Chính trị

Gặp mặt, giao lưu trực tuyến nhân chứng lịch sử "Hà Nội, 70 năm dựng xây và phát triển"

Nhóm phóng viên 20/09/2024 13:55

Trong không khí cả nước đang tưng bừng chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), chiều 20-9, Báo Hànộimới tổ chức Gặp mặt, giao lưu trực tuyến nhân chứng lịch sử với chủ đề “Hà Nội, 70 năm dựng xây và phát triển”.

Cuộc gặp mặt, giao lưu nhằm giúp độc giả hiểu thêm về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của Ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang và những đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hà Nội trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời góp phần tuyên truyền về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ hôm nay.

  • Tuần trướcĐể dòng lịch sử chảy mãi

    Phát biểu kết thúc cuộc gặp mặt, giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới Mai Thị Kim Thoa cho biết, sau gần 3 giờ diễn ra giao lưu, độc giả đã được nghe chia sẻ của các nhân chứng lịch sử với những đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; các chuyên gia đánh giá về sự phát triển của Hà Nội.

    kethuc.jpg
    Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới Mai Thị Kim Thoa phát biểu kết thúc tọa đàm.

    Bà Mai Thị Kim Thoa nhấn mạnh, việc Báo Hànộimới lựa chọn Trường THPT Việt Đức để tổ chức cuộc gặp mặt, giao lưu trực tuyến nhân chứng lịch sử là mong muốn dòng lịch sử sẽ được chảy mãi. Chúng ta được đón các ông, các bà là thế hệ các cựu chiến binh đã hy sinh xương máu và cả tuổi trẻ cho sự nghiệp giải phóng đất nước, Thủ đô; những người có nhiều cống hiến cho sự phát triển của Thủ đô trong giai đoạn sau giải phóng còn nhiều khó khăn cho đến các thế hệ đang đóng góp xây dựng Thủ đô hôm nay. Và các em học sinh chính là thế hệ nối tiếp dòng chảy này, để xây dựng Hà Nội ngày càng giàu mạnh, to đẹp hơn như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

    ketthuc1.jpg
    Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy trò Trường THPT Việt Đức.
  • Tuần trướcViết tiếp hành trình rực rỡ, vững bước vươn ra thế giới

    Phát biểu tại cuộc gặp mặt, giao lưu trực tuyến nhân chứng lịch sử, nhà giáo Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức khẳng định, các thầy, cô giáo và các học sinh của nhà trường thật may mắn khi có cơ hội tham dự chương trình, bởi nhà trường được thành lập vào ngày 3-3-1955 và là nơi để đón con em kháng chiến trở về Hà Nội học tập.

    Thông qua giao lưu, các nhân chứng lịch sử đã cho thầy, trò nhà trường hiểu rõ hơn về lịch sử hào hùng của Thủ đô Hà Nội, sự đóng góp của các thế hệ đi trước... Các học sinh ở Trường THPT Việt Đức sẽ viết tiếp hành trình rực rỡ để có những dấu chân tự hào và vững bước vươn ra thế giới.

  • Tuần trướcThế hệ trẻ nguyện góp sức xứng đáng xây dựng Thủ đô và đất nước

    Tham dự cuộc gặp mặt, giao lưu trực tuyến nhân chứng lịch sử hôm nay có hơn 100 bạn học sinh của Trường THPT Việt Đức, thay mặt học sinh của trường, em Nguyễn Mỹ Hạnh, học sinh lớp 12D2, Trường THPT Việt Đức đã chia sẻ cảm xúc tự hào, xúc động.

    hocsinhmyhanh.jpg
    Em Nguyễn Mỹ Hạnh, học sinh lớp 12D2, Trường THPT Việt Đức.

    “Em xin thay mặt các bạn học sinh cảm ơn các vị đại biểu với những câu chuyện xúc động, tái hiện lịch sử hào hùng của Hà Nội trong 70 năm qua một cách sống động. Qua các câu chuyện, em và các bạn nhận thức được rằng, việc giành độc lập, tự do vô cùng khó khăn và đáng quý. Chúng em xin hứa sẽ cố gắng phấn đấu học tập, góp sức xây dựng Hà Nội và đất nước, xứng đáng với những hy sinh của các thế hệ ông cha”, em Nguyễn Mỹ Hạnh bày tỏ.

  • Tuần trướcÝ thức rõ hơn vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong sự nghiệp phát triển Thủ đô

    - Bạn đọc Vũ Hoàng Giang (Hà Đông) đặt câu hỏi: Tham dự cuộc gial lưu, và nghe các câu chuyện các ông, các bác chia sẻ, là một người trẻ tuổi, Phó Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Thanh Trì Hoàng Minh Hằng có thể chia sẻ về những cảm nghĩ, cảm nhận của mình?

    doanthanhnien.jpg
    Phó Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Thanh Trì Hoàng Minh Hằng.

    - Chị Hoàng Minh Hằng: Là một công dân trẻ sinh ra và lớn lên tại Thủ đô Hà Nội anh hùng, mảnh đất văn hiến - văn minh - hiện đại, tôi tràn đầy sự tự hào, biết ơn và trân trọng công lao của các thế hệ ông cha đã chung sức xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội suốt 70 năm qua. Giờ đây, Thủ đô Hà Nội là một trong những Thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới. Thủ đô của chúng ta đã phát triển mạnh cả về quy mô, tầm vóc, vị trí địa chính trị và kinh tế - xã hội để sánh vai với rất nhiều thủ đô lớn trên thế giới.

