Xã hội

Gặp mặt, giao lưu trực tuyến nhân chứng lịch sử “Hà Nội, 70 năm dựng xây và phát triển”: Tiếp nối truyền thống, cống hiến dựng xây Thủ đô

Hiền Chi 11/10/2024 - 06:10

Xuyên suốt buổi gặp mặt, giao lưu trực tuyến nhân chứng lịch sử với chủ đề “Hà Nội, 70 năm dựng xây và phát triển”, do Báo Hànộimới tổ chức vào ngày 20-9, là không khí đầm ấm, tràn đầy tự hào về truyền thống vẻ vang và những đóng góp to lớn của các thế hệ cha ông trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng và kiến thiết, xây dựng Thủ đô 70 năm qua.

Tiếp nối dòng chảy hào hùng đó, thế hệ trẻ ngày nay nhận thức rõ về vai trò, trách nhiệm của mình để tiếp tục cống hiến xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển.

giao-luu.jpg
Buổi gặp mặt, giao lưu trực tuyến nhân chứng lịch sử với chủ đề “Hà Nội, 70 năm dựng xây và phát triển”, do Báo Hànộimới tổ chức ngày 20-9. Ảnh: Nguyễn Quang

Ký ức hào hùng

Cuộc gặp mặt, giao lưu trực tuyến nhân chứng lịch sử với chủ đề “Hà Nội, 70 năm dựng xây và phát triển” là một trong những hoạt động thiết thực, ý nghĩa của Báo Hànộimới nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Hoạt động này nhằm góp phần tuyên truyền đậm nét, sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của Ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang và những đóng góp to lớn của Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân Hà Nội trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tuyên truyền, giáo dục đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ hôm nay - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Trong không gian đầm ấm nghĩa tình, hơn 100 giáo viên, học sinh Trường THPT Việt Đức, quận Hoàn Kiếm tham gia giao lưu, lắng nghe các nhân chứng lịch sử chia sẻ kỷ niệm về thời khắc vô cùng ý nghĩa đối với Thủ đô.

Đó là kỷ niệm không bao giờ quên của Đại tá Bùi Gia Tuệ, sinh năm 1931, nguyên Trưởng phòng Pháp chế (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) - một trong những chiến sĩ đầu tiên trở về tiếp quản Thủ đô trong ngày 10-10-1954; của Đại tá Nguyễn Thụ, sinh năm 1933, người tham gia tiếp quản Thủ đô; ông Nguyễn Văn Khang, sinh năm 1935, Trưởng ban liên lạc Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô.

Ở tuổi 93, ông Bùi Gia Tuệ vẫn nhớ như in những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 2 lần được gặp Bác Hồ. Khi đến gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ Đại đoàn Quân tiên phong tại đền Hùng, Phú Thọ vào tháng 9-1954, trước khi tiến về tiếp quản Thủ đô, Người đã căn dặn: “Nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô có ý nghĩa chính trị rất quan trọng, cho nên các cháu cần phải thận trọng, chu đáo...”. Ông Tuệ tự hào vì mình và đồng đội đã thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ.

Với Đại tá Nguyễn Thụ, cảm xúc về những ngày tháng lịch sử vẫn vẹn nguyên với nhiều cung bậc cảm xúc mà ông cho rằng “khó nói nên lời” dù 70 năm đã trôi qua. Từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, cảm xúc đầu tiên là vui mừng khôn xiết khi cả miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Thủ đô được tiếp quản nguyên vẹn.

Nhớ lại những ngày tháng lịch sử, ông Nguyễn Văn Khang chia sẻ: “Chúng tôi, gần 400 người được tuyển chọn vào Đội Thanh niên xung phong tiếp quản Hà Nội, có nhiệm vụ về Hà Nội trước, từ ngày 3 đến 6-10-1954 để làm nhiệm vụ tiền trạm, tiếp xúc với nhân dân Hà Nội trước khi đoàn quân tiến về tiếp quản. Chúng tôi đã giải thích về các chính sách của Chính phủ ta..., làm yên lòng những người đang sống ở Hà Nội lúc đó”.

Câu chuyện của ông Nguyễn Văn Trác, sinh năm 1932, người tham gia Lễ duyệt binh ngày 2-9-1955 cũng rất xúc động: “Cuộc duyệt binh năm 1955 là cuộc duyệt binh rất lớn. Kỷ niệm đặc biệt nhất đối với tôi là được gặp Bác Hồ thăm trong khi luyện tập tại sân bay Bạch Mai. Bác đi chậm dọc hàng quân, động viên cán bộ, chiến sĩ... Và sau đó chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ”.

giao-luu-1.jpg
Em Nguyễn Mỹ Hạnh, học sinh lớp 12D2, Trường THPT Việt Đức phát biểu tại tọa đàm.

