(HNM) - Năm 2020 đã ghi nhận những thành tích đáng khích lệ trong giải ngân vốn đầu tư công, với kết quả cao hơn hẳn các năm trước. Đó cũng là dấu ấn của công tác chỉ đạo, điều hành đầy trách nhiệm và quyết tâm của Chính phủ, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đây là bài học quý giá để phát huy, với tinh thần tập trung, quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2021 và hướng tới kết quả cao nhất.
Chủ động triển khai
Thông tin mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2020, cả nước đã giải ngân hơn 452.418 tỷ đồng vốn đầu tư công, bằng 97% kế hoạch, mức cao nhất trong nhiều năm gần đây. Trong 2 tháng đầu năm 2021, mức giải ngân bằng 5,09% kế hoạch (kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 là 461.300 tỷ đồng). Mặc dù kết quả này thấp hơn mức 7,38% của cùng kỳ năm 2020, song theo Bộ Tài chính, nguyên nhân là trong tháng 1 và 2-2021, các bộ, ngành, địa phương tập trung vào công tác phân bổ vốn, lại có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tình hình vẫn đang trên đà chuyển biến theo hướng tích cực và sẽ khả quan hơn trong thời gian tới, khi nhiều dự án quan trọng, có số vốn lớn đang đồng loạt triển khai, như đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Mai Sơn - quốc lộ 45 hay Cảng hàng không quốc tế Long Thành...
Về công tác phân bổ vốn, Bộ Tài chính cho biết, đến hết tháng 2-2021, đã có gần 435.000 tỷ đồng vốn đầu tư công được phân bổ, đạt 94,29% kế hoạch. Trong đó, những bộ, ngành có dự án quan trọng, số vốn lớn đã triển khai từ sớm. Đơn cử, Bộ Giao thông - Vận tải đã phân bổ 85% trong số vốn được giao khoảng 43.000 tỷ đồng. Ở khối địa phương, 63/63 tỉnh, thành phố đồng loạt triển khai phân bổ vốn, đạt tỷ lệ 99,96% vốn giao. Qua đó cho thấy, việc giao vốn sớm là một bước tiến bộ hơn hẳn các năm trước, tạo tiền đề thuận lợi cho các dự án triển khai nhanh, sớm có khối lượng để giải ngân.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, nhìn chung các đơn vị chủ động xây dựng ngay kế hoạch giải ngân theo từng tháng, từng quý để theo dõi thực hiện. Đó là cách làm quyết liệt và sâu sát hơn, cũng là căn cứ để “soi” trách nhiệm, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng lãnh đạo, tổ chức, cá nhân. Chính phủ cũng thống nhất thành lập tổ công tác đặc biệt để rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Vào cuộc đồng bộ
Để tăng tốc giải ngân, hướng tới kết quả cao nhất cần nhiều điều kiện, trong đó phụ thuộc lớn vào yếu tố chủ quan. Theo các chuyên gia, vẫn cần thực hiện một số giải pháp đã có tác dụng để thúc đẩy đầu tư công, như rà soát, kiên quyết điều chuyển vốn từ dự án triển khai chậm sang dự án có khả năng giải ngân cao; rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục thanh toán; tăng cường phối hợp giữa chủ đầu tư với nhà thầu, chính quyền địa phương; có cơ chế phù hợp, khuyến khích ứng vốn trong giải phóng mặt bằng...
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, không nên có tư duy “cào bằng” trong phân bổ nguồn vốn đầu tư công, mà cần tập trung vào những lĩnh vực quan trọng, có tác dụng trên diện rộng hoặc tạo sức lan tỏa, từ đó phát huy tối đa nguồn vốn. Ngoài ra, cần kết hợp với nguồn lực xã hội để giảm gánh nặng ngân sách.
Còn theo Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), việc các bộ, ngành, địa phương sớm phân bổ vốn đầu tư là điều kiện thuận lợi để các đơn vị chủ động triển khai dự án. Bên cạnh đó, vấn đề giải ngân năm 2021 sẽ kế thừa được nhiều bài học kinh nghiệm của năm 2020, từ trách nhiệm người đứng đầu đến rà soát, chỉ đưa vào kế hoạch những dự án đủ điều kiện thi công.
“Hơn nữa, cần có cách nhìn nghiêm túc về việc đề xuất cấp vốn cũng như phân bổ vốn, bởi xét về tâm lý thì hầu hết địa phương, đơn vị đều muốn được cấp càng nhiều vốn càng tốt. Vì vậy, cấp có thẩm quyền cần cân nhắc kỹ về sự cần thiết, tầm quan trọng, hiệu quả kinh tế - xã hội để lựa chọn dự án xứng đáng”, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh nói.
Tinh thần quyết liệt cũng được Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ngay trong phiên họp Thường trực Chính phủ đầu năm Tân Sửu 2021. Đó là yêu cầu vào cuộc đồng bộ, kịp thời ngay từ đầu năm, tránh tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”. Bởi như người đứng đầu Chính phủ từng nhận xét, với cùng một quy định, cơ chế mà có nơi làm tốt, nơi làm chưa tốt cho thấy rõ trách nhiệm, sự quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ của các địa phương, đơn vị...
Với tinh thần đó, tin tưởng năm 2021 sẽ tiếp tục đánh dấu sự bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công.
Hai tháng đầu năm 2021, thành phố Hà Nội đã khẩn trương hoàn thành thủ tục phê duyệt thiết kế, đấu thầu, kiểm soát tiến độ từng dự án đầu tư công, chủ động lập kế hoạch giải ngân theo từng quý, từng tháng. Nhờ đó, Hà Nội đã thực hiện 5.300 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 10,4% kế hoạch vốn năm 2021...
Tại hội nghị trực tuyến giao ban thường kỳ tháng 2-2021, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu các đơn vị, địa phương bảo đảm tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ theo chương trình công tác đề ra từ đầu năm 2021, trong đó thúc đẩy đầu tư công, chú trọng kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và vốn ODA...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.