Đó là thông tin được ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đưa ra tại mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số thế giới 11-7 với chủ đề “Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững” do Sở Y tế Hà Nội phối hợp UBND huyện Đông Anh tổ chức sáng 4-7.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, thời gian qua, công tác dân số thành phố đạt được những thành tựu đáng kể. Nhiều mô hình được triển khai hiệu quả, như: Mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng; mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên…
Ngoài ra, Hà Nội đang triển khai xây dựng thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn tại quận Bắc Từ Liêm. Từ đó, nhân rộng mô hình này trên địa bàn toàn thành phố.
Tính đến hết tháng 6-2024, số con sinh thứ ba trở lên là 2.950 trẻ (đạt 6,6%), giảm 155 trẻ so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, tỷ lệ phụ nữ mang thai được tầm soát 4 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến ước đạt 79% (tăng 18,6%); tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát 5 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến ước đạt 82% (tăng 5%).
Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 63% (tăng 18% so với cùng kỳ năm 2024); số người mới áp dụng biện pháp tránh thai là gần 417 nghìn người (đạt 103,2% kế hoạch năm 2024).
Tuy nhiên, với đặc thù là thành phố đông dân thứ hai của cả nước, mật độ dân cư cao gấp hơn 8 lần mức trung bình cả nước, tỷ lệ tăng dân số hằng năm ở mức cao cũng tạo ra áp lực không nhỏ cho công tác dân số.
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, quy mô dân số lớn, địa bàn dân cư rộng, dân trí không đồng đều. Một số bộ phận người dân vẫn còn tâm lý muốn có nhiều con và thích có con trai dẫn đến việc tỷ số giới tính khi sinh của thành phố vẫn còn ở mức cao, có xu hướng giảm nhưng không bền vững.
Thêm vào đó, tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh vì thế già hóa dân số đang là một thách thức lớn của Hà Nội đòi hỏi phải có một kế hoạch chủ động ứng phó và những chính sách phù hợp nhằm bảo đảm tốt hơn sức khỏe, an sinh xã hội và quyền lợi của người cao tuổi…
Trước thực tế đó, các cấp chính quyền phải coi công tác dân số và phát triển là một bộ phận quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, là nội dung trọng tâm trong chương trình hoạt động của chính quyền và các ngành, đoàn thể.
Để tạo ra sự ổn định trong công tác dân số, theo ông Trần Văn Chung, thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền; sự vào cuộc tham gia của các ngành, đoàn thể. Bảo đảm nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp về công tác dân số. Kiện toàn và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số từ thành phố đến cơ sở.
“Chúng ta cần nghiêm túc đánh giá kiểm điểm tình hình thực hiện của địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, các nội dung và giải pháp thực hiện công tác dân số ở các cấp. Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra đối với các hoạt động can thiệp lựa chọn giới tính thai nhi theo quy định để hạn chế tối đa chênh lệch giới tính khi sinh”, ông Trần Văn Chung nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.