Tự hào về tầm vóc Thủ đô

Tại buổi gặp mặt giao lưu, TS Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam); PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội; Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Hà Nội Trương Minh Tiến đã chia sẻ về hành trình bảo vệ, kiến thiết Thủ đô trong 70 năm qua. Trong khoảng thời gian đó, Hà Nội đã làm được nhiều việc lớn lao để giờ đây có được không gian, diện mạo đô thị văn hiến - văn minh - hiện đại; Thủ đô ngàn năm văn hiến tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại mà vẫn giữ được bản sắc vốn có...

Những ý kiến chia sẻ tại buổi giao lưu toát lên niềm tin mãnh liệt rằng trong thời gian tới, phát huy hào khí của cha ông xưa và khí thế mạnh mẽ kiến thiết Thủ đô của ngày hôm nay, Hà Nội sẽ có sự phát triển vượt bậc.

Ký ức hào hùng của lớp người đi trước có sức lay động lớn lao. Là một trong những khách mời trẻ tuổi, Phó Bí thư Huyện đoàn Thanh Trì Hoàng Minh Hằng xúc động chia sẻ: “Là một công dân trẻ sinh ra và lớn lên tại Thủ đô Anh hùng, mảnh đất ngàn năm văn hiến, tôi tràn đầy sự tự hào, biết ơn và trân trọng công lao của các thế hệ ông cha đã chung sức xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội suốt 70 năm qua. Buổi gặp mặt giao lưu trực tuyến này là buổi học lịch sử trực tiếp rất hiệu quả. Câu chuyện mà các ông, các bà chia sẻ đã truyền cảm hứng cho lớp trẻ được may mắn sống trong hòa bình. Thế hệ trẻ cần có trách nhiệm học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng để kịp thời thích ứng với các vấn đề của một thế giới hiện đại, với các vấn đề thực tại như bão lũ, dịch bệnh... để cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô. Đó chính là sự tiếp nối truyền thống vẻ vang, anh hùng mà các thế hệ cha ông đã để lại”.

Theo nhà giáo Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, thông qua buổi gặp mặt giao lưu, các nhân chứng lịch sử đã cho thầy, trò nhà trường hiểu rõ hơn về lịch sử hào hùng của Thủ đô Hà Nội, sự đóng góp của các thế hệ đi trước... Đặc biệt, những chia sẻ của các nhân chứng lịch sử và các khách mời đã góp phần nhân lên niềm tự hào về truyền thống của dân tộc, truyền thống của Thủ đô Anh hùng. Vì tình yêu, danh dự và trách nhiệm với Thủ đô và cả nước, chúng ta sẽ cùng nhau đoàn kết một lòng, tiếp nối dòng chảy cách mạng hào hùng, vững bước trên con đường đổi mới, tiếp tục lập những thành tích mới, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước dành cho Thủ đô.

Đại tá Bùi Gia Tuệ, nguyên Trưởng phòng Pháp chế - Tổng cục Công nghiệp quốc phòng:
Những giây phút hạnh phúc không thể nào quên

yk-buigiatue.jpg

Bước vào trận quyết chiến ở Điện Biên Phủ, tôi khi đó mới 23 tuổi, giữ chức vụ Trung đội trưởng, trợ lý quân khí Đại đoàn 308, trực tiếp chuyển đạn tiếp tế cho pháo binh chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngày 7-5-1954, chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, chúng tôi sung sướng chứng kiến cảnh tượng lịch sử: Tướng De Castries, các thành viên Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và hơn 1,6 vạn quân Pháp lần lượt ra đầu hàng.

Trên đường tiến về tiếp quản Thủ đô, Đại đoàn 308 chúng tôi vinh dự được gặp Bác Hồ tại đền Hùng, được Bác giao nhiệm vụ trở về tiếp quản Thủ đô. Vì sao Bác Hồ dùng chữ “trở về”, bởi vì Bác biết rằng chúng tôi từ Hà Nội ra đi. Trước khi rời Thủ đô lên đường kháng chiến chống Pháp, chúng tôi đã viết khẩu hiệu ngắn lên tường: “Sẽ có ngày trở về Hà Nội”.

Ngày tiếp quản Thủ đô, xe của tôi là xe tiến vào thứ ba, đi sau hai xe của Chủ tịch Ủy ban Quân quản Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng; đi từ Hà Đông, vào Cửa Nam, qua Hàng Đậu, Hàng Ngang, Hàng Đào, Bờ Hồ... Tôi ngồi ngay đầu xe bên phải, chứng kiến sự hân hoan, mừng vui chào đón của hàng vạn bà con mà xúc động vô cùng. Các nữ sinh Trưng Vương ùa ra đón, ôm lấy, khiến chúng tôi càng thêm xúc động... Đó là phút giây thực sự hạnh phúc mà tôi không thể nào quên.

Đại tá Nguyễn Thụ, nguyên Trung đội trưởng bộ binh thuộc Đại đội 269 - Tiểu đoàn 54 - Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308:
Cảm xúc đầu tiên là vui mừng khôn xiết

yk-nguyenthu.jpg

Lúc đó, tôi có quá nhiều cảm xúc. Trong kháng chiến, quân đội hành quân ban đêm, ở sâu trong rừng, giữ bí mật... Nay bước sang hòa bình, cảm xúc đầu tiên là chúng tôi vui mừng khôn xiết khi cả miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Thủ đô được tiếp quản nguyên vẹn.

