Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm tải, giải nén cho đô thị trung tâm Hà Nội: Cần thực hiện đồng bộ

Bảo Hân| 08/12/2022 06:11

(HNM) - Thực hiện mục tiêu đặt ra là xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị, thời gian tới, Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, trọng tâm là thực hiện các chính sách giải nén, giảm tải cho đô thị trung tâm; giãn mật độ dân cư ra các đô thị xung quanh; thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, mô hình thành phố trực thuộc thành phố…

Việc giảm áp lực cho nội thành Hà Nội góp phần giải quyết được nhiều vấn đề đô thị bức xúc như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Ảnh: Đỗ Tâm

Nhiều áp lực cho nội đô

Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, khu vực nội đô lịch sử sẽ hạn chế phát triển nhà cao tầng và kiểm soát gia tăng dân số cơ học, giảm từ 1,2 triệu người xuống còn khoảng 0,8 triệu người. Cùng với đó, Thủ đô Hà Nội được định hướng phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm: Đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn sinh thái.

Theo các chuyên gia quy hoạch, cấu trúc chùm đô thị sẽ giải quyết được bài toán về phân bố dân cư, giảm áp lực cho nội thành, từ đó giải quyết được nhiều vấn đề đô thị bức xúc, như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… Những chức năng đang bị dồn nén tại đô thị trung tâm, như công nghiệp, dịch vụ, thương mại, giáo dục - đào tạo, y tế được phân bớt hoặc chuyển hẳn vào các đô thị vệ tinh. Cùng với đó, mô hình chùm đô thị có thể mở ra các cực tăng trưởng mới, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho Thủ đô, nâng cao đời sống của người dân.

Tuy nhiên, sau hơn 11 năm, nhiều mục tiêu và định hướng lớn của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, như: Việc tổ chức sắp xếp lại trung tâm nội đô lịch sử với kế hoạch giảm dân số, chống ách tắc giao thông, di chuyển các cơ quan, trường đại học ra khỏi nội đô lịch sử... chưa được triển khai. Đặc biệt, các đô thị vệ tinh vẫn chưa được hình thành cả về mặt đầu tư xây dựng lẫn tổ chức đơn vị hành chính, nhằm tạo cơ hội giãn dân ra khỏi khu vực nội đô. Báo cáo tổng kết 9 năm thi hành Luật Thủ đô của Bộ Tư pháp đã chỉ rõ, ở khu vực nội đô lịch sử, nhiều dự án chung cư cao tầng vẫn tiếp tục được xây dựng, tạo thêm áp lực về gia tăng dân số, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Theo kiến trúc sư Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị - Nông thôn quốc gia, Bộ Xây dựng, yêu cầu chính đối với đô thị lõi lịch sử là giảm áp lực về dân số, giảm xây dựng công trình quy mô lớn. Song trên thực tế, vấn đề này gặp nhiều trở ngại do nguồn lực hạn hẹp và sự phức tạp về sở hữu đất đai. Ngoài ra, việc chậm xây dựng, phê duyệt đồ án quy hoạch cũng ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư phát triển hạ tầng cho các đô thị vệ tinh cũng như kết nối đô thị vệ tinh với đô thị trung tâm. 

Thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều biện pháp giảm áp lực dân số cho khu vực trung tâm để phát triển đô thị thông minh, hiện đại. Ảnh: Quang Thái

Đồng bộ nhiều giải pháp giải nén

Tại Hội nghị lần thứ mười, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII vừa diễn ra, UBND thành phố Hà Nội đã có Tờ trình đề nghị xem xét, thông qua chủ trương nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, nêu rõ mục tiêu điều chỉnh quy hoạch để Hà Nội phát triển thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị. Thành phố sẽ sử dụng các công cụ quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội để điều tiết, kiểm soát chặt chẽ gia tăng dân số đô thị; thực hiện đồng bộ các chính sách giảm tải cho đô thị, đưa người dân ra các đô thị xung quanh.

Về mặt không gian đô thị, Hà Nội định hướng các trục đô thị chính ở khu vực nội đô, vùng ven và các thành phố trực thuộc tại các huyện phía Tây, phía Bắc. Hà Nội sẽ lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm với thiết kế đô thị hài hòa hai bên sông. Dọc đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ thiết lập trục đô thị vùng ven. Song hành với việc hình thành một số cực tăng trưởng mới, đến năm 2025, Hà Nội sẽ có từ 3 đến 5 huyện phát triển thành quận.

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, muốn giảm tải cho đô thị trung tâm phải giải quyết đồng bộ từ việc kiểm soát gia tăng dân số cơ học, phương tiện giao thông cá nhân đến phát triển giao thông công cộng, nâng cấp hệ thống đo đạc, cảnh báo về ô nhiễm môi trường và đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền để người dân đồng hành cùng thành phố giữ gìn, bảo vệ môi trường sống…

Về giải pháp quy hoạch, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, thành phố trong thành phố là mô hình phù hợp với quy định chung. Từ những kinh nghiệm của thành phố Thủ Đức sau gần 2 năm thành lập, Hà Nội nên chú trọng xây dựng quy chế đặc thù về chính quyền đô thị, bởi không thể xem đây là cơ quan ngang cấp quận, huyện. Thành phố cũng cần sớm tổng kết việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị sau hơn một năm thực hiện, từ đó xác định mô hình thành phố trong thành phố phù hợp.

Về mô hình đô thị vệ tinh, dù thời gian qua chưa được thực hiện nhưng TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm khẳng định, đây vẫn là mô hình hợp lý đối với quy mô ranh giới và tính đặc thù của Hà Nội. Do đó, trong thời gian tới cần xem xét lại quy mô, phạm vi cũng như xác định tiến độ cụ thể.

Giải nén, giảm tải cho đô thị trung tâm, đưa người dân ra các đô thị xung quanh là nhiệm vụ quan trọng được đặt ra từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc thực hiện cần đồng bộ về chính sách hạn chế di dân vào nội đô, đồng thời tập trung đầu tư phát triển khu vực đô thị mở rộng, đô thị vệ tinh để giãn dân. Đây chính là những mục tiêu hướng đến của thành phố trong điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đồng bộ với thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng khác trong lĩnh vực quy hoạch giai đoạn hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm tải, giải nén cho đô thị trung tâm Hà Nội: Cần thực hiện đồng bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.