(HNM) - Đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh bảo đảm hoàn thành cơ bản triển khai việc phân loại rác tại nguồn. Thế nhưng, trong quá trình thực hiện, hoạt động này vẫn bộc lộ nhiều hạn chế cả về cách thức quản lý lẫn vận hành.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày, trên toàn địa bàn thành phố phát sinh khoảng 8.300 tấn rác sinh hoạt, chiếm hơn 40% nguồn phát thải. Mỗi năm, thành phố phải chi nhiều tỷ đồng cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý lượng rác thải khổng lồ này. Để giảm chi ngân sách, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, UBND TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các quận, huyện đẩy mạnh việc phân loại rác tại nguồn.
Theo ông Đồng Văn Khiêm, Thành viên Hội đồng tư vấn, phản biện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh, 8.300 tấn rác sinh hoạt gồm rất nhiều thành phần khác nhau. Trong đó, có các loại rác vô cơ như pin, ắc quy, bao ni lông, chai lọ nhựa, hộp xốp, thủy tinh... Nếu không được phân loại và xử lý riêng, lượng rác này sẽ mất rất nhiều năm mới có thể phân hủy hoàn toàn, đi kèm theo đó là nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường...
Từ thực tế trên, TP Hồ Chí Minh đã phân loại rác tại nguồn ở 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố từ tháng 6-2017. Nhưng qua 10 tháng triển khai, hoạt động này gặp nhiều khó khăn, bất cập. Theo ông Đậu An Phúc, Phó Chủ tịch UBND quận 12, người dân chưa có thói quen phân loại rác, trong khi các đơn vị thu gom rác dân lập trên địa bàn thực hiện chưa đồng bộ.
Còn theo đại diện Hợp tác xã Bảo Tín (huyện Hóc Môn - đơn vị thu gom rác dân lập), hợp tác xã không có đủ kinh phí đầu tư phương tiện; hiện đơn vị có hơn 100 xe thu gom, vận chuyển, nếu thay đổi phương tiện mới cần đầu tư lên đến 50 tỷ đồng. Trong khi đó, đơn giá thu gom rác thải sinh hoạt lại thấp, không bảo đảm thu nhập cho công nhân.
Là người dân trực tiếp thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, bà Hoàng Thị Tư (ngụ quận 2) phản ánh, ban đầu các hộ dân được phát túi ni lông có màu khác nhau để phân loại, nhưng sau một thời gian không được hỗ trợ túi nữa, người dân phải tự bỏ rác đã phân loại vào các túi ni lông có sẵn tại nhà nên người thu gom khó phân biệt loại rác, đã bỏ chung luôn chứ không phân loại.
Thừa nhận một số hạn chế trong quá trình thực hiện, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện UBND thành phố vẫn chưa ban hành quyết định giá dịch vụ trong thu gom, vận chuyển, xử lý rác và quyết định quản lý chất thải rắn...
Để giải bài toán phân loại rác tại nguồn, PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu, chuyên gia môi trường cho rằng, trước hết cần triển khai đồng loạt, không nên làm thí điểm. Đồng thời, tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của việc phân loại rác tại nguồn. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa địa phương và cơ quan quản lý nhà nước cấp trên.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, mấu chốt là các quận, huyện phải thực sự quyết tâm thực hiện. Thành phố sẽ có chính sách hỗ trợ các đơn vị chuyển đổi phương tiện thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Chương trình phân loại rác tại nguồn này nếu thực hiện thành công sẽ tái chế được 60% tổng lượng rác thải. Điều này sẽ giảm đáng kể áp lực về diện tích đất để chôn lấp, giảm ngân sách xử lý rác thải, giảm nguy cơ phát sinh ô nhiễm môi trường do các bãi chôn lấp rác thải gây ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.