Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gian nan xuất khẩu trái cây

Đỗ Minh| 23/03/2016 07:32

(HNM) - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, những tháng đầu năm 2016, xuất khẩu trái cây đã có nhiều tín hiệu lạc quan: Australia vừa cho phép nhập khẩu 28 tấn quả vải từ Việt Nam; New Zealand đang kiểm tra quy trình trồng chôm chôm và xem xét nhập khẩu loại trái cây này...

Thanh long - một trong những mặt hàng trái cây có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.


Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu trái cây từ Australia, Nga... cũng đang hoàn tất thủ tục nhập khẩu trái cây Việt Nam. Tuy nhiên, chặng đường chinh phục thị trường thế giới của trái cây Việt Nam vẫn còn nhiều gian nan.

Theo bà Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, khó khăn lớn nhất hiện nay của xuất khẩu trái cây là vượt qua các hàng rào kỹ thuật. Hiện có hai hàng rào kỹ thuật mà các nước trên thế giới đang áp dụng, đó là vấn đề kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Những hàng rào kỹ thuật này không chỉ giúp bảo hộ sản xuất, bảo vệ người tiêu dùng và gìn giữ môi trường sinh thái trong nước, mà còn giúp đối phó các rào cản của các nước khác trong thương mại quốc tế đang ngày càng hiện đại và tinh vi. Thực tế xuất khẩu đã cho thấy, nhiều nông sản và trái cây của nước ta đã bị từ chối nhập hoặc trả lại do vi phạm những quy định, tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 40 loại rau quả đã được xuất khẩu sang 40 nước và vùng lãnh thổ.

Dự báo xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2016 có thể đạt 2 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 1,49 tỷ USD năm 2015 nhờ vào sự mở cửa của 3 thị trường khó tính gồm Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ.


Theo ông Nguyễn Văn Thành, huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết: Nông dân không ngại thay đổi phương thức sản xuất nhưng cần có những doanh nghiệp, đơn vị đứng ra hướng dẫn và liên kết cùng sản xuất. Việc sản xuất theo những tiêu chuẩn quốc tế phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Hiện đa phần nông dân vẫn sản xuất theo hướng tự phát, tự học hỏi chứ chưa được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất bài bản.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: Để vượt qua những rào cản kỹ thuật dứt khoát các địa phương cần tổ chức lại cách sản xuất đối với mặt hàng trái cây. Ngoài những phương thức thâm canh theo tiêu chuẩn thì việc chế biến và bảo quản trái cây sau thu hoạch cũng cần được đặc biệt chú ý vì vấn đề này ở nước ta còn lạc hậu so với các nước trong khu vực. Sự liên kết giữa nông dân với nông dân và nông dân với doanh nghiệp còn lỏng lẻo, từ đó làm mất thế cạnh tranh.

Tuy nhiên, việc áp dụng tiêu chuẩn an toàn cũng là một trong số khó khăn hàng đầu cho nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng như xuất khẩu trái cây Việt Nam thâm nhập các thị trường lớn trên thế giới trong đó có EU. Ông Chu Thanh Khơi, Giám đốc Công ty Chế biến thực phẩm xuất khẩu Tân Bình cho biết: Nhà nước cần có những chính sách cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, đồng thời có những giải pháp mang tính lâu dài để ngành trái cây phát triển.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn) cho rằng, các doanh nghiệp nên chấp hành nghiêm các cam kết quốc tế, thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng hoặc công bố hợp quy, hợp chuẩn các loại hàng hóa, xây dựng thương hiệu mạnh về các loại rau quả sạch, an toàn, kiểm soát tốt quy trình nội bộ về sản xuất, chế biến; thường xuyên theo dõi kịp thời các thông tin có liên quan từ các nước nhập khẩu cũng như từ cơ quan bảo vệ thực vật trong nước; tổ chức đầu tư vùng nguyên liệu trọng điểm (hợp đồng với nhà vườn, cung ứng và giám sát thực hiện đúng quy trình về sử dụng giống, vật tư nông nghiệp, thời gian thu hoạch, truy nguyên nguồn gốc).

Ngoài ra, để sản xuất trái cây cho hiệu quả cao nhất cũng như để mặt hàng này xuất khẩu được thuận lợi, các doanh nghiệp cũng cần liên kết chặt chẽ với nông dân để ký kết hợp đồng, giám sát chất lượng từ khâu sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm trái cây... Riêng trang trại, vườn trại phải nhanh chóng thay đổi thói quen sản xuất, thích nghi với điều kiện sản xuất mới cùng với doanh nghiệp xây dựng được chuỗi sản xuất, xuất khẩu. Có như vậy, trái cây Việt Nam mới có thể tiến ra thị trường thế giới một cách vững chắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gian nan xuất khẩu trái cây

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.