Giao lưu trực tuyến “Phát huy giá trị của Sen Hà Nội trong cuộc sống hiện nay”
Hànộimới•04/07/2024 7:49
Vào 9h sáng nay (4-7), Báo Hànộimới phối hợp với UBND quận Tây Hồ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến với chủ đề “Phát huy giá trị của Sen Hà Nội trong cuộc sống hiện nay”.
Đây là một trong những hoạt động điểm nhấn hướng đến Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2024 diễn ra từ ngày 12 đến 16-7-2024 nhằm quảng bá, tôn vinh những nét đẹp, giá trị văn hóa của Thăng Long - Hà Nội và văn hóa Việt Nam nói chung.
5 tháng trướcSẵn sàng đồng hành trong quảng bá, lan tỏa giá trị sen Hà Nội
Kết thúc buổi giao lưu, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức cảm ơn các đại biểu, khách mời, nghệ nhân đã đến chia sẻ những thông tin toàn diện giá trị của sen. Qua buổi tọa đàm, có thể khẳng định giá trị tâm linh, giá trị văn hóa của sen, từ đó đặt ra bài toán về những chính sách lan tỏa giá trị sen Tây Hồ.
Khẳng định, sen không chỉ mang giá trị văn hóa, giá trị tinh thần, ông Nguyễn Minh Đức cho rằng, sen mang giá trị kinh tế rất lớn. Từ giá trị tổng thể của cây sen, có thể phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
“Chúng ta cũng có cơ hội phát triển thương hiệu về sen. Nếu như sen hồ Tây trở thành thương hiệu quốc gia thì sẽ tạo cơ hội quảng bá du lịch rất lớn. Thành phố đã có 600ha trồng sen, trong đó, sen Tây Hồ sẽ trở thành điểm nhấn để phát triển. Đây là tiềm năng rất lớn để đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa của quận”, ông Nguyễn Minh Đức nêu.
Để khai thác tốt hơn giá trị của sen, Tổng Biên tập Báo Hànộimới đề nghị, quận Tây Hồ cần quan tâm đến việc tạo quỹ đất cho các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm về sen; hỗ trợ doanh nghiệp và hộ sản xuất về sen...
"Báo Hànộimới cam kết đồng hành với quận trong các sự kiện quảng bá lễ hội và chúc cho quận Tây Hồ tổ chức thành công Lễ hội Sen Hà Nội lần thứ nhất", ông Nguyễn Minh Đức khẳng định.
5 tháng trướcPhố Trịnh Công Sơn thành không gian sáng tạo để trưng bày, giới thiệu và tổ chức các hoạt động về sen
Về những kế hoạch mà quận Tây Hồ sẽ thực hiện nhằm quy hoạch, khai thác các điểm tham quan, ẩm thực, trải nghiệm về sen trên địa bàn quận để thu hút du khách trong và ngoài nước một cách bền vững, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng bày tỏ: "Chúng tôi rất tự hào về những giống sen đặc biệt ở hồ Tây và những giống sen khác đang được trồng tại Tây Hồ. Quận cũng có những hợp tác xã, làng nghề về sen tinh tế làm tăng giá trị của cây sen, tạo ra những sản phẩm OCOP được ưa chuộng".
Theo bà Lê Thị Thu Hằng, việc tổ chức Lễ hội Sen Hà Nội là hiện thực hóa chỉ đạo của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến khi làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ vào tháng 10-2023 về việc phát huy các giá trị tự nhiên và con người, đặc biệt là những làng nghề nổi tiếng có thương hiệu, để phát triển công nghiệp văn hóa.
Nhằm quy hoạch, khai thác các điểm tham quan, ẩm thực, trải nghiệm về sen trên địa bàn quận để thu hút du khách trong và ngoài nước một cách bền vững, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, quận cũng đã liên kết để tổ chức các ngày hội đạp xe bên hồ Tây - hồ sen, các hoạt động đua thuyền rồng, dù lượn…
Bên cạnh đó, quận đã chọn địa điểm cố định tại phố Trịnh Công Sơn thành không gian sáng tạo để trưng bày, giới thiệu và tổ chức các hoạt động về sen. Phường Nhật Tân cũng hướng đến xây dựng trở thành điểm đến du lịch về sen cho du khách.
5 tháng trướcXây dựng Mô hình sản xuất hoa sen chất lượng cao gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị
Đánh giá về hiệu quả kinh tế của cây sen và việc xây dựng Đề án phát triển, tăng diện tích trồng sen những năm tới, ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội chia sẻ: "Như đã nói ở trên, hiện Hà Nội có khoảng 600ha trồng sen. Hà Nội phấn đấu năm 2025 sẽ mở rộng diện tích trồng sen lên 900ha. Nhằm khôi phục, phát triển và nhân rộng giống sen Bách Diệp Hồ Tây, năm 2024, Sở NN&PTNT Hà Nội, Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) và UBND quận Tây Hồ đã phối hợp triển khai thực hiện dự án "Xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị tại Tây Hồ - Hà Nội".
