Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giám sát, vì sao chưa sát ?

Thế Phương| 03/11/2010 06:43

(HNM) - Hai ngày qua, hàng loạt vấn đề nóng như Vinashin, khai thác bôxit ở Tây Nguyên đã được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội. Một lần nữa tính hiệu quả của công tác giám sát và trách nhiệm giám sát của cơ quan quyền lực lại được đưa ra từ chính các đại biểu Quốc hội.


Đây là vấn đề không mới nhưng luôn "nóng". Có thể nói hoạt động giám sát của Quốc hội những năm gần đây đã có nhiều đổi mới, đã đi vào những vấn đề "nóng" của xã hội, tuy nhiên vẫn còn không ít bất cập mà việc "con tàu" Vinashin chìm đắm là một ví dụ.

Nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề: Liệu hoạt động giám sát của Quốc hội có thật sự mang lại hiệu quả?

Để cắt nghĩa vấn đề này, trước hết bắt đầu từ cơ chế - một câu chuyện đã quá cũ nhưng vẫn là vấn đề nan giải. Một hệ thống giám sát đã được hình thành, giám sát tối cao là Quốc hội với các cơ quan chức năng và bản thân đại biểu Quốc hội, còn giám sát đối tượng là các cơ quan hành pháp… Ở nước ta, nhiều thành viên Chính phủ cũng là đại biểu Quốc hội. Như vậy, họ vừa là người tham gia giám sát chính ngành mà mình được trao trọng trách "tư lệnh", đồng thời họ cũng lại là người tiếp nhận sự giám sát của Quốc hội. Đây có thể là một yếu tố thuận lợi nhưng cũng cho thấy dường như trong bộ máy của ta hiện nay chưa có sự phân công rõ ràng. Trong bối cảnh đất nước hội nhập với rất nhiều thách thức hiện nay, việc "làm tròn" một "vai" đã rất khó, huống hồ phải đảm nhiệm cả hai "vai" thực thi và giám sát!

Một vấn đề nữa là đại biểu Quốc hội không chuyên nhưng nhiều khi lại phải giám sát nhiều vấn đề phức tạp, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, chưa kể tới tình trạng thiếu thông tin - một câu chuyện "biết rồi, khổ lắm…" của không ít thành viên đoàn giám sát. Thực tế, thời gian giám sát một vụ việc thường chỉ hai ba ngày, đoàn giám sát lại không có công cụ, bộ máy hỗ trợ, không có khả năng kiểm chứng, đối chiếu thông tin nên phụ thuộc hoàn toàn vào thông tin từ chính cơ quan bị giám sát. Do vậy, xuống cơ sở, nhưng các đại biểu Quốc hội không thể theo đến tận cùng vấn đề để chỉ rõ sai phạm, chưa nói đến việc phát hiện những lỗ hổng pháp luật để kiến nghị sửa đổi. Cũng vì vậy mà một đại biểu Quốc hội đã bức xúc: Báo cáo giám sát của chúng ta rất giống nhau, đều chung chung, sau đó bị lãng quên ngay, không làm thay đổi đột biến với các cơ sở bị giám sát…

Việc phát hiện tham nhũng, lãng phí chủ yếu do tố cáo nội bộ, báo chí và lực lượng thanh tra, điều tra. Vai trò của các cơ quan khác rất mờ nhạt… Nhận định này phần nào cho thấy hiệu quả hạn chế của hoạt động giám sát của Quốc hội nói riêng và cả hệ thống giám sát nói chung.

Trở lại vấn đề Vinashin có thể thấy: Nếu hoạt động giám sát của Quốc hội, ngành chủ quản, hệ thống thanh tra nhà nước từ cấp cao nhất tới thanh tra nhân dân tại chính cơ sở của các cơ quan, đơn vị hoạt động có hiệu quả và hậu giám sát, hậu thanh tra được thực hiện nghiêm túc, chắc chắn vụ "đắm tàu" Vinashin không để lại hậu quả nghiêm trọng đến như vậy.

Nâng cao hiệu quả của hoạt động giám sát nói chung và hoạt động giám sát của Quốc hội nói riêng là một quá trình với không ít vấn đề. Theo nhiều đại biểu, Quốc hội cần xây dựng một hệ thống giám sát có đủ năng lực theo đuổi những vấn đề bức xúc, những vấn đề đòi hỏi chuyên môn sâu và có độ độc lập riêng để đi đến cùng vụ việc, ngăn chặn tiêu cực, sai phạm, phát hiện những kẽ hở của luật pháp để kiến nghị chỉnh lý kịp thời. Bên cạnh đó là những cơ chế nhằm tạo điều kiện cho hoạt động giám sát và đặc biệt là hậu giám sát để tránh tình trạng "đánh trống, bỏ dùi". Và một vấn đề quan trọng nữa, trong hoạt động giám sát, các đại biểu Quốc hội nên chú ý hơn đến người dân, không phải lúc nào ý kiến, kiến nghị của người dân cũng là chân lý, nhưng họ chính là chiếc hàn thử biểu đo nhiệt độ của các sự việc diễn ra xung quanh.

Hoàn thiện cơ chế giám sát, ngăn chặn hiệu quả các sai phạm, tiêu cực được phát hiện là mong muốn của đại biểu Quốc hội và nhân dân cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giám sát, vì sao chưa sát ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.