(HNM) - Theo số liệu từ 43/63 tỉnh, thành, sau một năm thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (TNBTNN) có tới 308 đơn yêu cầu bồi thường, nhưng chỉ 220 vụ việc được thụ lý giải quyết. Nguyên nhân của sự chậm trễ này là do thiếu cả bộ máy và nhân lực thực hiện cùng văn bản hướng dẫn.
Đại diện VKSND Sơn La đọc lời xin lỗi công khai trước nhân dân, chính quyền địa phương. |
Sẽ gia tăng số vụ yêu cầu bồi thường
Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cảnh báo: Thời gian tới, số vụ yêu cầu bồi thường nhà nước sẽ càng gia tăng khi Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực (1-7-2011) do phạm vi giải quyết vụ án hành chính của tòa án được mở rộng. Đặc biệt là quy định hồi tố cho phép khởi kiện vụ án hành chính đối với hành vi, quyết định quản lý hành chính về đất đai từ năm 2006. Để cụ thể hóa thêm một bước những quy định của Luật TNBTNN, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của luật này. Thực hiện nhiệm vụ giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án, Bộ Tư pháp cùng với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu soạn thảo nhiều Thông tư liên tịch hướng dẫn giải quyết bồi thường trong các lĩnh vực khác nhau. Đến nay, Bộ Tư pháp cùng Bộ Tài chính và Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư liên tịch số 19/TTLT/BTP-BTC-TTCP hướng dẫn thực hiện TNBTNN trong hoạt động quản lý hành chính. Tuy nhiên, vì chưa có hướng dẫn nào về tổ chức, bộ máy, biên chế nên ảnh hưởng rất lớn đến việc thực thi Luật TNBTNN. Các địa phương cũng lúng túng trong bố trí cán bộ và xác định đơn vị trực tiếp thực hiện công tác quản lý nhà nước về bồi thường, dẫn đến tổ chức triển khai thiếu sự thống nhất.
Hiện không ít tỉnh, TP giao công tác này cho Phòng Xây dựng, kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật, hoặc Phòng Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp) thực hiện. Đặc biệt hơn, ở cấp quận, huyện như huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh thì giao nhiệm vụ này cho Phòng Tài chính - Kế hoạch. Quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh lại làm theo hướng khác, đó là giao cho Phòng Tư pháp phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch và Phòng Nội vụ. Quận 9 lại giao cho TA phối hợp với Viện KSND. Đáng lưu tâm hơn, cấp huyện ở tỉnh Bắc Kạn vẫn chưa giao cho cơ quan, đơn vị nào trực thuộc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường.
Giao nhiệm vụ nhưng chưa bổ sung kinh phí và nhân lực
Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang, Đoàn Thị Tân Hương cho biết, thiếu văn bản hướng dẫn chính là rào cản khiến việc thực thi luật trong cuộc sống không kịp thời, thiếu hiệu quả. Theo bà Hương, ngoài lúng lúng về cơ cấu tổ chức, việc triển khai thực hiện còn vô vàn khó khăn. Hướng dẫn của TƯ về kinh phí để bồi thường vụ việc tuy đã có nhưng còn chung chung, trong khi đó ngân sách dành cho hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường lại chưa được hướng dẫn. Giao nhiệm vụ mới mà chưa bổ sung kinh phí là rất khó cho địa phương.
Còn Phó Giám đốc Sở Tư pháp Yên Bái, Đinh Xuân Cường chia sẻ "Hiện nay cán bộ tư pháp được trao thêm rất nhiều công việc mới, nhưng biên chế thì đã bị đóng cứng trong nhiều năm. Nay giao quyền nhưng UBND tỉnh (là cơ quan Chính phủ giao quản lý biên chế) không cho người thì chúng tôi cũng không biết xoay xở như thế nào. Không thể tùy tiện rút người từ phòng này sang phòng kia được vì mỗi phòng mỗi việc, nghiệp vụ khác nhau".
Với điều kiện khó khăn chung hiện nay, hầu hết nhân sự được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường chủ yếu làm công tác kiêm nhiệm nên thiếu kinh nghiệm, thời gian giải quyết vụ việc. Cũng do đó, đầu mối hướng dẫn, hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường tại một số địa phương cũng đang ở tình trạng "giật gấu vá vai".
Trong khi đó, theo Bộ Tư pháp số lượng đơn từ yêu cầu giải quyết đòi bồi thường thiệt hại của người dân đối với các cơ quan quản lý nhà nước, tòa án, thi hành án không phải là nhỏ và ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực như thuế, hải quan, đất đai, xây dựng, cấp phép... Thực tế này cho thấy, việc thành lập một đơn vị chuyên trách để ràng buộc trách nhiệm cho những người đảm nhận trọng trách giải quyết vấn đề này là một nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa bảo đảm tính khả thi của luật và kỷ cương của hoạt động giải quyết bồi thường thuộc trách nhiệm của Nhà nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.