Bên cạnh đó, Sở cũng tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến người trồng sen; tổ chức các hội thảo quốc tế, nghiên cứu, đặt hàng các nhà khoa học để có các giống sen nở “4 mùa”, tạo điểm nhấn cho phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn thành phố.
Xác định Hà Nội đô thị hóa nhanh, đất sản xuất nông nghiệp sẽ bị thu hẹp nên rất cần liên kết với các tỉnh, thành khác trong phát triển vùng trồng sen, đặc biệt là các giống sen quý, thời gian tới, Sở sẽ tham mưu cho thành phố trong phát triển vùng trồng sen Bách Diệp nói chung, cây sen nói riêng.
Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu đưa ra nhiều giống sen chất lượng cao, chuyên biệt vào sản xuất tại các vùng chuyên canh sen của Hà Nội.
Bên cạnh đó, Sở cũng chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông đẩy mạnh xây dựng các mô hình trình diễn sen giống mới thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng Mô hình sản xuất hoa sen hàng hóa, chất lượng cao, gắn với phát triển du lịch theo chuỗi giá trị, góp phần tăng thu nhập cho người dân… từ đó nhân rộng trên địa bàn thành phố, vừa tạo cảnh quan môi trường sinh thái, thúc đẩy du lịch phát triển và làm gia tăng giá trị kinh tế cho người dân trên địa bàn.
5 tháng trướcBảo đảm chất lượng song hành đa dạng hóa sản phẩm
Đến từ Hợp tác xã Làng nghề Sen (huyện Mê Linh), một doanh nghiệp có sản phẩm làm từ sen được người tiêu dùng ưa chuộng, Giám đốc Lã Quang Khanh chia sẻ về quá trình đa dạng hóa sản phẩm cũng như định hướng phát triển của hợp tác xã.
“Hợp tác xã Làng nghề Sen Mê Linh của chúng tôi trồng 50ha, gồm giống hoa sen Bạch Liên và Bách Diệp có xuất xứ từ giống sen cổ hồ Tây (quận Tây Hồ). Qua nghiên cứu, tôi nhận thấy 2 giống sen này phù hợp thổ nhưỡng, phát triển nhanh, bông hoa to, sắc thắm, hương thơm, nên quyết định mở rộng diện tích và làm ra các sản phẩm từ 2 giống sen này.
Trên diện tích nói trên, từ tháng 5 đến tháng 9, mỗi ngày hợp tác xã thu hoạch và cung cấp cho thị trường 8.000-10.000 bông hoa sen. Ngoài phục vụ nhu cầu thưởng hoa của người dân, chúng tôi còn ký hợp đồng với Hợp tác xã Tâm Trà Thái (tỉnh Thái Nguyên) và một số cơ sở sản xuất chè Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) để cung cấp hoa, lá sen.
Bên cạnh đó, Hợp tác xã làng nghề Sen Mê Linh cũng xây dựng quy trình ướp trà riêng và xây dựng thành thương hiệu Trà sen Mê Linh, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 2-3 tấn sản phẩm.
Đáng chú ý, hoa sen và trà sen của chúng tôi trong năm 2023 đã được thành phố Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao; được huyện Mê Linh hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu "Bạch thiên sen Hải Linh", được đăng ký bảo hộ và tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở nhiều hội chợ, hội nghị, triển lãm trong và ngoài thành phố. Trong đó, riêng sản phẩm OCOP trà sen có 2 loại là trà ướp hoa sen tươi và trà ướp hoa sen sấy khô hút chân không.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, hiện nay chúng tôi phát triển thêm 2 sản phẩm từ sen là trà sen túi lọc và trà lá sen, dự kiến cuối năm 2024 sẽ đưa ra thị trường.
5 tháng trướcMang đến Lễ hội những sản phẩm ưu tú nhất
Chia sẻ cảm xúc lần đầu tham gia Lễ hội Sen Hà Nội, nghệ nhân Lưu Thị Hiền, Chủ cơ sở Trà Sen Hiền Xiêm cho biết, bà từng đi du lịch Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và được hướng dẫn viên đưa đến nhiều cơ sở giới thiệu sản phẩm địa phương, khách du lịch mua rất nhiều sản phẩm sau khi nghe câu chuyện của họ. Sau mỗi chuyến du lịch, bà luôn khao khát sản phẩm trà sen cũng được giới thiệu như các nước bạn.
