(HNMO) - Giải thưởng Tạ Quang Bửu là một sự kiện lớn trong cộng đồng khoa học ở Việt Nam. Các công trình được trao tặng giải thưởng thực sự tiêu biểu cho những thành tựu trong nghiên cứu cơ bản ở Việt Nam, trở thành nguồn khích lệ và động viên lớn đối với các nhà khoa học Việt Nam.
Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 vừa được trao cho 3 nhà khoa học xuất sắc. Các công trình này đều là kết quả nghiên cứu khoa học nổi bật trong các chuyên ngành, được thực hiện tại Việt Nam, công bố trên các tạp chí quốc tế xuất sắc, tiếp cận các hướng nghiên cứu mới trên thế giới.
Công trình các tính chất tổng quát của quy hoạch nửa đại số
“Generic properties for semialgebraic programs” (các tính chất tổng quát của quy hoạch nửa đại số) là công trình của PGS.TS Phạm Tiến Sơn (Khoa Toán - Tin học, Trường Đại học Đà Lạt), được xuất bản trên “SIAM Journal on Optimization”.
Công trình này nhằm nghiên cứu một vấn đề cơ bản của toán học và ứng dụng của nó. Đó là bài toán tối ưu nửa đại số: Tìm giá trị nhỏ nhất của một hàm đa thức trên một tập nửa đại số (là tập được xác định bởi các phương trình và bất phương trình đa thức). Câu hỏi chính đặt ra là xây dựng một thuật toán hiệu quả xác định giá trị (và/hoặc nghiệm) tối ưu của bài toán. Dựa trên các công cụ của hình học nửa đại số, công trình chỉ ra tính tổng quát của các bài toán tối ưu nửa đại số.
PGS.TS Phạm Tiến Sơn chia sẻ: “Tôi bắt đầu thích toán từ những năm học phổ thông trung học và bởi vậy đã theo học ngành Toán tại Trường Đại học Đà Lạt. Nhìn lại lúc tôi bắt đầu bước vào con đường khoa học, thời gian dành cho nghiên cứu ít, kinh phí được tài trợ để tiến hành các nghiên cứu không nhiều và không phải khi nào cũng có. Nhưng chính niềm đam mê khoa học, mong muốn học hỏi và khám phá cái mới đã giúp tôi vượt qua trở ngại. Kết quả nghiên cứu có chất lượng tốt chỉ có thể đạt được khi ta dành trọn thời gian cho khoa học”.
Công trình chuyển phôi tươi so với chuyển đông lạnh cho bệnh nhân thụ tinh nhân tạo
Công trình “IVF transfer of Fresh or Frozen embryos in women without Polycystic Ovaries” (chuyển phôi tươi so với chuyển đông lạnh cho bệnh nhân thụ tinh nhân tạo) củaPGS.TS Vương Thị Ngọc Lan (Trưởng Bộ môn Phụ sản - Trường Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh) được xuất bản trên tạp chí “The New England Journal of Medicine”.
Trong kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), hiệu quả của chuyển phôi tươi so với chuyển phôi đông lạnh là vấn đề nổi cộm và được tranh luận nhiều trong các hội thảo về hỗ trợ sinh sản trên thế giới. Cho đến năm 2017, vẫn chưa có câu trả lời liệu rằng chuyển phôi trữ có hiệu quả hơn chuyển phôi tươi cho các bệnh nhân không có hội chứng buồng trứng đa nang hay không? Vì vậy, nhóm nghiên cứu của PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan đã thực hiện nghiên cứu so sánh hiệu quả của chuyển phôi đông lạnh với chuyển phôi tươi ở bệnh nhân không có hội chứng buồng trứng đa nang.
Nghiên cứu của nhóm tập trung vào 4 điểm chính: Chứng minh chuyển phôi đông lạnh hiệu quả và an toàn như chuyển phôi tươi; trữ phôi và giảm số phôi chuyển vào buồng tử cung, giúp giảm tỉ lệ đa thai, từ đó, hạn chế các biến chứng thai kỳ cho mẹ và con, cải thiện sức khỏe của trẻ sinh ra từ thụ tinh trong ống nghiệm; các phụ nữ điều trị thụ tinh trong ống nghiệm có nguy cơ quá kích buồng trứng, có thể thực hiện đông lạnh phôi toàn bộ, sau đó thực hiện chuyển phôi rã đông, giúp giảm biến chứng quá kích buồng trứng; cả 2 phương pháp chuyển phôi đều hiệu quả như nhau, do đó, các bác sĩ không nên chuyển sang thực hiện chuyển phôi đông lạnh cho tất cả bệnh nhân...
Kết quả của nghiên cứu đã góp phần làm thay đổi thực hành trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản trên thế giới và ở Việt Nam, giúp tăng hiệu quả điều trị, giảm biến chứng, giảm chi phí và rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân.
“Đối với tôi, được nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu, bên cạnh vinh dự, tôi hiểu rằng đây còn là một trách nhiệm và kỳ vọng mà lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, giới khoa học và cộng đồng đã giao cho tôi. Trách nhiệm đó là làm sao phát huy hơn nữa, làm tốt hơn nữa những công trình nghiên cứu có chất lượng, có tính ứng dụng, phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân”, PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan cho biết.
Công trình quãng đường tự do trung bình không đàn hồi của điện tử năng lượng thấp trong vật liệu
TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu (Trường Đại học Tôn Đức Thắng) được vinh danh với công trình “Low-energy electron inelastic mean free path in materials” (quãng đường tự do trung bình không đàn hồi của điện tử năng lượng thấp trong vật liệu), xuất bản trên “Applied Physics Letters”.
Quãng đường tự do trung bình không đàn hồi của điện tử là một đại lượng quan trọng đối với những phương pháp phân tích bề mặt vật liệu cũng như những mô hình vận chuyển điện tử qua vật chất. Đại lượng này có thể được xác định bằng các kỹ thuật thực nghiệm hoặc các mô hình lý thuyết dựa trên dữ liệu quang học. Tuy nhiên, kết quả thu được đối với điện tử năng lượng thấp (dưới 100 eV) có độ bất định lớn và không đáng tin cậy.
Trong nghiên cứu của mình, TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu đề xuất một phương pháp tổng quát nhằm xác định chính xác quãng đường tự do trung bình không đàn hồi của điện tử năng lượng thấp trong vật liệu. Tính tổng quát của phương pháp đã được chứng minh cho 10 loại chất rắn khác nhau.
Bài báo hiện có 12 trích dẫn, trong đó có những trích dẫn từ những nghiên cứu độc lập trên các tạp chí uy tín như Nature Communications, Physical Review B, Carbon, The Journal of Physical Chemistry C, Physical Review E, Nanotechnology và Ultramicroscopy.
“Tôi rất vinh dự khi được nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 dành cho nhà khoa học trẻ. Là một nhà nghiên cứu, tôi vui mừng trước những đổi mới tích cực ở Việt Nam thời gian qua. Tôi tin rằng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của chúng ta nhất định sẽ phát triển và có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của khoa học công nghệ nói riêng, sự phát triển của đất nước nói chung. Tôi tin tưởng vào một mùa xuân đổi mới”, TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.