    Tham gia cuộc gặp mặt, giao lưu trực tuyến hôm nay, được nghe trực tiếp những câu chuyện từ chính những ông, bà, là những nhân chứng nhân lịch sử, tôi cũng như các bạn trẻ được lĩnh hội nhiều thông tin, kiến thức lịch sử bổ ích và càng ý thức rõ hơn vai trò, trách nhiệm của bản thân và thế hệ trẻ trong sự nghiệp phát triển Thủ đô.

    Thế hệ trẻ hôm nay không phải cầm súng ra trận như thế hệ ông cha, nhưng trong mọi chặng đường phát triển mới, trong các phong trào dựng xây đất nước, đều có sự chung tay gánh vác của thanh niên, mà gần đây nhất là đại dịch Covid-19 và phòng, chống, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (Yagi)... Điều này là minh chứng cho thấy, truyền thống, thành quả cách mạng của thế hệ ông cha đang được các thế hệ sau giữ gìn, gây dựng và phát triển xứng đáng.

    Được có mặt tại chương trình, nghe và chứng kiến nhiều câu chuyện, tôi thấy thật may mắn và mong rằng mình sẽ lan tỏa nhiều thông điệp tốt đẹp hơn tới không chỉ thế hệ trẻ, mà với nhiều người trong và ngoài nước để tiếp tục chung sức xây dựng, phát triển Thủ đô.

  • Tuần trướcVăn hóa Thăng Long - Hà Nội là dòng chảy liên tục không ngừng nghỉ

    Bạn đọc Khánh Hà (quận Hà Đông) hỏi: Là người sống, làm việc và luôn theo sát quá trình phát triển của Hà Nội, theo Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Hà Nội Trương Minh Tiến, dấu ấn đậm nét nhất của Hà Nội trong phát triển văn hóa, con người Hà Nội và giữ gìn danh hiệu Thành phố Vì hòa bình là gì?

    ongtien.jpg
    Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Hà Nội Trương Minh Tiến phát biểu tại cuộc giao lưu.

    Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Hà Nội Trương Minh Tiến: Văn hoá Thăng Long - Hà Nội là dòng chảy không ngừng nghỉ, có sự hội tụ, kết tinh và lan toả. Hà Nội tiếp thu văn minh nhân loại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa vốn có. Trong đó, thành phố đã tiếp tục quản lý, bảo vệ và phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa của Hà Nội.

    Hà Nội hiện đang sở hữu 5.922 di tích lịch sử và 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có nhiều di sản được UNESCO công nhận. Các di tích liên quan đến lịch sử cách mạng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được gìn giữ và tôn vinh. Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã dành sự quan tâm rất lớn để bảo vệ, gìn giữ, phát huy giá trị các di sản văn hóa.

    Bên cạnh việc triển khai các chương trình phát triển văn hóa, Thành ủy Hà Nội cũng chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, nhân dân Thủ đô cũng từng bước nâng cao ý thức pháp luật và văn minh đô thị. Trong đại dịch Covid-19 cũng như cơn bão số 3 vừa qua, tấm lòng giữa người với người, sự chia sẻ với đồng bào cả nước trước những mất mát, đau thương đã thể hiện tính cách nổi bật của người Hà Nội.

    Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã và đang cùng chung tay góp sức để Hà Nội giữ vững danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" của UNESCO với 4 tiêu chí cụ thể: Xây dựng xã hội công bằng, bình đẳng, xóa đói giảm nghèo; phát triển văn hóa, giáo dục; xây dựng đô thị và môi trường, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Thành phố cũng mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, trở thành điểm đến hấp dẫn trên thế giới.

  • Tuần trước70 năm qua, Hà Nội làm được nhiều việc về không gian đô thị, diện mạo đô thị

    Bạn đọc Hà Khánh An (huyện Đông Anh) đặt câu hỏi tới TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Công tác quy hoạch của Thủ đô ta 70 năm qua đã được quan tâm đặc biệt như thế nào? Những dấu mốc đổi thay nào khiến ông thực sự ấn tượng?

    TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Các nhân chứng lịch sử chúng ta giao lưu hôm nay đã góp phần mang đến chiến công rực rỡ cho Hà Nội. Và nhìn lại 70 năm qua, Hà Nội làm được nhiều việc về không gian đô thị, diện mạo đô thị cho sự phát triển của Thủ đô.

    ongnghiem.jpg
    TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm.

    Năm 1954, với sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác quy hoạch, mở rộng địa giới Thủ đô Hà Nội, diện tích Thủ đô từ 152 km2 được nâng lên 584 km2. Chúng ta phát triển công nghiệp rất mạnh, biến từ thành phố tiêu thụ sang thành phố công nghiệp và rất chú trọng đến người dân. Ngành xây dựng có công lao xây dựng, hình thành 197 khu lao động dân cư.

    Hiếm có thủ đô nào trên thế giới đa chức năng, phát triển toàn diện như Hà Nội. Do đó, năm 1978, Trung ương quyết định mở rộng Hà Nội lên 2.136 km2 và giai đoạn sau đó điều chỉnh giảm còn 928 km2.

    Năm 1992, chúng ta đã xây dựng các khu đô thị kiểu mới. Đến năm 1998, Hà Nội tiếp tục thực hiện các bước đột phá. Tốc độ đô thị hóa rất cao, hơn 60% người dân sống trong khu đô thị. Năm 2001, lần đầu tiên đô thị trung tâm vượt sông Hồng, hình thành quận Long Biên như ngày nay.