“Khi biết Hà Nội tổ chức Lễ hội Sen Hà Nội, tôi rất xúc động, phấn khởi. Gia đình háo hức chuẩn bị những loại chè ngon nhất. Chúng tôi hứa sẽ mang đến những ấm trà ngon đặc biệt giới thiệu cho du khách tại lễ hội. Hy vọng, với việc tích cực quảng bá, sản phẩm trà sen sẽ được bay xa”.
Còn theo chia sẻ của bà Ngô Thị Thân, chủ cơ sở Trà sen Bà Dân: Sen Tây Hồ mang giá trị riêng. Để làm được trà sen ngon phải là sen Bách Diệp. Vì thế, bà Thân mong muốn các cấp lãnh đạo quan tâm mở rộng diện tích trồng sen, nhân giống những loại sen quý.
“Lần đầu tiên tham gia Lễ hội Sen Hà Nội, chúng tôi rất hạnh phúc. Đây là cơ hội lớn để quảng bá, vinh danh nghề làm trà sen Hà Nội tới đông đảo người dân và du khách”, bà Ngô Thị Thân bày tỏ.
Nêu ý kiến về việc Lễ hội sen Hà Nội đang hướng tới việc sẽ tổ chức thường niên và trở thành một sản phẩm văn hóa, du lịch mang thương hiệu của Thủ đô, dưới góc nhìn của một doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch, bà Đoàn Thị Kim Dung, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Chuông vàng cho biết, việc tổ chức lễ hội rất cần thiết vì hiện nay Hà Nội đang thiếu những sản phẩm du lịch đặc thù.
“Việc tổ chức lễ hội sen thường niên sẽ giúp cho Hà Nội xây dựng sản phẩm du lịch làng nghề, du lịch sinh thái. Không những vậy, du khách sẽ được lĩnh hội những giá trị văn hóa, di sản của Thủ đô; tạo cơ hội quảng bá, giao lưu với các nghệ nhân”, bà Đoàn Thị Kim Dung chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo bà Dung, sen Tây Hồ rất quý, nhiều sản phẩm sen đã được khẳng định trên thị trường. Hà Nội có nghệ nhân Phan Thị Thuận ở huyện Mỹ Đức đã làm nhiều sản phẩm lụa từ tơ sen. Điều đó cho thấy, việc phát triển, mở rộng Lễ hội Sen Hà Nội sẽ đóng góp cho việc phát triển Công nghiệp văn hóa của Thủ đô, biến những cái vô hình thành hữu hình.
5 tháng trướcGần 200 doanh nghiệp đăng ký tham gia Lễ hội Sen
Đánh giá về tác dụng giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, đặc biệt là những sản phẩm từ sen thông qua Lễ hội Sen sắp được tổ chức, ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội thông tin: Từ năm 2022 đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã liên kết với 62 tỉnh, thành phố trên cả nước xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm phục vụ cho trên 10 triệu dân Thủ đô và du khách đến Hà Nội.
Thành phố Hà Nội có tốc độ đô thị hóa rất cao nên diện tích sản xuất nông nghiệp có chiều hướng thu hẹp dần. Chính vì vậy, Sở đã nghiên cứu đề xuất thành phố cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để cho năng suất, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng Thủ đô.
Hà Nội với vai trò là Thủ đô nên có lợi thế tập trung rất đông các nhà khoa học để hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp. Hà Nội cũng có trên 1.400 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến; hơn 1.350 làng nghề và làng nghề truyền thống… Đây là tiềm năng rất lớn để phát triển sản phẩm OCOP và trên thực tế, Hà Nội đã có 2.723 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước. Trong đó, sản phẩm khăn lụa tơ sen của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức là sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao.
Hiện nay, các sản phẩm OCOP và nông sản thực phẩm của Hà Nội đã đến với các tỉnh, thành phố trên cả nước và bước đầu đến với thị trường quốc tế thông qua các hội chợ…
Tại Lễ hội Sen Hà Nội lần này, Sở phối hợp với quận Tây Hồ xây dựng khu trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP với quy mô 100 gian hàng. Đây là cơ hội để các chủ thể OCOP của Hà Nội giới thiệu sản phẩm với người tiêu dùng và khách tham quan.
Điểm nhấn lần này, Sở mời các tỉnh có vùng trồng sen tham gia để trưng bày quảng bá các sản phẩm sen. Ngoài sản phẩm OCOP còn có nhiều sản phẩm từ sen và lấy ý tưởng từ sen. Đến nay đã có gần 200 doanh nghiệp, cơ sở ở Hà Nội và các tỉnh đăng ký tham gia sự kiện này.
Bên cạnh đó, tại sự kiện, chúng tôi đã chuẩn bị bức tranh Thăng Long huyền thoại hoa cao 4m, rộng 10m được các nghệ nhân cắm bởi hơn 30.000 bông hoa sen và các sản phẩm từ sen; chân dung Bác Hồ cao 1,6m, rộng 2,2m được ghép bởi 99.496 bức ảnh bông hoa sen từ các vùng miền thể hiện tình yêu hoa sen và sự tôn kính Bác Hồ của nhân dân Thủ đô và cả nước.
