Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội: Song song nhiều giải pháp

Khánh Vũ| 16/11/2018 07:08

(HNM) - Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội cho biết, số tiền nợ bảo hiểm xã hội của một số doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn Thủ đô đã giảm đáng kể.


Không để phát sinh nợ mới

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội, tính đến hết quý III-2018, số tiền nợ bảo hiểm đã giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2017. Có được kết quả này là do liên ngành: Công an thành phố, Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Thuế, Sở Y tế đã phối hợp chặt chẽ trong việc yêu cầu doanh nghiệp trả nợ bảo hiểm cho người lao động. Tuy nhiên, so với toàn quốc, nợ BHXH ở Hà Nội vẫn cao hơn mức trung bình chung, ảnh hưởng đến chế độ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) của hơn 300.000 lao động trên địa bàn. Nguyên nhân, do nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động còn hạn chế, tính tuân thủ pháp luật về BHXH chưa cao. Một số doanh nghiệp cố tình chây ỳ, chậm đóng, trốn đóng BHXH. Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, hoạt động cầm chừng...

Cán bộ BHXH TP Hà Nội giải quyết chế độ cho người lao động. Ảnh: Hữu Tiệp


Theo Giám đốc BHXH TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa, trong quý IV-2018, BHXH thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, trong đó tập trung vào khu vực phi chính thức, các doanh nghiệp chưa tham gia và phấn đấu thực hiện BHYT học sinh, sinh viên đạt 100%. Đặc biệt, BHXH thành phố sẽ có các giải pháp giảm nợ như yêu cầu cán bộ trực tiếp đôn đốc thu BHXH, BHYT tại các doanh nghiệp nợ, không để phát sinh nợ mới; tăng cường thanh tra chuyên ngành đột xuất và xử phạt vi phạm hành chính...

"BHXH thành phố chủ động gửi thông báo kế hoạch kiểm tra, thanh tra đến các đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT để khắc phục nợ trước khi ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, thực hiện phân tích, phân loại nợ BHXH, BHYT gửi các sở, ngành làm cơ sở phối hợp tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành về việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT...", Giám đốc BHXH TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh.

Tăng cường đối thoại

BHXH quận Hà Đông là đơn vị có tỷ lệ nợ BHXH cao so với bình quân chung của thành phố, hiện còn tới 2.174 đơn vị nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, với số tiền phải tính lãi gần 100 tỷ đồng, bằng 7,07% so với kế hoạch thu (giảm 5,4% so với năm 2017). BHXH quận Hà Đông đã kiến nghị thành phố có biện pháp thu hồi nợ BHXH đối với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân, nợ số tiền 14,3 tỷ đồng, nhằm bảo đảm quyền lợi cho hơn 600 lao động của doanh nghiệp. BHXH quận Hà Đông cũng kiến nghị đưa danh sách những đơn vị có số nợ kéo dài, không có khả năng trả nợ, cơ quan thuế đang cưỡng chế hóa đơn vào danh sách riêng để có biện pháp bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Còn theo BHXH Long Biên, BHXH quận đã phối hợp với UBND quận thanh tra liên ngành 8 đơn vị. Số đơn vị quyết định dừng thanh tra, kiểm tra là 2 đơn vị, với số tiền nợ là 1,339 tỷ đồng, số tiền đã thu hồi là 1,244 tỷ đồng (đạt tỷ lệ thu hồi nợ là 93%). BHXH quận Long Biên đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận tiến hành kiểm tra 7 đơn vị. BHXH quận cũng đã báo cáo UBND quận chỉ đạo các cơ quan chức năng, thông báo danh sách các đơn vị nợ trên Cổng thông tin điện tử của quận; đồng thời, tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp nợ, doanh nghiệp chưa tham gia BHXH, đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp tới các đối tượng tham gia.

Nhằm nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, BHXH TP Hà Nội liên tục tổ chức các cuộc đối thoại với doanh nghiệp và người lao động. Tại cuộc đối thoại diễn ra đầu tháng 11-2018, BHXH thành phố và các đơn vị liên quan đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề nợ đọng BHXH, trong đó có trường hợp người lao động chia sẻ về một doanh nghiệp đang nợ BHXH. Cụ thể, năm 2008, doanh nghiệp này đã chốt sổ BHXH cho người lao động được 8 năm. Sau đó, người lao động tiếp tục làm việc gần 10 năm và doanh nghiệp nợ BHXH của người lao động trong suốt thời gian này. Câu hỏi đặt ra và cũng là thực tế mà nhiều đơn vị sử dụng lao động, người lao động đang gặp phải, là khi chuyển chỗ làm mới, người lao động muốn bỏ qua quá trình nợ đó có được không?

Về vấn đề này, Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội Nguyễn Đức Thuật cho biết, người lao động đã đi làm cho doanh nghiệp gần 10 năm, có đóng BHXH, sau đó vì những lý do riêng mà doanh nghiệp không đóng BHXH cho người lao động là vi phạm pháp luật về BHXH và việc này cần phải xem xét xử lý hình sự, chứ không còn vấn đề xử lý hành chính. Để giải quyết vấn đề chốt sổ cho người lao động, cơ quan BHXH sẽ giải quyết theo kết quả đóng, đóng bao nhiêu chốt bấy nhiêu. Còn thời gian gián đoạn đơn vị không đóng, đương nhiên cơ quan BHXH không thể ghi nhận. Ngoài ra, khi không đủ thời gian tham gia hoặc muốn tham gia thêm, thì cơ quan BHXH tạo điều kiện tách đóng cho một, hai cá nhân để giải quyết quyền lợi và làm thủ tục như chuyển đơn vị khác, địa phương khác…

BHXH thành phố và đại diện các ngành liên quan cũng đã cung cấp thông tin và trả lời nhiều thắc mắc liên quan tới các vấn đề: BHYT cho người nước ngoài, việc đồng bộ mã số và số sổ BHXH, trợ cấp thôi việc và mất việc làm, ghi thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trên thẻ…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giảm tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội: Song song nhiều giải pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.