    Năm 2008, Hà Nội thực hiện điều chỉnh mở rộng địa giới, lên hơn 3.300km2, là đô thị có diện tích lớn nhất trong cả nước, một trong 12 thủ đô trên thế giới có quy mô lớn như vậy và là một trong 10 thủ đô có lịch sử ngàn năm…

    Với định hướng sắp tới, Hà Nội quyết tâm tiếp tục thực hiện mô hình chùm đô thị. Hà Nội có đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ sinh và 24 thị trấn sinh thái. Hà Nội sẽ khai thác có hiệu quả sông Hồng; bảo đảm cân đối hài hòa giữa phát triển đô thị và nông thôn; tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng kỹ thuật. Hà Nội cũng đang quyết tâm xây dựng trung tâm văn hóa tầm cỡ khu vực và quốc gia tại huyện Đông Anh…

    Thời gian tới, phát huy chiến tích của cha ông xưa và khí thế mạnh mẽ hôm nay, Hà Nội sẽ phát triển vượt bậc hơn 70 năm qua.

  • Tuần trướcBứt phá phát triển với sự "tiếp sức" của Luật Thủ đô

    Bạn đọc Lê Hoàng Xuân Trung (huyện Đông Anh): Xin được hỏi PGS.TS Bùi Hoài Sơn, là người gắn bó với Thủ đô, là đại biểu Quốc hội, ông có thể chia sẻ cảm nhận của mình về sự thay đổi, phát triển của Hà Nội hôm nay sau 70 năm giải phóng?

    PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:

    Hà Nội sau 70 năm thực sự đã có sự thay đổi ngoạn mục và được vinh danh với nhiều danh xưng như: Thành phố Vì hòa bình, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người…

    Hà Nội không chỉ có những bước phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, mà đời sống tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Hà Nội thực sự là nơi kết tinh, tỏa sáng giá trị văn hóa của con người Việt Nam và là niềm tự hào của người dân Việt Nam.

    ongbuihoaison.jpg
    PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại cuộc giao lưu.

    Chúng ta đang tiến tới xây dựng thành phố đáng sống, thành phố hạnh phúc bằng hành động cụ thể với nhiều hoạt động sáng tạo nở rộ trong thời gian qua như: Tuần lễ thời trang quốc tế, lễ hội, phố đi bộ, không gian bích họa.., tạo điều kiện để người dân tham gia sinh hoạt, thể hiện tài năng sáng tạo.

    Có được như ngày hôm nay là nhờ sự hy sinh của bao thế hệ. Đó là niềm tự hào, là hành trang đáng quý để các bạn trẻ có thêm tình yêu, niềm tin với Hà Nội, để phát huy hơn nữa giá trị của Thủ đô trong thời gian tới.

    Tập trung phát triển Hà Nội trong thời gian tới, với sự tiếp sức của Luật Thủ đô (sửa đổi), là nguyện vọng chung của cả nước, là mong mỏi của người dân cả nước, vì Hà Nội là trái tim, là nơi giữ nhịp đập cho sự phát triển của đất nước.

    Luật Thủ đô đã tạo cơ chế vượt trội để Hà Nội chủ động nhiều hơn, có nguồn lực, điều kiện và cơ hội tốt hơn để phát triển. Khi Thủ đô phát triển với cơ chế đặc thù, lúc đó sẽ tạo sức bật mới. Hà Nội có sức bật mới sẽ dẫn dắt các địa phương xung quanh và cả nước phát triển. Tôi mong Hà Nội sẽ tận dụng những cơ hội có được từ Luật Thủ đô (sửa đổi) để phát huy hết tiềm năng của người dân Thủ đô, từ đó tạo sự bứt phá, là đầu tàu, ngọn hải đăng dẫn dắt sự phát triển của cả nước.

  • Tuần trướcHà Nội có gia tài vô cùng to lớn, đó là văn hóa, con người

    Bạn đọc Ngô Kim Thủy (quận Nam Từ Liêm) hỏi: Hà Nội sau 70 năm đổi mới có thành tựu to lớn vượt bậc, được UNESCO công nhận là “Thành phố sáng tạo”, xin hỏi TS Nguyễn Viết Chức có những cảm nhận gì về sự thay đổi, phát triển của Hà Nội hôm nay?

    TS Nguyễn Viết Chức: Hà Nội ngày nay đạt được những thành tựu, mang tầm vóc vô cùng to lớn, không chỉ về diện tích, mà còn bởi Hà Nội có gia tài vô cùng to lớn, đó là văn hóa, con người. Chính bề dày văn hóa và việc phát triển con người trong hơn 1.000 năm lịch sử là cốt lõi để Hà Nội được vinh danh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.

    ongvietchuc.jpg
    TS Nguyễn Viết Chức chia sẻ tại tọa đàm.

    Tôi rất cảm ơn buổi gặp mặt, giao lưu trực tuyến hôm nay với những câu chuyện của những nhân chứng lịch sử, giúp tôi hiểu thêm những khó khăn, gian khổ mà các thế hệ cha ông đi trước đã phải trải qua để có được Hà Nội ngày nay. Con người Hà Nội qua các thời kỳ chính là nguồn văn hóa vô tận để xây dựng Thủ đô, chứng minh rằng văn hóa Hà Nội không bao giờ đứt đoạn.