5 tháng trướcHướng Lễ hội Sen Hà Nội trở thành sự kiện quốc tế
Bày tỏ ấn tượng về nỗ lực tổ chức Lễ hội Sen Hà Nội lần thứ nhất, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội đưa ra một số gợi ý trong việc quảng bá thương hiệu sen Tây Hồ cũng như hình ảnh của Hà Nội, của Việt Nam với du khách trong và ngoài nước.
Ông Sơn cho biết: "Hà Nội đang tập trung phát triển công nghiệp văn hóa và đây là hoạt động đóng góp tích cực, tôn vinh những giá trị văn hóa độc đáo của Thủ đô, của Tây Hồ, làm gia tăng giá trị của sen trong đời sống.
Về Lễ hội Sen Hà Nội phải hướng lễ hội trở thành sự kiện mang tính quốc gia và quốc tế. Vì thế, Ban tổ chức cần quảng bá để lan tỏa sự kiện rộng rãi hoạt động đến người dân và du khách, đồng thời liên kết với các địa phương, tổ chức quốc tế".
Về thành phần Ban tổ chức, PGS.TS Bùi Hoài Sơn mong muốn Ban tổ chức mời thêm nghệ nhân, nghệ sĩ, doanh nghiệp để hoạt động phong phú, hấp dẫn, có sức hút hơn và mỗi năm có sự thay đổi.
Bên cạnh đó, cần liên kết với các địa phương nổi tiếng về hoa sen như Làng Sen quê Bác, đồng sen Tháp Mười… để tạo giá trị gia tăng cho hoạt động và câu chuyện về sen trong lễ hội, thậm chí có thể liên kết với các nước châu Á để xây dựng mạng lưới quảng bá, giới thiệu, làm tăng giá trị của sen trong đời sống.
5 tháng trướcNhiều sự kiện hấp dẫn lần đầu diễn ra tại Lễ hội Sen Hà Nội 2024
Chia sẻ về công tác chuẩn bị tổ chức Lễ hội Sen Hà Nội, cũng như các nội dung hoạt động chính trong 5 ngày diễn ra Lễ hội, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh thông tin: Lễ hội Sen Hà Nội 2024 được tổ chức trong 5 ngày, từ ngày 12 đến 16-7-2024, tại Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ (ngõ 612, Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội).
Các hoạt động chính của lễ hội gồm: Khai mạc Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2024, diễn ra từ 20h - 21h30 ngày 12-7-2024; giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc...
Trong khuôn khổ lễ hội sẽ diễn ra Hội thảo bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam; Lễ khánh thành Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP quận Tây Hồ - Phố Trịnh; khai mạc Triển lãm không gian nghệ thuật sắp đặt sen, Triển lãm ảnh sen trong đời sống Việt; chương trình Khảo sát - Hội nghị “Nâng cấp chất lượng dịch vụ và kết nối điểm đến du lịch của quận Tây Hồ với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024”; Đêm nhạc “Trịnh Công Sơn và những người bạn”; các khu trải nghiệm workshop cho du khách.
Trong chương trình khai mạc diễn ra vào tối 12-7, du khách được trải nghiệm chương trình nghệ thuật bán thực cảnh với sự tham gia của hơn 200 diễn viên quận Tây Hồ; sử dụng công nghệ ánh sáng mapping hiện đại.
Một trong những điểm nhấn của lễ hội là Ngày hội đạp xe hành trình sắc xanh Tây Hồ với sự tham gia của 7.000 người, có sự ủng hộ của các quận, huyện, thị xã, các câu lạc bộ thể thao. Đây là hoạt động cộng đồng ý nghĩa nhằm lan tỏa tinh thần thể thao và quảng bá vẻ đẹp của sen Tây Hồ.
"Ngoài ra, trong chuỗi sự kiện còn có kỷ lục số người mặc áo dài có họa tiết về sen đông nhất, dự kiến có 1.000 người tham gia; kỷ lục tranh Đức mẫu Liễu Hạnh với 50.000 bông sen. Hy vọng, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị trong chuỗi hoạt động của lễ hội", ông Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh.
5 tháng trướcCải tiến sản phẩm để phù hợp với thị hiếu người dùng
Đem tới cuộc giao lưu góc nhìn của một doanh nhân về tiềm năng mở rộng thị trường của những sản phẩm từ sen, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần dược phẩm quốc tế CODY, đơn vị đang sản xuất, kinh doanh một số sản phẩm từ cây sen được người tiêu dùng ưa chuộng, nhấn mạnh: Cây sen đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống hằng ngày. Ngoài ý nghĩa về mặt tâm linh, sen còn có giá trị về mặt ẩm thực, đặc biệt vừa cung cấp dinh dưỡng, vừa là nguồn dược liệu quý.
