Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải quyết dứt điểm vướng mắc ngay từ cơ sở

Nhóm phóng viên| 14/01/2023 06:29

(HNM) - UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 52/UBND-TNMT (ngày 6-1-2023) về thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-HĐND (ngày 8-12-2022) của HĐND thành phố về việc thông qua danh mục các dự án thu hồi đất; dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa năm 2023 trên địa bàn thành phố Hà Nội thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND thành phố. Theo đó, các cơ quan chức năng, các quận, huyện, thị xã của thành phố đang quyết liệt vào cuộc triển khai, đặc biệt là giải quyết dứt điểm các vướng mắc về thu hồi đất ngay từ cơ sở.

Người dân xã Thanh Lâm (huyện Mê Linh) nhận tiền đền bù, giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Hoàng Sơn

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái:
Kịp thời đối thoại, tạo sự đồng thuận của người dân

Thực hiện Công văn số 52/UBND-TNMT của UBND thành phố Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công khai, minh bạch, tuân thủ đúng quy trình, quy định pháp luật trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tạo sự đồng thuận của người dân. Thu hồi đất là một trong lĩnh vực có nhiều khiếu nại do một số chủ trương, chính sách pháp luật về đất đai còn bất cập, do vậy Sở sẽ phối hợp với các cơ quan để kịp thời đối thoại, giải quyết dứt điểm vướng mắc ngay từ cơ sở.

Cùng với đó, tập trung rà soát danh mục các dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đề xuất trong năm 2023 bảo đảm phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất còn lại của giai đoạn 2016-2020, giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Quy hoạch sử dụng đất của các huyện đã được UBND thành phố phê duyệt.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng:
Gắn với trách nhiệm của địa phương, cá nhân

Nhận thức rõ công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư là chìa khóa quyết định sự thành công của dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội nên huyện Thanh Oai xây dựng kế hoạch giải phóng mặt bằng bảo đảm đúng quy trình, luật định. Công khai, minh bạch các chế độ, chính sách đến người dân. Huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp với đề cao tuyên truyền và công tác dân vận.

Đặc biệt, sẽ gắn trách nhiệm của địa phương và cá nhân với công tác xác định nguồn gốc đất, kiểm kê tài sản trên đất, lập phương án, công khai, phê duyệt phương án, ban hành các văn bản chỉ đạo để quản lý tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng… Công khai, minh bạch các chứng thư định giá đất, trình tự, các bước thực hiện, thủ tục định giá đất để người dân và các cơ quan thực hiện giám sát.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thường Tín Phan Thanh Tùng:
Đẩy mạnh cải cách hành chính

Để các dự án đầu tư xây dựng bảo đảm tiến độ, cùng với sự quyết liệt chỉ đạo của huyện, sự đồng thuận, chung sức đồng lòng của người dân cũng góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Cùng với công khai, minh bạch việc bồi thường, tái định cư, huyện tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá tác động xã hội một cách thực chất, xác định nhu cầu tái định cư để có phương án sát với nguyện vọng và nhu cầu chính đáng người dân.

Ngoài ra, huyện cũng sẽ quan tâm đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai, nâng cao chất lượng quy hoạch và sử dụng đất để tránh phát sinh mâu thuẫn liên quan đến quyền lợi của người dân khi thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Bà Đỗ Thị Thuần, thôn Ngự Tiền, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh:
Công khai, minh bạch các phương án hỗ trợ, đền bù

Gia đình tôi là một trong những hộ dân đầu tiên của xã Thanh Lâm có đơn xin nhận tiền đền bù, giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trong đợt 1. Gia đình tôi có hơn 200m2 đất nông nghiệp nằm trong chỉ giới đường đỏ của dự án. Đến nay, gia đình tôi đã nhận xong tiền đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tuyến đường. Hiện 100% các hộ dân có đất trong diện giải phóng mặt bằng để phục vụ đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua đều đồng thuận, ký cam kết bàn giao mặt bằng theo đúng tiến độ; 100% các hộ đều có đơn xin nhận kinh phí hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng trong đợt 1. Điều đó cho thấy, nếu công khai, minh bạch các phương án hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng… chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận từ phía người dân.

Bà Nguyễn Thị Hồng, thôn An Trung, xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn:
Cần làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra

Từ khi có thông tin tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua huyện Sóc Sơn, nhân dân địa phương rất phấn khởi, quan tâm và mong tuyến đường sớm đưa vào sử dụng. Ngay sau khi có chủ trương của thành phố, huyện chỉ đạo các xã trên địa bàn tổ chức họp, thông tin, lấy ý kiến của người dân và nhân dân đồng thuận cao với chính sách đền bù, công tác đo đạc, cắm mốc chỉ giới. Để làm được điều đó, bên cạnh công tác tuyên truyền, công khai minh bạch phương án đền bù…, cần làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý, sử dụng đất đai, giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện nếu có của người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết dứt điểm vướng mắc ngay từ cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.