(HNM) - Chiều 7-10, thảo luận về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) năm 2014, vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt quan tâm là bao giờ mới có cơ chế giải quyết KNTC hiệu quả. Tuy nhiên, các giải pháp do Thanh tra Chính phủ đề xuất vẫn không có sự khác biệt so với những năm trước và chưa thực sự đột phá.
Gia tăng khiếu nại, tố cáo đông người
Tại phiên họp, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhận định, gần đây đã có những chuyển biến về công tác giải quyết KNTC. Năm 2014 có 39/63 tỉnh, thành phố giảm đơn, thư KNTC. Việc xử lý các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài đạt được kết quả tích cực với 494/528 vụ việc đã nghiên cứu xong, đạt 93,56%. Hiện các bộ, ngành, địa phương đang kiểm tra, rà soát 537 vụ việc mới, trong đó 215 vụ việc đủ điều kiện chấm dứt thụ lý; 288 vụ việc đang giải quyết... Tuy nhiên, do không ít trường hợp việc tiếp dân không song hành với xử lý đơn thư nên tình trạng khiếu nại đông người lại tăng, nhất là tại trụ sở tiếp công dân của TƯ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (tăng 17,85% số lượt người, 15,08% số đoàn đông người và 26,79% số vụ việc).
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Tòa án nhân dân Tối cao cũng cho biết, tình hình khiếu nại về tư pháp vẫn còn phức tạp; đơn KNTC thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án gia tăng hơn so với cùng kỳ năm 2013, đặc biệt là đơn đề nghị xem xét lại bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm (tăng 652 đơn/vụ). Cùng với số đơn cũ còn lại của kỳ trước chuyển sang (4.318 đơn/vụ), số đơn đề nghị xem xét lại bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm (đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm) mà Tòa án nhân dân Tối cao và tòa án nhân dân cấp tỉnh phải giải quyết trong năm 2014 là rất lớn (10.659 đơn/vụ). Trong số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, có số lượng không nhỏ khiếu kiện về dân sự rất gay gắt (chủ yếu là các vụ án tranh chấp về đất đai, nhà ở, thừa kế tài sản). Không ít trường hợp mặc dù đã có kết quả giải quyết, nhưng đương sự vẫn tiếp tục khiếu nại. Điều đó cho thấy, KNTC đang diễn biến phức tạp.
Câu hỏi cũ, thiếu giải pháp mới
Trước tình trạng nêu trên, không ít đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, liệu báo cáo của Thanh tra Chính phủ về tình hình giải quyết KNTC có mâu thuẫn và chưa sát thực tế? Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phân tích, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, khiếu nại lên TƯ tăng, khiếu nại tại địa phương giảm. Nhưng, kết quả giải quyết KNTC cho thấy, có 5.476 khiếu nại đúng (chiếm 19,3% số đơn thư), 1.670 tố cáo vừa đúng vừa sai, chiếm 24% số đơn thư, chứng tỏ công tác xử lý đơn thư ở cấp cơ sở có vấn đề. KNTC ở địa phương có thực sự giảm hay trình độ xử lý, phân loại đơn thư của cán bộ thực thi công vụ thấp, không giải quyết được KNTC mà kính chuyển lòng vòng nên người dân phải lên tận TƯ đề nghị xem xét là vấn đề đặt ra, cần rà soát, đánh giá thấu đáo. Với trường hợp tố cáo đúng nhưng địa phương không giải quyết, cần xem xét trách nhiệm cán bộ trực tiếp tiếp dân; đánh giá cụ thể, sâu sắc hơn trách nhiệm người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, thời gian qua, việc chỉ đạo, điều hành công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quan tâm, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cơ quan hành chính nhà nước. Song, có điều đáng lưu ý là nhiều cơ quan, cá nhân có thẩm quyền khi giải quyết KNTC còn có sai sót về nội dung, không đúng thẩm quyền, thủ tục. Những tồn tại, yếu kém trên là do chính sách, pháp luật còn bất cập hay do vai trò của các cấp, ngành và của người đứng đầu còn hạn chế Thanh tra Chính phủ chưa làm rõ, các giải pháp khắc phục còn chung chung. Ông Phan Trung Lý cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết triệt để KNTC từ "đầu nguồn" và yêu cầu thống kê toàn diện, đánh giá cụ thể chất lượng giải quyết KNTC để từ đây đánh giá năng lực xử lý của từng địa phương; với các vụ việc chuyển cơ quan điều tra, kết quả xử lý đến đâu cũng phải được cập nhật.
Cho rằng giải pháp ông Phan Trung Lý và các đại biểu đề cập là hợp lý, song để giảm đơn thư KNTC, theo Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Đỗ Văn Đương là phải giám sát thường xuyên, liên tục khâu xử lý KNTC ở từng cấp, từng ngành. Ông Đỗ Văn Đương đề xuất, trong năm 2015 Quốc hội cần rà soát, có nghị quyết về giải quyết KNTC, giao trách nhiệm cho từng ngành xử lý dứt điểm các vụ việc KNTC đúng, nổi cộm.
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đồng tình với đề xuất của ông Đỗ Văn Đương, đồng thời yêu cầu Ủy ban Tư pháp của Quốc hội là nòng cốt, phối hợp với các cơ quan liên quan có hướng xử lý cụ thể, đặc biệt là với những trường hợp điển hình, được dư luận quan tâm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.