Ví như: Tâm sen, lá sen có tác dụng điều trị mất ngủ, an thần, điều hòa huyết áp, giảm béo… nếu dùng đúng liều lượng, đúng cách. Nhụy sen, cánh sen dùng làm nước hoa, tinh dầu, khử khuẩn… Hoa sen dùng ướp trà.
Hiện nay Công ty CODY đang nghiên cứu và có nhiều sản phẩm từ sen như: Trà sen Đại Thọ, trà sen Bách Niên, trà lá sen, tinh chất trà sen… được sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hướng đến đa dạng sản phẩm, doanh nghiệp còn ra ra mắt các sản phẩm dịch vụ từ sen như: Tour du lịch quảng bá trà sen Tây Hồ “Tinh hoa trà Việt” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, để giới thiệu với khách quốc tế về sản phẩm trà sen khi đến với Thủ đô Hà Nội”
Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm: Để gia tăng giá trị sản phẩm từ sen, hướng đến xuất khẩu hoặc làm thương mại thì phải tăng quy mô sản xuất đủ lớn; có quy trình chăm sóc sạch, không hóa chất.
Hơn nữa, sản phẩm phải cải tiến về chất lượng sản phẩm, phù hợp với thị hiếu khách quốc tế, chủ yếu uống trà nhạt, ngọt thanh, không uống trà chát. Mặt khác, muốn cạnh tranh được với các nước khác, phải hạ giá thành sản phẩm.
5 tháng trướcGiống sen quý Bách Diệp của Tây Hồ đang được nhân rộng thành công
Tại giao lưu, Giám đốc Công ty TNHH Thung lũng hoa hồ Tây Bùi Mạnh Hiếu cho biết, ông là người trồng sen lâu năm ở Tây Hồ. Đồng thời, ông cũng là người đã mang giống sen quý Bách Diệp nhân rộng thành công ở một số địa điểm trên địa bàn Hà Nội.
Chia sẻ đôi nét về giá trị của sen trong đời sống kinh tế, tinh thần của người Tây Hồ, ông Bùi Mạnh Hiếu kể, từ xa xưa, người Tây Hồ nói chung và người Quảng An, Nhật Tân nói riêng, đã biết cho trà vào hoa sen để ướp và hứng những giọt nước mưa đêm trên lá sen để thưởng trà sen, lấy gạo sen để ướp trà sen khô, là một đặc sản của người Tây Hồ. Khi uống trà sen hồ Tây, hương thơm ngọt của vị sen, vị chát của trà hòa quyện vào nhau làm cho người thưởng trà sen nhớ mãi.
"Vào thế kỷ trước, cuộc sống khó khăn nên việc thưởng trà sen chỉ dành cho những nghệ nhân biết thưởng trà và những bậc vương giả. Từ những năm 2000 trở lại đây, việc ướp trà sen bông tươi, được bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh, dùng quanh năm đã trở thành một đặc sản của người Hà Nội và là món quà biếu không thể thiếu trong các dịp quan trọng", ông Hiếu cho biết.
Nói về loài hoa đặc biệt của vùng đất Tây Hồ, ông Bùi Mạnh Hiếu thông tin thêm: Sen hồ Tây được gọi là Bách Diệp sen tức là hoa sen 100 cánh, có hương thơm ngọt, gạo trắng, trồng ở thổ nhưỡng hồ Tây, tạo nên một đặc sản mà không nơi nào có được. Bởi nếu đem giống sen Bách Diệp mang đi trồng ở những vùng lân cận sẽ có chất lượng khác hơn, gạo sen có màu trắng ngà. Khi lấy gạo cùng 1.000 bông hoa sen thì sen hồ Tây sẽ cho 1,2-1,3kg gạo sen, còn sen những vùng khác thì chỉ cho sản lượng 0,8-0,9kg gạo sen.
Cũng theo ông Hiếu, năm 2018, sen Tây Hồ đột nhiên bị bệnh, sau nhiều thử nghiệm nghiên cứu, ông đã chữa được bệnh và trồng lại được hoa sen Bách Diệp, mang đến mùa thu hoạch bội thu.
5 tháng trướcKhai thác giá trị mới từ sen, gắn với phát triển sản phẩm du lịch
Chia sẻ về giá trị độc đáo của cây sen với cảnh quan hồ Tây cũng như với việc phát triển du lịch, văn hóa của địa phương, đặc biệt là việc phát triển sản phẩm trà sen Tây Hồ nức tiếng, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, Trưởng ban Quản lý hồ Tây Nguyễn Thanh Tịnh cho biết:
"Chúng tôi rất tự hào vì Tây Hồ có vùng trồng sen rất quý giá. Qua một số tài liệu còn lưu giữ, từ xưa người dân khu vực Quảng An đã trồng sen để bán.