    Hiện nay, Hà Nội phát triển đến ngỡ ngàng. Thành phố mở rộng hơn, xuất hiện nhiều đường phố mới, khu đô thị mới... Sự phát triển ấy có sự đóng góp từ tiếp biến văn hóa, con người qua các thời kỳ. Cá nhân tôi luôn đặt niềm tin và hy vọng vào sự phát triển của Hà Nội - Thành phố vì hòa bình, Hà Nội - Thủ đô Anh hùng, Hà Nội - Thành phố sáng tạo.

  • Tuần trước"Ba sẵn sàng" là lý tưởng, là lẽ sống, là danh dự của tuổi trẻ Thủ đô

    Bạn đọc Vũ Hoài An (quận Long Biên) gửi câu hỏi: Thưa bà Dương Thị Vịn, là một trong những nữ thanh niên xung phong trực tiếp làm nên khí thế sục sôi của phong trào “Ba sẵn sàng” thế kỷ trước, ký ức của bà về những năm tháng tham gia phong trào đó như thế nào ạ?

    Bà Dương Thị Vịn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố Hà Nội:

    Đêm 7-8-1964, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội đã họp bất thường quyết định phát động phong trào “Ba sẵn sàng”:

    “Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm.
    Sẵn sàng gia nhập lực lượng vũ trang.
    Sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần”.

    baduongthivin.jpg
    Bà Dương Thị Vịn phát biểu tại cuộc giao lưu.

    Đêm 9-8-1964, tại Hội trường Bộ công nghiệp nặng (phố Hai Bà Trưng), đồng chí Vũ Hữu Loan, Bí thư Thành đoàn đã phát động phong trào “Ba sẵn sàng”. Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng đó, hàng vạn thanh niên Thủ đô đã hừng hực xuống đường hô vang sẵn sàng, sẵn sàng, sẵn sàng. Ngày ấy, “Ba sẵn sàng” thực sự là lý tưởng, là lẽ sống, là danh dự của tuổi trẻ Thủ đô.

    Để được tham gia phong trào, có người khai tăng tuổi, có người mặc thêm quần áo cho đủ cân. Có người giấu bố mẹ đi cắt hộ khẩu, có những gương mặt vừa tốt nghiệp trường trung cấp, cấp III, nhưng sẵn sàng không đi học chuyên nghiệp, đại học, thậm chí từ chối đi học nước ngoài để nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc.

    Tôi khi đó 21 tuổi, là Bí thư Chi đoàn khối 49, vừa được kết nạp vào Đảng trước đó ít ngày (tôi được kết nạp vào Đảng ngày 29-7-1964). Tôi và 12 đoàn viên thanh niên của chi đoàn có mặt trong đại đội 816 khu Hai Bà Trưng và huyện Thanh Trì. Hầu hết đội viên của đội đều rất trẻ, bình quân tuổi đời 18-20, gồm đủ các thành phần, trong đó 50% là nữ, 30% là học sinh vừa rời ghế nhà trường, có em mới 15-16 tuổi...

    Bản thân tôi lúc đó cũng có hoàn cảnh riêng. Tôi cùng lúc nhận được 2 giấy gọi: Một giấy gọi đi thanh niên xung phong, một giấy gọi đi học ở nước ngoài. Bố tôi đã động viên tôi đi thanh niên xung phong. Ông nói: “Sau khi đánh thắng giặc Mỹ, con trở về đi học sau cũng được…”.

    Địa bàn chúng tôi hoạt động là tuyến lửa khu bốn gồm 3 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Nhiệm vụ của chúng tôi là sản xuất, chiến đấu, học tập. Công việc chủ yếu là xẻ núi, mở đường, san lấp hố bom, đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống. Giặc Mỹ đánh phá ngày càng ác liệt, chúng ném bom bắn phá, cày xới các cung đường, các cây cầu chúng tôi xây dựng, nhưng với tinh thần “Ba sẵn sàng”, tiếng bom vừa dứt, chúng tôi lại có mặt trên mặt đường để khắc phục hậu quả, đảm bảo giao thông cho các đoàn xe ra chiến trường... Trong bom đạn, sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc, thiếu thốn, gian khổ, mất mát, hy sinh... không khuất phục được ý chí của chúng tôi, không ai rời ngũ. Càng khó khăn, chúng tôi càng đoàn kết, yêu thương nhau. Chúng tôi đã sống trọn vẹn với khẩu hiệu: "Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”.

  • Tuần trướcPhấn khởi, vinh dự được tham gia Lễ duyệt binh ngày 2-9-1955

    Chia sẻ về những tháng ngày tập luyện cho Lễ duyệt binh hùng tráng ngày 2-9-1955, ông Nguyễn Văn Trác nói: Cuộc duyệt binh năm 1955 là cuộc duyệt binh rất lớn, lớn hơn lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính Hà Nội tổ chức tại sân vận động Cột Cờ chiều ngày 10-10-1954.

    nguyenvantrac.jpg
    Ông Nguyễn Văn Trác chia sẻ tại cuộc giao lưu.

    Năm 1955, ông Trác lúc đó mới 23 tuổi, công tác ở Tiểu đoàn thông tin của Đại đoàn 312. Được đi duyệt binh, ai cũng như ai đều cảm thấy phấn khởi, vinh dự nên dù còn khó khăn, gian khổ cũng không nản lòng. Nên đơn vị ông dù đóng quân ở Bắc Ninh vẫn hành quân bộ về Hà Nội tập luyện, duyệt binh xong lại hành quân về địa điểm đóng quân.

