã cho vay cung cấp vốn rất tốt.

    Hằng năm, Chính phủ đều ban hành Nghị quyết 01 điều hành kinh tế vĩ mô. Hà Nội cũng có Kế hoạch 01 hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn. Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố đã tham gia nhiều hoạt động kết nối kinh doanh do Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội tổ chức, không chỉ triển khai tại Hà Nội mà cả nước, để được giao lưu kết nối với các doanh nghiệp ở các tỉnh, tìm kiếm được nhiều bạn hàng.

    Với 17 hiệp định thương mại song phương, đa phương mà Việt Nam đã ký kết, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, thương mại đã được học tập, nâng cao kỹ năng tiếp cận nguồn hàng, nguồn nguyên liệu giá rẻ, chất lượng cao; thông qua hệ thống của Sở Công Thương để làm việc với Sở Công Thương các tỉnh, thành. Qua đó, các hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp đã được phân phối tốt hơn.

    Ngoài ra, Hiệp hội đã tham gia nhiều chương trình đào tạo nghề, bán hàng trực tuyến do Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội kết nối với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương).

    Cụ thể, năm 2023, Hiệp hội tham gia 8 khóa đào tạo kết hợp giữa bán hàng truyền thống với bán hàng thương mại điện tử. Nhiều sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp được lên các sàn lớn thế giới như Amazon, Alibaba... Thương mại điện tử chiếm 60% doanh thu, thương mại truyền thống chiếm 40%. Các sản phẩm truyền thống, vùng miền có xuất xứ chuẩn đều được các quốc gia đang phát triển tin dùng, đặc biệt là sản phẩm chủ lực, sản phẩm handmade của Hà Nội được thị trường Bắc Âu, Tây Âu ưa chuộng.

    Về giải pháp tổng thể, Hiệp hội mong muốn sắp tới khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, thành phố sẽ có nhiều điều kiện, đặc biệt về tài chính. Hà Nội là một trong hai địa phương thu ngân sách lớn - 400.000 tỷ đồng/năm, thành phố có thể trích một phần ngân sách cho Sở Công Thương, Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Nội, là hai cơ quan trực tiếp hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp với các chương trình đào tạo nâng cao năng lực cạnh tranh, kết nối giao thương cho các doanh nghiệp.

    Hà Nội cũng phải đầu tư cho cơ quan truyền thông chính thống của thành phố, trong đó có Báo Hànộimới để quảng bá nhiều hình ảnh sản phẩm cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp qua làm việc với các cơ quan truyền thông chính thống của thành phố sẽ được quảng bá sản phẩm hiệu quả.

  • 2h trướcNhiệm vụ trọng tâm là đưa hàng Việt Nam chất lượng cao đến gần hơn với người tiêu dùng

    Phát biểu tại tọa đàm, ông Phạm Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho biết, để nâng cao hiệu quả thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo thành phố chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch công tác năm gắn với nhiệm vụ chính trị của Thủ đô.

    mttq.jpg
    Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Phạm Anh Tuấn phát biểu tại giao lưu. Ảnh: Viết Thành

    Trong đó, Ban chỉ đạo Cuộc vận động thành phố xác định nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu vẫn là công tác tuyên truyền theo hướng phát hiện, tôn vinh hàng Việt Nam chất lượng cao, kết nối cung - cầu, đưa hàng Việt Nam chất lượng cao đến gần hơn với người tiêu dùng. Tăng cường công tác vận động cán bộ, đảng viên, hội viên, nhân dân gương mẫu, tự giác thay đổi nhận thức và hành vi trong mua sắm tài sản công, sinh hoạt và tiêu dùng hằng ngày, tạo thói quen khi mua sắm, tiêu dùng; ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ có chất lượng do các doanh nghiệp, nhà sản xuất tại địa phương làm ra.

    Mặt khác, tuyên truyền vận động các cơ sở doanh nghiệp Việt tích cực tham gia việc truyền thông, quảng bá sản phẩm, dịch vụ doanh nghiệp đến người tiêu dùng; đầu tư sản xuất, đổi mới công nghệ; nâng cao chất lượng, dịch vụ để mở rộng thị trường, đáp ứng tốt nhu cầu người tiêu dùng.

    Do đó, đến nay, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo sức lan tỏa, từng bước xây dựng được nét văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam nói chung, của Thủ đô nói riêng. Cấp ủy các cấp đã thể hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng trong thực hiện Cuộc vận động, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị thể hiện sự gương mẫu. Từng cấp, ngành đã có chương trình, kế hoạch và giải pháp thiết thực triển khai Cuộc vận động nên đã thu hút được sự quan tâm, đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Đã tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển của Thủ đô trong quá trình hội nhập kinh tế.

    Những kết quả đó có sự phối hợp chặt chẽ, chủ động, tích cực từ các đơn vị thành viên Ban chỉ đạo Cuộc vận động thành phố, các đơn vị bằng nhiều hình thức, phương pháp phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đơn vị, địa phương:

    - Đối với các tổ chức đoàn thể: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.

    - Đối với các cơ quan thông tin đại chúng: Bên cạnh việc đưa tin, bài phản ánh các hoạt động triển khai Cuộc vận động còn tổ chức các tọa đàm, các chuyên mục, chuyên đề.

    - Các sở, ngành thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh triển khai chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp, phát triển thương hiệu, khuyến công, phát triển làng nghề, khuyến khích khởi nghiệp góp phần tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp Việt đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

    Để Cuộc vận động được triển khai hiệu quả hơn, rất cần sự vào cuộc tích cực, đồng bộ hơn, quyết liệt hơn của các đơn vị thành viên Ban chỉ đạo thành phố. Các hoạt động triển khai thực hiện Cuộc vận động cần tiến hành thường xuyên hơn, đặc biệt là công tác tuyên truyền.

