Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập huấn về giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng

Dạ Khánh| 15/07/2022 16:17

(HNMO) - Sáng 15-7, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị phổ biến, tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật về giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng.

Tham dự có hơn 150 đại biểu gồm đại diện các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng; các cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án (cơ quan trưng cầu giám định của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc); đại diện các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành; các cơ quan chuyên môn về xây dựng tại địa phương...

Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho hay, hiện nay công tác giám định tư pháp nói chung và giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng đang trở thành một trong những nội dung hết sức quan trọng để xác định nguyên nhân, giá trị thiệt hại, xác định trách nhiệm các vụ việc và yêu cầu của cơ quan tố tụng.

Công tác giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng được đánh giá cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, cũng đòi hỏi phải cố gắng hơn nữa, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng khi giám định, không phát sinh khiếu nại trong quá trình tranh tụng.

Trao đổi tại hội nghị, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng xây dựng (Bộ Xây dựng) Phạm Minh Hà khẳng định, Bộ Xây dựng với vai trò cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, theo đó tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động giám định, giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng. Các vụ việc giám định, đặc biệt là các vụ việc lớn đã cơ bản được giải quyết, đáp ứng kịp thời yêu cầu của hoạt động tố tụng.

Theo Giám đốc Viện Chuyên ngành kết cấu công trình xây dựng (Viện Khoa học công nghệ xây dựng) Cao Duy Khôi, tất cả vụ việc xảy ra sự cố xây dựng đều liên quan tới lỗi của các bên liên quan do làm không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; trình tự nội dung các công việc thực hiện không đúng. Công tác giám định thường tốn rất nhiều thời gian, hệ thống tiêu chuẩn phục vụ công tác kiểm định, giám định chưa đầy đủ hoặc đã cũ. Việc phê duyệt dự toán giám định tư pháp đôi khi còn vướng mắc gây tốn thời gian...

Tại hội nghị, ông Phạm Văn Tuấn (Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp) đã phổ biến một số nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Nghị định số 157/2020/NĐ-CP ngày 31-12-2020 sửa đổi bổ sung Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29-7-2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp...

Bộ Xây dựng cũng phổ biến một số điểm mới của các pháp luật liên quan trong lĩnh vực xây dựng, như: Thông tư số 17/2021/TT-BXD ngày 22-12-2021 của Bộ Xây dựng quy định một số nội dung về hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng...

Thông qua trao đổi, thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cũng đóng góp để khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác lựa chọn, trưng cầu tổ chức, cá nhân thực hiện giám định; tiếp nhận trưng cầu, bàn giao hồ sơ, tài liệu phục vụ giám định; quy trình thực hiện giám định; tạm ứng, thanh toán chi phí, bồi dưỡng giám định; tham dự phiên tòa; sự phối hợp giữa các cơ quan trưng cầu và các tổ chức, cá nhân thực hiện giám định trong việc xác định nội dung giám định, cung cấp hồ sơ, tài liệu phục vụ giám định, xác định thời hạn giám định...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập huấn về giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.