(HNMO) - Chiều 17-10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế và quốc gia xây dựng chương trình giáo dục mầm non”. Hội thảo nhằm trao đổi và tiếp thu bài học kinh nghiệm quốc gia và quốc tế về xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới ở Việt Nam. Các ý kiến có chung quan điểm, giáo dục mầm non là nền tảng cho giáo dục phổ thông, vì vậy, chương trình cần thể hiện rõ nét tính liên thông, đồng thời mang tính mở để bảo đảm phù hợp với các điều kiện vùng, miền...
Huy động gần 5,8 triệu trẻ đến trường
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, chương trình giáo dục mầm non được thực hiện ở gần 15.500 cơ sở, đạt tỷ lệ 100%, trong đó có gần 5,3 triệu trẻ học 2 buổi/ngày, đạt 99% tổng số trẻ.
Qua hơn 10 năm triển khai, chương trình giáo dục mầm non đã thể hiện tính ưu việt, khoa học, phù hợp với thực tiễn; giúp giáo viên chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong triển khai. Kết quả nổi bật trên cả nước là số trẻ được huy động đến trường ngày càng tăng. Tính đến năm học 2019-2020, cả nước huy động được gần 5,8 triệu trẻ em đến trường, tăng gần 1,9 triệu trẻ so với năm học 2010-2011.
Các điều kiện bảo đảm chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ cũng có sự chuyển biến rõ nét so với năm học 2010-2011. Cả nước có 365 nghìn giáo viên mầm non, tăng gần 150 nghìn người so với năm đầu tiên triển khai.
Không chỉ tăng về số lượng, chất lượng giáo viên mầm non cũng có sự chuyển biến, trong đó, tỷ lệ giáo viên mầm non có trình độ cao đẳng sư phạm trở lên tăng gần 35% so với năm học 2010-2011.
Điều kiện cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục mầm non cũng được các địa phương quan tâm, đầu tư mạnh mẽ. Năm học 2019-2020, cả nước có gần 202 nghìn phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, tăng hơn 77 nghìn phòng so với năm học 2010-2011. Đáng chú ý, tỷ lệ phòng học bán kiên cố giảm 15,3%; phòng học tạm giảm 8,7%...
Tuy nhiên, quá trình khảo sát, đánh giá việc triển khai chương trình giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại các địa phương cho thấy, lương giáo viên mầm non còn thấp chưa tương xứng với công việc; chưa bố trí đủ giáo viên mầm non, nhân viên theo định mức; điều kiện cơ sở vật chất ở các vùng miền còn có sự chênh lệch...
Cần rõ tính liên thông
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, hơn 10 năm qua, quá trình triển khai chương trình giáo dục mầm non đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo tiền đề cho các bậc học tiếp theo, trong đó có giáo dục phổ thông. Trong bảng xếp hạng các quốc gia về lĩnh vực giáo dục năm 2021, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020.
Tuy nhiên, trước yêu cầu cao hơn của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, chương trình giáo dục mầm non cần được triển khai tốt hơn. Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam cũng nhấn mạnh phương diện phát triển con người một cách toàn diện. Giai đoạn giáo dục mầm non có thể nói là quan trọng bậc nhất, là nền tảng, thậm chí mang tính quyết định. Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận thức được tầm quan trọng, cũng như thách thức trong việc xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới.
Để có căn cứ xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới, năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức khảo sát, đánh giá 10 năm thực hiện chương trình giáo dục mầm non hiện hành; tổ chức hội thảo với chuyên gia, cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đại diện 63 tỉnh, thành phố...
Tại hội thảo, bên cạnh việc chỉ ra những bất cập, khó khăn hiện nay, các chuyên gia, cán bộ quản lý và giáo viên cũng thảo luận về giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ dưới 6 tuổi nói chung và những nội dung cần quan tâm khi xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới.
Quan điểm chung được thống nhất là chương trình giáo dục mầm non mới cần kế thừa, phát triển trên quan điểm chương trình hiện hành; đồng thời tiếp cận phương pháp giáo dục tiên tiến, hội nhập, chú ý nhiều hơn đến các vấn đề giáo dục trẻ trở thành công dân toàn cầu.
Các ý kiến cũng thống nhất quan điểm xác định giáo dục mầm non là nền tảng cho giáo dục phổ thông, vì vậy, chương trình cần thể hiện rõ nét tính liên thông, đồng thời mang tính mở để bảo đảm phù hợp với các điều kiện vùng, miền...
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo), nội dung chương trình giáo dục mầm non cần thể hiện rõ nét hơn tính liên thông với chương trình giáo dục phổ thông; trong đó cần xem xét lại khả năng tiền học đọc và tiền học viết cho trẻ 5 tuổi để liên thông với tiếng Việt tiểu học.
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đề xuất, dựa trên mục tiêu và kết quả mong đợi cuối độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo, các địa phương và từng nhà trường lựa chọn nội dung giáo dục gần gũi, phù hợp để xây dựng các chủ đề giáo dục, các hoạt động trải nghiệm, tổ chức cho trẻ em học qua chơi...
Nhấn mạnh đến đến tính mở của chương trình giáo dục mầm non mới, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Vinh cho rằng, chương trình giáo dục mầm non quốc gia là chương trình khung, các địa phương và từng trường phát triển chương trình phù hợp. Cách tiếp cận này cung cấp khả năng phát triển chương trình giáo dục mầm non mới dựa trên điều kiện, khả năng và nhu cầu cụ thể của các nhóm trẻ, dựa vào đặc điểm cụ thể của khu vực, nhà trường...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.