(HNM) - Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, hiện mới có 207 dự án, quy mô hơn 85.810 căn hộ, với tổng diện tích gần 4,3 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội hoàn thành, bằng 34,3% so với mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Chiếm tới 60-70% nhu cầu của thị trường, rõ ràng đầu tư phát triển nhà ở xã hội, tạo lập nơi ở cho người lao động thu nhập thấp đang là yêu cầu bức thiết của cuộc sống.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đến nhiều mặt kinh tế - xã hội, đầu tư phát triển nhà ở xã hội còn có thể được coi là một trong những giải pháp thúc đẩy sản xuất của nhiều lĩnh vực, góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế. Bởi thực tế, xây dựng nhà ở là đầu ra cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng, máy móc, dịch vụ…, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động.
Tuy nhiên, một vấn đề lớn đối với phát triển nhà ở xã hội cần phải giải quyết là khơi thông nguồn vốn ưu đãi. Do nhà ở xã hội bị khống chế về giá thành, lợi nhuận, trong khi việc thu hồi vốn đầu tư chậm hơn so với nhà ở thương mại nên ít doanh nghiệp muốn tham gia nếu không có nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ. Tương tự về phía người mua, đa số là lao động có thu nhập thấp nên cũng rất cần nguồn tín dụng lãi suất thấp để hỗ trợ mua nhà. Điều này đã được chứng minh khi Nhà nước đưa ra gói tín dụng 30.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi, hàng loạt dự án nhà ở xã hội được triển khai, thậm chí có nhiều dự án quy mô lớn, hình thành khu đô thị nhà ở xã hội đồng bộ hạ tầng.
Vì vậy, việc sớm triển khai gói tín dụng 3.000 tỷ đồng (1.000 tỷ đồng cân đối thêm cho Ngân hàng Chính sách xã hội và 2.000 tỷ đồng cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại) để hỗ trợ cho vay phát triển nhà ở theo chỉ đạo của Chính phủ có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm tới mục tiêu kép vừa tạo lập quỹ nhà giá rẻ, vừa kích thích tăng trưởng kinh tế. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với nhiệm vụ được giao, sẽ sớm thu xếp nguồn 3.000 tỷ đồng này, song về phía các ngân hàng tham gia cũng cần chủ động chuẩn bị nguồn vốn huy động thêm, xây dựng phương án cho vay vừa để đầu tư tạo quỹ nhà (nguồn cung) vừa để đáp ứng nhu cầu mua nhà (nguồn cầu).
Với các doanh nghiệp xây dựng, đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ, cũng cần chủ động phương án đầu tư, có thể áp dụng các phương thức thi công hiện đại, liên kết cung ứng nguyên vật liệu để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tiếp tục hạ giá thành sản phẩm. Đi đôi với đó, dự án dù có chi phí tiết kiệm, giá thành thấp hơn dự án nhà ở thương mại nhưng không thể thiếu sự đồng bộ hạ tầng, bảo đảm tiện ích cơ bản cho người sử dụng. Đây cũng là điều kiện quan trọng để dự án có thể tiêu thụ nhanh, giúp chủ đầu tư thu hồi vốn sớm.
Để tạo lập quỹ nhà ở xã hội không thể không có quỹ đất. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong số hơn 2.200 dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị, với tổng diện tích hơn 43.700ha, chỉ có 1.040 dự án dành 20% quỹ đất theo quy định cho đầu tư nhà ở xã hội. Diện tích này mới đạt 36% so với nhu cầu nhà ở xã hội đến năm 2020. Rõ ràng đây cũng là vấn đề cần giải quyết, mà giữ vai trò quan trọng là chính quyền các địa phương. Nếu dành đủ quỹ đất 20% này, không chỉ có thêm quỹ nhà xã hội mà các dự án nhà ở xã hội còn có điều kiện thụ hưởng hạ tầng, tiện ích đồng bộ của một khu đô thị, giúp nâng điều kiện sống của người dân.
Hơn thế, việc khơi thông nguồn vốn, tìm cách triển khai sớm các dự án nhà ở xã hội có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ lúc này giải quyết hai mục tiêu quan trọng là tạo lập nhà ở cho người lao động và thúc đẩy nhiều lĩnh vực sản xuất phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.