(HNM) - Huyện Phúc Thọ là địa phương duy nhất của TP Hà Nội không để xảy ra vụ việc phức tạp nào trong số 200 vụ việc được nêu trong Báo cáo số 102-BC/BTCTU của Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội...
Người dân huyện Phúc Thọ phát biểu trong cuộc đối thoại với lãnh đạo huyện. Ảnh: Ngọc Hà |
Bí quyết gần dân
Tại huyện Phúc Thọ, trước đây cũng từng xuất hiện những vụ việc phức tạp, trở thành “điểm nóng” gây xôn xao dư luận. Nổi lên là vụ việc một số người dân xã Liên Hiệp bắc bếp nấu cháo trong sân trụ sở UBND xã nhằm yêu cầu thực hiện kết luận của UBND huyện về giải quyết đơn tố cáo. Vụ việc diễn ra trong khoảng năm 2012-2014 dẫn đến việc hàng loạt đối tượng bị xử lý hình sự. Nhưng đây cũng là bài học kinh nghiệm quý cho cấp ủy, chính quyền Phúc Thọ về yêu cầu phải đổi mới phương thức lãnh đạo, nhất là trong mối quan hệ với nhân dân.
Năm 2014, huyện Phúc Thọ là địa phương đầu tiên của Hà Nội tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân theo Quyết định 218-QĐ/TƯ ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị ban hành “Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”. Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú cho biết, đối thoại trước tiên là giúp giải tỏa ngay những bức xúc của nhân dân, tạo mối quan hệ gần gũi, hiểu nhau và sẻ chia giữa người dân với cấp ủy, chính quyền. Theo đó, vào đầu năm huyện tổ chức đối thoại với nhân dân để cán bộ lãnh đạo nắm bắt những vấn đề cần giải quyết; cuối năm đối thoại để báo cáo rõ kết quả giải quyết, xử lý. Ngoài ra, đối thoại giúp cán bộ từ huyện đến cơ sở nắm được bức tranh toàn cảnh của địa bàn phụ trách, qua đó tham mưu hiệu quả giải quyết vấn đề phát sinh. “Cán bộ phải làm thật, chỉ đạo thật thì khi đối thoại mới nắm được để trả lời nhân dân” - đồng chí Hoàng Mạnh Phú nói.
Sau đối thoại, lãnh đạo huyện thường xuyên giao ban với các đơn vị liên quan để đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết kiến nghị của nhân dân. Nơi nào làm tốt thì không phải tham gia giao ban, nơi nào làm chưa tốt thì phải giao ban, yêu cầu báo cáo thường xuyên cho đến khi hoàn thành. Lãnh đạo huyện cũng không phó thác cho cấp dưới mà cùng hỗ trợ, tháo gỡ. Huyện chú trọng bố trí sắp xếp cán bộ, tập trung cho những địa bàn trọng điểm như tăng cường cán bộ cho xã Liên Hiệp... Những bức xúc của nhân dân được tập trung xử lý; sau khi giải quyết thì tuyên truyền để dân hiểu. Khi đã giải quyết xong bức xúc thì quan tâm chỉ đạo, động viên nhân dân phát triển kinh tế.
Đáng chú ý, từ năm 2017, khi tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, lãnh đạo huyện yêu cầu bí thư cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có đơn khiếu nại, tố cáo trực tiếp tiếp công dân cùng lãnh đạo huyện. Giải pháp “ba mặt một lời” này đã giúp đi thẳng vào gốc rễ của vấn đề, giải tỏa nhanh chóng những bức xúc, ngăn chặn phát sinh “điểm nóng”.
Tăng cường đối thoại
Làm tốt công tác đối thoại, giải quyết kịp thời các vướng mắc, giảm bức xúc trong nhân dân là tiền đề để huyện Phúc Thọ thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đời sống người dân. Từ một huyện đứng trong nhóm cuối thành phố về xây dựng nông thôn mới, Phúc Thọ từng bước vươn lên. Đến nay, 20/22 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, có khả năng sớm trở thành huyện nông thôn mới. Hai năm qua, huyện đều đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu phát triển đề ra cũng như được thành phố giao. Tăng trưởng kinh tế đều ở mức trên 9%.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đào Ngọc Triệu đánh giá, việc huyện Phúc Thọ xử lý những vấn đề nảy sinh thông qua đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân và tiếp công dân, giải quyết đơn thư với hình thức “ba mặt một lời” là giải pháp ai cũng mong muốn. Nếu ở đâu cũng làm được như vậy thì chất lượng giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm, ngăn chặn nguy cơ các vụ việc phức tạp trở thành “điểm nóng” sẽ được nâng cao. “Có những nơi, khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo xem xét qua loa rồi giao cho trưởng, phó các phòng chuyên môn giải quyết; trong khi không theo dõi, đôn đốc khiến người dân vừa cảm thấy bị thiếu tôn trọng, vừa không được giải thích thấu đáo. Bức xúc cứ theo đà nhân lên, dần dà thành “điểm nóng” - đồng chí Đào Ngọc Triệu phân tích.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, tiếp xúc, đối thoại thường xuyên, xây dựng mối liên hệ mật thiết với nhân dân, tạo đồng thuận xã hội là điều kiện quan trọng để bảo đảm sự phát triển bền vững. Đồng chí yêu cầu, cùng với huyện Phúc Thọ, cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu phải nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện nghiêm Quyết định số 2200-QĐ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội”.
Những gì huyện Phúc Thọ đạt được từ việc làm tốt công tác đối thoại, tiếp xúc với nhân dân là nguồn cổ vũ các địa phương khác cùng thực hiện, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.