Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm ùn tắc và tai nạn giao thông ở Hà Nội: Hiệu quả từ sự quyết liệt, đồng bộ

Tuấn Khải| 11/01/2019 06:22

(HNM) - TP Hà Nội - địa phương có điều kiện giao thông phức tạp, nhưng đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả nhiều giải pháp giúp giảm tai nạn, khắc phục ùn tắc giao thông trong năm 2018, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông chung của cả nước.

Cầu vượt An Dương - đường Thanh Niên được đưa vào khai thác giải quyết hiệu quả tình trạng ùn tắc giao thông triền miên tại khu vực. Ảnh: Quang Thái


Ùn tắc và tai nạn đều giảm

Cầu vượt An Dương - đường Thanh Niên ngay khi được hoàn thành, đưa vào khai thác (tháng 10-2018) không chỉ làm thay đổi diện mạo đô thị, mà còn giải quyết hiệu quả tình trạng ùn tắc triền miên tại khu vực nút giao An Dương - đường Thanh Niên và Nghi Tàm - Yên Phụ.

Là một lái xe dịch vụ thường xuyên chở khách lên Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, anh Nguyễn Minh Tuấn (ngõ 122 Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) phấn khởi cho biết: "Trước đây mỗi lần qua nút giao này thường phải mất tới hai, ba nhịp đèn. Đã vậy, đoạn đường từ Nghi Tàm tới khách sạn Thắng Lợi nhỏ hẹp, lưu lượng phương tiện lớn, việc di chuyển khó khăn. Nay có cầu vượt, đường lại mở rộng, giao thông thông suốt rồi...".

Đó chỉ là 1 trong 6 “điểm nóng” ùn tắc giao thông đã được TP Hà Nội tập trung giải quyết dứt điểm trong năm qua. 5 “điểm nóng” khác được xử lý gồm: Khu vực nút giao La Thành - Nguyễn Chí Thanh; khu vực Đại Cồ Việt - Hoa Lư - Tạ Quang Bửu; nút giao Hoàng Minh Giám - Lê Văn Lương; nút giao Trần Phú - Mỗ Lao - Nguyễn Khuyến; khu vực Cầu Tó. Cùng với giảm ùn tắc, trong năm 2018, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô cũng đã giảm hơn 5% cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). So với năm 2017, toàn thành phố xảy ra 1.365 vụ tai nạn giao thông (giảm 88 vụ, tương đương 6,1%); làm 544 người chết (giảm 44 người, tương đương 7,5%); 916 người bị thương (giảm 203 người, tương đương 18,1%).

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, có được những những kết quả tích cực nói trên là do thành phố đã kiên trì, quyết liệt triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp. Trong đó, đã tổ chức thực hiện, hoàn thành 79 công trình giao thông cùng hàng loạt dự án sửa chữa bảo đảm an toàn giao thông; thường xuyên rà soát, điều chỉnh tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phù hợp với lưu lượng giao thông thực tế. Ngoài giải quyết được 6/37 điểm ùn tắc nói trên, thành phố cũng đã cơ bản giải quyết được 11/32 “điểm đen” về tai nạn giao thông có nguyên nhân do bất cập về hạ tầng. Việc áp dụng những mô hình mới trong quản lý giao thông, ứng dụng giao thông thông minh cũng đã đem đến những kết quả tích cực như hạn chế xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ tại 13 tuyến đường, tuyến phố; đỗ xe theo ngày chẵn, ngày lẻ trên 7 tuyến phố; mở rộng ứng dụng công nghệ tìm điểm đỗ xe và thanh toán dịch vụ qua điện thoại thông minh (iParking)...

Không để phát sinh các điểm ùn tắc mới

Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, trong năm 2019, thành phố đặt mục tiêu tiếp tục kiềm chế, giảm 5-10% tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt so với năm 2018; phấn đấu không để xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Đồng thời, tiếp tục giảm ùn tắc giao thông, không để phát sinh các điểm ùn tắc giao thông mới và không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút; tập trung giải quyết được từ 8 đến 10 điểm ùn tắc còn tồn tại của năm 2018.

Chủ trương hạn chế xe hợp đồng dưới 9 chỗ đã góp phần giảm ùn tắc giao thông.Ảnh: Sơn Hà


Đại diện Ban An toàn giao thông TP Hà Nội cho biết, các điểm ùn tắc sẽ được tập trung giải quyết trong năm 2019 như khu vực dốc Vĩnh Hưng; nút giao Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Hữu Thọ; Ngọc Hồi - Phan Trọng Tuệ; khu vực phía Bắc cầu Chương Dương; đường Phạm Văn Đồng đoạn trước cổng trụ sở Bộ Công an; nút giao Hồ Tùng Mậu - Lê Đức Thọ; nút giao Láng - Nguyễn Chí Thanh...

Các giải pháp chủ yếu sẽ được tập trung triển khai như xén hè, xén dải phân cách giữa tại một số đoạn tuyến thuộc đường Vành đai 2 và Vành đai 3 để tăng diện tích mặt đường phục vụ giao thông; dỡ bỏ rào chắn tại một số nhà ga thuộc Dự án Đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội; tiếp tục rà soát, điều chỉnh đèn tín hiệu nhằm tối ưu phương án tổ chức giao thông tại các nút giao thường xuyên ùn tắc... Tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông phải hoàn thành trong năm 2018, đặc biệt là các công trình trọng điểm, cấp bách nhằm giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, trên cơ sở bảo đảm chất lượng và tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, ngay trong dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân 2019 sắp tới, thành phố đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan huy động tối đa các lực lượng chốt trực, hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các nút giao thông trọng điểm, các tuyến đường vành đai, trục chính xuyên tâm ra, vào thành phố, các bến xe, nhà ga; tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông...

Bên cạnh đó, UBND thành phố giao UBND các quận, huyện có đường sắt đi qua phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải và các đơn vị liên quan tổ chức rà soát toàn bộ các lối đi dân sinh trên địa bàn để bố trí trực cảnh giới tại các vị trí có nguy cơ mất an toàn giao thông; rà soát hệ thống an toàn giao thông tại các vị trí giao cắt đường sắt và đường bộ (đối với hệ thống đường bộ thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương) để điều chỉnh, bổ sung nhằm bảo đảm an toàn giao thông. Các địa phương có hệ thống đường thủy nội địa, bến đò ngang, sông, hồ có hoạt động lễ hội, vui chơi giải trí khẩn trương xây dựng phương án bảo đảm tuyệt đối an toàn giao thông cho nhân dân và du khách...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm ùn tắc và tai nạn giao thông ở Hà Nội: Hiệu quả từ sự quyết liệt, đồng bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.