(HNM) - Giải ngân vốn đầu tư công được coi là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong quý I-2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của nước ta ở mức thấp. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm đạt kế hoạch được giao.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 13,17%
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong quý I-2021 đạt hơn 60.749 tỷ đồng, bằng 13,17% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và chỉ nhỉnh hơn một chút so với cùng kỳ năm 2020. Đáng lưu ý, nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới 10%, thậm chí chưa giải ngân. Trong khi đó, một số đơn vị, địa phương có mức giải ngân khá, như tỉnh Thái Bình đạt 43,24%, Bắc Ninh đạt 30,2%, Hưng Yên đạt 28,67%...
Bộ Giao thông - Vận tải, đơn vị có số vốn đầu tư công lớn, gần 43.000 tỷ đồng, hết quý I-2021 đã giải ngân gần 6.000 tỷ đồng, bằng 16% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2020. Tuy cao hơn tỷ lệ chung, song Bộ Giao thông - Vận tải đánh giá, con số giải ngân trên chưa đáp ứng yêu cầu.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) Lê Tuấn Anh, nguyên nhân của tình trạng trên là trong các tháng đầu năm, nhiều bộ, ngành, địa phương tập trung giải ngân nốt nguồn vốn năm 2020 song song với việc giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 nên tỷ lệ giải ngân đầu năm 2021 còn thấp. Một số dự án lớn phải điều chỉnh thủ tục đầu tư hoặc xây dựng kế hoạch đấu thầu, kế hoạch thi công… nên chưa có khối lượng thanh toán. Và nguyên nhân quan trọng hơn cả là công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc về đơn giá, phương án đền bù, di dời các công trình công cộng…
Chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong quý I-2021 ở mức thấp là “điệp khúc” thường thấy, bởi các dự án mới phải mất thời gian hoàn tất thủ tục trước khi triển khai. Đây cũng là thời điểm Tết Nguyên đán có kỳ nghỉ dài, lại thêm ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhìn nhận, kết quả trên gây áp lực rất lớn cho mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công thời gian tới, nếu không có những giải pháp hữu hiệu, kịp thời đẩy nhanh tốc độ thực hiện dự án.
Đề cao vai trò người đứng đầu
Hiện, một số địa phương có dự án lớn triển khai đang tập trung giải quyết vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, Bộ Giao thông - Vận tải đã tổ chức các đoàn công tác về nhiều địa phương phối hợp giải quyết khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án. Kinh nghiệm từ những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công lớn là các ban quản lý dự án tăng cường làm việc, chia sẻ thông tin và bàn biện pháp giải quyết các vấn đề nảy sinh với chính quyền địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ.
Ngoài ra, tiến độ triển khai dự án được gắn với việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi đơn vị và người đứng đầu. Lãnh đạo địa phương thường xuyên giao ban với chủ đầu tư, kiểm tra hiện trường, lập tổ công tác chuyên trách giải phóng mặt bằng. Thậm chí, lãnh đạo UBND cấp tỉnh trực tiếp làm tổ trưởng tổ công tác để xử lý ngay công việc phát sinh.
Bên cạnh các giải pháp đang thực hiện, các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng kịch bản điều hành giải ngân vốn đầu tư công cho từng quý để đôn đốc. Cụ thể: Quý II-2021 hoàn thành giải ngân các dự án được phép kéo dài vốn đầu tư công năm 2020 sang; quý III-2021 giải ngân 80% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 và các dự án chuyển tiếp có kế hoạch hoàn thành trong năm 2021, hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án khởi công mới; quý IV-2021 phấn đấu giải ngân 90% kế hoạch vốn năm 2021 được giao.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, các quy định và yêu cầu kế hoạch đặt ra đều rõ ràng, vì vậy vấn đề còn lại là ý chí, quyết tâm của mỗi đơn vị. Chính phủ cũng nhiều lần nêu câu hỏi, vì sao cùng một quy định, cơ chế như nhau nhưng có nơi đạt kết quả giải ngân cao, nơi khác lại thấp?
Cùng quan điểm, GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, tránh tâm lý chủ quan, tận dụng thời gian để tăng tốc thực hiện dự án. Bên cạnh đó, cũng nên nghiên cứu, tìm cách làm linh hoạt để tạo bước đột phá, đồng thời kiên quyết điều chuyển vốn từ dự án chậm giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân tốt. Còn chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh quan điểm, cần tiếp tục quy trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, bộ, ngành, địa phương trong công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Để thúc tiến độ giải ngân, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành chủ trì xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 khẩn trương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và đề xuất phương án bố trí vốn năm 2021 để phân bổ cho các địa phương thực hiện.
Tại Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16-4-2021 phiên họp triển khai công việc của Chính phủ sau khi được kiện toàn tại kỳ họp thứ mười một, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các bộ, cơ quan, địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch; trong đó tập trung đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tổng kết, đánh giá công tác giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua, xác định rõ những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; đề xuất giải pháp đồng bộ, khả thi, hiệu quả để khắc phục, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất; đồng thời bảo đảm mục tiêu, chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.