Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giám định tư pháp trong giải quyết vụ án về tham nhũng, kinh tế

Theo chinhphu.vn| 16/01/2018 16:26

Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp đã thống nhất ban hành Thông tư liên tịch quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế.

Ảnh minh họa


Theo đó, những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định gồm: Khi cần xác định chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của tài sản, hàng hóa, hàng giả, hàng thật, hàng cấm; khi cần truy nguyên về tài liệu, đồ vật, chữ ký, chữ viết, con dấu, dấu vết, dữ liệu điện tử; khi cần xác định tính chính xác của các dụng cụ cân, đo, đong, đếm và các máy móc, thiết bị khác.

Khi cần xác định hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, gồm: Về lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư; quyết định đầu tư dự án; về đấu thầu; về khảo sát, tư vấn thiết kế, thi công, giám sát, nghiệm thu, thanh quyết toán; về quản lý vốn đầu tư như tạm ứng vốn không đúng quy định; sử dụng vốn thi công không đúng mục đích; bảo lãnh cho vay vốn, tạm ứng vốn, thực hiện hợp đồng hoặc điều chuyển vốn cho vay; cho vay vốn không đúng chế độ; hành vi khác vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư.

Trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc trong việc xác định mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư gây ra, thì mức độ thiệt hại được xác định theo nguyên tắc lấy tổng chi phí đầu tư dự án trừ đi chi phí hợp lý, hợp lệ hoặc được xác định theo một hoặc trong các cách thức sau đây: Tiền lãi suất ngân hàng của khoản tiền đã tạm ứng vốn mà sử dụng khoản tiền này không đúng mục đích dẫn đến không có khả năng thu hồi hoặc làm mất vốn đầu tư; khoản chi phí phát sinh về tiền lãi vay của khoản vốn đã đầu tư và các chi phí khác đối với dự án kể từ khi dự án ngừng thi công hoặc ngừng hoạt động; tổng mức đầu tư phải điều chỉnh tăng lên so với tổng mức đầu tư ban đầu mà nguyên nhân do có hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến phải kéo dài thời gian thực hiện dự án hoặc làm chậm tiến độ thực hiện dự án…

Ngoài ra, cần thiết phải trưng cầu giám định khi cần xác định hành vi vi phạm pháp luật về thuế, tài chính, kế toán, bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, đất đai, tài nguyên, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và các lĩnh vực khác khi xét thấy cần thiết.

Thông tư cũng nêu rõ về nguyên tắc trưng cầu giám định, đánh giá và sử dụng kết luận giám định. Việc trưng cầu giám định, đánh giá, sử dụng kết luận giám định trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật, tuân theo quy chuẩn chuyên môn nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ án, vụ việc được chính xác, khách quan và đúng pháp luật.

Tổ chức, cá nhân được trưng cầu giám định phải giữ bí mật, không được tiết lộ nội dung thông tin, tài liệu, kết luận giám định cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền. Không được lạm dụng việc trưng cầu, thực hiện, đánh giá, sử dụng kết luận giám định để gây cản trở quá trình giải quyết vụ án, vụ việc hoặc làm ảnh hưởng đến tính chính xác, khách quan của việc giải quyết vụ án, vụ việc.

Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-02-2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giám định tư pháp trong giải quyết vụ án về tham nhũng, kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.