(HNM) - Không dừng lại ở lời kêu gọi, UBND TP Hồ Chí Minh đang xem xét, thông qua các giải pháp nhằm giảm tối đa các cuộc họp không quá cần thiết để dành thời gian phục vụ người dân.
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh thị sát dự án chống ngập. |
Người đứng đầu trực tiếp gặp dân
Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành quy định về việc thực hiện chế độ tiếp công dân của Thường trực UBND thành phố. Theo đó, định kỳ vào ngày 20 và 27 hằng tháng, Thường trực UBND thành phố thực hiện tiếp công dân với các trường hợp được bút phê hoặc chỉ đạo của lãnh đạo thành phố. Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng phải tiếp công dân đột xuất với những vụ việc gay gắt phức tạp, cấp bách.
Để làm gương, tại một buổi tiếp công dân gần đây, đích thân Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã chờ gần một giờ đồng hồ để tiếp một người dân tuổi cao, sức yếu ở xa nên đến trễ. Sau buổi tiếp, điều khiến người dân cảm thấy tin tưởng hơn khi người đứng đầu chính quyền thành phố đã ra "tối hậu thư" trong vòng 30 ngày các cơ quan có thẩm quyền phải giải quyết hợp lý, hợp tình vụ kiện đã kéo dài tới 20 năm.
Bên cạnh công tác tiếp dân, thời gian qua, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng đã tăng cường thị sát, trực tiếp đi kiểm tra các công trình phục vụ dân sinh. Đơn cử, vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã đi thị sát dự án lắp đặt hệ thống máy bơm nước thông minh chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh); dự án kiểm soát ngập do triều có xét đến biến đổi khí hậu chống ngập cho bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố với diện tích 570km2; hay dự án biến rác thành điện tại Nhà máy điện rác Gò Cát (Bình Tân)... Trong những chuyến thị sát này, chủ đầu tư và lãnh đạo thành phố đã cùng nhìn thẳng vào thực trạng các dự án, đánh giá đúng những khó khăn, tồn tại để tháo gỡ ngay tại chỗ, giúp dự án hoàn thành đúng, thậm chí vượt tiến độ đề ra.
Giảm họp, tăng hành
Trong buổi làm việc với Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong mới đây, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Sử Ngọc Anh "than" rằng, số lượng công việc mà Sở phải giải quyết rất lớn mà lịch họp cứ dày đặc, lãnh đạo Sở phải thay phiên nhau đi họp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến số lượng hồ sơ trễ hạn dày lên.
Thống kê cho thấy, trung bình mỗi cơ quan nhà nước cấp sở có tới 3 - 4 cuộc họp/ngày, chưa kể họp đột xuất, họp phát sinh. Bàn về thực trạng này, ông Nguyễn Trung Thông, nguyên Phó Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính TP Hồ Chí Minh cho rằng, họp nhiều mà không giải quyết được vấn đề, gây lãng phí sức người, sức của, phí phạm thời gian là căn bệnh cố hữu của nhiều cơ quan hành chính nhà nước hiện nay. Theo ông Thông, muốn hướng đến một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả thì cần trị ngay căn bệnh này.
Thực tế cũng cho thấy, hầu hết các cuộc họp đều dành phần lớn thời gian để đọc báo cáo đã chuẩn bị sẵn, thậm chí được phát sẵn trên tay các đại biểu dự họp. Theo các chuyên gia, điều này không cần thiết vì tài liệu có thể được gửi trước qua hộp thư điện tử cho các đại biểu nghiên cứu ở nhà, cuộc họp chỉ nên dành cho các nội dung thiết thực hơn. Rõ ràng, ngoài họp nhiều, chất lượng của các cuộc họp cũng là vấn đề cần được xem xét lại.
Về vấn đề này, ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Thường trực Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh thừa nhận, có những cuộc họp gần phân nửa thời gian dành để đọc báo cáo, trong khi cách thức tổ chức họp nhiều nơi còn mang nặng tính hình thức. Ông Trung cho biết, giảm họp và nâng cao chất lượng cuộc họp là một trong các nội dung quan trọng trong công tác cải cách hành chính của thành phố hiện nay. "Giảm họp, cán bộ sẽ có thêm thời gian đi cơ sở, tham mưu đề xuất nhiều cái mới thực chất hơn, có lợi hơn cho sự phát triển chung", ông Lê Hoài Trung khẳng định.
Tuy vậy, theo các chuyên gia, để làm được điều này, cần có những giải pháp cụ thể, đồng bộ và một cơ quan đứng ra tham mưu, hướng dẫn cách thức tổ chức các cuộc họp sao cho vừa bảo đảm giảm tối đa về số lượng, vừa nâng cao chất lượng cuộc họp. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Lê Văn Làm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh cho biết, lãnh đạo thành phố rất quan tâm chỉ đạo sát sao việc này và đã giao cho Sở nghiên cứu, tham mưu cho thành phố giải pháp giảm số lượng cuộc họp ở các cơ quan hành chính, dành nhiều thời gian hơn để cán bộ, công chức đi cơ sở. "Hiện Sở Nội vụ đã trình UBND thành phố hệ thống các giải pháp để giảm số lượng, nâng cao chất lượng cuộc họp và đang chờ lãnh đạo thành phố xem xét, phê duyệt", ông Lê Văn Làm khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.