(HNM) - Những ngày qua, tình hình ùn tắc giao thông ở Hà Nội diễn biến rất phức tạp, giao thông hết sức khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt hoạt động của thành phố và đời sống của nhân dân.
Ùn tắc giao thông, vấn đề đang được nhiều người quan tâm. Ảnh: Lê Tuấn |
Những nguyên nhân rất... cũ
Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng CSGT Đường bộ - đường sắt - CATP Hà Nội cho biết, trong Tháng An toàn giao thông (tháng 9-2011), trên địa bàn Hà Nội chỉ xảy ra 3 vụ ùn tắc giao thông lớn vào các ngày khai giảng năm học mới và do tai nạn giao thông. Tuy nhiên, bước vào tháng 10, khi Hà Nội bắt đầu triển khai biện pháp phân làn giao thông trên một số tuyến, tình trạng ùn tắc lại liên tục xảy ra. Đến mức, nhiều đoàn xe có còi đèn ưu tiên và được lực lượng cảnh sát hộ tống nhiều khi cũng chịu kẹt cứng...
Nguyên nhân của tình trạng này không mới. Giám đốc CATP Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh cho rằng, việc phân làn giao thông chưa hiệu quả trước tiên là do quá tải về phương tiện giao thông, trong khi quỹ đất dành cho giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu (mới chỉ ở mức 7-8% diện tích đô thị). Mặt đường hẹp, xe máy đông hơn ô tô nên khi phân làn, nhiều lúc xe máy tràn sang cả làn ô tô. Nguyên nhân thứ hai là do thực tế đường phố Hà Nội liên tục có giao cắt ngã ba, ngã tư, xung đột giao thông trực tiếp giữa mô tô, xe máy và ô tô thường xuyên xảy ra, khiến cho phân làn khó hiệu quả.
Nguyên nhân tiếp theo, vẫn chuyện muôn thủa là ý thức của người tham gia giao thông. Không chấp nhận lưu thông theo kiểu "xếp hàng", khi có dấu hiệu ùn ứ, người đi xe máy sẵn sàng luồn lách vào phần đường của ô tô hoặc leo lên vỉa hè. Người điều khiển ô tô cũng không vừa, sẵn sàng lấn phải để lách lên. Vì thế, giao thông hỗn loạn, ùn tắc càng nghiêm trọng. Trong khi đó, lực lượng tham gia chỉ huy, hướng dẫn giao thông còn mỏng, CSGT có khoảng 1.000 người, khoảng 500 thanh tra giao thông (Sở GT-VT).
Cần giải pháp đồng bộ và có lộ trình
Theo Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, nguyên nhân gây ùn tắc giao thông đã được tổng kết tại nhiều hội nghị, hội thảo và nhiều giải pháp nhằm giảm tình trạng ùn tắc giao thông được đề cập. Tuy nhiên, để giảm cơ bản tình trạng này còn phải đi nhiều bước dài, theo lộ trình cụ thể.
Thứ nhất, quỹ đất dành cho giao thông của Hà Nội cần phải được tăng cường, hướng tới việc đạt mức tiêu chuẩn 20-25% diện tích đô thị. TP phải giải quyết quỹ đất cho giao thông tĩnh, với việc xây dựng hàng loạt điểm đỗ xe công cộng ngầm hay trên cao, nhất là trong địa bàn các quận nội thành. Giải quyết điểm đỗ như kiểu hiện nay, kẻ vạch cho đỗ dưới lòng đường trên nhiều tuyến, chỉ là giải pháp tình thế, gây cản trở các phương tiện tham gia giao thông.
Làm tốt công tác quản lý vỉa hè, lòng đường cũng là một giải pháp góp phần giảm ùn tắc giao thông. Hiện nay, Hà Nội đã triển khai đề án xử lý các vi phạm TTATGT trên vỉa hè, lòng đường, song công tác này chưa đạt yêu cầu. CATP cho rằng, trách nhiệm chính thuộc về chính quyền các quận, huyện, phường, xã. Nếu chính quyền các cấp quyết tâm xử lý vấn đề này, cùng với sự phối hợp trách nhiệm của cơ quan CA, diện tích hạ tầng dành cho giao thông sẽ tăng thêm đáng kể.
Giải pháp thứ ba, cũng là chủ trương đã được Chính phủ nhấn mạnh là phải giảm lượng phương tiện cá nhân. Hiện nay mỗi tháng Hà Nội có hàng chục nghìn xe máy và hàng nghìn ô tô đăng ký mới. Vì thế, giảm số phương tiện là cần thiết. Tuy nhiên, Giám đốc CATP cho rằng, cần phải có lộ trình, đòi hỏi thời gian lâu dài, đi đôi với đó là tăng phương tiện giao thông công cộng. Ngoài ra, phương án thu phí phương tiện vào khu vực nội thành cũng phải được tính đến...
Người đứng đầu lực lượng Công an TP khẳng định: chống ùn tắc giao thông cần nhiều giải pháp đồng bộ và đòi hỏi lộ trình. Thêm nữa, để giải quyết vấn đề này, riêng lực lượng CA hay Sở GT-VT không làm được. Giao thông Hà Nội cần một chiến lược có tầm nhìn, bắt đầu triển khai từ bây giờ mà trước tiên là cần có sự thay đổi về ý thức của người tham gia giao thông và có sự tham gia, vào cuộc của nhiều lực lượng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.