Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giám sát công tác tuyển dụng, đào tạo cán bộ, viên chức tại Hà Nội

Hà Phong| 14/05/2013 06:27

(HNM) - Ngày 13- 5, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ CBCCVC


Từ năm 2010-2012, Hà Nội đã triển khai hai kỳ thi tuyển công chức hành chính, bổ sung kịp thời số lượng công chức cấp xã, viên chức giáo dục… cho các địa bàn còn thiếu. Ngoài ra, thành phố có chính sách xét đặc cách không thi tuyển đối với thủ khoa trong nước, người tốt nghiệp đại học loại giỏi ở nước ngoài... và đã tuyển dụng 143 người. Tuy nhiên, kết quả này không cao. Tính bình quân số người được tuyển dụng mới chiếm 10% so với đầu vào. Đáng lưu ý, một số cán bộ đã xin nghỉ việc. Ngoài nguyên nhân là chế độ tiền lương hiện hành còn thấp, một vấn đề nữa tác động không nhỏ đến quá trình tuyển CBCC nói chung, trọng dụng nhân tài của Hà Nội nói riêng là trung ương chưa có cơ chế mở, làm tiền đề để thành phố triển khai đào tạo, bổ nhiệm, nâng ngạch CBCCVC. Ngoài ra, nội dung và hình thức tuyển dụng còn nhiều bất cập. Đặc biệt, quy định môn thi chuyên ngành (viết và trắc nghiệm) theo yêu cầu vị trí làm việc còn dàn trải, rất khó tổ chức thực hiện, không tuyển được công chức có kiến thức tổng hợp.

UBND TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ quy định cụ thể về các đối tượng có tài năng, năng khiếu đặc biệt; Bộ Nội vụ nghiên cứu điều chỉnh bổ sung khoản 2, Điều 10, Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30-12-2012 của Bộ Nội vụ về quy trình tiếp nhận không qua thi đối với thủ khoa, người tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài. Theo đó, sau kiểm tra sát hạch, nên cho phép UBND TP được quyết định tuyển dụng không qua thỏa thuận của Bộ Nội vụ để rút ngắn thời gian thi tuyển. Hà Nội cũng đề xuất thực hiện thí điểm đổi mới thi tuyển công chức trên máy tính, có camera giám sát. Trong năm 2013, Hà Nội nghiên cứu thí điểm thi tuyển các vị trí từ phó giám đốc sở trở xuống. Mặt khác, thành phố đang xây dựng phương pháp đánh giá, khen thưởng, phân loại cán bộ và các chức danh quản lý theo tiêu chí cụ thể, bắt đầu từ sản phẩm, hiệu quả công việc, nhằm loại bỏ dần những CBCC trình độ chuyên môn hạn chế.

Trả lời câu hỏi của đoàn giám sát về việc Hà Nội chỉ tuyển dụng những người có hộ khẩu Hà Nội, Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định: Chỉ áp dụng với trần thi tuyển bình thường vì lượng người thi gấp nhiều lần nhu cầu thực tiễn. Việc tuyển dụng người không có hộ khẩu ở Hà Nội không hạn chế với nhân lực chất lượng cao.

Cũng trong chương trình làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã báo cáo với đoàn tiến độ triển khai xây dựng, cụ thể hóa Luật Thủ đô. Đến thời điểm này, toàn bộ dự thảo văn bản thuộc thẩm quyền thành phố Hà Nội ban hành đã được xây dựng xong. Trong đó, có 7 dự thảo nghị quyết về: Danh hiệu công dân danh dự Thủ đô; biện pháp thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; tỷ lệ diện tích đất ở, nhà ở trong các dự án phát triển nhà thương mại, huy động đóng góp của các tổ chức, cá nhân vào việc xây dựng công trình văn hóa… đã được các bộ, ngành cho ý kiến. UBND TP sẽ tiếp tục xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy và trước kỳ họp thứ 7 HĐND TP khoảng một tháng, các văn bản cụ thể hóa Luật Thủ đô sẽ được gửi các đại biểu đánh giá, thẩm định, để nhằm bảo đảm có đủ điều kiện thi hành ngay khi Luật Thủ đô có hiệu lực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giám sát công tác tuyển dụng, đào tạo cán bộ, viên chức tại Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.