Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện

Thu Trang| 18/09/2015 05:55

(HNM) - Tình trạng bệnh nhân nằm ghép vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều bệnh viện.

Cần thêm khoảng 9.000 giường bệnh

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ năm 2008 đến nay, cả nước đã có 610/760 BV từ tuyến trung ương đến tuyến tỉnh, tuyến huyện được đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Cùng với đó, nhiều BV đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Đến nay đã có 9 BV như: Hữu nghị Việt-Đức, Phụ sản trung ương, Nội tiết, Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh... vay vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam với số tiền khoảng 1.450 tỷ đồng để nâng cấp hạ tầng, trang thiết bị. Cùng với đó, đã có 31 Sở Y tế và 16 BV trực thuộc Bộ Y tế triển khai đề án liên doanh, liên kết lắp đặt trang thiết bị y tế tại BV công với số vốn hơn 2.796 tỷ đồng. Ngoài ra, một số tỉnh đã triển khai và hoàn thành việc đầu tư theo hình thức đối tác công - tư như BV Đa khoa tỉnh Đồng Nai, BV Đa khoa tỉnh Tiền Giang.

Tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên sẽ được giải quyết nếu công tác xã hội hóa y tế được thực hiện hiệu quả hơn nữa. Ảnh: Như Ý


Công tác XHH, hợp tác để xây dựng cơ sở hạ tầng trong BV công bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Ông Trần Ngọc Lương, Giám đốc BV Nội tiết trung ương cho rằng, trước đây cơ sở vật chất, trang thiết bị tại BV rất nghèo nàn. Nhờ dự án đầu tư cơ sở 2 với nguồn vốn gồm khoảng 25% do Nhà nước cấp, 63% vay ngân hàng và 12% huy động từ các nguồn vốn khác, BV khang trang hơn, có nhiều thiết bị hiện đại, nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và điều trị chất lượng cao. Hằng ngày, tại đây tiếp nhận khoảng 750-800 bệnh nhân đến khám ngoại trú, lượng bệnh nhân điều trị nội trú dao động trong khoảng từ 550 đến 600 bệnh nhân, cảnh quá tải, nằm ghép giảm hẳn.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trong quý I/2016, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ có thêm 5 BV tuyến trung ương được đưa vào sử dụng. Dù vậy, cơ sở hạ tầng của ngành Y tế hiện nay vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu KCB của người dân. Cụ thể, tỷ lệ giường bệnh còn quá thấp, mới đạt 24/10.000 dân, trong khi đó, theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, tỷ lệ cần đạt được là 39 giường/10.000 dân. Hầu hết các BV đều có công suất sử dụng giường bệnh cao, do chưa được đầu tư mở rộng từ năm 1975 đến nay, trong khi dân số và nhu cầu KCB của người dân ngày càng tăng. Do đó, tình trạng bệnh nhân nằm ghép là tất yếu và là hiện tượng phổ biến ở nhiều BV. "Nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế, trong khi đó, trong vòng 5 năm tới, nhu cầu của ngành là có thêm 8.000-9.000 giường bệnh (tương đương với 8-9 BV quy mô 1.000 giường bệnh). Ngành Y tế kêu gọi các nhà đầu tư, khuyến khích mô hình XHH để tạo thêm nguồn đầu tư cho phát triển y tế, có thể triển khai các mô hình liên doanh BV công và tư nhân; vay vốn mua sắm trang thiết bị...", Bộ trưởng Y tế cho biết thêm.

Kiểm soát việc sử dụng thiết bị từ nguồn xã hội hóa

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho rằng, trong khi nhiều BV chưa được đầu tư, thiếu cơ sở chăm sóc KCB chuyên khoa và KCB cho người cao tuổi thì một số đơn vị lại sử dụng chưa hợp lý các trang thiết bị y tế được đầu tư từ nguồn XHH, dẫn đến tình trạng cung ứng dịch vụ quá mức cần thiết. Còn có đơn vị chưa thực hiện đúng quy trình XHH theo các văn bản hướng dẫn, chưa quan tâm đầy đủ đến công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện quy chế dân chủ...

Về vấn đề trên, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Minh Thảo đánh giá, XHH là chủ trương đúng, góp phần giải quyết nguồn vốn, phát triển dịch vụ y tế nhằm đáp ứng nhu cầu KCB của người dân. Tuy nhiên, Bộ Y tế cần kiểm soát chất lượng và giá cả của các trang thiết bị nhằm tạo tiền đề để các BV tin tưởng, chấp nhận kết quả chụp chiếu, xét nghiệm của nhau, giúp người bệnh tiết kiệm thời gian, tiền bạc.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Thảo, trong số hơn 2.000 máy được mua từ nguồn XHH trên cả nước, có 38% được triển khai mua mà không có đề án được phê duyệt, các BV tự lắp đặt rồi gửi thông báo để BHXH thanh toán. Tuần trước, lãnh đạo BHXH Việt Nam đã kiểm tra tại một BV ở Quảng Ninh do bội chi Quỹ BHYT quá lớn, xác định chi phí cho xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh tại BV này chiếm đến gần 40% chi phí cho KCB trong khi tỷ lệ này của cả nước là trên 20%. Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, việc kết hợp công-tư cần được giám sát chặt chẽ nhằm tăng khả năng khai thác hiệu quả nguồn lực, tránh tình trạng kết hợp công-tư để phục vụ cho một bộ phận vì lợi ích nhóm, thiếu minh bạch, biến tài sản của Nhà nước thành của tư nhân.

Để tiếp tục XHH và kết hợp công-tư trong KCB hiệu quả, Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) đề xuất sớm thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, lý do là bởi hiện nay giá dịch vụ mới chỉ tính 3/7 yếu tố chi phí. Chỉ khi giá viện phí được tính đủ chi phí thì mới thúc đẩy và khuyến khích cơ sở y tế vay vốn để đầu tư, tạo sự bình đẳng giữa trong và ngoài công lập. Mặt khác, các hoạt động KCB theo yêu cầu phải sử dụng nguồn vốn vay, vốn huy động, tổ chức thực hiện theo Nghị quyết 93 của Chính phủ và độc lập với khu vực KCB thông thường.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.