(HNM) - Đến nay, đảng bộ các quận, huyện, thị xã đã và đang kiện toàn lại hệ thống chính trị ở cơ sở theo hướng sắp xếp chi bộ Đảng theo thôn, tổ dân phố, trên cơ sở đó sắp xếp đồng bộ ban công tác Mặt trận, các đoàn thể chính trị xã hội.
Tại nhiều địa phương, sau khi kiện toàn lại đã thu được nhiều kết quả tích cực, đơn cử như huyện Thanh Oai, sau khi sắp xếp lại đã thống nhất giải thể mô hình chi bộ xóm, số chi bộ trực thuộc đảng bộ xã, thị trấn giảm từ 144 chi bộ xuống còn 120 chi bộ. Điểm nổi bật, sau khi sắp xếp lại các chi bộ theo thôn là bảo đảm được vai trò lãnh đạo toàn diện của chi bộ đối với mọi hoạt động ở cơ sở, nhất là trong các việc chung của thôn làng như xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng làng văn hóa, vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới… Tuy nhiên, sau khi kiện toàn lại cũng gặp những khó khăn. Nổi lên là nhiều chi bộ số lượng đảng viên quá đông, ngay tại huyện Thanh Oai, có thôn sau khi sắp xếp lại từ 5 chi bộ hợp nhất thành 1 chi bộ với hơn 140 đảng viên, ngoài ra không ít chi bộ có từ 50 đến 100 đảng viên. Số lượng đảng viên đông dẫn đến nhiều hạn chế về chất lượng sinh hoạt chi bộ, việc phân công, đánh giá đảng viên. Do trong một buổi sinh hoạt số lượng đảng viên phát biểu ý kiến có khi chỉ chiếm 10% tổng số đảng viên nên khi chi bộ bàn đến những vấn đề khó, phức tạp thì khó huy động hết được trí tuệ tập thể, tạo sự đồng thuận cao…
Vấn đề tưởng chừng khó giải quyết trên, Huyện ủy Thanh Oai đã có cách tháo gỡ phù hợp, thông qua việc nâng cao vai trò của chi ủy và các tổ Đảng. Nội dung các buổi sinh hoạt chi bộ được đổi mới theo hướng trước hết, ban chi ủy họp chuẩn bị kỹ, sau đó hướng dẫn các đồng chí tổ trưởng tổ Đảng tổ chức sinh hoạt lấy ý kiến của đảng viên trong tổ có sự tham dự của đại diện cấp ủy giải đáp và định hướng xin ý kiến đóng góp của đảng viên về các nội dung trọng tâm. Trên cơ sở đó, tại buổi sinh hoạt chi bộ, các tổ trưởng tổ đảng sẽ báo cáo tổng hợp ý kiến của đảng viên, ngoài ra, các đảng viên trong chi bộ có ý kiến khác, ý kiến mới tiếp tục phát biểu. Như vậy, dù chi bộ đông đảng viên nhưng chất lượng sinh hoạt vẫn được bảo đảm.
Những chi bộ có số lượng đảng viên lớn của Thanh Oai đã tổ chức sinh hoạt chi bộ theo hình thức trên được đông đảo đảng viên đồng tình ủng hộ. Dù phải mất thời gian hơn trước, nhưng các đảng viên đều nắm chắc tình hình chi bộ, các ý kiến đóng góp được ghi nhận. Tuy vậy, cái khó vẫn chưa hết, mà riêng Đảng bộ huyện Thanh Oai không thể tháo gỡ được đó là kinh phí, chế độ. Đối với các chi bộ đông đảng viên lại là chi bộ nông thôn thì phần kinh phí được trích lại chưa đủ chi cho việc trà nước các buổi họp tổ Đảng đến sinh hoạt chi bộ và tài liệu. Rồi trách nhiệm của bí thư, phó bí thư, ban chi ủy cũng nặng hơn nhiều so với các chi bộ có ít đảng viên nên cũng cần có chế độ phù hợp, đó là vấn đề cần cấp trên xem xét giải quyết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.