Thời gian qua, do nhiều lý do, diện tích trồng sen đã bị mai một. Lãnh đạo quận rất trăn trở làm thế nào giữ gìn diện tích trồng sen. Điều này không chỉ xuất phát từ lợi ích kinh tế, nhu cầu mưu sinh mà còn để giữ nét văn hóa của người Hà Nội, văn hóa của người Việt.
Quận đã triển khai thí điểm khôi phục diện tích trồng sen Bách Diệp với 9 hồ sen trên diện tích 10ha. Đến tháng 11-2024, chúng tôi mới đánh giá hiệu quả việc triển khai mô hình thí điểm này nhưng bước đầu đã cho kết quả tốt. Quận sẽ phấn đấu sẽ phủ kín diện tích trồng sen 9 hồ này.
Về câu chuyện ướp trà sen, đây cũng là nét khác biệt của văn hóa Tây Hồ. So với các vùng đất khác, sản phẩm trà ướp sen Tây Hồ lưu lại hương thơm và đậm đà hơn. Chúng tôi cũng rất băn khoăn làm thế nào để nghề ướp trà sen không bị mai một.
Hiện trên địa bàn quận có 129 người làm trà sen, cho sản lượng bình quân 600-800kg trà khô/năm, 50.000 bông trà sấy lạnh và 60.000 bông trà hoa tươi. Hy vọng, thời gian tới, bằng nỗ lực lưu giữ nghề truyền thống, chúng tôi sẽ tăng sản lượng làm trà, nâng giá trị gia tăng của sản phẩm trà sen - tinh hoa của đất kinh kỳ Hà Nội".
"Thời gian tới, quận Tây Hồ sẽ phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội khai thác thêm giá trị mới từ sen, xây dựng tour, tuyến mới để phát triển sản phẩm du lịch gắn với đề án phát triển du lịch bền vững trên địa bàn quận", ông Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh.
5 tháng trướcHà Nội hiện có 600ha trồng sen và nhiều sản phẩm từ sen được đánh giá OCOP 5 sao, 4 sao
Chia sẻ tại giao lưu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đình Hoa cho biết: Không chỉ chiếm vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt, cây sen ngày nay còn mang lại những giá trị kinh tế thiết thực.
Với trí tuệ, bàn tay tài khéo của các nghệ nhân, doanh nhân, cây sen đã trở thành nguyên liệu chính để làm nên nhiều sản phẩm thiết yếu phục vụ cuộc sống hằng ngày của người Việt, trong đó có nhiều sản phẩm OCOP được người tiêu dùng ưa chuộng; được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Ông Nguyễn Đình Hoa cho biết thêm: Tại Hà Nội, cây hoa sen không chỉ được khai thác sản phẩm hoa, hạt sen tươi, củ sen, hạt sen khô, trà tâm sen, hoa sen, trà ướp hoa sen, trà lá sen..., mà các nghệ nhân làng nghề còn sử dụng cây hoa sen làm nguyên liệu để tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lá sen như túi lá sen, nón lá sen...
Đặc biệt, ở Hà Nội có Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) đã nghiên cứu thành công tơ sen để rồi cho ra đời những sản phẩm hoàn mỹ, thân thiện với môi trường, có độ bền bỉ, mềm mại và thoáng mát từ tơ sen. Thông qua các sản phẩm đã quảng bá hình ảnh của Hà Nội tới bạn bè cả nước và du khách quốc tế.
Nhiều sản phẩm từ sen đã được công nhận OCOP tiêu biểu như: Khăn lụa tơ sen (tiềm năng 5 sao); trà sen Quảng An (4 sao), trà sen Mê Linh (4 sao) và các sản phẩm OCOP 3 sao như: Giò sen, xôi cốm sen, chè long nhãn sen, mứt sen, sữa sen... được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Những năm gần đây, Hà Nội đã đẩy mạnh khuyến khích người dân trồng sen từ việc chuyển đổi diện tích đồng trũng, đất hồ ao, ruộng bỏ hoang hóa, kém hiệu quả. Hà Nội hiện có diện tích trồng sen khoảng 600ha, tập trung ở Mỹ Đức, Mê Linh, Ba Vì, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Ứng Hòa…
Nhằm phát huy hết lợi thế, để mở rộng diện tích trồng sen trên địa bàn, những năm qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông triển khai các mô hình khuyến nông trình diễn đưa các giống sen mới chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất. Mô hình đã được triển khai tại Mê Linh, Mỹ Đức, Thạch Thất và quận Tây Hồ với tổng diện tích gần 30ha. Và các mô hình trồng sen sẽ tiếp tục được quan tâm phát triển trong thời gian tới.
