Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải quyết mâu thuẫn về lợi ích tại chợ gốm Bát Tràng: Hiệu quả từ đối thoại

Thanh Hiền| 21/02/2017 07:19

(HNM) - Quan tâm tới lợi ích của bà con tiểu thương, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và cả những vấn đề bức xúc để kịp thời có biện pháp tháo gỡ thấu tình, đạt lý…Đó là những giải pháp hiệu quả mà chính quyền huyện Gia Lâm đã thực hiện trong việc tháo gỡ mâu thuẫn về lợi ích tại chợ gốm Bát Tràng.


Khách du lịch mua sắm tại chợ gốm Bát Tràng ngày 15-2. Ảnh: Hoài Nam


Xuất phát từ lợi ích

Trở lại vụ việc xảy ra sáng 6-2 tại chợ gốm làng cổ Bát Tràng, Công ty CP Sứ Bát Tràng đã khóa cổng chợ không cho tiểu thương vào kinh doanh khiến tiểu thương bức xúc, tập trung phản đối. Đây không phải là lần đầu phát sinh mâu thuẫn về quyền lợi giữa công ty với tiểu thương, mà nguyên nhân chính xuất phát từ quá trình ký kết hợp đồng thuê gian hàng. Trước đó, ngày 21-1-2017, Công ty CP Sứ Bát Tràng ra thông báo tạm dừng hoạt động kinh doanh của các ki ốt, cửa hàng giới thiệu sản phẩm gốm sứ tại khu hành chính văn phòng của công ty để sửa chữa, nâng cấp, dự kiến trong thời gian 3-6 tháng.

Công ty CP Sứ Bát Tràng cũng ra thông báo tăng tiền thuê mặt bằng kinh doanh tại chợ gốm Bát Tràng, từ mức 50.000 - 60.000 đồng/m2/tháng lên mức 80.000 - 150.000 đồng/m2/tháng (tùy vị trí). Tuy nhiên, công ty chỉ ký hợp đồng thuê ki ốt với từng chủ quầy chứ không ký qua trung gian là Hợp tác xã (HTX) Sản xuất - Thương mại và dịch vụ chợ gốm làng cổ Bát Tràng. Phía các tiểu thương không đồng ý với mức giá thuê mới và 87/122 hộ kinh doanh muốn ký hợp đồng qua HTX. Khi hai bên còn chưa thống nhất thì công ty đơn phương đóng cửa chợ, khiến các tiểu thương bức xúc, tập trung phản đối trong hai ngày 6 và 7-2.

Giải quyết thấu tình, đạt lý

Tại cuộc họp sáng 7-2, ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm đã yêu cầu công ty phải mở cửa cho bà con tiếp tục hoạt động kinh doanh. UBND huyện giao cho Công ty CP Sứ Bát Tràng họp với tiểu thương để thống nhất, ký kết hợp đồng; mức giá thuê thỏa thuận nhưng không được vượt khung quy định của thành phố; đồng thời giao trách nhiệm giám sát cho Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm, bảo đảm quyền lợi của DN và lắng nghe ý kiến của bà con tiểu thương. Công ty tổ chức đối thoại với HTX và đại diện các hộ kinh doanh tại chợ, có sự chứng kiến của UBND xã Bát Tràng, để thống nhất ký kết hợp đồng thuê ki ốt.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần cũng cho biết, diện tích đất chợ trước đây UBND TP Hà Nội cho Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) thuê. Tháng 6-2016, Hapro đã thoái 100% vốn nhà nước cho Công ty CP Sứ Bát Tràng. Cuối năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã thanh tra việc quản lý sử dụng đất của Hapro tại khu vực xã Bát Tràng. Sau khi có kết luận thanh tra, UBND TP Hà Nội sẽ xem xét quyết định cụ thể việc sử dụng khu đất tại chợ gốm sứ Bát Tràng. Ngay sau cuộc họp với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương đã yêu cầu Công ty CP Sứ Bát Tràng đóng điện, cấp nước để tiểu thương kinh doanh thuận lợi. Công ty phải trả nguyên trạng mặt bằng, xử lý san lấp hố đã đào giữa sân chợ để bảo đảm mỹ quan.

Về phía Công ty CP Sứ Bát Tràng, ông Nguyễn Quang Lâm, Chủ tịch HĐQT cam kết, sẽ thực hiện đúng chỉ đạo của UBND huyện Gia Lâm, đồng thời khẩn trương xây dựng đơn giá cho thuê ki ốt, làm cơ sở cho việc thương thảo tiếp tục ký kết hợp đồng thuê ki ốt tại chợ gốm Bát Tràng.

Thực tế cho thấy, việc xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư, khai thác và quản lý chợ là chủ trương được thể hiện rõ trong Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14-1-2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ. Tuy nhiên, các vướng mắc, khó khăn của DN, HTX tập trung chủ yếu quanh vấn đề thu phí quản lý chợ, làm nảy sinh mâu thuẫn giữa các tiểu thương và DN. Nguyên nhân chủ yếu do một số DN chỉ quan tâm đến kinh tế và lợi nhuận trước mắt mà chưa có phương án quản lý, khai thác chợ mang tính bền vững, lâu dài. Khi có phát sinh, lẽ ra DN phải có biện pháp tích cực hơn trong việc vận động, thuyết phục chia sẻ lợi ích với các tiểu thương trong chợ.

Để hài hòa lợi ích của hai bên, DN quản lý cũng như HTX đại diện quyền lợi cho tiểu thương cần nhận thức việc đầu tư khai thác chợ mang tính lợi ích lâu dài, chợ hoạt động kinh doanh càng ổn định thì hiệu quả đầu tư và lợi nhuận của DN càng cao. Về phía chính quyền, cần giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến quyền lợi giữa tiểu thương và DN được giao quản lý sử dụng để tránh những mâu thuẫn tiếp tục phát sinh sau này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết mâu thuẫn về lợi ích tại chợ gốm Bát Tràng: Hiệu quả từ đối thoại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.