Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lộ trình cần thiết để tạo thói quen phân loại rác thải tại nguồn

Nhóm phóng viên| 26/07/2022 06:31

(HNM) - Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường sẽ có hiệu lực từ ngày 25-8-2022. Theo quy định, hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ đầu nguồn sẽ bị phạt tiền. Tuy nhiên, thời điểm chính thức áp dụng việc xử phạt đối với hành vi này sẽ chỉ bắt đầu sau ngày 31-12-2024, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Dư luận cho rằng, đây là thời gian cần thiết để người dân hình thành thói quen phân loại rác thải.

Tập huấn phân loại rác thải tại nguồn cho người dân xã Tiên Dương (huyện Đông Anh). Ảnh: Trọng Hiếu

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Bùi Duy Cường: 
Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường

Hà Nội là đô thị lớn, đông dân cư, trung bình mỗi ngày có khoảng 7.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt cần xử lý. Việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện chủ yếu được thực hiện bằng phương pháp chôn lấp. Do đó, việc phân loại và xử lý rác thải đang trở thành vấn đề sống còn đối với yêu cầu phát triển bền vững của Thủ đô. Mô hình phân loại và xử lý rác thải tại nguồn đã được triển khai tại hầu hết các nước phát triển và mang lại nhiều lợi ích, không chỉ giúp giảm lượng rác phát sinh, bảo vệ môi trường, tạo ra nguồn phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp… mà quan trọng là giúp hình thành ý thức tiết kiệm, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của mỗi người dân. Để triển khai đồng bộ việc phân loại rác thải tại nguồn còn rất nhiều việc phải làm, nhưng chắc chắn khi đẩy mạnh tuyên truyền, nhìn thấy rõ lợi ích từ việc làm này, tôi tin người dân sẽ đồng lòng thực hiện.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn: 
Hướng dẫn hộ dân quy trình phân loại rác thải tại nguồn

Để mô hình phân loại rác thải từ nguồn đạt hiệu quả, được người dân thực hiện nghiêm túc thì quy định phạt tiền với hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ đầu nguồn theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP là rất cần thiết. Nhằm triển khai việc phân loại rác thải tại nguồn, từ tháng 3-2022, UBND huyện Quốc Oai đã chỉ đạo Hội Liên hiệp phụ nữ các xã Nghĩa Hương, Đại Thành, Tân Hòa… xây dựng và ra mắt mô hình “Phụ nữ sống xanh - phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn”. Theo đó, tổ quản lý mô hình sẽ tới từng nhà hướng dẫn hộ dân quy trình phân loại rác thải tại nguồn. Thời gian tới, mô hình này sẽ được nhân rộng tại tất cả các xã trên địa bàn huyện.

Bà Hoàng Thị Dương Thùy, phường Thượng Thanh, quận Long Biên: 
Đem lại sức khỏe cho chính mình và cộng đồng

Dù địa phương chưa triển khai mô hình phân loại rác thải tại nguồn nhưng từ nhiều năm nay gia đình tôi đã tự phân loại rác. Khi đi chợ, các thành viên trong gia đình đều nhắc nhau sử dụng hộp nhựa an toàn để đựng thực phẩm, rau, củ, quả… và “nói không” với túi ni lông. Quá trình sinh hoạt, chế biến thực phẩm hằng ngày, tất cả cơm thừa, vỏ trứng, cọng rau… đều được để riêng rồi đem ra hố ủ ngoài vườn rau, cách nhà vài trăm mét. Các hố ủ được gia đình đào sâu và che đậy sạch sẽ, tưới thêm dung dịch men vi sinh để ủ thành phân hữu cơ, dùng bón cho cây hoặc chôn lấp. Đây là cách làm hay mà mỗi gia đình cần quan tâm để thực hiện ngay, giúp đem lại sức khỏe cho chính mình và cộng đồng.

Bà Nguyễn Thị Nhanh, xã Dục Tú, huyện Đông Anh: 
Nhân rộng cách làm hay, mô hình tốt 

Huyện Đông Anh là một trong những địa phương tiên phong trong việc triển khai phân loại rác thải tại nguồn, trong đó xã Dục Tú hiện đã có 100% hộ dân thực hiện. Ban đầu, nhiều người tỏ ra lo ngại việc phân loại rác sẽ khó thành thói quen vì phức tạp, mất thời gian và không rõ hiệu quả. Nhưng thực tế đã chứng minh những lợi ích mà phân loại rác tại nguồn đem lại... Tuy nhiên, về lâu dài, để hình thành thói quen cho người dân, cách làm đúng đắn nhất là đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai theo lộ trình, đồng thời lan tỏa, nhân rộng những cách làm hay, mô hình tốt. Việc xử phạt chỉ là “bất đắc dĩ” khi xảy ra trường hợp cố tình không thực hiện và phải được thực hiện nghiêm minh.

Ông Nguyễn Quang Thắng, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy: 
Kiểm tra, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm

Lợi ích của việc phân loại rác thải từ nguồn đã rõ, nhưng để tạo lập thói quen phân loại rác ngay từ nguồn cho người dân không phải là việc dễ dàng. Để có được thói quen này, người dân phải mất thời gian nhiều tháng, nhiều năm, do đó việc chưa xử phạt với hành vi không phân loại rác tại nguồn là hợp lý. Bên cạnh đó, để việc phân loại, xử lý rác thải đạt hiệu quả tối đa, cần phải có cơ chế, chính sách hấp dẫn thu hút nhà đầu tư rót vốn vào các dự án xử lý rác thải; tiếp đến là thường xuyên kiểm tra, xử phạt nghiêm với các hành vi vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lộ trình cần thiết để tạo thói quen phân loại rác thải tại nguồn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.