Đặc biệt với Tây Hồ, nhằm khôi phục, phát triển và nhân rộng giống sen Bách Diệp, năm 2024, UBND quận Tây Hồ đã phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội và Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) triển khai thực hiện dự án "Xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị tại Tây Hồ - Hà Nội". Mô hình được triển khai thí điểm tại các hồ Đầu Đồng và Thủy Sứ (phường Quảng An) với diện tích 7ha. Mô hình được Sở NN&PTNT hỗ trợ 50% giống sen Bách Diệp (tương đương 7.000 cây), 50% vật tư, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật…
5 tháng trướcHoa sen là biểu tượng quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh người Việt
Đánh giá tầm quan trọng của biểu tượng hoa sen trong đời sống văn hóa, tâm linh người Việt, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội chia sẻ, đến nhiều nước trên thế giới, ông nhận thấy, hoa sen là biểu tượng của nhiều quốc gia châu Á. Ở nước ta, hoa sen rất có ý nghĩa và hoàn toàn xứng đáng là Quốc hoa.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, trong đời sống, hoa sen là biểu tượng cho sự trong sáng, thuần khiết. Trong Phật giáo, đây là biểu tượng phổ quát, thể hiện cho sự giác ngộ, từ bi. Và một trong những biểu tượng Phật giáo đẹp nhất là chùa Một Cột - đóa hoa sen giữa lòng Hà Nội.
Bên cạnh Phật giáo, trong Lão giáo và Nho giáo, hoa sen cũng được sử dụng và biểu tượng cho sự bình an, thanh khiết.
Ngoài ra, hoa sen cũng đi vào văn học, nghệ thuật với những bài thơ, văn, ca khúc được nhiều người biết đến, mang ý nghĩa đối với đời sống tinh thần. Đặc biệt, lĩnh vực kiến trúc, hoa sen được sử dụng nhiều, thể hiện sự tinh tế, đẹp đẽ…
Trong văn học nghệ thuật, hoa sen đi vào nhiều tác phẩm văn học, là một biểu tượng vô cùng ý nghĩa trong đời sống tinh thần.
Không chỉ là biểu tượng, hoa sen và sen còn có giá trị trong đời sống. Hoa có thể dùng để ướp trà, thân sen làm tơ hay hạt sen sử dụng làm vị thuốc với dược tính cao…
“Với những giá trị trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt, tôi mong muốn hoa sen được tôn vinh giá trị nhiều hơn nữa. Đặc biệt, với Tây Hồ xứng đáng là trung tâm lan tỏa những giá trị của biểu tượng hoa sen đến cả nước”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
5 tháng trướcThiết thực triển khai Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô
Phát biểu đề dẫn tại giao lưu trực tuyến, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh: Trong văn hóa của người Việt, hoa sen mang những ý nghĩa biểu tượng nhân văn sâu sắc. Nét đẹp tinh khôi của hoa sen cũng tượng trưng cho sự duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam.
Tại vùng đất Tây Hồ, từ bao đời nay, đã lưu giữ và vun trồng giống sen quý Bách Diệp có màu sắc tươi sáng, hương thơm độc đáo. Sen Bách Diệp Tây Hồ cũng là nguyên liệu chính, góp phần tạo nên món trà ướp hương sen thơm ngát được vinh danh là “Thiên cổ đệ nhất trà”.
Xuất phát từ mong muốn tôn vinh những giá trị độc đáo của hoa sen, đặc biệt là sen Tây Hồ trong đời sống văn hóa và tinh thần của người Việt, Báo Hànộimới với vai trò là đơn vị bảo trợ truyền thông đã đồng hành cùng UBND quận Tây Hồ và các đơn vị liên quan xây dựng khung chương trình Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024 với không gian rộng mở và nhiều sự kiện có ý nghĩa.
Cuộc giao lưu trực tuyến: “Phát huy giá trị của Sen Hà Nội trong cuộc sống hiện nay” là một trong những sự kiện nằm trong khuôn khổ Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024 sẽ diễn ra trên địa bàn quận Tây Hồ từ ngày 12 đến 16-7-2024.
Ông Nguyễn Minh Đức đề nghị, tại diễn đàn ý nghĩa này, các vị đại biểu và khách quý sẽ tập trung thảo luận và làm rõ 3 chủ đề: Giá trị của cây sen trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt; việc gìn giữ, phát triển những giống sen quý đặc biệt là giống sen Bách Diệp có nguồn gốc ở Hồ Tây trong đời sống hôm nay; chia sẻ về những hoạt động ý nghĩa sẽ được tổ chức tại Lễ hội Sen Hà Nội lần thứ nhất.