    "Luyện tập ở sân bay Bạch Mai, nắng như thế nhưng chúng tôi ai cũng khỏe, cao to; tôi cao 1m70 cũng chỉ đứng thứ 7 trong khối duyệt binh của đơn vị. Kỷ niệm đặc biệt nhất đối với chúng tôi khi đó là được gặp Bác Hồ thăm trong khi luyện tập tại sân bay Bạch Mai. Bác đi chậm dọc hàng quân, động viên cán bộ, chiến sĩ.... Chúng tôi khi đó, qua 9 năm kháng chiến đều gọi Bác là “cụ Hồ”", ông Trác chia sẻ.

  • Tuần trướcNhững kỷ niệm không thể nào quên

    Học sinh Nguyễn Mỹ Hạnh, lớp 12D2 Trường PTTH Việt Đức: Thưa các bác, trải qua 9 năm kháng chiến trường kỳ với bao khó khăn, gian khổ chiến đấu và giải phóng Thủ đô, giờ đây, các bác có thể chia sẻ về điều gì còn đau đáu trong lòng về cuộc chiến hay không?

    ongkhang.jpg
    Ông Nguyễn Khang.

    Ông Nguyễn Khang - Trưởng ban liên lạc của đội thanh niên công tác tiếp quản Thủ đô:

    Với tôi, không gì sung sướng bằng được nghe tin mình được về Hà Nội tiếp quản Thủ đô, nhưng kèm theo đó là cảm giác khá lo lắng. Lúc đó, chúng tôi mới chỉ là những thanh niên 20 tuổi, còn rất trẻ nhưng được giao nhiệm vụ phải tiếp xúc với nhân dân trước khi đoàn quân bộ đội trở về. Chúng tôi lo vì không biết khi trở về Hà Nội, mình sẽ phải làm thế nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ này. Làm thế nào để có thể tiếp xúc, vận động nhân dân thành công?

    Chúng tôi phải học và thấm nhuần chính sách của Chính phủ để có đủ thông tin giải thích để nhân dân yên tâm.

    ongthu1.jpg
    Ông Nguyễn Thụ.

    Ông Nguyễn Thụ - nguyên Trung đội trưởng Bộ binh thuộc Đại đội 269 (Tiểu đoàn 54 - Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308):

    Trên đường về tiếp quản Hà Nội, chúng tôi có rất nhiều niềm vui, nhưng cũng có những việc xảy ra khiến tôi đến nay vẫn đau đáu trong lòng.

    Khi Đại đoàn 308 tổ chức mừng công ở Bắc Giang, hàng vạn nhân dân ở Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh… kéo về vừa để gặp gỡ các anh bộ đội cụ Hồ, vừa mong muốn có thể gặp lại người thân. Bản thân tôi cũng gặp được người thân, nhưng niềm vui chưa đầy 1 phút, thì đồng thời tôi nhận được tin anh họ tôi vừa hy sinh. Song, cũng có những niềm vui đoàn tụ thật ngọt ngào, khi đó, tôi gặp một người phụ nữ đang đeo khăn tang vì trước đó chị nhận tin chồng đã hy sinh nhưng thật hạnh phúc, chị đã bất ngờ gặp lại chồng trong đoàn quân trở về...

    Phải nói rằng, những cuộc gặp gỡ sau 9 năm kháng chiến có nhiều câu chuyện mừng mừng, tủi tủi... Với rất nhiều người, đó mãi là những kỷ niệm không thể nào quên.

  • Tuần trước"Kỷ niệm về những lần được gặp Bác Hồ in dấu đặc biệt trong tôi"

    Bạn đọc Trần Văn Kiên (Cầu Giấy) đặt câu hỏi: Được biết, Đại tá Bùi Gia Tuệ vinh dự được gặp Bác Hồ 2 lần. Bác có thể chia sẻ cho chúng cháu về những kỷ niệm đáng nhớ đó?

    - Đại tá Bùi Gia Tuệ: Tôi đã có hai lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Lần thứ nhất là khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ Đại đoàn quân Tiên phong trước khi tiếp quản Thủ đô tại Đền Hùng, Phú Thọ vào tháng 9-1954. Tuy không được nói chuyện trực tiếp, nhưng tôi vẫn nhớ Người căn dặn: Nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô có ý nghĩa chính trị rất quan trọng, cho nên các cháu cần phải thận trọng, chu đáo.

    otue.jpg
    Đại tá Bùi Gia Tuệ.

    Lần thứ hai là khi tôi đang học tập tại Trường Đại học Kinh tế Tài chính (nay là Trường Đại học Kinh tế quốc dân), Bác Hồ đến thăm và tôi đã được trò chuyện cùng Bác. Hôm đó là chiều ngày 3-2-1961, bất chợt Bác đến thăm Trường. Không ai nghĩ là Bác đến thăm trường trong lúc đang bận trăm công nghìn việc. Bác đi thẳng vào khu nhà bếp, kiểm tra bếp ăn của cán bộ, sinh viên, sau đó mới lên hội trường. Tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên, sinh viên đều hồi hộp chờ đón Bác.

