(HNM) - Ngày 5-11, Quốc hội (QH) đã nghe và thảo luận các báo cáo của Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác của Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao; công tác thi hành án và công tác đặc xá... Quan tâm đến vấn đề phòng ngừa tội phạm, bảo đảm TTATXH, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, các đại biểu đã đi sâu
Thời gian gần đây, tình trạng vi phạm TTATGT vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt một số vụ chống người thi hành công vụ diễn ra liên tiếp gây bức xúc trong dư luận. Trong ảnh: CSGT Công an thị xã Sơn Tây xử lý một trường hợp vi phạm. Ảnh: Bá Hoạt |
Số án giảm nhưng chưa thể mừng
Báo cáo trước QH về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm qua, Viện trưởng VKSND Tối cao Trần Quốc Vượng cho hay, năm 2010, số vụ án khởi tố có ít hơn năm 2009 nhưng tính chất phức tạp, nghiêm trọng hơn. Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Lê Hồng Anh báo cáo, nhìn chung tội phạm, tệ nạn được kiềm chế, song vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp: hơn 60% số vụ án hình sự do băng nhóm gây ra; hơn 50% số vụ cướp có sử dụng vũ khí, hung khí; số vụ giết người do nguyên nhân xã hội, giết người thân trong gia đình tăng, nhiều vụ có tính chất dã man. Tội phạm học đường, tội phạm vị thành niên, tội phạm nước ngoài, xuyên quốc gia tăng, trong đó có loại nhức nhối như tội phạm buôn bán người, chống người thi hành công vụ, hủy hoại tài sản tăng.
Bên cạnh đó, tội phạm kinh tế vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng tham nhũng trong công tác giải phóng mặt bằng, liên quan đến đất đai gây nhức nhối... Tội phạm công nghệ cao tăng, thể hiện theo hình thức trộm cắp thông tin thẻ tín dụng, xâm phạm mạng máy tính cơ quan, tổ chức, lừa đảo tín dụng, mua bán qua mạng. Tội phạm môi trường phổ biến vẫn là vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhập khẩu thực phẩm không bảo đảm chất lượng từ nước ngoài.
Ngoài ra, do công tác điều tra, xét xử còn khiếm khuyết nên chưa loại trừ hoàn toàn được các trường hợp oan sai trong tố tụng. Đại biểu Trần Thị Hằng nêu thực tế là số vụ phải tái thẩm, giám đốc thẩm ngày càng nhiều, tăng 1,2% so với năm 2009, cho thấy chất lượng xét xử thấp...
Cần giải pháp đồng bộ và nỗ lực của toàn xã hội
Đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan hành pháp, song bà Lê Thị Thu Ba (Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH) chỉ rõ, tình hình phòng chống tội phạm chưa có chuyển biến rõ nét so với năm 2009. Các ĐB Nguyễn Thanh Toàn (Thừa Thiên Huế), Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) cho rằng, tình hình ANTT vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể gây mất ổn định, phát sinh tội phạm.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên Trần Thị Dung phát biểu tại hội trường. Ảnh: Nhật Nam |
Đại biểu Đặng Văn Xướng (Long An): Không để người dân vô cảm với tham nhũng Không ai muốn tham nhũng tăng lên, song đừng vì những con số như cơ quan điều tra khởi tố, Viện KSND Tối cao truy tố, TAND Tối cao xét xử giảm mà nói tình hình tham nhũng giảm. Tôi cũng đồng tình với nhận định của Ủy ban Tư pháp, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, vẫn còn nghiêm trọng. Năm qua, theo thống kê, một số địa phương phát hiện, xử lý tham nhũng còn ít, có địa phương không phát hiện, xử lý vụ nào, điều đó đáng phải suy nghĩ. Số liệu của Chính phủ cũng cho thấy, tham nhũng được phát hiện, xử lý chủ yếu ở cấp cơ sở, xã, phường, thị trấn, càng lên cấp cao càng giảm. Đây có phải là thực chất vấn đề không. Một số vụ nghiêm trọng, hiệu quả thanh tra, kiểm toán chưa cao, khiến dư luận hoài nghi, điển hình là vụ Vinashin. Chính phủ cần cân nhắc đánh giá sát thêm tình hình tham nhũng năm 2010 để sắp tới chúng ta có biện pháp trong năm 2011. Về phương hướng, tôi cơ bản thống nhất cho rằng thời gian tới cần nâng cao nhận thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, không để nhân dân hoài nghi, bằng cách nói đi đôi với làm. Về mặt nhận thức, cần giải quyết tốt hai vấn đề. Thứ nhất là phải chủ động phòng chống ở cơ sở. Thứ hai, đừng để cho xã hội có những người bàng quan, vô cảm, quen dần, dẫn đến chấp nhận "sống chung" với tham nhũng. Người dân, doanh nghiệp cần giải quyết công việc sẵn sàng đưa hối lộ tới người có quyền giải quyết, một số cán bộ quen dần với thói ăn hối lộ, dẫn đến rất khó cho nâng cao ý thức phòng chống tham nhũng... Tham nhũng khó phát hiện, nên khi phát hiện phải xét xử đúng người, đúng tội, nghiêm minh, tránh tình trạng xử án treo vẫn còn nhiều. Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh): Phải có chiến lược phòng chống tham nhũng rõ ràng Đúng là báo cáo của Chính phủ về tình hình tham nhũng có vẻ lạc quan nhưng qua thực tế, dư luận, báo chí, tình hình tham nhũng chưa có chiều hướng tích cực. Số vụ việc được phát hiện ít hơn không có nghĩa là tham nhũng thực tế đã giảm. Để chống tham nhũng hiệu quả, chúng ta cần sớm sửa Luật Phòng chống tham nhũng. Một việc làm khác là cán bộ, công chức cần công khai (chứ không chỉ kê khai) tài sản, thu nhập, chức vụ càng to, càng phải công khai rộng, phải công bố hằng năm. Ngoài ra, chúng ta phải có chiến lược phòng chống tham nhũng sâu sát, rõ ràng. Chúng ta đã xác định được rằng tham nhũng trong một số lĩnh vực có nguy cơ diễn ra nghiêm trọng như hải quan, thuế, công an giao thông… Xác định được như thế nhưng chiến lược cụ thể để phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh là gì, cán bộ phải giám sát ra sao... Chúng ta cần phải có cơ quan chống tham nhũng hiệu quả. Tư Đôghi |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.