Từ năm 2007 tới nay Hà Nội đã đưa được hơn 12.000 người đi xuất khẩu lao động (HNM) - Ngày 9-7, Đoàn giám sát của UB TVQH do Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND huyện Từ Liêm, Cục Hải quan Hà Nội và Cục Thuế Hà Nội về công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC).
* Từ năm 2007 tới nay Hà Nội đã đưa được hơn 12.000 người đi xuất khẩu lao động
(HNM) - Ngày 9-7, Đoàn giám sát của UB TVQH do Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND huyện Từ Liêm, Cục Hải quan Hà Nội và Cục Thuế Hà Nội về công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC).
Theo báo cáo của lãnh đạo huyện Từ Liêm, các quy trình giải quyết TTHC trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng nhà ở đã được đơn giản hóa, giảm bớt phiền hà cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Nhiều thủ tục giảm thời gian thực hiện từ 2 đến 10 ngày. 6 tháng đầu năm 2010, toàn huyện đã cấp được 621 giấy phép xây dựng (tổng diện tích sàn 104.200m2). Tuy nhiên, huyện đang gặp khó khăn do lượng hồ sơ liên quan đến đất đai tăng đột biến, dẫn đến tình trạng quá tải tại bộ phận "một cửa".
Tại Cục Hải quan và Cục Thuế, công tác rà soát đơn giản hóa TTHC cũng được thực hiện quyết liệt nên hầu hết các thủ tục (khai thuế; nộp thuế; miễn, giảm thuế; hoàn thuế) đều giảm thành phần hồ sơ và thời gian giải quyết. Hết tháng 6-2010, Cục Hải quan TP đã thu thuế được 7.979 tỷ đồng (đạt 86,7% kế hoạch năm); cơ quan thuế tại 29/29 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP đã thực hiện thu qua ngân hàng và kết nối dữ liệu Ngân hàng - Kho bạc cho người nộp thuế ở nhiều điểm thu tại ngân hàng. Song, trong quá trình thực hiện, ngành vẫn gặp khó khăn do sự thiếu đồng bộ của hệ thống CNTT, thiếu nhân lực và
sự chồng chéo của văn bản pháp luật.
Phó Chủ tịch QH, Trưởng đoàn giám sát của UB TVQH Uông Chu Lưu đã ghi nhận những nỗ lực của các đơn vị trong việc ứng dụng CNTT, cải cách TTHC; đồng thời, đề nghị các đơn vị tiếp tục nghiên cứu, tìm ra cách giải quyết hồ sơ hành chính hiệu quả, tránh quá tải, giảm phiền hà cho tổ chức, công dân. Với những vướng mắc về sự chồng chéo trong các văn bản pháp luật, trưởng đoàn giám sát đề nghị đơn vị phải làm danh mục cụ thể để đoàn báo cáo với QH.
* Tiếp tục chương trình làm việc về công tác XKLĐ, ngày 9-7, Đoàn giám sát của UB TVQH đã làm việc với UBND TP Hà Nội về việc tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2007-2010.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, từ năm 2007 đến nay, địa bàn Hà Nội có 93 doanh nghiệp có chức năng XKLĐ, chiếm 56,36% tổng số doanh nghiệp có chức năng XKLĐ trong cả nước. Tính từ năm 2007 đến nay, các doanh nghiệp của Hà Nội đã đưa 12.880 người đi XKLĐ ở các thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Nhật Bản, A rập, Slovakia.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đào Văn Bình, công tác tạo nguồn nhân lực cho hoạt động XKLĐ còn nhiều hạn chế. Hiện nay Hà Nội vẫn còn 60% lực lượng lao động chưa qua đào tạo nên thiếu nguồn lao động có chất lượng cao, có ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu của các đối tác nước ngoài; việc bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp còn nhiều bất cập, là một rào cản lớn khiến cho nguồn nhân lực của Hà Nội vẫn chưa xứng tầm...
Hiện nay số lao động tham gia XKLĐ của Hà Nội được đào tạo nghề thấp hơn so với con số bình quân cả nước. Việc đón nhận và giải quyết việc làm cho người lao động sau thời gian đi làm việc ở nước ngoài về nước của Hà Nội còn bị thả nổi. Vấn đề này, bà Trương Thị Mai, Trưởng đoàn giám sát của UB TVQH cho rằng: Hà Nội cần phải quan tâm đến vấn đề này, tạo một chu trình khép kín, đưa người lao động đi và đón người lao động về để không bị lãng phí nguồn nhân lực đã được làm việc trong các môi trường chuyên nghiệp tại nước ngoài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.