    Lúc đó, tôi đang ngồi trên hàng ghế đầu, Bác hỏi: “Cháu tên gì?”, “Dạ thưa Bác, cháu là Bùi Gia Tuệ ạ”, tôi đứng lên đáp. Bác nói tiếp: “Cháu Tuệ, cháu thay mặt anh chị em sinh viên tại đây trả lời Bác nhé. Các cháu học để làm gì?”, “Dạ, thưa Bác, chúng cháu học để phục vụ nhân dân”, “Phục vụ nhân dân là như thế nào?, “Dạ, thưa Bác, phục vụ nhân dân là lo cho đời sống của nhân dân được cải thiện tốt hơn về ăn ở, về mặc, đi lại, học hành...”, “Thế là tốt. Cháu ngồi xuống”. Những lời Bác Hồ nói rất mộc mạc, nhưng suốt đời tôi không thể quên.

    Kỷ niệm về những lần được gặp Bác đã in dấu trong lòng tôi suốt những năm tháng của cuộc đời. Học tập và noi theo gương Bác Hồ vĩ đại, trong hơn 40 năm gắn bó với quân ngũ, dù ở cương vị nào, đến khi về nghỉ hưu, tham gia công tác địa phương, tôi luôn thực hành lời Bác dạy, cái gì có lợi cho dân thì làm, tận tâm hết mình, cần, kiệm, liêm chính, để phục vụ nhân dân.

  • Tuần trướcVui sao nước mắt lại trào...

    Bạn đọc Thu Hạnh (quận Ba Đình) đặt câu hỏi: Thưa Đại tá Nguyễn Thụ, ông có thể chia sẻ cảm xúc trong thời khắc đặc biệt, khi mà ông cùng đồng đội ở Trung đoàn Thủ đô về tiếp quản Hà Nội?

    - Đại tá Nguyễn Thụ, nguyên Trung đội trưởng Bộ binh thuộc Đại đội 269 - Tiểu đoàn 54 - Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 về tiếp quản Thủ đô: Lúc đó, tôi có quá nhiều cảm xúc. Từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, không khí khác hoàn toàn. Trong kháng chiến, quân đội hành quân ban đêm, ở sâu trong rừng, giữ bí mật... Nay bước sang hòa bình, cảm xúc đầu tiên là chúng tôi vui mừng khôn xiết khi cả miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Thủ đô được tiếp quản nguyên vẹn.

    nguyenthu.jpg
    Đại tá Nguyễn Thụ chia sẻ tại cuộc giao lưu.

    Cảm nhận thứ hai là chúng tôi nhớ đến các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô năm xưa đã chiến đấu dũng cảm 60 ngày đêm để bảo vệ Thành Hà Nội và cuộc rút lui đầy mưu trí qua sông Hồng về chiến khu Việt Bắc.

    Thứ ba, chúng tôi đều rất muốn nhanh chóng về Hà Nội. Gần như tất cả chúng tôi là thanh niên nông thôn, nhiều người chưa ra khỏi lũy tre làng nên không biết thành phố trông như thế nào. Khi đó, chúng tôi háo hức về để xem thành phố. Đi qua đường phố, tất cả chúng tôi ngắm nhìn mọi thứ với tâm trạng háo hức, lạ lẫm.

    Cảm xúc thứ tư là mong mỏi được về thăm quê hương. Suốt những năm kháng chiến, chúng tôi đã không có một lá thư về cho gia đình.

    Cuối cùng, chúng tôi nhớ Việt Bắc lắm. 8, 9 năm kháng chiến sống với Việt Bắc, với chúng tôi, mảnh đất đó, những người dân ở đó là cha, là mẹ, là anh em ruột thịt... Sau này, đọc những lời thơ của Tố Hữu, lại càng nhớ hơn. Những câu thơ như: “Áo chàm đưa buổi phân ly/Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…”, chúng tôi đọc đều rơi nước mắt…

  • Tuần trướcNhững giây phút hạnh phúc không thể nào quên

    Độc giả Nguyễn Hòa Bình (phố Kim Đồng, quận Hoàng Mai): Thưa Đại tá Bùi Gia Tuệ, ông có thể chia sẻ về những năm tháng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và ký ức hào hùng ngày tiếp quản Thủ đô năm ấy?

    buigiatue.jpg
    Đại tá Bùi Gia Tuệ, nguyên Trưởng phòng Pháp chế - Tổng cục Công nghiệp quốc phòng.

    Đại tá Bùi Gia Tuệ, nguyên Trưởng phòng Pháp chế - Tổng cục Công nghiệp quốc phòng: Bước vào trận quyết chiến ở Điện Biên Phủ, tôi khi đó mới 23 tuổi, giữ chức vụ Trung đội trưởng, trợ lý quân khí Sư đoàn 308, trực tiếp chuyển đạn tiếp tế cho pháo binh chiến dịch Điện Biên Phủ.

    Ngày 7-5-1954, chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, chúng tôi sung sướng, hồ hởi khi chứng kiến cảnh tượng lịch sử: Tướng Đờ Cát, Bộ Chỉ huy và hơn 1,6 vạn quân Pháp lần lượt ra đầu hàng. Do biết ít nhiều tiếng Pháp, chúng tôi được giao nhiệm vụ canh giữ tù binh sau chiến thắng.

    Trên đường tiến về tiếp quản Thủ đô, Sư đoàn 308 chúng tôi vinh dự được gặp Bác Hồ trên Đền Hùng, được Bác giao nhiệm vụ trở về tiếp quản Thủ đô. Vì sao Bác Hồ dùng chữ “trở về”, bởi vì Bác biết rằng chúng tôi từ Hà Nội ra đi. Trước khi rời Thủ đô lên đường kháng chiến chống Pháp, chúng tôi đã viết khẩu hiệu ngắn lên tường: “Sẽ có ngày trở về Hà Nội”.