Tổng Biên tập Báo Hànộimới cho biết: “Thông qua buổi tọa đàm, Ban tổ chức mong muốn được lắng nghe những kinh nghiệm hay, bài học quý trong việc phát huy những tiềm năng, thế mạnh của cây Sen nói chung, loài sen Bách Diệp Tây Hồ nói riêng. Từ đó, xây dựng và quảng bá rộng rãi thương hiệu Sen Tây Hồ cũng như những sản phẩm độc đáo từ cây sen. Từ thành công của Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024, Lễ hội đặc biệt này sẽ được tổ chức thường niên tại quận Tây Hồ, Thủ đô Hà Nội; trở thành nơi quy tụ những người yêu sen, những nghệ nhân, những doanh nhân có trí tuệ, có tâm huyết, từ đó hiện thực hóa khát vọng xây dựng quận Tây Hồ trở thành trung tâm văn hóa - du lịch của Thủ đô”.
Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức cũng khẳng định: Với vai trò là đơn vị bảo trợ truyền thông của Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024, Báo Hànộimới đã và sẽ đẩy mạnh truyền thông trên nhiều kênh thông tin gồm: Báo in, báo điện tử với các loại hình phong phú, hấp dẫn nhằm quảng bá rộng rãi thông tin về Lễ hội Sen Hà Nội 2024… Qua đó, giúp nhân dân Thủ đô, du khách trong nước và quốc tế hiểu rõ hơn về những giá trị của cây sen; đồng thời, tôn vinh loài sen quý Bách Diệp của quận Tây Hồ.
Báo Hànộimới cũng mong muốn sẽ tiếp tục đồng hành với quận Tây Hồ, các chuyên gia, nhà khoa học; các nghệ nhân, doanh nhân trong việc quảng bá và xây dựng thương hiệu Lễ hội Sen Tây Hồ, qua đó, thiết thực triển khai Nghị quyết số 09 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô.
5 tháng trướcHiện thực hóa mục tiêu xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm văn hóa du lịch của Thủ đô
Phát biểu khai mạc, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng cho biết, Tây Hồ với 71 di tích lịch sử, văn hoá độc đáo, mang dấu ấn đậm nét của Kinh thành Thăng Long xưa đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách khi ghé thăm Thủ đô ngàn năm văn hiến. Hồ Tây không chỉ đẹp bởi mặt nước xanh mênh mông, quanh năm dập dềnh, lượn sóng mà còn mang vẻ đẹp thơ mộng bởi sắc hồng thơm ngát của hoa sen.
“Buổi tọa đàm hôm nay nhằm hiện thực hóa Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” và Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Thành ủy Hà Nội”, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Theo Bí thư Quận ủy Tây Hồ, Lễ hội Sen Hà Nội được tổ chức từ 12-7 đến 16-7-2024 tại Không gian Văn hóa sáng tạo Tây Hồ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, hứa hẹn mang đến cho nhân dân Thủ đô và du khách trong, ngoài nước những giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc của vùng đất Tây Hồ.
Lễ hội nhằm giới thiệu những giá trị độc đáo của nghề “ướp trà sen” cũng như những nét đặc trưng riêng có của văn hóa Sen trong đời sống người Việt; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tăng cường liên kết, sản xuất và tiêu thụ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm các sản phẩm sen Hà Nội với các tỉnh, thành trên cả nước, góp phần phát triển kinh tế, du lịch địa phương, và chuẩn bị các điều kiện để đón nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia - nghề ướp trà sen Tây Hồ. Đồng thời, quảng bá và kích cầu du lịch, khơi dậy tiềm năng phát triển các sản phẩm OCOP của các địa phương; thu hút du khách đến tham quan Hà Nội, Tây Hồ, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm văn hóa du lịch của Thủ đô.
5 tháng trước
Dự giao lưu trực tuyến có PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội.
Về phía lãnh đạo quận Tây Hồ có bà Lê Thị Thu Hằng, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận; ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, Trưởng ban Quản lý hồ Tây; bà Trần Thị Thu Hường, Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, trưởng các phòng, ngành quận.
Về phía Sở NN&PTNT Hà Nội có ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở.
Về phía khách mời, có các nghệ nhân: Bà Lưu Thị Hiền, chủ cơ sở Trà sen Hiền Xiêm; ông Bùi Mạnh Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Thung lũng hoa Hồ Tây; ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm quốc tế CODY; bà Đoàn Thị Kim Dung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chuông Vàng; bà Ngô Thị Thân, chủ cơ sở Trà sen Bà Dần; bà Đàm Thị Oanh, chủ cơ sở Trà sen Bình Thái; ông Lã Quang Khanh, Giám đốc Hợp tác xã Làng nghề sen, huyện Mê Linh.
Về phía Báo Hànộimới có ông Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập; ông Lại Bá Hà, Phó Tổng Biên tập; cùng lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.