Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài mới đạt 7,53%

Hương Thủy| 11/06/2021 14:59

(HNMO) - Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ 5 tháng đầu năm 2021 do Bộ Tài chính tổ chức ngày 11-6.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Tạp chí Điện tử tài chính.

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Tổng dự toán vốn nước ngoài được giao từ nguồn ngân sách trung ương theo Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 21-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 cho các bộ, ngành là 16.636,75 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 31-5-2021, tỷ lệ nhập dự toán trên hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) chi tiết theo dự án so với kế hoạch vốn nước ngoài được giao của các bộ, ngành đạt 72,55% (12.069,87 tỷ đồng).

Tính đến hết ngày 10-6-2021, số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 nguồn nước ngoài của các bộ, ngành là 1.253 tỷ đồng, đạt 7,53% so với dự toán được giao. Đặc biệt, mới có 5/13 bộ, ngành giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài năm 2021.

Hiện, các bộ, ngành vẫn giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài theo kế hoạch vốn năm 2020. Từ ngày 1-1 đến 10-6-2021, tổng số giải ngân theo kế hoạch vốn năm 2020 của các bộ, ngành là 2.187,7 tỷ đồng (gần gấp đôi số giải ngân theo kế hoạch vốn năm 2021). 

Cũng tính đến thời điểm trên, Bộ Tài chính mới chỉ nhận được 129 công văn đề nghị rút vốn, đã xử lý 129 đơn rút vốn với thời gian xử lý đơn rút vốn bình quân là 1,5 ngày.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành đã báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài trong 5 tháng đầu năm 2021 và nêu các nguyên nhân, vướng mắc dẫn đến tình trạng chậm giải ngân nguồn vốn này.

Theo đó, nguyên nhân là tác động của dịch Covid-19; dự án thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay với các nội dung như gia hạn thực hiện, thời gian giải ngân, sử dụng vốn dư, điều chỉnh chủ đầu tư. Ngoài ra, còn có nguyên nhân dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, thậm chí chưa hoàn thành thủ tục đàm phán hoặc chưa ký hiệp định vay nhưng đã được bố trí vốn; dự án đã đề xuất dừng triển khai nhưng vẫn được bố trí dự toán, sẽ phải hủy dự toán; dự án đã được bố trí vốn, đã hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng chậm triển khai các công tác sẵn sàng cho đầu tư như chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư; chưa hoàn tất thiết kế cơ sở (chủ yếu là các dự án giao thông)...

Để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân năm 2021, theo Bộ Tài chính, đòi hỏi có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt của toàn thể hệ thống chính trị. Đối với các vấn đề phát sinh thuộc phạm vi trách nhiệm, Bộ Tài chính đã và sẽ tiếp tục chủ động phối hợp triển khai các biện pháp để giải quyết.

Bộ Tài chính mong muốn các bộ, ngành với tư cách là cơ quan chủ quản, theo dõi sát sao và chỉ đạo kịp thời các chủ dự án giải quyết các vướng mắc nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân năm 2021.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài mới đạt 7,53%

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.