(HNM) - Nhiều năm nay, vấn đề nợ đọng BHXH, BHYT không chỉ gây bức xúc đối với ngành BHXH mà trở nên nhức nhối đối với người lao động. Nhiều nỗ lực đã được triển khai nhưng làm giảm số nợ đọng BHXH vẫn là bài toán khó.
Việc thu nộp bảo hiểm xã hội đang có nhiều vướng mắc. Ảnh: Sơn Hà |
Nhìn vào danh sách nợ đọng BHXH, BHYT của các đơn vị trên địa bàn quận Thanh Xuân có thể thấy những khó khăn trong công tác giảm nợ BHXH, BHYT trên địa bàn quận Thanh Xuân nói riêng và trên toàn thành phố nói chung. Trong tổng số 3.764 đơn vị tham gia BHXH toàn quận, có 1.101 DN nợ BHXH, BHYT. Tổng số nợ tính đến ngày 31-8-2015 là hơn 172 tỷ đồng; trong đó có 31 DN nợ trên 1 tỷ đồng. Đáng chú ý, đầu bảng nợ hơn 8,8 tỷ đồng là Công ty cổ phần Xây dựng số 11. Mặc dù cơ quan BHXH đã khởi kiện công ty này ra tòa án, song số nợ vẫn không ngừng tăng qua 27 tháng nay. Có số nợ cao tiếp theo là Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng - Công ty TNHH một thành viên CN Licogi số 1 nợ hơn 6,1 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư Lạc Hồng nợ 5,4 tỷ đồng…
Bà Lê Ngọc Anh, Giám đốc BHXH quận Thanh Xuân cho biết: Thanh Xuân là một trong số quận, huyện có số thu, số chi lớn nhất thành phố nhưng số nợ BHXH, BHYT cũng xếp vào tốp đầu với số thu hơn 1.200 tỷ đồng/năm và tổng chi lên tới hơn 3.620 tỷ đồng/năm. Với những con số khổng lồ như vậy, áp lực công việc đối với cán bộ, nhân viên BHXH quận là rất lớn. Cán bộ BHXH thường xuyên phải đối diện với tình trạng từ chối, trốn tránh làm việc của các DN, vì vậy lãnh đạo BHXH quận luôn phải sát sao việc đốc thu và thu hồi nợ cùng với chi trả đầy đủ, chính xác chế độ, chính sách BHXH, BHYT.
Từ đầu năm đến nay, BHXH quận đã khởi kiện 149 đơn vị nợ đọng với số tiền nợ lớn, thời gian nợ quá dài trong khi số lao động hiện còn rất ít. Nhiều DN chỉ còn tồn tại 1-2 lao động với số nợ lớn như Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông Việt Lào (chỉ còn 2 lao động) với số nợ hơn 4,7 tỷ đồng trong 73 tháng nay; Công ty cổ phần Xúc tiến thương mại thanh niên Việt Nam nợ hơn 788 triệu đồng với thời gian nợ 53 tháng, hiện chỉ còn duy nhất 1 người… Ngoài ra không ít DN đã "bỏ nợ chạy lấy người" như: Công ty Nữ hoàng Châu Á nợ hơn 432 triệu đồng với thời gian nợ 57 tháng; Công ty cổ phần Dược Bảo Long nợ 231 triệu đồng trong 39 tháng…
Theo bà Lê Ngọc Anh, với "núi" công việc và quá nhiều DN nợ nên việc kiểm tra đôn đốc cũng như khởi kiện là không xuể, chưa kể thủ tục để đưa các DN nợ đọng BHXH ra tòa còn nhiều phức tạp. Hơn nữa, chế tài xử lý sau kiểm tra, sau phán quyết của tòa án chỉ ở mức án dân sự nên chưa đủ sức răn đe khiến nhiều DN vẫn chây ì dù bản án đã có hiệu lực. Thậm chí, không ít DN cho rằng, do công trình của Nhà nước còn dang dở, DN chưa được thanh toán nên buộc phải nợ BHXH, BHYT. Và như vậy, thiệt thòi vẫn thuộc về người lao động như không được hưởng quyền lợi chính đáng khi nghỉ hưu, nghỉ mất sức, khám chữa bệnh bằng BHYT, chế độ thai sản…
Để công tác thu hồi nợ đạt hiệu quả, vừa qua, BHXH thành phố và Cục Thi hành án dân sự thành phố đã ký Quy chế phối hợp trong công tác thi hành án dân sự. Quy chế này nhằm tăng cường công tác thực hiện thi hành án đối với các đơn vị nợ đọng đã bị khởi kiện và đã có bản án. Sự phối hợp này sẽ tăng cường cung cấp trao đổi thông tin, tuyên truyền chính sách BHXH thi hành án dân sự, giải quyết khó khăn vướng mắc từ công tác chỉ đạo điều hành đến thực hiện thi hành án.
Tính đến nay, tổng số nợ đọng BHXH, BHYT trên toàn thành phố là hơn 2.374 tỷ đồng, chiếm 12% tổng số phải thu. Để giảm tình trạng này, BHXH thành phố đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm để đưa ra các giải pháp tích cực thu hồi nợ, đặc biệt là khởi kiện DN. Tuy nhiên, công tác khởi kiện DN nợ đọng BHXH, BHYT còn nhiều khó khăn do thủ tục, hồ sơ quá phức tạp, quá trình thụ lý và xét xử chậm. Trong khi đó, hiệu quả thu hồi nợ không cao, nhiều bản án có hiệu lực pháp luật nhưng không thể thi hành án.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.