(HNMCT) - Nhiều năm qua, phần lớn sách cho thiếu nhi là “hàng nhập khẩu”. Dẫu hay đến đâu thì tác phẩm văn học nước ngoài vẫn có khoảng cách nhất định đối với thiếu nhi Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn (do Báo Thể thao và Văn hóa tổ chức) vừa được phát động góp phần giải tỏa cơn khát tác phẩm văn học Việt dành cho thiếu nhi.
Văn học Việt Nam viết cho thiếu nhi đã có những đỉnh cao như Dế mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), Những ngày thơ ấu (Nguyên Hồng), Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi), Tuổi thơ dữ dội (Phùng Quán), Quê nội (Võ Quảng)... Tuy nhiên, đó đều là những tác phẩm được viết từ thời kỳ kháng chiến mà nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam đã rất quen thuộc.
Tuy nhiên, có một thực tế, một nghịch lý là hiện nay rất hiếm tác phẩm viết cho trẻ em. Dù đã xuất hiện một lớp nhà văn có dấu ấn sáng tác khi viết cho trẻ em như Lý Lan, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyên Hương, Nguyễn Đình Tú, Phan Hồn Nhiên..., nhưng đa số chỉ “dạo chơi”, thử sức trên “cánh đồng” văn học thiếu nhi mà thôi. Tác giả gắn bó lâu nhất và “nổi” nhất với trẻ em, đặc biệt ở tuổi mới lớn, chính là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Mảnh đất văn học thiếu nhi vẫn còn nhiều khoảng trống chờ các nhà văn khai phá. Song, như nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần đã tâm sự, “không thể viết cho thiếu nhi bằng tâm hồn của một ông già”.
Nguyễn Ngọc Thuần từng là một hiện tượng khi Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của anh ngay khi ra đời đã được độc giả đón đọc nồng nhiệt, sách được tái bản rất nhiều lần, được chuyển ngữ và phát hành ra nước ngoài. Cuốn sách này cũng nhận được giải thưởng Peter Pan của Ủy ban Quốc tế về sách dành cho thanh, thiếu nhi vào năm 2008. Tuy rằng sau đó Nguyễn Ngọc Thuần không còn viết cho thiếu nhi, nhưng lật giở “lịch sử” tác phẩm của anh, dễ dàng nhận ra Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ “trưởng thành” từ Cuộc thi văn học thiếu nhi Vì tương lai đất nước do Nhà xuất bản Trẻ và Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Trước đó, hai tác phẩm khác viết cho thiếu nhi của anh là Một thiên nằm mộng và Giăng giăng tơ nhện cũng “ra đời” trong khuôn khổ các cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của Nhà xuất bản Kim Đồng và Nhà xuất bản Trẻ.
Có thể nói, các cuộc thi, các cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi nhiều năm qua đã tạo động lực để nhiều tác giả cầm bút viết về trẻ thơ. Nhà văn Sơn Tùng tuy đã ấp ủ, tìm kiếm tài liệu về Bác Hồ từ rất lâu, nhưng đến năm 1981, tác phẩm Búp sen xanh mới hoàn thành và đã được nhận tặng thưởng đặc biệt của Cuộc vận động sáng tác Chào mừng 40 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh do Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam phát động.
Cũng trong cuộc vận động này, hai tác phẩm khác là Cát cháy của Thanh Quế và Những tấm lòng yêu thương của Hoàng Bình Trọng được nhận giải Nhì (không có giải Nhất), đều được bạn đọc yêu thích. Tương tự, hai tác phẩm nổi tiếng Dòng sông thơ ấu của Nguyễn Quang Sáng và Tuổi thơ im lặng của Duy Khán cũng được biết đến từ sau Cuộc thi viết cho nhi đồng năm 1987. Hay Giải thưởng Văn học tuổi 20 của Nhà xuất bản Trẻ tuy có rất ít tác phẩm viết cho trẻ em nhưng lại là nơi phát hiện nhiều cây viết trẻ, mà sau này không ít người trong số họ đã chạm ngõ văn chương thiếu nhi, như Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Tư, Dương Thụy, Phong Điệp...
Những cuộc thi viết, cuộc vận động sáng tác là “bà đỡ” mát tay cho tác phẩm viết cho thiếu nhi. Từ cái nôi ấy, nhiều tác giả được “biết mặt, biết tên” như Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Thị Bích Nga, Nguyễn Thị Kim Hòa, Vũ Thị Thùy Dung, Nguyễn Ngọc Hoài Nam... Song, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, có nhiều cây viết chỉ nổi lên một lần ở cuộc thi rồi sau đó hoàn toàn vắng bóng trên văn đàn. Không biết đó có phải là một trong nhiều nguyên nhân khiến những năm gần đây các cuộc thi viết, vận động sáng tác cho thiếu nhi ít được tổ chức. Các hạng mục giải thưởng không còn “chỗ đứng” cho tác phẩm xuất sắc viết cho thiếu nhi; các báo, tạp chí cũng thu hẹp dần “đất” dành cho văn học thiếu nhi...
Trong bối cảnh đó, một giải thưởng thiếu nhi thường niên mang tên Dế Mèn được tổ chức đã làm nức lòng những người quan tâm đến mảng sáng tác cho thiếu nhi. Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho rằng: “Lâu nay chúng ta quá tập trung vào các giải thưởng khác mà quên đi giải thưởng cho thế hệ tương lai”. Và, theo nhà thơ, giải thưởng Dế Mèn chính là một cơn mưa trên cánh đồng hạn.
Giải thưởng Dế Mèn không chỉ dành cho sáng tác văn học mà còn hướng tới sáng tác trong lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, nhiếp ảnh... Bởi thế, sự ra đời của giải thưởng Dế Mèn mang lại sự kỳ vọng về một sân chơi sáng tác có ý nghĩa, góp phần thúc đẩy phong trào sáng tác cho thiếu nhi và vì thiếu nhi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.