Cảm nhận thứ hai là chúng tôi nhớ đến các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô năm xưa đã chiến đấu dũng cảm 60 ngày đêm để bảo vệ thành Hà Nội và cuộc rút lui đầy mưu trí qua sông Hồng về chiến khu Việt Bắc.

Thứ ba, chúng tôi đều rất muốn nhanh chóng về Hà Nội. Gần như tất cả chúng tôi là thanh niên nông thôn, nhiều người chưa ra khỏi lũy tre làng nên không biết thành phố trông như thế nào. Khi đó, chúng tôi háo hức về để xem thành phố. Đi qua đường phố, tất cả chúng tôi ngắm nhìn mọi thứ với tâm trạng háo hức, lạ lẫm.

Cảm xúc thứ tư là mong mỏi được về thăm quê hương. Suốt những năm kháng chiến, chúng tôi đã không có một lá thư về cho gia đình.

Cuối cùng, chúng tôi nhớ Việt Bắc lắm. Sau này, đọc những lời thơ của Tố Hữu, lại càng nhớ hơn. Những câu thơ như: “Áo chàm đưa buổi phân ly/ Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...”, chúng tôi đọc đều rơi nước mắt...

TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam):
Sự phát triển của Hà Nội có sự đóng góp từ tiếp biến văn hóa, con người qua các thời kỳ

yk-nguyenvietchuc.jpg

Hà Nội ngày nay đạt được những thành tựu, mang tầm vóc vô cùng to lớn, không chỉ về diện tích, mà còn bởi Hà Nội có gia tài vô cùng to lớn, đó là văn hóa, con người. Chính bề dày văn hóa và phát triển con người trong hơn 1.000 năm lịch sử là cốt lõi để Hà Nội được vinh danh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.

Tôi rất cảm ơn buổi gặp mặt, giao lưu trực tuyến này với những câu chuyện của những nhân chứng lịch sử, giúp tôi hiểu thêm những khó khăn, gian khổ mà các thế hệ cha ông đi trước đã phải trải qua để có được Hà Nội ngày nay. Con người Hà Nội qua các thời kỳ chính là nguồn văn hóa vô tận để xây dựng Thủ đô, chứng minh rằng văn hóa Hà Nội không bao giờ đứt đoạn.

Hiện nay, Hà Nội đã phát triển đến ngỡ ngàng. Thành phố mở rộng hơn, xuất hiện nhiều đường phố mới, khu đô thị mới... Sự phát triển ấy có sự đóng góp từ tiếp biến văn hóa, con người qua các thời kỳ. Cá nhân tôi luôn đặt niềm tin và hy vọng vào sự phát triển của Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình, Hà Nội - Thủ đô Anh hùng, Hà Nội - Thành phố Sáng tạo.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:
Hà Nội sẽ bứt phá với sự "tiếp sức" của Luật Thủ đô

yk-buihoaison.jpg

Hà Nội 70 năm qua thực sự đã có sự thay đổi ngoạn mục. Hà Nội không chỉ có những bước phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, mà đời sống tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Hà Nội thực sự là nơi kết tinh, tỏa sáng giá trị văn hóa của con người Việt Nam và là niềm tự hào của người dân Việt Nam.

Chúng ta đang tiến tới xây dựng thành phố đáng sống, thành phố hạnh phúc bằng hành động cụ thể với nhiều hoạt động sáng tạo nở rộ trong thời gian qua, như tuần lễ thời trang quốc tế, lễ hội, phố đi bộ, không gian bích họa..., tạo điều kiện để người dân tham gia sinh hoạt, thể hiện tài năng sáng tạo.

Tập trung phát triển Hà Nội trong thời gian tới, với sự tiếp sức của Luật Thủ đô (sửa đổi), là nguyện vọng chung của cả nước, là mong mỏi của người dân cả nước, vì Hà Nội là trái tim, là nơi giữ nhịp đập cho sự phát triển của đất nước.

Luật Thủ đô đã tạo cơ chế vượt trội để Hà Nội chủ động nhiều hơn, có nguồn lực, điều kiện và cơ hội tốt hơn để phát triển. Khi Thủ đô phát triển với cơ chế đặc thù, lúc đó sẽ tạo sức bật mới. Hà Nội có sức bật mới sẽ dẫn dắt các địa phương xung quanh và cả nước phát triển. Tôi mong Hà Nội sẽ tận dụng những cơ hội có được từ Luật Thủ đô (sửa đổi) để phát huy hết tiềm năng của người dân Thủ đô, từ đó tạo sự bứt phá, là đầu tàu, ngọn hải đăng dẫn dắt sự phát triển của cả nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gặp mặt, giao lưu trực tuyến nhân chứng lịch sử “Hà Nội, 70 năm dựng xây và phát triển”: Tiếp nối truyền thống, cống hiến dựng xây Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.