    Ngày tiếp quản Thủ đô, xe của tôi là xe tiến vào thứ 3, đi sau hai xe của Chủ tịch Ủy ban Quân quản Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Ủy ban quân quản thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng; đi từ Hà Đông, vào Cửa Nam, qua Hàng Đậu, hàng Ngang, Hàng Đào, Bờ Hồ…. Tôi ngồi ngay đầu xe bên phải, chứng kiến sự hân hoan, mừng vui chào đón của hàng vạn bà con mà xúc động vô cùng. Các nữ sinh Trưng Vương ùa ra đón, ôm lấy, khiến chúng tôi càng thêm xúc động… Đó là phút giây thực sự hạnh phúc mà tôi không thể nào quên.

    Sau ngày tiếp quản Thủ đô, tôi và các đồng chí cùng đơn vị được giao nhiệm vụ bảo vệ Nhà máy nước Yên Phụ trong khoảng hơn 1 tháng.

  • Tuần trướcGần 400 thanh niên tham gia công tác "dân vận" trước ngày Đoàn quân tiến về tiếp quản Hà Nội

    Bạn đọc Nguyễn Hoàng Phương (Hoàn Kiếm) đặt câu hỏi: Thưa ông Nguyễn Văn Khang, được biết, ông từng tham gia Đội Thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô, vậy khi đó, yêu cầu để được vào Đội Thanh niên xung phong như thế nào? Và những công việc các ông đã làm thời điểm đó là gì?

    vankhang.jpg
    Ông Nguyễn Văn Khang, Trưởng ban liên lạc của đội thanh niên công tác tiếp quản Thủ đô chia sẻ tại cuộc giao lưu.

    Ông Nguyễn Văn Khang, Trưởng ban liên lạc của đội thanh niên công tác tiếp quản Thủ đô:

    Lúc đó, chúng tôi được tuyển chọn vào Đội Thanh niên xung phong tiếp quản Hà Nội, gần 400 người, có nhiệm vụ về Hà Nội trước, từ khoảng ngày 3 đến 6-10-1954. Chúng tôi làm nhiệm vụ “có một không hai” là tiền trạm, tiếp xúc với nhân dân Hà Nội trước khi Đoàn quân tiến về tiếp quản. Lúc bấy giờ, do thông tin xuyên tạc, lôi kéo của địch, người dân vùng tạm chiếm và quân kháng chiến có những điều không hiểu nhau nên nhiệm vụ của chúng tôi là làm công tác vận động, tuyên truyền, tiếp xúc với người dân để mọi người thông suốt.

    Khi tiếp quản, chúng tôi đã tháo dỡ những khẩu hiệu phản động, giải thích các chính sách của Chính phủ ta. Gần 400 thanh niên hằng ngày đi gặp gỡ từng người dân, từng hộ gia đình, trong đó có công chức, người làm công, người làm quản lý, người làm hành chính cho Pháp, và cả các nhà tư sản, tiểu thương… Nhiều khi đến nhà mà chủ nhà không mở cửa, chúng tôi vẫn kiên trì. Có người thắc mắc hỏi chúng tôi: Có được mặc áo dài không? Có được tiếp tục buôn bán không? Lương có bị thay đổi không? Có bị trả thù không?… Chúng tôi trả lời, Chính phủ sẽ duy trì cuộc sống như trước đây, cuộc sống không có gì thay đổi, xáo trộn. Sự giải thích kiên trì của chúng tôi đã làm yên lòng những người đang sống ở Hà Nội lúc đó.

    Đây là việc làm sáng suốt của Chính phủ để người dân Hà Nội hiểu hơn về đoàn quân khi tiếp quản Hà Nội. Ngoài việc giải thích chính sách của Chính phủ, chúng tôi còn có nhiệm vụ dạy thanh niên, thiếu nhi hát, cùng đồng bào chuẩn bị khẩu hiệu, cổng chào để đón bộ đội trở về vào ngày 10-10-1954.

  • Tuần trướcKhơi dậy tình yêu và khát vọng phát triển Thủ đô

    Phát biểu khai mạc, bà Mai Thị Kim Thoa, Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới cho biết, thời điểm này cách đây 70 năm đã diễn ra một sự kiện quan trọng làm thay đổi vận mệnh của cả một dân tộc. Sau khoảng thời gian đấu trí cam go, phức tạp, ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơnevơ về đình chiến ở Đông Dương đã được ký kết.

    Thi hành Hiệp định, Việt Nam đã chủ động lên kế hoạch đề phòng, đấu tranh, đồng thời chuẩn bị lực lượng tiếp quản Thủ đô một cách kỹ lưỡng nhằm loại bỏ âm mưu lợi dụng thời gian này để phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa, lôi kéo người di cư vào Nam của Pháp. Sáng ngày 8-10-1954, các đơn vị quân đội Việt Nam đã chia lực lượng thành nhiều cánh quân để tiến vào Thủ đô và tỏa đi khắp nơi trong thành phố vào ngày hôm sau.

    ptbt-thoa.jpg
    Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới Mai Thị Kim Thoa phát biểu khai mạc cuộc gặp gỡ, giao lưu trực tuyến nhân chứng lịch sử.