  • 2h trướcKênh phân phối hàng hóa rất tiềm năng

    Phát biểu đề dẫn, Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới Mai Thị Kim Thoa cho biết, những năm gần đây, nền kinh tế nước ta đã liên tục tăng trưởng với tốc độ khá cao; sản xuất trong nước ngày một đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất và tiêu dùng xã hội. Chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam ngày một cao hơn, nhiều sản phẩm đã có sức cạnh tranh trên thị trường như: Cà phê, gạo, hạt điều, thủy sản…

    photbt.jpg
    Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới Mai Thị Kim Thoa phát biểu đề dẫn. Ảnh: Viết Thành

    Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta vẫn còn những hạn chế, cụ thể là thị trường nội địa chưa được quan tâm khai thác, tâm lý sính dùng hàng ngoại vẫn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng. Trước thực tế trên, năm 2009, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với mục đích vinh danh, lan tỏa thương hiệu, sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước, đưa sản phẩm trong nước đến tay người tiêu dùng nội địa.

    Bán hàng online qua các nền tảng trực tuyến hiện đang là một trong những xu hướng tất yếu và trở thành một phương tiện quan trọng trong chiến lược tiếp thị và bán hàng của doanh nghiệp, tạo cơ hội cho các tiểu thương, doanh nghiệp tiếp cận và mở rộng thị trường, nhất là với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Từ năm 2023, việc livestream bán hàng thực sự trở nên sôi động và thu hút nhiều người tham gia ở cả phía người mua và người bán. Thậm chí, các sở, ngành tại nhiều địa phương cũng hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng lên sàn.

    Với kênh livestream bán hàng trực tuyến, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, tiểu thương, chủ thể OCOP và cả những người nông dân Việt không chỉ bán sản phẩm của mình làm ra, mà còn kể câu chuyện về sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ và đặc biệt là những cảm xúc, niềm tự hào về sản phẩm của địa phương mình.

    Nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh bán hàng trên nền tảng số và đầu tư rất bài bản, xem đây là kênh phân phối hàng hóa rất tiềm năng. Theo thống kê, năm 2023, tại Việt Nam có 2,2 tỷ sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu cả nước, gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop, tăng 52,3% so với 2022. Dự kiến trong năm 2024, doanh thu và sản lượng bán ra ở các nền tảng trực tuyến có thể đạt hơn 310.000 tỷ đồng, tăng 35% so với năm ngoái.

  • 2h trước.

    Dự giao lưu trực tuyến có ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội; ông Lê Tự Lực, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội; ông Dương Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội; ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Khóa Việt Tiệp, cùng đại diện một số cơ quan, ban, ngành của thành phố và người tiêu dùng.

    Về phía Báo Hànộimới có ông Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập; bà Mai Thị Kim Thoa, Phó Tổng Biên tập cùng lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn.

    z5578959076268_618450116ba790ffa1201fb74c967be2.jpg
    Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Viết Thành
    z5578958472426_a24a7ae599c0d2465bc013bd1056b1e1.jpg
    Các đồng chí chủ trì tọa đàm. Ảnh: Viết Thành
    daibieu3.jpg
    Các đại biểu dự tọa đàm. Ảnh: Viết Thành
  • 3h trướcBán hàng qua livestream đã thổi một làn gió mới

    Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sức mua sụt giảm mạnh, việc bán hàng qua livestream đã thổi làn gió mới, giúp doanh nghiệp trụ vững qua khó khăn và trở thành xu hướng tất yếu.

    Tại Việt Nam, livestream bán hàng trên các sàn thương mại điện tử đã xuất hiện từ năm 2018. Đến năm 2022, khi video ngắn bắt đầu được ưa chuộng, nhiều bên tập trung phát triển thêm tính năng livestream giúp nhà bán hàng tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng ở mọi nơi.

    livestream.jpg
    Một buổi livestream bán hàng của doanh nghiệp. Ảnh: PV

    Đặc biệt, từ năm 2023, việc livestream bán hàng thực sự trở nên sôi động và thu hút nhiều người tham gia, ở cả phía người mua và người bán. Thậm chí, các sở, ngành tại nhiều địa phương còn hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng lên sàn.

    Hiện, doanh nghiệp đang dành nhiều ưu tiên bán hàng thông qua hình thức livestream trên Tiktok Shop. Theo thống kê của kênh mua sắm kết hợp giải trí - TikTok Shop, năm vừa qua, có đến 95.000 gian hàng mới gia nhập. Tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày có khoảng 70 đến 80 nghìn phiên livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội.

    Trước thực tế trên, Báo Hànộimới phối hợp Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội tổ chức giao lưu trực tuyến, với chủ đề “Bán hàng trực tuyến (livestream) qua sàn thương mại điện tử - Giải pháp giúp doanh nghiệp Việt vượt khó”, nhằm thảo luận các giải pháp, chỉ ra những thuận lợi, khó khăn thách thức, giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp, tiểu thương, chủ thể OCOP đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng nội địa hiệu quả hơn. Đồng thời, tăng cường các giải pháp đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả trên thương mại điện tử, bán hàng livestream.

    Tọa đàm sẽ diễn ra từ 14h đến 17h ngày 27-6, với sự tham gia của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội; lãnh đạo các sở: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội; Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội; Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, các doanh nghiệp, tiểu thương, chủ thể OCOP…

    Ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể đặt câu hỏi và gửi về địa chỉ email: dientu@hanoimoi.com.vn để các khách mời trả lời những vấn đề mà mình quan tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giao lưu trực tuyến về bán hàng livestream qua sàn thương mại điện tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.