Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp duy trì nguồn nhân lực vững nghề

Minh Vũ| 10/12/2022 06:31

(HNM) - Hiện, kỹ năng nghề được đánh giá là đơn vị tiền tệ mới trên thị trường lao động. Thế nên, đại đa số đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội đều quan tâm xây dựng, duy trì lực lượng nhân lực vững nghề. Trong đó, giải pháp quan trọng để có được lực lượng lao động vững nghề là bảo đảm quyền lợi về lương, thưởng, bảo hiểm xã hội, giúp họ yên tâm gắn bó, làm việc lâu dài.

Sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội tham gia lớp tập huấn về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, tháng 11-2022.

Người lao động yên tâm làm việc

Đối với đa số công việc, ngoài sự hiểu biết về nghề, người lao động cần có kinh nghiệm làm việc. Vì thế, đơn vị, doanh nghiệp nào có được lực lượng lao động gắn bó lâu dài, thạo việc, vững nghề là lợi thế lớn. Trong khi đó, sợi dây gắn kết giữa người lao động và người sử dụng lao động là yếu tố quyền lợi cho cả hai bên, do hai bên xây dựng, giữ gìn.

Theo Phó Trưởng phòng Nhân sự (Công ty TNHH Panasonic System Networks Việt Nam) Lê Thị Hòa, để người lao động thấy rõ quyền lợi trong quá trình làm việc, ngoài tiền lương, thưởng, Công ty TNHH Panasonic System Networks Việt Nam còn tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho 100% người lao động. Điều này giúp người lao động được hưởng các chế độ ngắn hạn trong quá trình làm việc, hưởng chế độ hưu trí khi hết tuổi lao động và có cơ hội tiếp cận với chính sách hỗ trợ an sinh. Gần đây, 100% người lao động của công ty được hỗ trợ khó khăn từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, hơn 1.000 người được hỗ trợ tiền thuê nhà… “Việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội là yếu tố giữ vai trò quyết định giúp chúng tôi có được hơn 2.000 lao động yên tâm làm việc”, bà Lê Thị Hòa khẳng định.

Tương tự, Công ty TNHH Canon Việt Nam cũng chú trọng việc giữ chân người lao động bằng cách bảo đảm quyền lợi chính đáng cho họ. Chị Nguyễn Thị Lan, có hơn 6 năm làm việc tại công ty chia sẻ: “Công việc mà chúng tôi đang làm đã mang lại thu nhập ổn định, lại được tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ, nên rất hiếm người xin thôi việc”.

Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Nguyễn Bá Lực cho biết: “Qua khảo sát về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội tại nhiều đơn vị, doanh nghiệp cho thấy, đa số đơn vị nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội thì không có đủ nhân lực để triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh”.

Về vấn đề này, Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng 121 - Cienco1 Đặng Trần Dũng cho biết, do đơn vị nợ bảo hiểm xã hội trong thời gian dài nên hiện chỉ còn vài người ở lại. Việc thiếu nhân lực biết nghề, khiến công ty đã khó khăn lại càng thêm khó khăn.

Chú trọng nâng cao nhận thức

Để người lao động nắm rõ quyền lợi về bảo hiểm xã hội, việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này được các cơ quan chức năng chú trọng triển khai.

Với nhóm lao động chuẩn bị bước vào thị trường lao động, họ được tìm hiểu về chính sách thông qua các chương trình đào tạo chính khóa, ngoại khóa, các lớp tập huấn chuyên đề. Sinh viên Nguyễn Hoàng Huy, Khoa Công nghệ ô tô (Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội) cho hay: “Tham gia lớp tập huấn về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội vào tháng 11-2022, chúng em hiểu rõ, khi có giao kết hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm, nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Là đối tượng lao động có kỹ năng nghề, cơ hội việc làm rộng mở, chúng em sẽ chọn làm việc tại những doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy định về bảo hiểm xã hội”.

Đối với lực lượng lao động đã tham gia vào thị trường lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội các quận, huyện, thị xã phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, tổ chức Công đoàn vừa đưa chính sách đến với họ qua nhiều kênh thông tin, vừa tổ chức đối thoại thường xuyên để các bên tăng sự thấu hiểu, cùng tháo gỡ khó khăn. Thông qua đối thoại, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã ý thức rõ hơn về trách nhiệm bảo đảm quyền lợi cho người lao động, chủ động khắc phục tình trạng chậm đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội. Chị H.T.N, làm việc tại Công ty cổ phần Công nghệ thương mại GIGA1 chia sẻ: “Ngay sau khi công ty khắc phục toàn bộ 6 tỷ đồng tiền nợ bảo hiểm xã hội vào quý III-2022, tôi quyết định ở lại, thay vì nộp đơn xin nghỉ việc”.

Theo Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Vũ Đức Thuật, việc tuân thủ quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội mang lại lợi ích cho nhiều phía, trực tiếp là người lao động và người sử dụng lao động. Trong đó, người sử dụng lao động được ưu tiên tham gia đấu thầu, triển khai các dự án trên địa bàn Hà Nội…

Còn Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho rằng, các đơn vị, doanh nghiệp bảo đảm quyền lợi về bảo hiểm xã hội cho người lao động là yếu tố quan trọng để thị trường lao động ở Thủ đô ít gặp biến động. Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn thành phố chỉ có hơn 65.000 người hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp trong tổng số gần 2 triệu người đang tham gia bảo hiểm xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp duy trì nguồn nhân lực vững nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.