    Từng bước tiến vào nội thành, các đơn vị quân đội Việt Nam dần tiếp quản các căn cứ quan trọng trong thành phố như Nhà Ga, Phủ Toàn quyền, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, Phủ Thống sứ. Sau khi quân đội Liên hiệp Pháp rời đi, quân đội Việt Nam đã hoàn toàn kiểm soát Hà Nội. Không khí hân hoan chào mừng giải phóng bao trùm cả Thủ đô với cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, niềm vui giải phóng tràn đầy trong lòng quân, dân Việt Nam sau 9 năm ròng đấu tranh chiếm lại Thủ đô.

    Sự kiện Giải phóng Thủ đô đã chấm dứt hoàn toàn ách đô hộ kéo dài gần 100 năm của thực dân Pháp tại miền Bắc. Đây là một bước ngoặt quyết định trong cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do của dân tộc, đây cũng là mốc son quan trọng: Ngày Giải phóng Thủ đô đã được chọn làm ngày lễ quốc gia để tôn vinh tinh thần đoàn kết và ý chí chiến đấu quả cảm của nhân dân ta. Sự kiện cũng mở ra một thời kỳ mới khi nhân dân ta có thể tự quyết định vận mệnh của mình và tham gia vào việc xây dựng đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đây, toàn Đảng, toàn dân ta bắt đầu vào công cuộc kiến thiết đất nước với những chính sách đổi mới phát triển kinh tế, xã hội và đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào.

    Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới cho hay, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Báo Hànộimới tổ chức Gặp mặt, giao lưu trực tuyến nhân chứng lịch sử với chủ đề “Hà Nội, 70 năm dựng xây và phát triển” nhằm tuyên truyền đậm nét, sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của Ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang và những đóng góp to lớn của Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân Hà Nội trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tuyên truyền, giáo dục đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ hôm nay cũng là những chủ nhân của đất nước mai sau. Cuộc Gặp mặt, giao lưu trực tuyến cũng nhằm tuyên truyền truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội gắn với kỷ niệm 25 năm Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là “Thành phố Vì hòa bình”, từ đó góp phần khơi dậy tình yêu và khát vọng phát triển Thủ đô, xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; quảng bá hình ảnh, văn hóa của Thủ đô với các địa phương trong cả nước và bạn bè quốc tế.

    toan-canh.jpg
    Quang cảnh cuộc gặp mặt, giao lưu trực tuyến.

    Thay mặt Ban tổ chức, bà Mai Thị Kim Thoa cảm ơn lãnh đạo trung ương và thành phố, các quý vị đại biểu, các khách mời, các nhân chứng lịch sử, thầy và trò Trường Trung học phổ thông Việt Đức đã dành thời gian quý báu tới tham gia cuộc gặp mặt, giao lưu trực tuyến quan trọng và có ý nghĩa này.

  • Tuần trước

    Tham dự Gặp mặt, giao lưu trực tuyến, các khách mời Trung ương và thành phố có: PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; ông Nguyễn Hoàng Sơn, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; nhà báo Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội.

    chu-tri.jpg
    Các đồng chí chủ trì cuộc giao lưu trực tuyến.

    Về phía các nhân chứng lịch sử, có Đại tá Bùi Gia Tuệ (sinh năm 1931), nguyên Trưởng phòng Pháp chế (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng), một những người lính đầu tiên trở về tiếp quản Thủ đô trong ngày 10-10 -1954; ông Nguyễn Thụ, sinh năm 1933, chứng nhân lịch sử tham gia tiếp quản Thủ đô; ông Nguyễn Văn Trác, sinh năm 1932, tham gia Lễ duyệt binh ngày 2-9-1955 và tham gia 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”; ông Nguyễn Văn Khang, sinh năm 1935, Trưởng ban liên lạc Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô; bà Dương Thị Vịn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố Hà Nội.

    db1.jpg
    db2.jpg
    db4.jpg
    db3.jpg
    Các đại biểu dự chương trình.

    Về phía các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, các chuyên gia có: TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam); TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội; ông Trương Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Hà Nội.

    Tham dự Gặp mặt, giao lưu trực tuyến, còn có Phó Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Thanh Trì Hoàng Minh Hằng; Nguyễn Mỹ Hạnh - học sinh lớp 12D2 Trường THPT Việt Đức.

    db5.jpg
    Đông đảo thầy, cô giáo và học sinh Trường THPT Việt Đức dự chương trình.

    Về phía Báo Hànộimới, có các Phó Tổng Biên tập Mai Thị Kim Thoa, Lại Bá Hà cùng lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn của Báo Hànộimới.

    Về phía Trường THPT Việt Đức, có Hiệu trưởng, nhà giáo Nguyễn Bội Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trần Thị Quỳnh Hoa cùng đông đảo các thầy, cô giáo và học sinh nhà trường.

  • Tuần trước
    hat1.jpg
    hat2.jpg
    Các tiết mục văn nghệ chào mừng cuộc gặp mặt, giao lưu trực tuyến nhân chứng lịch sử của cô giáo và học sinh Trường THPT Việt Đức.
  • Tuần trước
    daibieu3.jpg
    Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới Mai Thị Kim Thoa trò chuyện với các đại biểu trước chương trình.
    daibieu4.jpg
    Các đại biểu trao đổi trước khi cuộc giao lưu chính thức bắt đầu.
    daibieu2.jpg
    Đại biểu đến tham dự chương trình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gặp mặt, giao lưu trực tuyến nhân chứng lịch sử "Hà Nội, 70 năm dựng xây và phát triển"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.