(HNM) - Bảo vệ nguồn lợi thủy sản có ý nghĩa quan trọng đối với quốc gia ven biển và có nhiều sông, hồ như Việt Nam. Việc này càng nhiều ý nghĩa hơn trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), cũng như phải đối mặt với hệ sinh thái đang bị suy giảm nghiêm trọng… Vậy, đâu là giải pháp để bảo vệ nguồn lợi thủy sản?
Nguồn lợi thủy sản đang cạn kiệt
Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong triển khai các khuyến nghị của EC về việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp... Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong việc quản lý tàu cá, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Theo ông Nguyễn Khắc Bát, Viện Nghiên cứu hải sản (Bộ NN&PTNT), số lượng tàu cá khai thác thủy sản ở các tỉnh, thành phố nhiều, nhưng chưa kiểm soát được cường lực khai thác so với khả năng cho phép, dẫn đến nguy cơ làm cạn kiệt nguồn lợi vùng ven biển.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Hữu Giang cho biết, hiện nay tại vùng biển của tỉnh đang xảy ra tình trạng khai thác thủy sản quá mức. Ngư dân lén lút sử dụng chất nổ, xung điện…, để khai thác thủy sản tại những vùng cấm, phá hủy môi trường thủy sinh. Từ năm 2017 đến nay, Quảng Ninh đã kiểm tra, xử lý 4.177 vụ vi phạm.
Là thành phố có nhiều sông hồ, Hà Nội cũng phải đối mặt với hàng loạt vấn đề trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Tạ Văn Sơn cho biết, Hà Nội có nguồn thủy sản tự nhiên khá phong phú trên hệ thống các sông như: Sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Tích, sông Bùi... và hiện tại, vùng ngoại thành có hơn 9.000ha ruộng trũng, kênh, mương thủy lợi... Tuy nhiên, những năm gần đây, các loài thủy sản sống trong tự nhiên đang suy giảm nghiêm trọng.
Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT) Lê Trần Nguyên Hùng cho biết, một số địa phương chưa quan tâm đến công tác bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản. Mặt khác, các tỉnh, thành phố thiếu chính sách hỗ trợ người dân chuyển từ các nghề trực tiếp xâm hại môi trường sang các nghề thân thiện với môi trường, đặc biệt là sinh kế bền vững cho cộng đồng ngư dân sống trong và xung quanh khu bảo tồn biển. Thêm nữa, ý thức của người dân còn thấp, vẫn khai thác thủy sản theo hình thức tận diệt... Đối với Hà Nội, môi trường nước bị ô nhiễm bởi các loại nước thải, các loại thuốc, hóa chất sử dụng trong nông nghiệp đã tác động xấu tới sự phát triển của các loài thủy sản tự nhiên trực tiếp làm suy giảm nguồn lợi thủy sản.
Cách nào tái tạo nguồn lợi thủy sản?
Từ những vấn đề nêu trên, có thể thấy việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản có nhiều ý nghĩa, trước mắt là giải quyết câu chuyện “thẻ vàng” của EC, là phát triển nghề cá bền vững của một quốc gia biển và có đa dạng sinh học xếp vào loại cao của thế giới. Câu hỏi đặt ra là, phải bảo vệ nguồn lợi thủy sản từ đâu và bằng cách nào?
Với các tỉnh ven biển, có rất nhiều ý kiến nhưng tựu trung như nhận định của Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận Huỳnh Quang Huy: Trước hết là cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; tổ chức cho ngư dân ký cam kết tuân thủ quy định pháp luật trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; nâng cao năng lực giám sát và xử lý các hành vi vi phạm. Cùng với đó là kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức tiếp tục thả bổ sung các loài thủy sản có giá trị kinh tế, giá trị khoa học về với tự nhiên, từng bước xã hội hóa công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản...
Với Hà Nội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng thông tin: Để tái tạo nguồn lợi thủy sản, những năm qua, Hà Nội đều tiến hành các hoạt động như: Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản trên các hệ thống sông, hồ (lượng cá giống được thả từ 1 đến 2 tấn/năm)... Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sống, ngành Nông nghiệp Hà Nội còn phối hợp với các địa phương xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm...
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, để thực hiện có hiệu quả việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản 2017 hướng đến phát triển nghề cá một cách bền vững... Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố nghiên cứu xây dựng chính sách về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tổ chức cho ngư dân ký cam kết tuân thủ quy định pháp luật trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; chủ cơ sở thu mua, chế biến, kinh doanh thủy sản ký cam kết không buôn bán, nuôi nhốt các loài thủy sinh nguy cấp, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng. Mặt khác là quản lý chặt chẽ số lượng tàu cá hoạt động, hạn chế việc khai thác gần bờ ảnh hưởng tới môi trường biển.
Ở góc độ của người nuôi trồng thủy sản, theo Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Đồng Tâm, xã Phú Đông (huyện Ba Vì) Chu Văn Hồng, nhà nước cần nhân rộng các mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; các ngành chức năng thường xuyên tổ chức các hoạt động làm sạch nguồn nước, làm sạch môi trường, góp phần cân bằng hệ sinh thái ở các sông, hồ, vùng biển. Việc này không chỉ cung cấp một phần nguồn thủy sản có giá trị dinh dưỡng cao, sạch, an toàn mà còn góp phần nâng cao sinh kế cho người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.