Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giáo dục giới tính: Né tránh đến bao giờ?

Thống Nhất| 12/04/2012 06:36

(HNM) - Sự xuất hiện ngày càng nhiều các sự vụ trẻ em có bầu, thậm chí trở thành các "bà mẹ bất đắc dĩ" khi còn ngồi trên ghế nhà trường một lần nữa gióng lên tiếng chuông cảnh báo về những lỗ hổng trong giáo dục giới tính cho học sinh (HS).


Muôn kiểu mày mò

Theo thống kê mới đây của Hội KHHGĐ Việt Nam, tỷ lệ nạo phá thai trung bình ở nước ta từ khoảng 1,2 đến 1,6 triệu ca/năm, là một trong 5 nước dẫn đầu thế giới. Đáng chú ý, số người trong độ tuổi vị thành niên - thanh niên "góp" khoảng hơn 20% trong tổng số ca nạo, phá thai và đang có chiều hướng tăng. Sự hiểu biết chưa đầy đủ, đúng đắn về sức khỏe sinh sản của hầu hết thanh, thiếu niên hiện nay đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, khó lường và đang trở thành nỗi đau của nhiều người.

Sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường sẽ có kết quả cao hơn trong việc giáo dục giới tính cho học sinh. Ảnh: Viết Thành

Gõ từ khóa "có cần thiết phải giáo dục giới tính cho trẻ" trên trang Google, có đến gần 5,1 triệu kết quả cho thấy sự quan trọng, cấp thiết của giáo dục giới tính hiện nay. Cũng trên trang này, có hơn 8,2 triệu kết quả thể hiện các ý kiến, góp ý về độ tuổi bắt đầu thực hiện việc giáo dục giới tính. Rõ ràng giáo dục giới tính là vấn đề đang được quan tâm và có tầm quan trọng đối với lứa tuổi HS hiện nay. Sự phát triển về thể chất, tâm sinh lý ngày càng sớm của các em đòi hỏi sự định hướng và trang bị đầy đủ kiến thức về giới tính. Thế nhưng, tâm lý người phương Đông và những định kiến xã hội khiến hầu hết người lớn e ngại, không nhìn thẳng vào những vấn đề liên quan đến tình dục. Vì thế các em thường tự tìm lời giải cho những băn khoăn, thắc mắc của mình từ nhiều nguồn, mà phần nhiều là theo hình thức rỉ tai hoặc nghe lén từ bạn bè, người lớn. Mạng internet cũng được biết đến như là một công cụ thỏa mãn sự tò mò của nhiều em, song, giữa một "biển" thông tin trên thế giới mạng, ai dám chắc rằng các em sẽ không bị lạc lối.

Thực tế ấy đòi hỏi sự vào cuộc của gia đình và nhà trường. Thế nhưng dường như cả hai vẫn né tránh khi con trẻ hỏi "chuyện người lớn". Còn ở trong chương trình giáo dục phổ thông, mãi khi học đến lớp 8, HS mới bắt đầu được tiếp cận về giáo dục giới tính trong bài về giới thiệu cơ thể người (môn sinh vật). Chỉ với vài thông tin sơ lược, nhưng nhiều khi cô giáo cũng không dám đi thẳng vào vấn đề. Trong khi đó, không ít HS tiểu học (lớp 4, lớp 5) hiện nay đã có hiện tượng dậy thì. Những bài học như thế liệu có hiệu quả hay không khi các em luôn phải đối mặt với những phức tạp của cuộc sống, không loại trừ những rủi ro do thiếu kiến thức cơ bản về giới tính.

Đường nào cho "hươu" chạy?

Sự ra đời của "Shop người lớn" tại Hà Nội, chuyên tư vấn và kinh doanh các sản phẩm dành cho đôi lứa cách đây vài năm được đánh giá là quyết định táo bạo trong lĩnh vực này của cô chủ 8X vừa tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, đây lại là địa chỉ được nhiều bạn trẻ tin cậy tìm đến để được giãi bày những điều khó nói. Trong số khách hàng có cả cụ già 80 tuổi. Cụ đến để nhờ tư vấn tâm lý và trang bị kiến thức về an toàn tình dục cho cháu mới 18 tuổi. Thế nhưng những bậc phụ huynh như thế không nhiều. Chưa mấy người coi việc trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản, an toàn tình dục cho con cái là quan trọng. Chỉ đến khi có việc xảy ra với con trẻ như yêu đương sớm, sinh hoạt tình dục bừa bãi, bê trễ học hành, mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai hoặc mắc bệnh… người lớn mới cuống lên. Song, bắt đầu từ đâu, mức độ và liều lượng thế nào để trang bị kiến thức về vấn đề này cho các em một cách hiệu quả nhất thì vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Kim Bắc, tùy theo lứa tuổi mà cần có những phương thức, nội dung phù hợp để tránh phải lo chuyện "vẽ đường cho hươu chạy". Khi các con mới 5-7 tuổi, hãy cứ giải thích là "con cò mang em bé đặt bên cửa sổ". Còn khi đã 14-15 tuổi, chắc chẳng em nào cũng hỏi "em bé ra đời từ đâu" nữa. Lúc này, người lớn lại phải nhắc nhở con nên ý tứ chỗ đông người, nhất là trước mặt bạn khác giới; đừng đi chơi riêng với bạn trai chỗ vắng người, nơi thiếu ánh sáng, lúc chếnh choáng hơi men… Việc dạy các con cách tự vệ cũng nên bắt đầu ngay từ nhỏ: khi có người lạ dụ ăn uống, cho đồ chơi; lớn thêm một chút thì phải biết tránh cái nhìn khiếm nhã của người khác, khi bị người khác giới cố tình động chạm thân thể… Sự thủ thỉ, gần gũi, lắng nghe và chia sẻ của người mẹ với con gái, bố với con trai một cách thường xuyên là rất hiệu quả, giúp các em có những nhìn nhận và hành vi đúng về vấn đề này.

Thực tế cũng cho thấy, cách học ở trường cần thay đổi theo hướng thiết thực hơn, cụ thể hơn. Tùy từng nội dung, lứa tuổi, nhà trường cần bố trí để nam, nữ học riêng, tránh tình trạng học chung để rồi thầy, cô thì chỉ nói những thứ "quanh đâu đấy", còn trò thì ngượng ngùng. Kết quả là cả cô và trò đều dạy - học như "cưỡi ngựa xem hoa", kiến thức chỉ được đề cập một cách chung chung, sơ sài, sự tiếp nhận thì mơ hồ và chưa có định hướng. Có như vậy mới giúp cho "hươu" khỏi chạy lung tung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục giới tính: Né tránh đến bao giờ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.